Cựu điệp viên Liên Xô nằm vùng CIA nhận định vụ đầu độc ông Skripal
Karel Koecher, cựu điệp viên Liên Xô từng nằm vùng tại CIA, tin rằng Nga không liên quan tới vụ cựu điệp viên Sergei Skripal nghi bị đầu độc tại Anh hồi tháng 3.
Ông Sergei Skripal mua đồ tại một cửa hàng ở Salisbury vài ngày trước khi nghi bị tấn công (Ảnh: AFP)
“Ông Skripal chắc chắn không phải là nạn nhân của bất kỳ chiến dịch hay vụ tấn công nào từ phía Nga”, Karel Koecher, cựu điệp viên Liên Xô từng nằm vùng tại Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), nói với RT.
Theo cựu điệp viên Koecher, xét trên lập trường của Nga cũng như quan điểm cá nhân của ông, Nga hoàn toàn không được lợi ích gì từ vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Skripal và con gái Yulia tại thành phố Salisbury, Anh hôm 4/3. Ông Koecher lấy dẫn chứng bằng vụ trao đổi gián điệp giữa Nga và Mỹ hồi năm 2010 tại sân bay Vienna của Áo. Khi đó Nga đồng ý thả 4 gián điệp làm việc cho Anh, bao gồm cựu đại tá tình báo Skripal, để đổi lấy 10 điệp viên Nga.
“Việc tấn công một cựu điệp viên sau khi đã đồng ý trả tự do cho ông ta sẽ phá hủy hoàn toàn sự tín nhiệm của Nga”, ông Koecher nói.
Video đang HOT
Ông Koecher cho rằng, trao đổi điệp viên gần như là “cách duy nhất” để một nước có thể nhận lại những điệp viên hoạt động ngầm, thay vì mang vỏ bọc là các nhà ngoại giao, trong trường hợp các điệp viên này bị lật tẩy và bắt giữ. Giới chức Nga chắc chắn vẫn muốn duy trì cơ chế này, do vậy Moscow sẽ không thể gây ra vụ tấn công nhằm vào một cựu điệp viên từng được trao đổi để gây bất lợi cho Nga.
Theo cựu điệp viên Koecher, toàn bộ vụ việc xảy ra ở Salisbury, nơi cha con ông Skripal nghi bị đầu độc, chỉ là một vụ tấn công đánh lạc hướng.
“Cha con ông Skripal có thể trở thành cái cớ thuận lợi cho một kịch bản của chiến dịch chống Nga. Có thể vụ việc này được dựng lên để kiếm cớ leo thang các chiến dịch chống Nga và các biện pháp trừng phạt Nga công khai”, ông Koecher cho biết thêm.
Cựu điệp viên Liên Xô nhận định, các cơ quan an ninh của Anh rõ ràng đã tìm cách che giấu thông tin về cựu điệp viên Skripal và con gái ông này “nhiều nhất có thể”. Theo ông Koecher, phía Anh có thể sẽ không bao giờ để cha con ông Skripal có cơ hội gặp giới chức Nga vì London sợ rằng họ có thể sẽ tiết lộ những thông tin mà Anh không muốn công khai trước công chúng.
“Toàn bộ vụ việc này rất đáng ngờ. Chúng ta không thể biết ông Skripal sẽ nói những gì. Ngay cả khi ông ấy đồng ý sẽ nói những điều mà tình báo Anh bảo ông ấy phải nói, ông Skripal vẫn có thể đổi ý khi phát biểu trước ống kính máy quay”, ông Koecher nói thêm.
Sau khi bị phát hiện bất tỉnh trên băng ghế bên ngoài trung tâm mua sắm tại Salisbury, cha con ông Skripal đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Hiện Yulia Skripal đã được xuất viện trong khi cha cô đã qua cơn nguy kịch song vẫn cần điều trị thêm.
Nhiều quan chức cấp cao của Nga, bao gồm Tổng thống Vladimir Putin, từng nói rằng Moscow không “ngốc” khi nghĩ đến việc đầu độc một cựu điệp viên trước thềm hai sự kiện quan trọng của Nga trong năm nay là bầu cử tổng thống (ngày 18/3) và giải chung kết bóng đá thế giới World Cup vào mùa hè. Trong khi đó, Anh vẫn nghi ngờ Nga sử dụng chất độc thần kinh để tấn công cha con ông Skripal, bất chấp mọi bác bỏ cáo buộc từ phía Moscow.
Thành Đạt
Theo Dantri
Nga nghi Anh cố tình làm cha con cựu điệp viên hôn mê tạm thời
Phái đoàn Nga tại tổ chức chịu trách nhiệm điều tra nghi án cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái bị đầu độc đã đặt ra nghi vấn rằng Anh dường như đã đưa cha con ông Skripal vào tình trạng hôn mê tạm thời nhằm đưa ra thông tin không chính xác về sức khỏe của 2 người.
Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal (Ảnh: Getty)
Ngày 4/3, cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh ở Salisbury (Anh). Phía Anh đã cáo buộc Nga đầu độc cha con ông Skripal bằng chất độc thần kinh trước khi các cuộc điều tra của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) diễn ra. Nga đã mạnh mẽ phản bác mọi cáo buộc. Hiện, hai cha con ông Skripal đều đã khôi phục nhận thức, tuy nhiên tung tích và tình trạng của họ chưa được phía Anh tiết lộ.
Phái đoàn Nga tại OPCW ngày 18/4 đã nghi rằng các nhân viên y tế Anh dường như đã cố ý đưa 2 cha con cựu điệp viên vào tình trạng hôn mê tạm thời, và từ đó thu thập các dữ liệu sinh học và đưa ra thông tin không chính xác về tình hình sức khỏe của 2 cha con mà ngay cả khi không thăm khám họ. Hôn mê tạm thời là tình trạng hôn mê được tạo ra cho bệnh nhân bằng thuốc gây mê y tế. Người bệnh lúc này sẽ rơi vào trạng thái vô thức do tác động của các loại thuốc.
Cũng theo các đại diện trong phái đoàn Nga, ngày 18/4 phía OPCW đã tiến hành họp và phía Anh đã trình bày bản báo cáo về vụ Salisbury. Tuy nhiên, phía Nga cho biết bản báo cáo của phía Anh đã cung cấp những thông tin không chắc chắn khi họ sử dụng rất nhiều cụm từ "rất có thể", "có thể là như vậy", "không có cách giải thích nào khác". Các chuyên gia Nga cho biết phòng thí nghiệm ở Porton Down, Anh và cả OPCW đều không thể xác minh được phòng thí nghiệm hay quốc gia sản xuất ra chất độc được sử dụng trong vụ tấn công.
Quan hệ giữa Anh và Nga đã xấu đi nghiêm trọng sau vụ việc của cựu điệp viên Skripal. Trong khi London cáo buộc Nga lên kế hoạch tấn công và sử dụng chất độc Novichok được sản xuất từ thời Liên Xô, thì phía Nga kịch liệt bác bỏ. Hai bên đã trục xuất các nhà ngoại giao nhằm trả đũa lẫn nhau.
Ông Skripal từng là đại tá phục vụ trong Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU), bị bắt vào năm 2004 và kết án 13 năm tù vào năm 2006 vì tội hoạt động gián điệp cho Anh. Ông này sau đó được phóng thích và được phép tị nạn ở Anh sau cuộc trao đổi gián điệp lớn nhất trong lịch sử giữa Nga và Mỹ vào năm 2010.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Cựu điệp viên hai mang Nga có thể tiếp xúc chất độc như thế nào? Đồ ăn, hành lý, hoa tươi hay gói quà bị nhiễm độc trước khi tiếp xúc với nạn nhân là một số giả thuyết được đưa ra liên quan tới vụ tấn công nhằm vào cựu điệp viên Nga tại Anh hồi tháng trước. Ông Sergei Skripal mua đồ tại một cửa hàng ở Salisbury vài ngày trước khi nghi bị tấn công...