Cựu binh Úc vẫn đau đáu với 90 lá thư của bộ đội Việt Nam
Cựu binh Úc, người trở lại Việt Nam vào năm ngoái cùng một đồng đội mang theo “Lá thư xuân” đầy xúc động của người lính họ Phan, đến nay vẫn còn bao nỗi khắc khoải trong lòng. Bởi ông vẫn còn lưu giữ 90 lá thư và nhiều kỷ vật khác của bộ đội Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh.
Derrill de Heer (trái) và Laurens Wildeboer trong chuyến trở lại Việt Nam trao trả cuốn sổ có bài thơ “Lá thư Xuân” vào tháng 4/2012.
Người cựu binh từng tham chiến ở chiến trường Việt Nam Derrill de Heer vào đầu tháng 4 năm ngoái đã trở lại Việt Nam cùng cựu binh Laurens Wildeboer, mang theo cuốn sổ có bài thơ “Lá thư Xuân” mà ông Wildeboer lưu giữ suốt 40 năm, trao trả cho Việt Nam. Mặc dù thân nhân của bài “Lá thư Xuân” chưa được tìm thấy, nhưng cả hai cựu binh Derrill de Heer và Laurens Wildeboer đã trao trả được một số kỷ vật khác của bộ đội Việt Nam cho người thân của họ. Và quan trọng hơn, hành động của họ là một cử chỉ đẹp, giúp hàn gằn hai phía từng ở hai đầu chiến tuyến, tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Bản thân những người cựu binh Úc cũng nguôi ngoai đôi chút về những sai lầm trong quá khứ chiến tranh.
Và giờ đây, đúng vào năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Việt-Úc, cựu binh Derrill de Heer, thành viên của Dự án Những linh hồn phiêu bạt, thuộc Đại học New South Wales chi nhánh tại Canberra, dự kiến sẽ trở lại Việt Nam thêm một lần nữa. Lần này, dự án của ông dự kiến sẽ trao lại cho chính phủ Việt Nam và các thân nhân liệt sỹ toàn bộ trên 150 di vật của các liệt sỹ Việt Nam được các binh sỹ Úc và New Zealand lưu giữ trong cuộc chiến tranh Việt Nam từ năm 1966 đến năm 1971.
Đáng chú ý nhất trong những kỷ vật dự án Những tâm hồn phiêu bạt đang lưu giữ là 90 lá thư mà theo Derrill de Heer được lấy chủ yếu từ các chiến trường ở Bình Định. Một số lá thư còn nguyên phong bì, đề địa chỉ người nhận và người gửi. ( Dân Trí sẽ đăng tải một số bức thư trong thời gian tới để độc giả hỗ trợ tìm thân nhân của các bức thư)
Bản chụp một trong những lá thư cựu binh Úc lưu giữ.
Bà Ngô Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm quản lý dữ liệu liệt sỹ và người có công (MARIN) tại Hà Nội, cho biết qua phối hợp với Dự án Những tâm hồn phiêu bạt, trung tâm MARIN của bà đã tìm được nhiều người là người nhận hoặc người gửi các thư mà đến nay vẫn còn sống. Họ cũng rất muốn nhận lại những lá thư này.
Ngoài ra, còn có 19 bức phác họa màu Derrill de Heer thu thập được và dự kiến sẽ trao lại cho Việt Nam khi trở lại đây trong một vài tháng nữa. Theo Derrill de Heer, hầu hết các bức phác họa này là do một họa sỹ vẽ và chỉ có một bức là của một người khác vẽ.
Derrill de Heer cho biết, các bức phác họa này được thu thập tại một hệ thống hầm ở tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa Vũng Tàu ngày nay) hoặc tỉnh Long Khánh hay tây nam Biên Hòa. Tuy nhiên, ông cũng không thể chắc chắn về điều này.
Video đang HOT
Hiện ông đang nỗ lực xác định tên của người vẽ các bức phác họa cũng như người thân của họ để trao trả. Thông qua Dân trí, ông cũng muốn độc giả giúp ông tìm tác giả cho những bức phác họa này.
Ông cũng ám ảnh bởi một bức ảnh chụp một người lính Việt Nam, được cho là trung sỹ quân y, nhiều khả năng hi sinh vào năm 1968. Bức ảnh của anh được tìm thấy trên người lúc anh ngã xuống. Ông de Heer cũng rất muốn trao lại tận tay bức ảnh này cho người thân của anh.
Bức ảnh người lính Việt Nam mà cựu binh Úc de Heer muốn tìm được người thân của anh để trao trả.
Trong lần trở lại này, ông mong muốn được trao trả toàn bộ khoảng trên 150 kỷ vật mà ông và Dự án Những tâm hồn phiêu bạt đang lưu giữ cho Việt Nam. Điều ông mong mỏi nhất là trao chúng đến cho tận tay chủ nhân, những người thân của chủ nhân những kỷ vật đó, thay vì lưu giữ chúng ở đâu đó, như trong viện bảo tàng.
Một số bức phác họa trong số 19 bức Derrill de Heer muốn độc giả giúp tìm tác giả:
Những bức họa trên Derrill de Heer cho là của cùng một tác giả
Bức họa được cho là do một tác giả khác vẽ.
Dự án Những linh hồn phiêu bạt là dự án của một nhóm các nhà nghiên cứu do tiến sỹ Bob Hall, cũng là cựu binh tham chiến ở Việt Nam, đứng đầu. Dự án này thuộc Trung tâm Nghiên cứu Xung đột vũ trang và Xã hội của Úc, Đại học New South Wales chi nhánh tại Canberra và có trụ sở đặt tại Học viện Lực lượng Quốc phòng Australia tại Canberra. Suốt nhiều năm qua, họ đã nghiên cứu các chiến dịch của Australia từ năm 1966 đến 1971 tại Phước Tuy (nay thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) và Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Đồng Nai). Họ đã từng chuyển cho chính phủ Việt Nam và một số nhóm cựu chiến binh nhiều thông tin đánh dấu vị trí những địa điểm binh sỹ Úc và New Zealand đã chôn cất bộ đội Việt Nam.
Theo Dantri
Bộ đội trinh sát Thủ đô "trổ tài" dưới nắng hè
Hà Nội những ngày đầu hè nhiệt độ lên đến 37-38 độ C lại trở thành "điều kiện lý tưởng" để cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn Trinh sát 20 (BTL Thủ đô HN) "rèn quân".
Màn biểu diễn của Hán Mạnh Hoàng.
Đâu cũng là thao trường
Dẫn chúng tôi đi thăm các điểm tập của bộ đội, thượng úy Lê Ngọc Quân, Chính trị viên Đại đội Trinh sát, giới thiệu: "Ngay sau lễ ra quân huấn luyện vào đầu tháng 3, cán bộ, chiến sĩ Đại đội đã bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) theo kế hoạch của Tiểu đoàn.
Riêng trong huấn luyện quân sự, đơn vị đi sâu vào huấn luyện võ thuật, chiến thuật trinh sát và trinh sát đặc nhiệm, binh địa, bắn súng và rèn thể lực. Nắng nóng như thế này là một cơ hội tốt để chúng tôi tổ chức huấn luyện bám sát với thực tế chiến đấu.
Vừa giới thiệu, thượng úy Quân vừa chỉ tay về phía sân tập nắng chói chang- nơi một nhóm chiến sỹ đang có bài tập "công phá" với việc dùng đòn tay, đòn chân đập vỡ liên hoàn các chồng gạch ngói rất "ngọt".
Hồi hộp nhất có lẽ là "màn" đập vỡ tấm bê tông mà người nằm đỡ tấm bê tông là một chiến sỹ còn rất trẻ - Binh nhất Hán Mạnh Hoàng, sinh năm 1992, nhập ngũ đợt 1 năm 2012.
Chúng tôi không khỏi rùng mình khi tận mắt chứng kiến cảnh thiếu úy CN Trịnh Hữu Lượng nâng búa đập rồi đập mạnh lên tấm bê tông nặng gần 40kg trên bụng Hoàng. Vẫn biết Hoàng sẽ không hề hấn gì mặc dù tấm bê tông vỡ đôi nhưng chúng tôi vẫn thầm khâm phục Hoàng bởi ngay sau khi đó, anh đã đứng bật dậy, mỉm cười chào mọi người như không hề có chuyện gì.
Khẽ lắc đầu cho mảnh thủy tinh rơi ra khỏi tóc, chàng trai quê ở huyện Tam Nông (Phú Thọ) này chia sẻ: "Để học được môn này, người tập phải có nền tảng thể lực tốt, sức chịu đựng bền bỉ, kiên trì và có phương pháp tập luyện khoa học, nhất là học vận khí công".
Chưa dừng lại ở đó, Hoàng tiếp tục "biểu diễn" công phá chai thủy tinh bằng đầu. Anh cầm hai tay hai chai thủy tinh, đập mạnh từng cái vào đầu khiến chúng vỡ tan tành.
Nghe có vẻ đơn giản nhưng chúng tôi biết rằng, để làm được những điều như vừa rồi, chắc hẳn Hoàng đã phải qua quá trình rèn luyện gian khổ với bản lĩnh kiên cường.
Chạy trốn cái nắng, chúng tôi vẫn kịp nhìn thấy hàng chục chiến sỹ khác đang tập leo dây thu lôi lên nhà cao tầng hay lao người qua vòng, phi tiêu...Dường như, mọi địa hình, địa vật ở đây như các bờ tường, bờ ao, nóc nhà, hàng rào, phòng ở... đều được các cán bộ, chiến sỹ ở đây dùng làm "thao trường" luyện tập.
Luyện tập leo trèo dây thu lôi trong bài tập giải thoát con tin.
Tự hào khi được nhận việc khó
Cùng với với công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Tiểu đoàn trinh sát 20 còn thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao đột xuất. Đơn cử như đầu tháng 4 vừa qua, Tiểu đoàn nhận được chỉ thị của BTL Thủ đô Hà Nội về tiến hành đắp sa bàn phục vụ tập huấn chiến lược toàn quân năm 2013 của Bộ Quốc phòng.
Nhớ về việc triển khai nhiệm vụ này, Thiếu tá Vũ Cường Tú, Chính trị viên Tiểu đoàn Trinh sát 20 cho hay: "Đây là một vinh dự những cũng là nhiệm vụ khó khăn đối với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn. Sa bàn rộng gần 200m2, tỉ lệ nhỏ, trải dài trên 19 tỉnh, địa hình phức tạp... đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ đều phải nêu cao trách nhiệm của bản thân để làm cụ thể, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ và phối hợp nhịp nhàng.
Công việc nhiều nhưng mới mẻ khiến chúng tôi thấy thú vị và càng muốn khẳng định chuyên môn của mình. Qua hơn 1 tháng triển khai, sa bàn đã hoàn thành, và được thủ trưởng Bộ Quốc phòng, thủ trưởng BTL và các cơ quan nghiệp vụ cấp trên đánh giá cao".
Với sự "rèn cán, luyện quân" như trên, thành tích giải nhất "Hội thi Quân báo- Trinh sát toàn quân năm 2012" là một phần thưởng xứng đáng cho Tiểu đoàn Trinh sát 20 và nó chắc chắn còn là động lực để các cán bộ, chiến sỹ tiếp tục phấn đấu trong thời gian tới.
Theo xahoi
Lính Quân khu 5 oai hùng mở lối ra trận địa Xe tăng gâm rú, tháp pháo cao xạ vươn thẳng giữa trời xanh, đặc công, công binh hối hả mở lối ra trận địa... là những hình ảnh ân tượng của lực lượng Quân khu 5 những ngày đâu huân luyên 2013. Ghi nhanh của PV Tiên Phong tại môt sô đơn vị trực sẵn sàng chiên đâu của Quân khu 5 những...