Cựu chiến binh Mỹ gần 70 tuổi “mở chiến dịch” làm sạch phố phường HN
Hàng ngày, cùng với học viên lớp tiếng Anh của mình, cựu binh Mỹ Paul George Harding (69 tuổi) tỉ mỉ gỡ bỏ từng quảng cáo, rao vặt trong các ngõ nhỏ Hà Nội.
Gần một tháng nay, vào mỗi buổi chiều, người dân tại ngõ 219 Nguyễn Ngọc Vũ (Cầu Giấy, Hà Nội) từ lạ lẫm đã dần quen vơi hình ảnh một ông Tây tất bật cùng nhóm bạn trẻ gỡ bỏ quảng cáo, rao vặt trên các cột điện, bờ tường.
Nhìn dáng người mảnh khảnh, luôn nở nụ cười thân thiện và đặc biệt là ánh mắt sâu thẳm, ít ai nghĩ người đàn ông này từng là lính tham chiến tại Lữ đoàn không quân 173 và tham chiến ở chiến trường Bình Định – Lâm Đồng cách đây gần 50 năm. Những ký ức đau thương của chiên tranh cứ đeo bám người đàn ông ấy cả mấy thập kỷ.
Trở về Việt Nam lần này, ông mong muốn làm được điều gì đó để bù đắp một phần những đau thương mà ông và đất nước mình đã gây ra trên mảnh đất này. Gần 3 năm trước, ông đến Hà Nội mở một lớp tiếng Anh miễn phí ở phường Trung Hòa với hơn 400 học viên thuộc đủ lứa tuổi.
Từ đầu tháng 5, ông xem báo thấy có đưa thông tin chính quyền sẽ xử phạt với những trường hợp rao, dán quảng cáo không đúng quy định lên tường.
Trong thời gian này, các lớp học tiếng Anh đang tạm nghỉ hè nên ông nhận thấy đây là thời gian thích hợp để tháo dỡ các biển quảng cáo bất hợp pháp ở xung quanh nơi mình đang sống.
Sau 2 tuần “ra quân”, đến nay nhóm của ông đã xử lý được nhiều loại quảng cáo, rao vặt trên các phố Nguyễn Ngọc Vũ, Nguyễn Thị Định, Hoàng Ngân…
Video đang HOT
Ban đầu nhóm của ông Paul chỉ gồm một vài người là học viên trong lớp tiếng Anh. Về sau, thấy hành động ý nghĩa, nhiều người dân sống ở phường Trung Hòa và các khu vực lân cận cũng hào hứng tham gia. Hoàng Mạnh Đức (học viên lớp tiếng Anh) chia sẻ: “Mình đã tham gia công việc này một tuần nay. Trước đây, vào buổi chiều mình thường hay đi tập thể dục nhưng giờ mình đến đây giúp thầy. Việc làm này mình coi như vừa tập thể dục lại làm cho môi trường sạch sẽ hơn”.
Thời gian đầu, khi ông và các học viên gỡ bỏ các tờ giấy quảng cáo, hôm sau đã có người dán lại. Không nản lòng, moi người lại động viên nhau bóc gỡ tiếp.
“May mắn là việc làm này của chúng tôi được phường và người dân ủng hộ nhiệt tình, mọi người không chỉ mời nước, thăm hỏi, trò chuyện, xắn tay vào cùng làm mà còn ngăn chặn không cho người khác dán bậy lên tường nữa”, ông Paul cho biết.
Nhiều em nhỏ cũng hào hứng tham gia “chiến dịch” này.
Chị Nguyễn Thị Mỵ – vừa là giảng viên vừa là họa sĩ – cho biết: “Khi được thầy Paul đề nghị giúp đỡ bằng việc sơn lại các bức tường loang lổ sau khi bóc gỡ giấy quảng cáo, tôi nhận lời ngay và thấy rất vui khi được góp một phần công sức của mình vào chiến dịch này”.
Nhóm của ông Paul cố gắng giữ nguyên bản màu của các bức tường, chỉ sơn và trang trí nhẹ để khung cảnh trở nên dễ chịu hơn.
Mỗi ngày 4 tiếng, người cựu binh Mỹ cần mẫn, nhẫn nại bóc từng biển quảng cáo, việc bị thương ở tay do dùng sức tì chặt vào dụng cụ là chuyện thường xuyên diễn ra.
Thời gian gần đây, những câu chuyện làm đẹp ngõ phố ở Hà Nội xuất hiện khá nhiều. Từ chàng trai râu xồm Mỹ 23 tuổi bỏ tiền túi mua sơn, “khoác áo mới” cho ngõ 50 phố Hàng Bạc, một nhóm bạn trẻ vẽ nên những bức tranh cảnh Venice 3D ở ngõ 68 Yên Phụ đến người cựu chiến binh Mỹ tỉ mỉ gỡ bỏ từng mảnh giấy dán quảng cáo trên tường…tất cả đã làm cho Hà Nội trở nên tốt lành hơn.
Theo P.V (ZIng)
Cựu chiến binh Việt - Mỹ bàn cách khắc phục hậu quả chiến tranh
Các cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ đã thảo luận các cách thức nhằm tiếp tục giải quyết vấn đề da cam/dioxin, bom mìn và bộ đội Việt Nam hy sinh, mất tích trong cuộc tọa đàm tại Hà Nội chiều ngày 6/3.
Các cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ tham dự cuộc tọa đàm (Ảnh: An Bình)
Tọa đàm "Việt - Mỹ đối tác toàn diện: Nỗ lực giải quyết vấn đề da cam/dioxin, bom mìn và bộ đội Việt Nam hy sinh, mất tích" được tổ chức nhân dịp đoàn "Cựu chiến binh vì hòa bình" (VFP) của Mỹ, do cựu chiến binh Chuck Searcy làm đồng trưởng đoàn, tới thăm Việt Nam.
Đoàn gồm 14 thành viên, trong đó có 11 người từ Mỹ sang và 3 người đại diện của VFP tại Việt Nam. Các thành viên trong đoàn bao gồm các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở nước ngoài như Iraq, Afghanistan..., và những người Mỹ yêu mến Việt Nam, gắn bó với công cuộc đấu tranh giải phóng của Việt Nam.
Vượt qua "bóng ma" trong quan hệ Việt - Mỹ
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyên Tâm Chiến, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và hiện là Chủ tịch Hội Việt - Mỹ, đã hoan nghênh đoàn cựu chiến binh Mỹ vào thăm và tìm hiểu tình hình Việt Nam. Việt Nam cũng ghi nhận tình cảm hữu nghị và những đóng góp tích cực thời gian qua của VFP đối với việc thúc đẩy hàn gắn vết thương chiến tranh, hỗ trợ nhân đạo và đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Nhưng theo ông Chiến, thẳng thắn mà nói, da cam/dioxin, bom mìn và bộ đội Việt Nam hy sinh, mất tích vẫn là 3 vấn đề lớn, là "bóng ma" gây trở ngại trong quan hệ Việt - Mỹ. Trong bối cảnh Mỹ có chính quyền mới, ông Chiến mong muốn chính phủ Mỹ tiếp tục chứng tỏ thiện chí và sự quan tâm đối với việc hàn gắn vết thương chiến tranh. Cựu Đại sứ Mỹ cũng đề nghị VFP quan tâm hơn nữa tới vấn đề nhân đạo, tiếp tục tổ chức các đoàn thăm Việt Nam để hỗ trợ, giúp đỡ những nạn nhân của chiến tranh tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Tâm Chiến cũng đánh giá cao sự trợ giúp của các cựu chiến binh Mỹ, điển hình là ông Chuck Searcy, đối với quá trình hàn gắn viết thương chiến tranh. Ông Chuck từng tham chiến ở miền nam Việt Nam từ 1967-1968. Ông trở lại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1992 và chuyến đi này đã làm thay đổi cuộc đời ông. Chuck tới Việt Nam để định cư vào năm 1995 và kể từ đó đã làm việc cho RENEW - dự án phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh ở Quảng Trị. "Ông Chuck là một người bạn lớn, một trong những đại sứ nhân dân của Việt Nam", ông Chiến nói.
Theo ông Chuck, các cựu chiến binh Mỹ ngày càng già đi và nhiều người trong số họ đã qua đời, trong khi các thế hệ trẻ không hiểu biết nhiều về chiến tranh Việt Nam và những hậu quả dai dẳng mà nó gây ra. Sau khi lắng nghe những chia sẻ của các cựu chiến binh Việt Nam về các vấn đề bom mìn chưa nổ và chất độc da cam/dioxin trong buổi tọa đàm, ông Chuck cho hay ông mong muốn phía Việt Nam cung cấp các số liệu khoa học mới về tác hại của chất độc da cam/dioxin để ông có thể hối thúc chính phủ quan tâm giải quyết vấn đề này.
Các thành viên của đoàn "Cựu chiến binh vì hòa bình" (VFP) của Mỹ trong buổi tọa đàm (Ảnh: An Bình)
Gia tăng hỗ trợ nguồn lực và công nghệ
Bà Cathlyn Platt Wilkerson, hiện đang sống tại New York, là một trong những người đã tham gia tích cực phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam vào cuối những năm 1960. Tham dự tọa đàm, bà Cathlyn chia sẻ bà từng có chuyến đi tới Việt Nam nhưng không thành vào năm 1967, khi bà bị kẹt ở Phnom Penh do Mỹ thực hiện chiến dịch ném bom miền bắc Việt Nam. Bà Cathlyn đánh giá rất cao các hoạt động của tổ chức "Cựu chiến binh vì hòa bình" trong việc hàn gắn những vết thương chiến tranh.
"Chúng tôi vừa tới thăm các nạn nhân của chất độc da cam/dioxin tại Hà Nội. Tôi từng được xem nhiều bức ảnh, các bài báo nói về họ, nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp họ trực tiếp. Cảm xúc thật khó nói... Tôi nghĩ chúng ta cần làm nhiều việc hơn nữa để khắc phục những vấn đề chiến tranh còn tồn đọng", bà Cathlyn chia sẻ.
Còn bà Williams Nadya Marina cho biết bà rất quan tâm tới Việt Nam và gia đình bà có truyền thống ủng hộ các quốc gia Xã hội Chủ nghĩa. Bố mẹ bà từng là thành viên của đảng Cộng sản Mỹ, đã có nhiều năm hoạt động nhằm hỗ trợ các cuộc cách mạng tại Liên Xô, Cuba... Bà mong muốn tìm hiểu nhiều hơn về Việt Nam và những hậu quả của chiến tranh để lại.
Trong khi đó, ông Harris Floyd Randall, hiện đang sống tại bang Wisconsin, cho hay ông mong muốn tìm hiểu, khám phá nhiều điều về Việt Nam trong lần đầu tiên tới thăm. Từng là một giảng viên, ông Randall quan tâm tới giáo dục và có kế hoạch trở lại để dạy tiếng Anh cho trẻ em nhằm giúp đỡ thế hệ trẻ của Việt Nam. "Hiện tôi chưa biết sẽ trở lại như thế nào, nhưng tôi sẽ tìm hiểu việc này sau khi quay về Mỹ", ông nói.
Tại tọa đàm, các cựu chiến binh Việt Nam đã chia sẻ với những người bạn Mỹ các câu chuyện chiến sự ác liệt nơi chiến trường năm xưa. Họ cũng đề nghị phía Mỹ gia tăng hỗ trợ các nguồn lực và công nghệ hiện đại để khắc phục các vấn đề da cam/dioxin, bom mìn và tìm kiếm, nhận dạng bộ đội Việt Nam hy sinh, mất tích trong chiến tranh.
"Khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề lớn, cần huy động nguồn lực của Việt Nam và quốc tế, đặc biệt từ Mỹ... Những vấn đề này rất cấp bách nhưng cũng là yêu cầu lâu dài, không chỉ để giúp các nạn nhân với quỹ thời gian còn rất ít, mà còn tránh tai họa với những thế hệ sau", Trung tướng Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin Việt Nam, nhấn mạnh.
Trong chuyến thăm Việt Nam kéo dài 16 ngày, đoàn "Cựu chiến binh vì hòa bình" (VFP) của Mỹ sẽ tìm hiểu hậu quả của chiến tranh, thăm một số địa điểm ô nhiễm bom mìn, chất độc da cam/dioxin, gặp gỡ các gia đình và nạn nhân chiến tranh, thăm các cơ sở nhân đạo, bảo trợ và chăm sóc nạn nhân tại các địa phương. Sau Hà Nội, đoàn sẽ tới Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh.
An Bình
Theo Dantri