Cựu CEO Quốc Cường Gia Lai tại ngoại; vé số độc đắc bị từ chối gây xôn xao
Vụ Công ty XSKT tỉnh Thừa Thiên Huế từ chối trả thưởng vé trúng giải đặc biệt; “đại gia” xăng dầu Ninh Bình bị tước giấy phép; bà Nguyễn Thị Như Loan được tại ngoại gây chú ý tuần qua.
Công ty xổ số từ chối trả thưởng vé trúng giải đặc biệt kinh doanh ra sao?
Mới đây, Dân trí đã phản ánh việc bà N.T.N. (SN 1971, trú tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), mua 2 tờ vé số của Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết tỉnh Thừa Thiên Huế (Công ty XSKT tỉnh Thừa Thiên Huế) phát hành ngày 14/10. Trong kỳ quay mở thưởng cùng ngày, một tờ vé số trúng giải đặc biệt 2 tỷ đồng, tờ còn lại trúng giải phụ đặc biệt trị giá 50 triệu đồng.
Do sơ suất, bà N. để các tờ vé số trúng thưởng bị ướt nước mưa, thay đổi hình dạng so với ban đầu. Căn cứ vào các quy định về kinh doanh xổ số, Công ty XSKT tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ chấp nhận trả thưởng vé số trúng giải phụ đặc biệt trị giá 50 triệu đồng; tờ vé số trúng giải đặc biệt 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng.
Ngày 27/11, ông Trần Viết Nguyên, Chủ tịch Công ty XSKT tỉnh Thừa Thiên Huế đã trả lời báo chí về lý do từ chối trả thưởng tờ vé dự thưởng trúng giải đặc biệt tại kỳ mở thưởng ngày 14/10. Theo ông Nguyên, tờ vé bị rách rời một góc, trùng với vị trí chặt góc mỗi lần Hội đồng tiêu hủy vé xổ số kiến thiết thực hiện tiêu hủy do có vé tồn kho, bị lỗi.
Tờ vé số trúng thưởng đặc biệt 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng (Ảnh: Công Bính).
Báo cáo tài chính cho thấy, năm 2023, Công ty XSKT tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 417,6 tỷ đồng doanh thu. Trong đó doanh thu từ bán vé xổ số là khoảng 417,2 tỷ đồng (tăng 12,8% so với năm 2022), doanh thu kinh doanh khác ở mức 464 triệu đồng.
Năm 2023, doanh nghiệp này chi 253,2 tỷ đồng để trả thưởng, tăng 7,1% so với năm 2022.Sau khi trừ các khoản chi phí và thuế, công ty xổ số này ghi nhận mức lãi sau thuế 24,4 tỷ đồng, tăng 25,8% so với mức 19,4 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022.
Tại ngày 31/12/2023, Xổ số kiến thiết Thừa Thiên Huế có 128,3 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 13,1% so với đầu năm. Nợ phải trả gần 41 tỷ đồng, tăng 11,4%.
“Đại gia” xăng dầu Ninh Bình bị tước giấy phép kinh doanh
Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu của Công ty TNHH Trung Linh Phát – doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có trụ sở tại Ninh Bình, sở hữu thị phần bán lẻ xăng dầu lớn tại các tỉnh phía Bắc.
Video đang HOT
Theo đó, “ông lớn” đầu mối xăng dầu này phải có trách nhiệm nộp trả lại giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đã được Bộ Công thương cấp năm 2021, thời hạn trước ngày 7/12.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu Công ty TNHH Trung Linh Phát có trách nhiệm chuyển nộp ngay toàn bộ số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu và số tiền nợ Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến thời điểm thu hồi giấy phép, lãi phát sinh vào ngân sách nhà nước, gửi bản sao chứng từ chuyển nộp tiền về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước).
Không chỉ “khất” Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nợ thuế nhiều năm liên tiếp, doanh nghiệp này còn xuất hiện trong các khoản nợ xấu ngân hàng. Chẳng hạn, hồi tháng 9, VietinBank chi nhánh Hà Giang đã thông báo bán tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Trung Linh Phát gồm 9 nhà đất và tài sản gắn liền với đất tại tỉnh Hòa Bình và Ninh Bình.
Trong đó bao gồm lô đất 1.814m2 và nhà ở riêng lẻ trên đất diện tích 92m2 tại huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Cùng với đó là 5 nhà đất diện tích dao động 523-639m2 tại khu đô thị Ninh Khánh, phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình.
Gia đình CEO Quốc Cường Gia Lai đoàn tụ, cổ phiếu “cháy hàng”
Trong phiên giao dịch sáng ngày 27/11, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai là mã duy nhất tăng trần trên sàn HoSE, cũng là phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp của mã này.
Diễn biến tăng mạnh của QCG trong bối cảnh Quốc Cường Gia Lai thông báo bà Nguyễn Thị Như Loan được tại ngoại trong quá trình điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan.
Sau hơn 4 tháng nhận quyết định khởi tố và bắt tạm giam, đến nay, với việc được tại ngoại, bà Loan sẽ tiếp tục đóng góp cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của QCG bằng việc đồng hành cùng HĐQT và Ban tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai giải quyết các công việc, các dự án đầu tư mà công ty đang thực hiện.
Như vậy, bà Loan trở lại Quốc Cường Gia Lai với vai trò mới còn ông Nguyễn Quốc Cường vẫn là Tổng giám đốc công ty này.
Được tỷ phú Vượng dốc tiền đầu tư, VinFast kinh doanh thế nào?
VinFast Auto (mã chứng khoán trên sàn Nasdaq: VFS) vừa công bố kết quả tài chính chưa kiểm toán quý III . Số xe điện đã giao là hơn 21.900 xe, tăng 66% so với quý II và tăng 115% so với cùng kỳ năm ngoái.
VinFast dự kiến tăng sản xuất xe điện phổ thông (Ảnh: VF).
Tổng doanh thu đạt hơn 12.300 tỷ đồng, tăng 42,2% so với quý II và 49,3% so với cùng kỳ. Lỗ gộp là 2.957 tỷ đồng trong quý III, giảm 45,6% so với quý trước.
Biên lợi nhuận gộp còn âm 24%, từ mức âm 62,7% trong quý trước và âm 27% cùng kỳ năm 2023. Lỗ ròng ở mức 13.251 tỷ đồng, giảm đáng kể 29,4% so với quý II và giảm 14,8% so với cùng kỳ.
Theo công bố, sang tháng 10, hãng bàn giao hơn 11.000 ô tô điện cho khách hàng Việt Nam, tăng 21% so với tháng 9 và nâng tổng số ô tô điện bàn giao kể từ đầu năm tại Việt Nam lên 51.000 xe.
Bà Trương Mỹ Lan nói vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát là kinh khủng
Ngày 26/11, nói lời sau cùng tại phiên tòa phúc thẩm vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 1), bà Trương Mỹ Lan cho rằng, vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát là vụ án “kinh khủng” chưa từng có, triệt tiêu hết những ước mơ, hy vọng của bà về việc đóng góp cho đất nước.
Bị cáo xin HĐXX công tâm, khách quan, tạo điều kiện để bà thực hiện được nguyện vọng trả nợ cho Ngân hàng Nhà nước và trả lại tiền cho người dân trong vụ trái phiếu. Từ đó, bị cáo Lan đề nghị có cơ chế đặc biệt cho vụ án này để thi hành án, khắc phục tối đa hậu quả vụ án, cũng như xem xét khoan hồng cho các bị cáo còn lại vì bà cho rằng những người này chỉ góp sức để “cứu SCB trong giai đoạn khó khăn”.
Bà Trương Mỹ Lan xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt và nếu được có thể xem xét lại tội danh Tham ô tài sản của bản thân bà cũng như tất cả các bị cáo khác.
Hồi tháng 4, TAND TPHCM xử sơ thẩm, tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành án tử hình.
Sau phán quyết trên, bà Lan kháng cáo xin được sống. Trình bày quan điểm tại tòa, đại diện VKSND cấp cao tại TPHCM đề nghị HĐXX bác kháng cáo, tuyên phạt bị cáo Lan mức án tử hình.
Ngày 3/12, HĐXX sẽ tuyên án.
Túi Hermès bạch tạng mà bà Trương Mỹ Lan xin lại đắt đỏ ra sao?
Tại phiên xét xử ngày 27/9, bà Trương Mỹ Lan muốn xin lại 2 túi xách Hermès bạch tạng, trong đó có một chiếc được đại gia người Malaysia tặng.
Loại túi Hermès bạch tạng này có gì đặc biệt?
Tại phiên tòa ngày 27/9, HĐXX đã xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm liên quan tới những đồ vật, vật chứng, tài liệu bị thu giữ trong quá trình điều tra. Bà Lan cho biết quá trình điều tra bị nhà chức trách thu giữ nhiều đồ dùng cá nhân như túi xách, điện thoại, giày dép.
"Khi bị bắt, bị cáo bị thu giữ 2 túi Hermès bạch tạng. Một chiếc tôi mua tại Italia và chiếc còn lại tôi được một đại gia người Malaysia tặng. Những chiếc túi này giá trị không đáng bao nhiêu, sau này bị cáo muốn để lại cho con cháu làm kỷ niệm, vì vậy, xin HĐXX xem xét cho bị cáo xin lại 2 chiếc túi này", bị cáo Lan trình bày.
Chiếc túi Hermès bạch tạng mà bà Trương Mỹ Lan nhắc đến có tên đầy đủ là Hermès Himalayan Crocodile Birkin, được mệnh danh là một trong những chiếc túi xách đắt đỏ và khó tìm nhất trên thế giới. Chiếc túi này cũng đứng đầu danh sách mong muốn sở hữu của những nhà sưu tập túi xách trên toàn thế giới.
Túi Himalaya Birkin được bán lần đầu tiên ra thị trường vào năm 2014 với giá 180.000 USD, tương đương hơn 4,4 tỷ đồng, được xem là chiếc túi đắt nhất thế giới. Từ đó tới nay, chúng luôn được đấu giá với số tiền kỷ lục.
Chiếc túi Hermès Himalaya Birkin 35 hiếm có trong buổi đấu giá tại Paris năm 2016 (Ảnh: Reuters).
Theo Sotheby's - hãng bán đấu giá nổi tiếng đến từ Anh, chiếc túi của Hermès được làm từ da cá sấu Niloticus Crocodile nhuộm màu trắng và xám. Màu sắc độc đáo của chiếc túi Hermès này được tạo ra bởi quá trình phức tạp và tốn thời gian. Bao gồm một kỹ thuật nhuộm cẩn thận, tạo ra sự phai dần từ trắng sang xám, gợi nhớ đến dãy núi Himalaya phủ đầy tuyết.
Đáng chú ý, chiếc túi còn được đính kim cương và vàng trắng 18K. Chỉ riêng ổ khóa cadena đã bao gồm 68,4g vàng trắng 18K, được nạm 40 viên kim cương trắng hình tròn với tổng trọng lượng 1,64 carats.
Theo Hermès, mỗi năm chỉ có vài chiếc ra đời, tạo nên sự quý hiếm của dòng túi này. Năm 2021, túi Himalaya Birkin cỡ 25 là kích thước được săn đón nhiều nhất và được bán với giá hơn 300.000 USD tại Sotheby's, tương đương hơn 7,3 tỷ đồng.
Năm 2022, hãng đấu giá này đã bán một chiếc túi Himalaya Birkin cỡ 30, đính kim cương, với giá hơn 450.000 USD, tương đương hơn 11 tỷ đồng. Đây là phiên bản hiếm nhất và đáng mua nhất của túi Himalaya Birkin. Trên thị trường thứ cấp, túi Himalaya Birkin thường được bán với giá cao hơn.
TPHCM kiến nghị Thủ tướng sớm chỉ đạo giải quyết vấn đề Vạn Thịnh Phát và SCB TPHCM bày tỏ mong muốn Thủ tướng sớm chỉ đạo giải quyết các vấn đề của Ngân hàng SCB và Vạn Thịnh Phát để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Sáng nay (10/8), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với TPHCM về kết...