Cứu chó hay cứu người: Tình thương không chỉ dành cho người
“Trong xã hội, tình yêu thương không chỉ giới hạn giữa người với người mà còn cả các loài động vật. Do đó, cứu giúp những chú chó bất hạnh là việc làm cần thiết”, đại diện Liên minh Bảo vệ chó Châu Á lên tiếng.
Vừa qua, câu chuyện về chú chó bị hoại tử mõm được giải cứu ở Bến Tre đã làm dấy lên cuộc tranh cãi trong cộng đồng mạng: Nên cứu chó hay cứu người? Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Chính, điều phối viên Liên minh Bảo vệ chó châu Á.
Ông Lê Đức Chính, điều phối viên Liên minh Bảo vệ chó châu Á
Thưa ông, mới đây, rất nhiều người bày tỏ lòng thương xót chú chó bị hoại tử mõm và gửi lời cảm ơn đến đội cứu hộ đã miệt mài tìm kiếm và tận tình cứu chữa. Là thành viên trong Liên minh Bảo vệ chó châu Á, ông có đánh giá gì về hành động này?
Chúng tôi rất vui khi biết các bạn tình nguyện viên tìm kiếm và chữa kịp thời cho chú chó ở Bến Tre.
Nhìn chú chó bị hoại tử mõm, chúng tôi cảm thấy rất xót xa. Chú chó này bị đối xử tàn tệ bởi những kẻ buôn bán chó. Theo kinh nghiệm của tôi, rất nhiều khả năng nhóm trộm chó hoặc lò mổ tra tấn, gây đau đớn, khiến chú chó không thể sủa hay kêu. May may chú chó này trốn thoát khỏi nơi khủng khiếp đó. Nếu không có cộng đồng mạng chia sẻ và cứu giúp kịp thời thì chú chó có thể đã chết vì đói khát.
Video đang HOT
Liên minh Bảo vệ chó Châu Á rất hoan nghênh và cảm ơn các bạn tham gia tìm kiếm cứu hộ chó. Đây là một hành động có ý nghĩa, góp phần lan tỏa thông điệp: “Bảo vệ loài chó trước vấn nạn buôn bán tiêu thụ, đối xử tàn nhẫn”.
Tuy nhiên, chứng kiến hành động tình nguyện của các bạn trẻ, không ít người đặt câu hỏi: “Tại sao họ không lập hội cứu người thay vì lập hội cứu trợ động vật?”. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Ý kiến cho rằng sinh mạng con người quan trọng nên cần phải có hội cứu trợ còn con vật thì không cần cứu là chưa xác đáng. Nếu con người không đối xử tàn ác, gây ra những đau khổ tột cùng cho động vật thì không cần bất kỳ đội cứu hộ nào.
Loài vật cũng giống con người, chúng mong muốn một cuộc sống bình yên phù hợp với bản năng của từng loài. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, con người khiến hàng triệu con vật phải chịu đựng sự đau đớn.
Thực tế, chó là loài vật gần gũi và trung thành nhất của con người từ xa xưa. Loài chó đã và đang đóng góp một phần quan trọng trong xã hội. Nhiều chú chó quả cảm cứu mạng con người trong các thảm họa thiên tai như: động đất, sóng thần…
Thật buồn khi nhiều người vẫn quan niệm hành động dã man đối với các loài động vật là truyền thống hay văn hóa. Do đó, nếu tiến tới một xã hội hiện đại nên dần bỏ lối suy nghĩ này.
Chú chó ở Bến Tre bị hoại tử mõm được giải cứu kịp thời
Cũng có ý kiến bày tỏ: “Trên đời còn nhiều người lang thang, cơ nhỡ. Tại sao cộng đồng mạng không cùng nhau chia sẻ, kêu gọi cứu giúp? Sao thấy tin cứu người thì lơ đi, còn thấy tin cứu chó lại thi nhau chia sẻ?”. Ông đánh giá thế nào về cách so sánh này?
Trong xã hội, tình yêu thương không chỉ giới hạn giữa người với người mà còn cả các loài động vật. Do đó, cứu giúp những chú chó bất hạnh là việc làm cần thiết.
Đúng là ở nước ta còn rất nhiều người nghèo có hoàn cảnh khó khăn, trẻ lang thang cơ nhỡ. Tuy nhiên, nếu nói xã hội ta không chia sẻ và kêu gọi cứu giúp là không đúng. Bởi tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách đã ăn sâu vào truyền thống của người Việt. Nhiều trường hợp khó khăn, bệnh hiểm nghèo đều được chia sẻ, kêu gọi hỗ trợ, không có chuyện lơ đi.
Với Liên minh Bảo vệ chó Châu Á, cứu chó bị đối xử tàn nhẫn không phải trào lưu mà là cách làm đúng đắn và cần thiết. Hành động này xuất phát từ trái tim, lòng trắc ẩn trước những con vật phải chịu đựng đau khổ.
Qua nghiên cứu, ông thấy một số nước trên thế giới ứng xử thế nào với động vật và loài chó?
Rất nhiều nước trên thế giới đã ban hành các quy định về bảo vệ động vật nói chung và các loài vật nuôi trong đó có loài chó nói riêng.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc quy định hành vi buôn bán, giết mổ chó là bất hợp pháp. Luật Bảo vệ Động vật năm 2007 của Hàn Quốc nhấn mạnh: “Hành vi giết hại động vật tàn bạo như treo cổ, hoặc giết thịt nơi công cộng, trước mặt các đồng loại của con vật đều bị nghiêm cấm”.
Ngoài ra, trên thế giới, đội cứu hộ chó được cấp giấy phép, có bác sĩ thú y chuyên nghiệp được chính quyền bảo hộ. Với họ, cứu hộ chó là trách nhiệm và nghĩa vụ.
Vậy, đội cứu hộ chó ở Việt Nam chủ yếu là tự phát hay do Liên minh Bảo vệ chó Châu Á kêu gọi? Liên minh có chính sách nào cho đội cứu hộ không, thưa ông?
Hiện tại những hội cứu hộ chó ở Việt Nam chủ yếu là tự phát. Đội cứu hộ chó được thành lập từ các cá nhân yêu động vật. Họ tập hợp các bạn tình nguyện viên thực hiện các hoạt động cứu hộ, chăm sóc thú y cho chó mèo. Đội cứu hộ chó cho chúng một mái ấm hoặc tìm nhà mới cho chúng.
Tôi được biết rất nhiều các trạm cứu hộ chó mèo trên khắp cả nước với hàng trăm thành viên và tình nguyện viên hoạt động rất tích cực. Hàng nghìn chú chó mèo được cứu hộ và tìm nhà mới. Tuy nhiên, các nhóm cứu hộ chủ yếu hoạt động nhỏ lẻ, độc lập giữa các nhóm, chưa có liên kết.
Liên minh Bảo vệ chó Châu Á luôn sẵn sàng hỗ trợ và hợp tác về mặt chuyên môn với các nhóm cứu hộ chó trên cả nước. Với thông điệp “chó là bạn không phải thức ăn”, Liên minh hy vọng các nhóm sẽ chia sẻ, lan tỏa trong cộng đồng.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Diệu Thu (thực hiện)
Theo Danviet