Cựu CT Tiên Lãng bị đề nghị án treo
Bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cựu Chủ tịch huyện Tiên Lãng – Lê Văn Hiền bị đại diện VKS TP Hải Phòng đề nghị mức án từ 15-18 tháng, cho hưởng án treo.
Sáng nay, 9/4, ngày thứ hai xét xử vụ án Hủy hoại tài sản, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại khu vực Cống Rộc (xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng) trong cuộc cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn trái pháp luật sáng 5/1/2012.
Kiểm sát viên Nguyễn Thị Lan, đại diện Viện KSND TP Hải Phòng giữ quyền công tố tại tòa đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với 5 bị cáo.
Theo đó, cựu Chủ tịch huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền (55 tuổi) bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bị đề nghị mức án từ 15 đến 18 tháng tù cho hưởng án treo.
Bốn bị cáo bị truy tố về tội Hủy hoại tài sản bị đề nghị mức án như sau: cựu Phó chủ tịch huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Khanh (52 tuổi) có vai trò cao nhất nhưng không thành khẩn khai báo trong việc chỉ đạo thực hiện phá hoại nhà ông Vươn và ông Quý nên bị đề nghị mức án từ 30-36 tháng tù giam, cựu trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phạm Xuân Hoa (58 tuổi) từ 24-30 tháng tù cho hưởng án treo, cựu chủ tịch xã Vinh Quang Lê Thanh Liêm (50 tuổi, em ông Hiền) từ 24-30 tháng tù cho hưởng án treo và cựu bí thư xã Vinh Quang Phạm Đăng Hoan (53 tuổi) từ 15-18 tháng tù cho hưởng án treo.
Các bị cáo trong phiên tòa. Ảnh: Phạm Duẩn (chụp qua màn hình tại tòa)
Bốn bị cáo phạm tội hủy hoại tài sản gồm: Khanh, Hoa, Liêm và Hoan buộc phải bồi thường cho gia đình ông Vươn và ông Quý hơn 295 triệu đồng.
Các mức án đề nghị đều thấp hơn nhiều so với khung hình phạt vì Viện Kiểm sát đã áp dụng các tình tiết có lợi, giảm nhẹ cho các bị cáo.
Video đang HOT
Bị cáo Lê Văn Hiền – cựu chủ tịch tỉnh Tiên Lãng. Ảnh: Phạm Duẩn (chụp qua màn hình tại tòa)
Bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát có nội dung tóm tắt như sau: Ngày 24/11/2011, UBND huyện Tiên Lãng ban hành Quyết định 307/QĐ-UBND áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi 19,3 ha đất giao nuôi trồng thủy sản đã hết thời hạn sử dụng đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn.
Đồng thời, UBND huyện có Kế hoạch số 104/KH-UBND, ngày 24/11/2011 về việc tổ chức cưỡng chế để thi hành quyết định hành chính thu hồi đất của gia đình ông Vươn.
Kế hoạch số 104/KH-UBND nêu rõ nội dung cưỡng chế, bàn giao toàn bộ diện tích đất và công trình gắn liền với đất đã thu hồi cho UBND xã Vinh Quang quản lí.
Tuy nhiên, cựu phó chủ tịch huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Khanh được giao nhiệm vụ là Trưởng ban chỉ đạo cưỡng chế thu hồi đất đã trực tiếp chỉnh sửa, kí ban hành Thông báo số 225/TB ngày 28/12/2011 phân công nhiệm vụ cho các tổ công tác để tháo dỡ tài sản ở khu vực có quyết định cưỡng chế.
Thẩm phán Trần Thị Thu Hà, chủ tọa phiên tòa. Ảnh: Phạm Duẩn (chụp qua màn hình tại tòa)
Kiểm sát viên luận tội. Ảnh: Phạm Duẩn (chụp qua màn hình tại tòa)
Tại hiện trường buổi cưỡng chế ngày 5/1/2012, Khanh là người trực tiếp ra lệnh cho Hoa, Liêm và Hoan để đôn đốc những người được trưng dụng thuộc tổ 2 trực tiếp tháo dỡ lều trông đầm, nhà của gia đình ông Vươn và ông Quý. Việc tháo dỡ được thực hiện trong hai ngày 5 và 6/1/2012 gây thiệt hại tài sản hơn 295 triệu đồng.
Các bị cáo Hoa (Phó trưởng Ban chỉ đạo cưỡng chế), Liêm (thành viên Ban chỉ đạo cưỡng chế) và Hoan mặc dù biết Nguyễn Văn Khanh chỉ đạo phá dỡ tài sản là không đúng với Kế hoạch số 104/KH-UBND nhưng vẫn giúp sức cho Khanh thực hiện làm hư hỏng tài sản của gia đình ông Vươn và ông Quý. Khanh, Hoa và Liêm phải chịu trách nhiệm về việc hủy hoại tài sản có giá trị hơn 295 triệu đồng. Hoan giúp sức cho Khanh huỷ hoại tài sản của gia đình ông Quý có giá trị hơn 191 triệu đồng.
Bị cáo Lê Văn Hiền, cựu chủ tịch huyện Tiên Lãng với trách nhiệm là người đứng đầu cơ quan hành chính ở địa phương đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ theo qui chế làm việc và không có biện pháp đôn đốc, kiểm tra, giám sát trong quá trình chuẩn bị cưỡng chế và tổ chức thực hiện cưỡng chế nên đã không phát hiện, ngăn chặn kịp thời để Khanh cùng đồng phạm thực hiện việc tháo dỡ tài sản, không thực hiện đúng Kế hoạch số 104/KH-UBND gây hậu quả nghiêm trọng.
Chiều nay, Hội đồng xét xử tiếp tục làm việc với phần tranh tụng.
Theo 24h
Ông Đoàn Văn Vươn xin giảm tội cho ông Khanh
Phiên xét xử buổi chiều, HĐXX đã tiến hành xét hỏi đối với các nhân chứng và các bị hại. Ông Đoàn Văn Vươn đề nghị tòa áp dụng tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo Nguyễn Văn Khanh.
Buổi chiều ngày 8/4, HĐXX tiếp tục xét hỏi đối với bị cáo Nguyễn Văn Khanh và bị cáo Lê Văn Hiền. Tiếp đó là phần xét hỏi các nhân chứng.
Bị cáo Lê Văn Hiền, nguyên chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng cho biết: việc ban hành QĐ thu hồi đất đầm bãi của gia đình ông Đoàn Văn Vươn là đúng pháp luật, với mục đích nâng cao giá trị sử dụng đất chứ không vì mục đích nào khác.
HĐXX đặt câu hỏi, hiện có dư luận, chính quyền thu hồi là cướp đất của dân, bị cáo Hiền cho biết: Đó là dư luận không đúng vì việc thu hồi đúng theo pháp luật, cần tăng giá trị trên đơn vị diện tích để phát triển kinh tế chứ không cướp đất của dân. 14 năm của ông Vươn đủ thời gian để thu lợi, bù đắp chi phí bỏ ra phát triển khu đầm đó nên việc thu hồi là đúng.
Về nội dung các cuộc họp do bị cáo Lê Văn Hiền chủ trì trước và sau khi cưỡng chế, trong đó, theo khai nhận của bị cáo Khanh, UBND huyện tổ chức nhiều cuộc họp không có nội dung phá dỡ nhà nhưng có một cuộc họp do Hiền chủ trì có đề cập rất rõ việc này, bị cáo Hiền phủ nhận điều trên.
"Trong tất cả các quyết định bị cáo đã ký đều không có nội dung tháo dỡ mà chỉ tổ chức thu hồi toàn bộ diện tích nằm trong diện có quyết định cưỡng chế để giao về cho UBND huyện. Sau khi tổ chức cưỡng chế, bị cáo Khanh cũng chưa bao giờ báo cáo chính thức với tôi, tôi không được xem thông báo 225, chưa được nhận" - bị cáo Hiền nói.
Bị hại Đoàn Văn Vươn trước tòa
HĐXX xét hỏi người làm chứng. Các nhân chứng khai có sự việc ông Hoan, Liêm, Khanh gọi điện thuê xe xúc để phục vụ giải phóng mặt bằng; việc bị cáo Nguyễn Văn Khanh có chỉ đạo tổ cưỡng chế thực hiện tháo dỡ tài sản trên đất của Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý...
Nội dung về tài sản và định giá tài sản trên đất trước và sau khi bị cưỡng chế của gia đình mình, ông Vươn cho biết: từ thời điểm năm 1993, khi đó khu vực đầm bãi còn hoang hóa, ông cùng các anh em, người thân trong nhà tiến hành quai đê lấn biển, mất rất nhiều thời gian công sức để cải tạo đất hoang thành khu đầm bãi.
Đến khi chính quyền Tiên Lãng tiến hành thu hồi, gia đình ông khai thác trên khu đầm này chưa được là bao, do đó, nếu chính quyền thu hồi gia đình ông sẽ mất trắng...
Trước tòa, Đoàn Văn Vươn đã đề nghị HĐXX nên vận dụng tình tiết giảm nhẹ với ông Nguyễn Văn Khanh, còn những bị cáo còn lại (Hiền, Hoan, Hoa, Liêm) cần tăng nặng.
Các bị hại Nguyễn Thị Thương, Phạm Thị Báu đều nhất trí quan điểm, tài sản của gia đình nào tòa sẽ tuyên đền bù riêng cho gia đình đó, chứ không gộp chung tất cả các tài sản.
Cuối phiên tòa, hội đồng định giá đã trình bày các căn cứ pháp lý, cơ sở áp giá để tính giá đền bù đối với các tài sản bị hủy hoại của các bị hại.
16h30, HĐXX kết thúc phần xét hỏi. Phiên tòa sẽ tiếp tục vào ngày mai, 9/4.
Theo 24h
Trả lại hồ sơ vụ án "đầm ông Vươn" Hồ sơ vụ án "Hủy hoại tài sản" tại Tiên Lãng được trả lại để điều tra bổ sung. Chiêu 3/1, ông Nguyễn Văn Quảng, Viện trưởng VKSND TP Hải Phòng, cho biết cơ quan này đã trả lại hồ sơ vụ án "Hủy hoại tài sản" tại khu vực đâm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn theo Kết luận số 03/KLĐT...