Cựu binh Mỹ 20 năm kéo vỹ cầm ở khu chứng tích thảm sát Mỹ Lai
Tiếng đàn da diết của Mike Poehm vào lễ tưởng niệm vụ thảm sát hàng năm như lời nguyện cầu đến hương hồn 504 người dân bị sát hại.
Ngày 14.3, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi tặng kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ” của Hội Phụ nữ Việt Nam cho ông Mike Poehm để ghi nhận sự đồng hành, giúp đỡ phụ nữ suốt 25 năm qua.
Lãnh đạo Hội Phụ nữ Quảng Ngãi trao kỷ niệm chương cho ông Mike Poehm. Ảnh: Thạch Thảo.
Ông Mike Poehm là cựu binh Mỹ, gia nhập sư đoàn bộ binh đóng quân ở Củ Chi, Sài Gòn năm 1968. Vừa đặt chân đến Việt Nam, ông đã thấy sự ác liệt của chiến tranh khi quân Giải phóng tấn công Sài Gòn trong chiến dịch Mậu Thân. Ba tháng sau, Mike biết được thông tin về vụ thảm sát Mỹ Lai và mang nỗi ám ảnh về nó suốt 25 năm.
Năm 1993, Mike Poehm trở lại Việt Nam và chọn Quảng Ngãi là điểm đến để bắt đầu hành trình hóa giải nỗi đau chiến tranh. Từ đó đến nay, ông là giám đốc điều hành của tổ chức Madison Quakers, hỗ trợ hàng tỷ đồng giúp phụ nữ có vốn mua bò giống thoát nghèo, xây nhà tình thương và trao học bổng cho trẻ em.
Mike thường trở lại Sơn Mỹ vào tháng 3 hàng năm. Năm 1998, nhân tưởng niệm 30 năm vụ thảm sát, ông trở lại cùng hai người lính Mỹ đã giải cứu những phụ nữ và trẻ em trước hòng súng của đồng đội. Tại đây, Mike đã chơi một bản nhạc nói về nỗi lòng của người phụ nữ đợi chồng trong cuộc nội chiến nước Mỹ hơn 200 năm trước bằng cây violin cũ kỹ.
Video đang HOT
Từ đó đến nay, tiếng vỹ cầm của ông trở thành một phần trong lễ tưởng niệm ngày thảm sát mỗi năm. “Chúng ta không thể quên quá khứ, để không phạm phải sai lầm tương tự. Nhưng tôi nhìn về Mỹ Lai là nhìn về cả tương lai, ở đó có những đứa trẻ lớn lên trong hạnh phúc”, ông chia sẻ. Chính cái nhìn ấy đã thôi thúc ông hành động để giúp đỡ phụ nữ và trẻ em ở vùng quê đau thương năm nào.
Nhận kỷ niệm chương, Mike Poehm cho biết ông rất xúc động và tự hào. “Tôi rất vui vì đã đồng hành cùng hội phụ nữ 25 năm qua, và tôi mong mình có thể đồng hành lâu hơn nữa”, cựu binh Mỹ xúc động nói.
Bà Phạm Thị Hồng Hải – Phó chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, tấm lòng và những đóng góp của Mike Poehm là món quà quý giá giúp nhiều chị em vượt qua hoàn cảnh khó khăn vươn lên.
Ông Mike trong một buổi trao tặng bò giống cho phụ nữ Quảng Ngãi. Ảnh: Văn Chương.
Ngày 16/3, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ tưởng niệm 50 năm Thảm sát Mỹ Lai. Ông Nguyễn Minh Trí – Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh cho biết năm nay sự kiện thu hút sự chú ý của nhiều hãng thông tấn quốc tế như DPA (Đức), Kyodo News (Nhật Bản), Al Jazeera (Qatar)…
“Có gần 20 đoàn nước ngoài với 100 đại biểu đến dự lễ cùng 400 đại biểu trong nước được mời, chưa kể người dân và du khách. Buổi lễ không chỉ nhắc nhớ về đau thương mà còn là thông điệp về hóa giải hận thù để hướng đến thế giới hòa bình”, Giám đốc Sở nói.
50 năm trước, đại đội Charlie thuộc Lục quân Mỹ đổ bộ vào làng Mỹ Lai, nay là xã Tịnh Khê (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Trong 4 giờ, lính Mỹ đã sát hại 504 người dân không có vũ trang, phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Một năm sau, hình ảnh và tin tức về vụ thảm sát được công bố trên truyền thông đã gây chấn động, làm bùng nổ phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trong nước Mỹ và trên toàn thế giới.
Theo Thạch Thảo (VNE)
Báo chí quốc tế đổ về Quảng Ngãi đưa tin dịp 50 năm thảm sát Mỹ Lai
Nhiều kênh truyền hình, hãng thông tấn nổi tiếng quốc tế của Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản... đăng ký tác nghiệp báo chí nhân lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Mỹ Lai (Quảng Ngãi).
Sáng 13.3, lãnh đạo Sở Ngoại vụ Quảng Ngãi, cho biết nhiều kênh truyền hình, hãng thông tấn nổi tiếng quốc tế đăng ký tác nghiệp báo chí sự kiện tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Mỹ Lai. Số lượng đoàn và nhà báo đến tác nghiệp tăng hơn gấp đôi so với dịp 40 năm.
Theo đó, nhiều văn phòng thường trú của các hãng tin như Reuters (Anh), AFP (Pháp), AP (Mỹ), The Yomiuri Simbun, The Asahi Shinbun, Truyền hình NHK, báo Akahata, Phân xã Kyodo News (Nhật Bản) tại Hà Nội; Thông tấn DPA, kênh truyền hình Đức ZDF, báo Frankfuter Allgemeine Zeitung (Đức); báo RIA (Nga), Hãng VVTH Al - Jazeera (Quatar)... cử hàng chục nhà báo đến Quảng Ngãi tác nghiệp.
Nhiều nhà báo của các kênh truyền hình nổi tiếng thế giới tác nghiệp ở khu chứng tích Sơn Mỹ, nơi xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai. Ảnh: Minh Hoàng.
Ông Phan Văn Đỗ, đại diện Tổ chức Madison Quakers Inc. (Mỹ) tại Việt Nam, cho hay khác với nhiều năm trước, năm nay có ông Ronald Haeberle, tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai cùng một số cựu binh, giáo viên nghỉ hưu, thợ máy (quốc tịch Mỹ) yêu chuộng hòa bình đến dự lễ tưởng niệm.
Dịp này, ông Gerard Boivineau, cựu Tổng Lãnh sự Pháp cùng phu nhân; nghệ sĩ nhân dân Trà Giang, hoa hậu Ngọc Hân cùng nhiều thành viên Quỹ hòa bình Mỹ Lai cũng về dự.
Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, chia sẻ lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Mỹ Lai là dịp để ôn lại quá khứ đau thương, mất mát to lớn của nhân dân Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi trong chiến tranh.
"Nhìn lại quá khứ cũng là để kêu gọi mọi người chung tay xây dựng thế giới hòa bình. Đây cũng là dịp giới thiệu, quảng bá hình ảnh, con người Quảng Ngãi đến với bạn bè quốc tế về nghị lực vượt qua mất mát, vươn lên từ mảnh đất đau thương hồi sinh, phát triển", ông Trí nói.
50 năm trước, một trung đội Mỹ tràn vào làng Sơn Mỹ. Trong sáng 16.3.1968, họ đã sát hại 504 thường dân vô tội, hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Đến tháng 11.1969, vụ thảm sát mới được đăng tải trên các tạp chí Time, Life và Newsweek. Tin tức về vụ thảm sát hâm nóng thêm phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam.
Theo Minh Hoàng (Zing)
Quảng Ngãi xây dựng công viên 348 tỷ đồng tưởng nhớ vụ thảm sát Mỹ Lai Dự án Công viên Hòa Bình Mỹ Lai (quy mô 41ha) sẽ được xây dựng tại TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) với tổng vốn đầu tư 348 tỷ đồng. UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết đây là công trình tưởng nhớ 504 dân thường bị thảm sát năm 1968. Ngày 6/3, tại TPHCM, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức họp báo,...