Cựu điệp viên Nga nghi bị đầu độc ở Anh được xuất viện
Cựu điệp viên hai mang của Nga Sergei Skripal đã được xuất viện Salisbury sau hơn 2 tháng điều trị do nghi ngờ bị đầu độc bằng chất độc thần kinh ở Anh hồi tháng 3, Cơ quan Dịch vụ Y tế Anh (NHS) cho biết hôm nay 18/5.
Cựu điệp viên hai mang của Nga Sergei Skripal (Ảnh: Getty)
Sputnik dẫn thông cáo của NHS cho biết: “Sergei Skripal đã được xuất viện Salisbury. Ông Skripal và con gái Yulia trước đó được đưa vào viện cùng với nhân viên an ninh Nick Bailey vì bị phơi nhiễm chất độc thần kinh hôm 4/3/2018. Hiện tại cả 3 người đã xuất viện”. Tuy nhiên, thông cáo không nêu cụ thể thời gian xuất viện của từng người.
Phía bệnh viện Salisbury cũng xác nhận ông Skripal đã đủ phục hồi để xuất viện, nhưng không tiết lộ chi tiết quá trình điều trị cho cựu điệp viên Nga. Trước đó, con gái Yulia thông báo cô được xuất viện từ ngày 11/4.
Cha con Skripal được cho là đã được đưa đến một nơi an toàn và bí mật sau khi xuất viện.
Video đang HOT
Hai cha con họ được tìm thấy bất tỉnh nhân sự trên một băng ghế trong một công viên ở Salisbury của Anh hôm 4/3. Giới điều tra Anh nói rằng, họ có thể đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh A-234. Anh cáo buộc Nga có liên quan đến nghi án đầu độc cựu điệp viên hai mang này. Trong khi đó, Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc này và cho rằng Anh không cung cấp đủ bằng chứng chứng minh cho cáo buộc.
Vụ việc khiến quan hệ Anh-Nga leo thang căng thẳng khi hai bên quyết định trục xuất nhà ngoại giao của nhau.
Ông Skripal từng là đại tá phục vụ trong Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU). Ông này bị bắt vào năm 2004 và kết án 13 năm tù vào năm 2006 vì tội hoạt động gián điệp cho Anh. Theo truyền thông Nga, Skripal đã nhận của tình báo Anh 100.000 USD để đổi lấy thông tin về các điệp viên của GRU đang hoạt động ở các quốc gia châu Âu thời kỳ đó.
Tháng 7/2010, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ra quyết định ân xá cho Sergei Skripal và ông là một trong 4 điệp viên được Nga trả tự do để đổi lấy 10 điệp viên do Moscow cài cắm ở Mỹ. Cựu đại tá tình báo Nga được Anh cấp nơi ở, tiền trợ cấp và sống ở Anh từ đó đến nay.
Minh Phương
Theo Dantri
Bị từ chối điều tra chung, Nga đề nghị Liên Hợp Quốc họp khẩn vụ cựu điệp viên
Nga đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mở phiên họp khẩn vào hôm nay 5/4 để thảo luận về các cáo buộc của Anh liên quan đến vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal nghi bị đầu độc trong bối cảnh London từ chối để Moscow tham gia điều tra, hãng tin RT cho biết.
Nga đề nghị Liên Hợp Quốc họp khẩn vụ cựu điệp viên. (Ảnh minh họa: Reuters)
Theo hãng tin TASS, đề nghị trên được Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya trình lên trong thư gửi Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đại sứ Nebenzya nhấn mạnh: "Việc sử dụng vũ khí hóa học bởi bất cứ đối tượng nào, ở bất cứ đâu là không thể chấp nhận được, cần bị điều tra và trừng phạt.
Đề nghị được đưa ra sau khi Văn phòng đối ngoại Anh và Thịnh vượng chung bất ngờ gỡ bỏ dòng tweet hôm 22/3 nói rằng các chuyên gia tại phòng thí nghiệm Porton Down của Anh đã xác nhận chất độc tìm thấy trong vụ Skripal là chất độc thần kinh Novichok được sản xuất ở Nga. Tuy nhiên, người đứng đầu Porton Down hôm qua thừa nhận không thể tìm ra nguồn gốc của chất độc này.
Trong khi đó, Anh đến nay vẫn từ chối cung cấp bất cứ bằng chứng để chứng minh cho cáo buộc Nga có liên quan đến vụ việc Skripal. Anh cũng từ chối điều tra chung với Nga về vụ việc này.
Sputnik dẫn lời Đại diện thường trực của Anh tại Tổ chức cấm Vũ khí hóa học (OPCW) John Foggo nói: "Anh và nhiều nước khác ủng hộ London, đã đi đến kết luận rằng có khả năng cao là Nga phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công này và không còn lời giải thích nào hợp lý hơn. Công ước về vũ khí hoá học không cho phép nghi phạm tham gia vào điều tra chung. Làm như vậy sẽ là sự băng hoại".
OPCW hôm qua đã tiến hành bỏ phiếu về đề nghị điều tra chung của Nga. Tuy nhiên, đề xuất của Nga không được chấp nhận với 15 phiếu chống, 6 phiếu thuận của Trung Quốc, Azerbaijan, Sudan, Algeria và Nga, trong khi 17 thành viên OPCW bỏ phiếu trống.
Đại diện của Nga tại OPCW Alexander Shulgin nói rằng, việc 17 thành viên bỏ phiếu trống "đồng nghĩa với việc hơn một nửa thành viên Hội đồng hành pháp OPCW không ủng hộ quan điểm của Mỹ và Anh"
Ông Shulgin trước đó cũng tuyên bố, Nga sẽ không chấp nhận bất cứ kết quả điều tra nào về cụ Skripal nếu không được tham gia điều tra chung.
Căng thẳng giữa Nga và Anh nói riêng, phương Tây nói chung leo thang căng thẳng sau vụ cựu điệp viên hai mang của Nga Sergei Skripal và con gái Yulia nghi bị đầu độc tại Anh hôm 4/3. Anh cáo buộc Nga đứng sau nghi án, trong khi Moscow phản bác cáo buộc bị cho là "vô căn cứ" này.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 2/4 cảnh báo, Anh cuối cùng sẽ phải xin lỗi Nga về vụ việc. Về phần mình, Tổng thống Putin hôm qua nói rằng, Moscow không mong chờ lời xin lỗi của Anh, mà mong muốn sự chiến thắng của lương tri và nhanh chóng khép lại căng thẳng liên quan đến vụ cựu điệp viên Skripal.
Minh Phương
Theo Dantri
Chuyên gia Nga nghi ngờ Anh có thể đầu độc cựu điệp viên hai mang Nhà hóa học Nga Leonid Rink, người cho biết từng làm việc cho một chương trình nhằm chế tạo chất độc Novichok, nghi ngờ rằng chính Anh cũng có thể dùng chất độc này để mưu sát cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal. Các nhà điều tra Anh mặc đồ bảo hộ phong tỏa khu vực phát hiện ông Skripal và con...