Cứu bé sơ sinh tím tái, suy hô hấp vì đẻ rơi trên taxi
Mới đây, Bệnh viện Đa Khoa Hùng Vương cho biết vừa cấp cứu sản phụ 30 tuổi chuyển dạ và sinh con ngay trên xe taxi.
Bé gái chào đời trên xe taxi nặng 2,9kg
Theo nguồn tin trên Dân trí, mới đây Phòng cấp cứu, Bệnh viện Đa Khoa Hùng Vương vừa cấp cứu sản phụ 30 tuổi chuyển dạ và sinh con ngay trên xe taxi. Trước tình huống khẩn cấp, các y bác sĩ đã nhanh chóng huy động phương tiện cấp cứu, đón sản phụ và em bé ngay cửa xe taxi.
Hai mẹ con sản phụ nhập viện trong tình trạng vô cùng nguy hiểm. Bé sơ sinh tím tái, suy hô hấp, đường thở nhiều dịch bẩn, không khóc. Trẻ được quấn tã nằm trên bụng mẹ, chưa cắt rốn. Bé sơ sinh được bác sĩ chuyên khoa Sản cấp cứu, khai thông đường thở, hút dịch, nhớt ở mũi, miệng. Đồng thời, thực hiện kích thích bé bằng cách xoa lưng làm nóng, ủ ấm.
Sau 2 phút được cấp cứu, trẻ đã hồng hào và khóc lớn, được vệ sinh toàn thân, sát khuẩn rốn và cắt rốn và chuyển khoa Sản bệnh viện để tiếp tục theo dõi. Đây là một bé gái, nặng 2,9kg.
Video đang HOT
Ngoài việc cấp cứu cho trẻ, một ê kíp khác cũng được huy động cấp cứu sản phụ. Sản phụ vào viện trong tình trạng rau chưa bong, tử cung co kém, ra máu nhiều. Các bác sĩ dùng thuốc tăng co bóp tử cung, cầm máu, kiểm tra đường sinh dục và xử trí vết rách tầng sinh môn.
Các bác sĩ cho biết, đẻ rơi con trên xe taxi khiến cho cả mẹ và con gặp rất nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong trường hợp này, trẻ có thể bị suy hô hấp, suy tuần hoàn, nhiễm trùng máu và các bệnh lý về đường hô hấp do không đảm bảo điều kiện khi sinh nở. Mẹ có thể bị rách tầng sinh môn, băng huyết, nhiễm trùng, choáng váng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.
Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo, thai phụ nên khám thai và theo dõi sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Khi có các dấu hiệu bất thường như đau bụng, ra máu hoặc nước âm đạo… cần nhập viện sớm để được xử trí kịp thời.
Có nên ăn "thật lực" để tăng cân cho thai nhi?
Khi thai nhi to, cả trẻ và mẹ đều dễ đối mặt với nhiều hệ lụy về sức khỏe.
Trẻ sinh to dễ đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật
Không ít gia đình vẫn quan niệm "trẻ sinh ra càng to càng dễ nuôi" nhưng theo các bác sĩ sản khoa, khi thai nhi to, cả trẻ và mẹ đều dễ đối mặt với nhiều hệ lụy về sức khỏe.
Con vừa sinh ra đã suy hô hấp nặng chỉ vì... to quá
Mặc dù đã hơn 2 năm trôi qua nhưng với chị T.T.H (TP HCM), những chuỗi ngày vừa lọt lòng của bé Voi phải điều trị, chăm sóc đặc biệt vẫn mãi ám ảnh.
Cũng như bao thai phụ khác, với chị sức khỏe, cân nặng của thai nhi luôn là điều quan tâm hàng đầu. Ở thai kỳ tháng thứ 7, khi đi siêu âm, bác sĩ nói thai nhi bé so với tuổi thai nên từ lúc đó, cả gia đình "nhồi" chị ăn đủ các thực phẩm bổ dưỡng. Cháo cá, chim bồ câu hầm ăn nhiều đến phát sợ nhưng chị H. vẫn phải cố để tăng cân cho thai. Chỉ hai tháng cuối thai kỳ chị tăng vọt lên hơn chục cân. Bé Voi chào đời nặng tới 4,7kg, bị suy hô hấp nặng, người tím lịm, phải thở máy tức thì và được chuyển vội sang Bệnh viện Nhi T.Ư và được chẩn đoán mắc một loạt bệnh lý nhiễm trùng máu, suy hô hấp, hạ đường huyết.
Mấy tháng ròng nằm viện, may mắn bé Voi cũng được điều trị ổn định. Tuy nhiên, đến hiện giờ di chứng để lại khiến bé Voi không khỏe mạnh như bạn cùng lứa và vẫn được theo dõi sức khỏe thường xuyên.
Theo chia sẻ của TS. BS. Trần Hữu Trung, Trưởng Phòng khám Phụ Sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, quan điểm "sinh con là phải to, khỏe mới dễ nuôi" chưa hoàn toàn đúng. Nếu các bà mẹ hay ông bố tương lai có dịp ghé thăm khoa "dưỡng nhi" - khoa chăm sóc nhi khoa tích cực (NICU) của các bệnh viện phụ sản sẽ thấy có một nghịch lý, bên cạnh các bé nhẹ cân, có không ít các bé trọng lượng lớn, trên 4kg vẫn cần sự hỗ trợ của các dịch vụ y tế đặc biệt.
BS. Trung lý giải, trẻ sơ sinh trên 4kg đối mặt với nhiều nguy cơ. Dễ thấy nhất là trẻ có nguy cơ cao bị chấn thương khi sinh. Đó là biến chứng kẹt vai thai nhi ở khung chậu của người mẹ sau khi đầu thai nhi đã ra trước. Lúc này, bác sĩ sản khoa phải dùng những lực mạnh hơn mức bình thường và có thể sử dụng những thủ thuật đặc biệt. Nguy cơ chấn thương xương, khớp và có thể cả các dây thần kinh của thai rất cao. Đây là những tình huống rất khó khăn, rất khó tiên lượng.
Hơn nữa, ngay sau sinh, trẻ sơ sinh nặng cân còn có thể đối mặt với nguy cơ hạ đường huyết, suy hô hấp. Ngoài ra, khi lớn lên, những trẻ này rất dễ bị béo phì, đái tháo đường và các rối loạn chuyển hóa khác.
Các bà bầu cần lưu ý gì?
Theo BS. Trung, không chỉ nguy cơ bệnh tật cao với trẻ sơ sinh cân nặng "khủng" mà thai phụ mang thai quá to khi trải qua cuộc sinh sẽ đối diện nhiều rủi ro. Đó là khả năng phải sinh mổ, chấn thương cơ quan sinh dục khi sinh ngả âm đạo, băng huyết sau sinh, vỡ tử cung... Những tai biến này nếu không được xử trí đúng, kịp thời sẽ hết sức nguy hiểm, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng người mẹ.
Theo BS. Trung, mặc dù các cơ chế kiểm soát tăng cân và tăng trưởng của thai nhi trong bụng mẹ vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng sự phát triển của thai nhi quá mức có thể là do sự tăng cường chất dinh dưỡng cho thai nhi. Điều này có thể do các yếu tố môi trường trong tử cung hoặc di truyền. Các nghiên cứu cho thấy, những bà mẹ từng sinh con to trên 4kg có nguy cơ sinh con to lặp lại trong lần sinh sau. Những bà mẹ bị béo phì, mắc bệnh tiểu đường và tăng cân quá mức khi mang thai cũng có nguy cơ cao sinh con to. Những tình trạng này của bà mẹ dẫn đến việc cung cấp quá nhiều chất dinh dưỡng cho thai nhi góp phần làm gia tăng sự phát triển của bào thai....
Do vậy, thai phụ trong quá trình mang thai cần đến thăm khám đều đặn để được các bác sĩ tư vấn, kiểm soát về bệnh lý đường huyết, về chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh ăn quá nhiều, nhất là đồ ngọt, tinh bột... tránh tăng cân quá mức, đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh.
3 mẹ sinh non 3 con cùng một ngày Ba bé sinh non cùng một ngày tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương trong tình trạng rất yếu, suy hô hấp, tiên lượng nặng. Ba bé là con của ba sản phụ, một người mang thai 26 tuần, hai người còn lại mang thai 28 tuần. Cả ba sản phụ nhập viện trong tình trạng đau bụng dưới từng cơn, vỡ ối....