“Cứu” gần 3.000 doanh nghiệp FDI “đang sống phải chết”
Nếu dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, thì từ ngày 1/8 tới, gần 3.000 doanh nghiệp FDI gần hết thời hạn giấy phép hoạt động tại Việt Nam sẽ “được sống lại”.
Sáng nay 25/5, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày với Quốc hội Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp.
Hàng nghìn doanh nghiệp FDI mong muốn đầu tư tại Việt Nam
(ảnh minh họa).
Hàng nghìn doanh nghiệp FDI ngồi trên “đống lửa”
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 31/5/2013, có 2.916 doanh nghiệp trong tổng số 6.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được thành lập theo Luật Đầu tư nước ngoài trước đây chưa thực hiện thủ tục đăng ký lại để hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005.
Trong số các doanh nghiệp nêu trên, có 41 doanh nghiệp sẽ hết thời hạn hoạt động từ ngày 31/5/2013; số lượng còn lại là các doanh nghiệp chưa hết thời hạn hoạt động, nhưng có khả năng bổ sung, mở rộng ngành nghề kinh doanh.
Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch đầu tư cũng cho biết: Trong các năm 2014 – 2015, số lượng doanh nghiệp hết thời hạn hoạt động sẽ tăng đáng kể (đến 31/12/2014 là 142 doanh nghiệp và đến 31/12/2015 là 269 doanh nghiệp). Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp nêu trên, tính đến 31/5/2013 là 18,5 tỷ USD với số lượng lao động sử dụng 446.000 người. Phần lớn các doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.
Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc doanh nghiệp không thực hiện thủ tục đăng ký, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là do một số doanh nghiệp muốn tiếp tục duy trì mô hình hoạt động cũng như phương thức quản lý đã tồn tại ổn định trong nhiều năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này không lường trước được việc không được phép gia hạn hoạt động hoặc bổ sung ngành nghề kinh doanh nếu không đăng ký lại trong thời hạn quy định.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp không đạt được nhất trí giữa các Bên liên doanh trong việc thực hiện thủ tục đăng ký lại vì theo Điều lệ doanh nghiệp, việc gia hạn hoặc tổ chức lại doanh nghiệp phải thực hiện theo nguyên tắc nhất trí phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư nước ngoài trước đây.
Video đang HOT
Do đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì việc không thực hiện thủ tục đăng ký lại của doanh nghiệp có vốn FDI đã làm phát sinh nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như công tác quản lý nhà nước.
Thứ nhất, trước năm 2003 Giấy phép đầu tư quy định thời hạn hoạt động của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN phổ biến là 20 năm phù hợp với Luật Đầu tư nước ngoài tại thời điểm đó. Sau khi kết thúc thời hạn nêu trên, một số doanh nghiệp nhận thấy thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng nên muốn tiếp tục duy trì hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, do không lựa chọn thực hiện thủ tục đăng ký lại trong thời hạn quy định nên các doanh nghiệp đang phải xem xét chấm dứt hoạt động.
Thứ hai, theo quy định tại Điều 170, những doanh nghiệp không thực hiện thủ tục đăng ký lại sẽ không được phép điều chỉnh, bổ sung ngành nghề kinh doanh khác với ngành nghề đã được quy định tại Giấy phép đầu tư. Quy định này không tạo điều kiện để các doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng trong các lĩnh vực và địa bàn khuyến khích đầu tư. Hiện nay, một số doanh nghiệp phải tái cơ cấu hoạt động nhằm giải quyết khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhưng do không đăng ký lại nên không thể điều chỉnh ngành nghề kinh doanh để thực hiện mục tiêu nêu trên.
Tạo làn sóng FDI mới vào Việt Nam
Nhận thấy những bất cập trên, Chính phủ đã trình Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp để Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này. Theo Chính phủ, việc sửa đổi Điều 170 Luật Doanh nghiệp là nhằm giải quyết vướng mắc cho không chỉ những doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động, mà còn tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp chưa hết hạn hoạt động có thể điều chỉnh, bổ sung ngành nghề hoặc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Đây cũng chính là vấn đề có thể giải quyết và mang lại hiệu quả ngay cho các doanh nghiệp có vốn FDI cũng như hoạt động thu hút đầu tư.
Theo báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi Điều 170 của Luật doanh nghiệp do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu thì đa số thành viên Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Khoản 2, Điều 170 của Luật doanh nghiệp như Tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Giàu thì trong Ủy ban Kinh tế vẫn có ý kiến đề nghị làm rõ có bao nhiêu doanh nghiệp hết thời hạn hoạt động ghi trong Giấy phép đầu tư đề nghị được cho đăng ký lại; bao nhiêu doanh nghiệp chưa hết thời hạn ghi trong giấy phép đề nghị được bổ sung, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
Một số ý kiến khác cho rằng, nội dung này đã được sửa đổi, gia hạn thời gian 1 lần năm 2009, nay tiếp tục sửa đổi sẽ không thể hiện được tính tôn nghiêm pháp luật. Dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) cũng đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7, do vậy, chưa cần thiết phải sửa đổi riêng Điều 170 của Luật này.
Ngoài ra, về nội dung sửa đổi Khoản 2, Điều 170 của Luật doanh nghiệp, một số ý kiến cũng cho rằng cần quy định rõ trường hợp ưu đãi đầu tư doanh nghiệp đang được hưởng cao hơn so với việc áp dụng theo quy định của pháp luật tại thời điểm điều chỉnh, doanh nghiệp tiếp tục được hưởng ưu đãi đầu tư đó đến hết hiệu lực của Giấy phép đầu tư.
Ngược lại, có ý kiến cho rằng, trường hợp doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động ghi trong Giấy phép đầu tư nhưng thực tế vẫn hoạt động, vẫn thực hiện các giao dịch, ký kết các hợp đồng thì cần bổ sung quy định về hiệu lực hồi tố để tránh các hệ quả pháp lý phát sinh. Và theo một số ý kiến khác, cơ quan làm luật cần rà soát cụ thể và chỉ cho phép doanh nghiệp đăng ký lại hoặc mở rộng ngành nghề nếu hoạt động đầu tư không vi phạm pháp luật (về bảo vệ môi trường, về thực hiện nghĩa vụ thuế…), phù hợp với quy hoạch, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Nhà nước Việt Nam. Trong trường hợp này Chính phủ cần quy định cụ thể.
Còn nhớ, tại hội nghị 25 năm thu hút FDI do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM phàn nàn về thời hạn đăng ký lại đối với doanh nghiệp FDI của Luật Doanh nghiệp khiến nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Ông Hà nói: “Bất cập này khiến doanh nghiệp đang sống phải chết, muốn mở rộng đầu tư lại vướng mắc”.
Như vậy, nếu dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8 tới, những vướng mắc trên của hàng nghìn doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam sẽ được tháo gỡ.
Theo Dự thảo Luật, Chính phủ đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 170 Luật Doanh nghiệp theo hướng:
- Điểm a Khoản 2 được sửa đổi theo hướng bãi bỏ thời hạn đăng ký lại của Doanh nghiệp có vốn FDI để cho phép các doanh nghiệp được lựa chọn không đăng ký lại hoặc đăng ký lại tại thời điểm thích hợp đối với doanh nghiệp. Nội dung sửa đổi này nhằm đảm bảo quyền tự chủ của doanh nghiệp trong việc quyết định phương thức tổ chức quản lý và hoạt động kinh doanh. -Điểm b khoản 2 được sửa đổi theo hướng cho phép doanh nghiệp không đăng ký lại tiếp tục hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Điều lệ doanh nghiệp; đối với những nội dung không được quy định tại Giấy phép đầu tư, Điều lệ doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; trường hợp điều chỉnh, bổ sung Giấy phép đầu tư, Điều lệ doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm điều chỉnh.
Theo Dantri
Chính phủ quyết tâm giữ kinh tế ổn định
Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng sức mua, đẩy nhanh tiêu thụ hàng hóa nhưng không làm bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát cao trở lại là một trong những mục tiêu mà Chính phủ đề ra trong báo cáo sẽ được Phó Thủ tướng Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại kỳ họp Quốc hội khai mạc sáng nay (20/5).
Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước luôn là chủ đề quan tâm của đại biểu Quốc hội và thu hút được sự chú ý của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước. Tại kỳ họp này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ báo cáo trước Quốc hội Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.
Theo đó, về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2012, so với ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 đã có thêm 1 chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch là giảm tỷ lệ hộ nghèo. Như vậy, trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch, có 11 chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt, còn 4 chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP); tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP; chỉ tiêu tạo việc làm và tỷ lệ che phủ rừng.
Trong khi đó, 4 tháng đầu năm 2013, tăng trưởng kinh tế Quý 1 đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm trước. Lạm phát được kiềm chế, giá cả thị trường khá ổn định... Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ẩn chứa nhiều rủi ro gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Báo cáo cũng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các giải pháp, chính sách đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ là: Ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để tăng tổng cầu cho nền kinh tế; Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng sức mua, đẩy nhanh tiêu thụ hàng hóa nhưng không làm bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát cao trở lại; Bảo đảm an sinh xã hội, giảm tai nạn giao thông và thực hiện tốt các biện pháp thông tin tuyên truyền.
Không làm bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát cao trở lại là một trong những mục tiêu được Chính phủ đề ra cho những tháng còn lại của năm 2013
Theo Chương trình kỳ họp, với khoảng thời gian làm việc là 26,5 ngày, Quốc hội sẽ tập trung xem xét, thảo luận về báo cáo nói trên của Chính phủ, đồng thời, sẽ xem xét thông qua 10 dự án luật, trong đó Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội và nhân dân đặc biệt quan tâm.
Dự án Luật đất đai (sửa đổi) trình tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội 17 gồm 14 chương, 128 điều tập trung sửa đổi các quy định về sở hữu toàn dân đối với đất đai; về quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu về đất đai và thực hiện chức năng quản lý của Nhà nước đối với đất đai; về chính sách đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về thu hồi đất; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về tài chính đất đai và giá đất; về chế độ sử dụng đất; về đấu giá quyền sử dụng đất; về công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch quyền sử dụng đất; về giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
Với những nội dung cơ bản nói trên, Dự thảo Luật lần này tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này. Nhà nước quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng; thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai và thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng quy định giá đất do Nhà nước quy định phải bảo đảm nguyên tắc theo mục đích sử dụng đất đai tại thời điểm định giá; theo thời hạn sử dụng đất; phù hợp với giá đất phổ biến của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, đấu giá quyền sử dụng đất thành công hoặc phù hợp với thu nhập từ việc sử dụng đất đối với trường hợp xác định được thu nhập; cùng một thời điểm, các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự nhau thì có mức giá như nhau...
9 Dự án Luật còn lại dự kiến được thông qua trong kỳ họp này là Luật phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai, Luật Hòa giải cơ sở, Luật phòng, chống khủng bố, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp.
Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số dự án luật khác, trong đó có Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã xem xét cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Trên cơ sở ý kiến của Quốc hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tiếp thu, hoàn chỉnh bản Dự thảo Hiến pháp và đưa ra công bố lấy ý kiến của nhân dân.
Theo báo cáo của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, tính đến hết ngày 30/4 đã có hơn 26 triệu lượt góp ý của nhân dân về Dự thảo, với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức.
Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tập hợp, tổng hợp ý kiến của nhân dân, phân loại và hệ thống hóa thành những loại ý kiến, những nhóm vấn đề nổi lên, đề xuất các phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này.
Theo thông tin từ Văn phòng Quốc hội, Dự thảo trình Quốc hội lần này cơ bản giữ bố cục như Dự thảo đã công bố lấy ý kiến nhân dân, đồng thời đã được tiếp thu, chỉnh sửa cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến trên cơ sở ý kiến của nhân dân ở hầu hết các chương, điều của Dự thảo.
Cùng với việc thông qua hoặc cho ý kiến về các Dự án Luật quan trọng nói trên, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến về công tác giám sát và quyết định một số vấn đề quan trọng như: Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giải đoạn 2006 - 2012; Báo cáo về việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vòng biên giới Việt Nam - Lào.
Theo vietbao
Mánh khóe "móc túi" khách hàng của tài xế taxi Để ăn gian tiền cước của khách đi xe, lái xe taxi đã gắn chíp vào đồng hồ tính cước rồi sử dụng điện thoại để điều khiển.... - ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội nhận định. Dùng điện thoại để điều khiển tiền cước taxi Thời gian vừa qua, tại Hà Nội...