Cựu chủ tịch Vinashin bị đề nghị 19-20 năm tù
Sáng 29/3 sau phần luận tội, đại diện VKS đã đề nghị mức 19-20 năm tù với cựu chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình; các bị cáo còn lại mức phạt từ 3 đến 18 năm.
Theo đại diện VKS, bị cáo Phạm Thanh Bình đóng vai trò chính trong sai phạm ở 3 dự án gồm: đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen, xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng và dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân. Do phạm tội nhiều lần và nghiêm trọng nên bị cáo này bị đề nghị mức phạt 19-20 năm tù.
Bị cáo Phạm Thanh Bình (comple đen) bị đề nghị mức án 19-20 năm tù. Ảnh: TTXVN.
Cũng có vai trò tích cực trong vụ án nhưng bị cáo Trần Văn Liêm, nguyên trưởng ban kiểm soát Vinashin, nguyên giám đốc công ty Viễn Dương, đã thành khẩn khai báo, nên được xem xét giảm nhẹ hình phạt và bị đề nghị ở mức 17-18 năm tù.
Cùng bị truy tố ở tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, các bị cáo Nguyễn Văn Tuyên, Trịnh Thị Hậu, Đỗ Đình Côn, Tô Nghiêm, Hoàng Gia Hiệp, Trần Quang Vũ bị đề nghị ở mức 11-18 năm tù.
Video đang HOT
Riêng bị cáo Nguyễn Tuấn Dương, đại diện VKS đề nghị thay đổi tội danh từ cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng sang tội danh sử dụng trái phép tài sản, mức phạt đề nghị 3-4 năm tù.
Trước đó, theo cơ quan công tố, tổng số thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra khoảng 900 tỷ đồng. Cụ thể, tại thương vụ mua tàu Hoa Sen, nhà chức trách cho rằng do việc khảo sát hạ tầng chưa đầy đủ, hệ thống cầu cảng không đáp ứng được việc đi lại của tàu khiến phải xây dựng thêm một số hạng mục. Tuy nhiên, con tàu trị giá hàng chục triệu euro này hoạt động không hiệu quả, được 39 chuyến thì tạm dừng, gây thiệt hại gần 470 tỷ đồng.
Cơ quan công tố đã cáo buộc nguyên nhân vụ việc là do việc đầu tư mua tàu Hoa Sen không thực hiện đúng quy trình và thủ tục đầu tư, không lập báo cáo quyết toán dự án đầu tư hoàn thành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt… Trong đó, bị cáo Phạm Thanh Bình giữ vai trò là người tổ chức, Trần Văn Liêm, Hồ Ngọc Tùng, Giang Kim Đạt, Trịnh Thị Hậu và Hoàng Gia Hiệp là đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội.
Nhà chức trách còn cho rằng, do đầu tư và quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân không hiệu quả, nên từ năm 2007 đến 2009, việc vận hành đã gây lỗ hàng chục tỷ đồng, sau đó thì phải dừng hoạt động. Tương tự, tại dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định), nhà nước cũng bị thiệt hại hơn 300 tỷ đồng; dự án đầu tư tàu Bình Định Star gây thiệt hại 30 tỷ và việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang gây thiệt hại hơn 27 tỷ đồng.
Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Theo VNExpress
Cựu Chủ tịch Vinashin hầu tòa
Ngày 27-3, TAND TP Hải Phòng mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án cố ý làm trái xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Dự kiến, phiên xử kéo dài trong bốn ngày.
Ông Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin .
Trao đổi với Tiền Phong , bà Nguyễn Thị Mai, Chánh án TAND TP Hải Phòng cho biết, thẩm phán Trần Văn Nghiên được phân công làm chủ tọa phiên tòa trên. 22 luật sư tham gia bào chữa cho chín bị cáo.
Theo Cáo trạng của Viện KSND Tối cao, bị cáo Phạm Thanh Bình (SN 1953, tại Cà Mau), nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin, cùng tám đồng phạm, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước ở năm dự án với tổng thiệt hại hơn 910 tỉ đồng.
Hành vi sai phạm của các bị cáo được xác định thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
Theo đó, trong thời gian giữ chức vụ từ 1998- 2009, ông Phạm Thanh Bình (bị bắt tạm giam từ ngày 4-8-2010) được xác định là bị can chính, giữ vai trò tổ chức thực hiện hành vi vi phạm trong ba dự án lớn của Tập đoàn, gây thiệt hại tổng cộng hơn 852 tỉ đồng.
Cụ thể, tại dự án đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen, ông Bình chỉ đạo cấp dưới thực hiện không đúng chỉ đạo của Thủ tướng là đóng mới tàu biển chở khách Bắc- Nam; phê duyệt Dự án đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen trước khi lập và thẩm định dự án; cho vay và thực hiện các thủ tục bảo lãnh để mua tàu sai quy định...gây thiệt hại hơn 469 tỉ đồng.
Tại Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng, vẫn với vai trò chính, ông Bình không lập báo cáo đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư dự án nhóm A; quyết định phê duyệt dự án không có trong quy hoạch phát triển ngành điện; không tổ chức đấu thầu mà chỉ định đơn vị tư vấn lập dự án là Cty Cổ phần chế tạo lắp máy Cửu Long, doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động điện lực...gây thiệt hại hơn 316 tỉ đồng.
Còn tại Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân, từ năm 2001-2005, ông Phạm Thanh Bình đã chỉ đạo cấp dưới điều chỉnh tổng mức đầu tư trái quy định; thông đồng với nhà thầu là Công ty Jacobsen để nhập dây chuyền máy móc, thiết bị cũ, không đúng yêu cầu thông số kỹ thuật...gây thiệt hại hơn 66 tỉ đồng.
Cáo trạng cũng xác định hành vi liên quan của một số đồng phạm khác.
Theo Tiền Phong
Xét xử sơ thẩm vụ án Vinashin: Bị cáo Bình nhận sai Năm 2006, trong khi Dự án nhiệt điện chạy dầu diesel trị giá gần 600 tỉ đồng còn đang đắp chiếu tại Cái Lân, Quảng Ninh thì Chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình vẫn đồng ý cho một công ty con mua thiết bị cũ về làm nhà máy nhiệt điện Sông Hồng ở Nam Định trị giá tới 1.400 tỉ đồng....