Cướp giật lộng hành
Thời gian gần đây, trên địa bàn TP.HCM tình hình trộm cướp liên tục xảy ra, đặc biệt ở những vùng giáp ranh. Những vụ cướp táo tợn “coi trời bằng vung”. Trong khi đó, công an địa phương làm gì?
Bắt nóng một vụ cướp giật trên cầu Bùi Hữu Nghĩa (P.Đa Kao, Q.1) rạng sáng 2-9 – Ảnh: Sơn Bình
Trưa 31-8, nhận tin báo một người đi đường vừa bị cướp xe dưới chân cầu vượt Linh Xuân (Q.Thủ Đức), chúng tôi ghé vào một quán cà phê dưới chân cầu để ghi nhận. Khi hỏi về tình hình trộm cướp, ông chủ quán giật mình nhìn nhóm người cùng ngồi trong quán rồi lơ đi. Khi nhóm người kia rời quán, ông mới nói nhỏ: “Ba thằng vừa ngồi cùng băng nhóm cướp xe máy trên cầu, bọn chúng có mặt quan sát khắp nơi”.
Cũng theo chủ quán, nhiều người dân biết rõ hai băng nhóm trộm cướp xe (khoảng 40 người) hoạt động chủ yếu từ khu vực Suối Tiên đến cầu vượt Linh Xuân, mỗi sáng hay tụ tập ở một số quán quen nói cười rổn rảng chia tiền…
Cướp táo tợn
Trước đó, rạng sáng 6-8 tại một nhà trọ trên đường 19, P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức, ba thanh niên thuê phòng trọ tại đây, hai người ngủ, một người mở cửa chơi game. Đang chơi game, anh Đinh Phong Vũ (21 tuổi, quê Lâm Đồng) thấy hai thanh niên từ ngoài cửa đi vào, một tên gí dao vào cổ khống chế anh Vũ cho đồng bọn lấy ba máy tính, hai điện thoại di động, hai xe gắn máy rồi ung dung bỏ đi. Nhìn hai tên bặm trợn, nạn nhân không dám tri hô đuổi bắt mà chỉ gọi hai bạn dậy nhỏ nhẹ thông báo vụ việc vừa bị cướp.
Ngày 5-8, anh Hoàng Hữu Cường (33 tuổi, quê Đồng Nai) đang đi xe gắn máy trên đường Ngô Chí Quốc (P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức) bị ba thanh niên tạt ngang đầu xe khiến anh té xuống đường. Khi anh vừa ngã, nhóm thanh niên này lao đến đánh anh túi bụi. Không kịp la kêu cứu, anh cố thoát khỏi vòng vây và bọn chúng nhanh chóng cướp xe tẩu thoát…
Ngày 20-8, anh Trần Ngọc Quý (33 tuổi, ngụ khu phố 3A, P.Tân Thới Hiệp, Q.12) bức xúc kể anh đang ngồi làm ở cơ quan thì nghe người dân điện thoại báo nhà bị trộm, anh vội vàng trở về chứng kiến ba lớp cửa bị cắt phá hoàn toàn, nhiều đồ đạc từ tầng trệt đến tầng lầu bị lục tung khắp nơi. Tất cả tiền bạc, nữ trang của vợ chồng anh dành dụm bị mất trị giá hơn 100 triệu đồng. Anh Quý khẳng định trước đó nhiều nhà liền kề trong khu phố anh cũng bị mất cắp.
Chiều 31-8, chúng tôi trở lại khu vực này, thấy người lạ mặt nhiều người dân đóng cửa im ỉm. Khi biết chúng tôi là phóng viên, một số người mới chịu trò chuyện và tỏ vẻ bực dọc. “Mới đây, một tên trộm bị dân phát hiện rượt đuổi, thấy xe của người dân dừng bên đường theo dõi, tên trộm này lao đến xô ngã rồi cướp xe chạy thoát” – ông Thanh (42 tuổi), một người dân, cho biết.
Video đang HOT
Sáng 13-8, người dân phát hiện một thi thể thối rữa bên trong nhà hàng Thảo Nguyên Xanh trên quốc lộ 50, ấp 2, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh. Nạn nhân được xác định là Lê Minh Tâm (19 tuổi, ngụ huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk). Từ những tài sản bị mất cắp và thi thể Tâm có nhiều vết thương, cơ quan điều tra Công an H.Bình Chánh nhận định Tâm bị sát hại cướp tài sản và bắt giữ được các đối tượng gây án.
Theo phản ảnh của người dân, hơn hai tháng nay đoạn hầm chui trên đường Bông Văn Dĩa (ấp 1, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) xuất hiện một băng cướp khoảng mười người trang bị mã tấu, sẵn sàng chém người cướp xe khoảng 22g-4g sáng. Theo anh Trần Văn Bình (28 tuổi) – buôn bán gần khu vực này, hai lần anh chứng kiến bọn chúng đứng trên hầm chui rút mã tấu nhảy xuống chặn đường cướp xe. Khi người đi đường kháng cự, bọn chúng vung mã tấu rượt đuổi, giúp đồng bọn cướp xe tẩu tán.
Cùng nằm trên địa bàn giáp ranh, Q.Bình Tân thường xuất hiện nhiều đối tượng trộm cướp táo tợn. Chiều 28-7, anh Huỳnh Văn Huyện (36 tuổi) và anh Hồ Thanh Nghĩa (18 tuổi, cùng ngụ Q.Bình Tân) đang bực dọc vì xe mất chìa khóa phải dẫn bộ trên đường số 8 (P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân). Đang đi, hai anh bị một thanh niên đi xe gắn máy tay cầm roi điện, súng giắt trong lưng quần, bấm roi điện xoẹt xoẹt đề nghị cả hai úp mặt vào tường để kiểm tra giấy tờ tùy thân. Tưởng công an thật, hai anh úp mặt vào tường mặc cho thanh niên thò tay vào túi, lấy hết bóp, điện thoại.
Ngày 11-8, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP.HCM phối hợp với Công an Q.Bình Tân bắt giữ bốn đối tượng trong băng cướp chuyên dùng hung khí đánh phủ đầu để cướp tại khu vực Q.Bình Tân, H.Bình Chánh.
Công an địa phương làm gì?
Thượng tá Nguyễn Văn Huê, phó trưởng Công an Q.Bình Tân, cho biết Công an Q.Bình Tân đã triển khai nhiều biện pháp như tuyên truyền tới từng tổ dân phố về phương thức, thủ đoạn của tội phạm để người dân có cách phòng ngừa. Tuy nhiên, địa bàn quận quá rộng, tốc độ đô thị hóa không đồng bộ trong khi tình hình kinh tế, xã hội đang khó khăn nên tình trạng tội phạm diễn biến phức tạp.
Thượng tá Nguyễn Hữu Toàn, trưởng Công an Q.Thủ Đức, cho biết trước tình trạng trộm cướp liên tục xảy ra nên đã đề nghị ban giám đốc Công an TP cho các đội nghiệp vụ của phòng về Q.Thủ Đức hỗ trợ tăng cường lực lượng tuần tra, bảo vệ người dân.
Theo trung tá Trang Văn Hinh – đội trưởng đội tổng hợp Công an Q.12, mỗi tháng công an quận đều tổng hợp các vụ trộm cướp, nhận dạng các nhóm tội phạm để truy bắt và luôn đưa ra phương thức, thủ đoạn của các đối tượng để cảnh báo người dân đề cao cảnh giác.
Từ những bức xúc của người dân thời gian qua, công an quận đã chỉ đạo và nhắc nhở trách nhiệm đối với từng cấp, đặc biệt cảnh sát khu vực phải rà soát tất cả đối tượng trên địa bàn. Nếu để xảy ra nhiều vụ sẽ bị kỷ luật hoặc luân chuyển công tác.
Phóng viên đi tác nghiệp bị cướp
Rạng sáng 6-8, khi đang điều khiển xe máy trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh hướng về cầu Sài Gòn, vừa qua vòng xoay Hàng Xanh, chúng tôi thấy một nhóm thanh niên bặm trợn đi xe máy lượn lờ theo sát. Khi xe vừa qua cầu Sài Gòn rẽ vào cầu Đen, lợi dụng nơi vắng người, hai thanh niên đi xe máy phía sau bất ngờ tăng tốc, dùng chân đạp thẳng vào tay lái làm xe chúng tôi bị ngã xuống đường.
Ngay lập tức, phía sau xuất hiện ba xe máy chở hai, chở ba dừng xe áp sát hiện trường. Nhóm người này lao đến nâng đỡ, hỏi thăm rồi “giữ giùm” chiếc balô nhưng chúng tôi giật lại. Thấy bất an, chúng tôi nhanh chóng tìm cách thoát khỏi vòng vây thì phát hiện chiếc điện thoại đã “không cánh mà bay”.
Theo Tuổi Trẻ
Du khách Tây "lộng hành" trên đất Việt
Với lượng lớn người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam du lịch, cư trú; bên cạnh những mặt tích cực còn kéo theo nhiều vấn nạn như các vụ án người nước ngoài giết người, đe dọa khủng bố, tàng trữ vận chuyển ma túy, lừa đảo, hoạt động xã hội đen, mại dâm,...
Tang vật một vụ án người nước ngoài lừa đảo tại Việt Nam bị thu giữ
Với xu hướng Việt Nam ngày càng hội nhập toàn diện với khu vực và trên thế giới, thời gian qua, lượng người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, nghiên cứu, học tập không ngừng tăng cao. Riêng trên địa bàn TP Hà Nội, số liệu thống kê của Phòng Xuất nhập cảnh, Công an TP Hà Nội cho thấy, 7 tháng đầu năm 2011, lượng khách đến Hà Nội là gần 560.000 lượt người.
Bên cạnh những mặt tích cực góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội, việc người nước ngoài nhập cảnh đòi hỏi phải đảm bảo các điều kiện an toàn theo quy định của Nhà nước và thông lệ quốc tế, kéo theo đó là một số vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Tình trạng vi phạm pháp luật của người nước ngoài thời gian gần đây có những biểu hiện gia tăng về số lượng, đa dạng về loại hình, với nhiều phương thức và thủ đoạn khác nhau như giết người, đe dọa khủng bố, tàng trữ vận chuyển trái phép chất ma túy, vũ khí, lừa đảo, trộm cắp tài sản sử dụng công nghệ cao, hoạt động theo kiểu xã hội đen, tổ chức hoạt động mại dâm, lao động trái phép, cư trú quá hạn.
Theo đại diện Phòng Xuất nhập cảnh - Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, tình trạng người nước ngoài nhập cảnh vào Hà Nội theo con đường du lịch để vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng như mượn du lịch để buôn bán trái phép, chủ yếu là khách Trung Quốc, Hàn Quốc; lợi dụng visa du lịch để làm công nhân xây dựng trong công trường; lợi dụng du lịch để chiếm dụng tài sản của công dân chủ yếu tập trung vào khách Trung Quốc; Thổ Nhĩ Kỳ; Iran; Iraq... Môi giới kết hôn trái phép, chủ yếu là người Hàn Quốc, Trung Quốc;lợi dụng du lịch vào Việt Nam để tuyên truyền tôn giáo trái phép, phát tán tài liệu trái thuần phong mỹ tục; hoạt động báo chí trái phép; lợi dụng du lịch để vào Việt Nam đánh bạc, lừa đảo...
Đầu tháng 5/2011 Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TPHCM đã bắt quả tang 5 đối tượng đều mang quốc tịch Philippines đang tổ chức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một du khách người Canada. Tại Cơ quan điều tra (CQĐT), nhóm người Philippines khai nhận nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường du lịch. Cứ 20 ngày bọn chúng lại xuất cảnh rồi nhập lại nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.
Ngay tại Hà Nội, Công an quận Hoàn Kiếm đã phát hiện một đối tượng người nước ngoài dùng thẻ tín dụng giả để lừa đảo. Đó là Choi Mingkian (quốc tịch Malaysia) mang theo 13 thẻ tín dụng cùng một đối tượng khác (chưa xác định được tên tuổi, địa chỉ) đến siêu thị Pico Plaza (ở 28 Bà Triệu) mua hàng. Sau khi mua một máy tính xách tay trị giá 20 triệu đồng ở tầng 2, đối tượng xuống tầng 1 mua 4 điện thoại di động trị giá 60 triệu đồng. Khi thanh toán, nhân viên siêu thị nghi ngờ thẻ thanh toán giả nên đã gọi điện xác minh tại Ngân hàng Techcombank. Tại CQĐT, đối tượng khai nhận, một tổ chức xã hội đen ở Malaysia đã làm hộ chiếu và đưa thẻ tín dụng giả cho đối tượng để sang Việt Nam lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đó chỉ là những vi phạm bề nổi, mỗi năm trên cả nước số vụ phạm pháp do người nước ngoài gây ra ngày càng cao, thủ đoạn tinh vi hơn. Ngoài ra, tại các điểm du lịch ở Hà Nội, tình trạng khách du lịch người nước ngoài vi phạm luật cũng ngày càng gia tăng như vi phạm luật giao thông, đỗ xe không đúng nơi quy định, hò hét, đập phá, thậm chí đánh nhau khi va chạm giao thông với người Việt Nam...
Nhìn nhận từ thực tế, thời gian qua, một số sở, ban, ngành TP Hà Nội chưa thật sự quan tâm đầy đủ về công tác quản lý người nước ngoài, nhất là trong công tác phối hợp kiểm tra sau cấp phép; một số doanh nghiệp, tổ chức cá nhân làm dịch vụ visa nhưng buông lỏng không quản lý khách; việc quản lý khai báo tạm trú của người nước ngoài còn bất cập, chưa thống nhất, kịp thời, đặc biệt tại các vùng địa giới hành chính mới được mở rộng. Chính vì thế tình hình vi phạm pháp luật của người nước ngoài ngày càng gia tăng.
Cần xử lý bằng chế tài đủ mạnh...
Để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội đối với người nước ngoài cư trú, lưu trú, hoạt động và tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh của người nước ngoài trên địa bàn cả nước trong tình hình mới, Thông tư số 44/2011/TT- BCA có hiệu lực từ ngày 14/8/2011 nêu rõ, giấy phép tham quan du lịch Việt Nam cho người nước ngoài quá cảnh có thời hạn phù hợp với thời gian quá cảnh và chương trình tham quan du lịch nhưng không quá 15 ngày. Khách quá cảnh được cấp giấy phép có trách nhiệm tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam, đồng thời thực hiện đúng chương trình du lịch mà doanh nghiệp đã đăng ký với Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
Riêng tại Hà Nội, trong Công văn số 34/CT-UBND của UNBD TP Hà Nội về việc tăng cường quản lý người nước ngoài trên địa bàn thành phố trong tình hình mới đã nêu rõ, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mời và làm việc với người nước ngoài phải chấp hành nghiêm túc Nghị định 21/2001/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài.
Để giải quyết tình trạng lộn xộn do du khách là người nước ngoài gây ra, đại diện của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP Hà Nội cho rằng, nên thành lập các đội Cảnh sát du lịch (CSDL) tại Hà Nội nhưng phải có chế tài xử phạt kèm theo. Bởi theo đại diện này lý giải, CSDL sẽ đảm bảo môi trường du lịch thủ đô lành mạnh, không còn trường hợp chèo kéo, trộm cắp của du khách, hay hướng dẫn viên nước ngoài cũng như khách nước ngoài phạm pháp khi đến Việt Nam và Hà Nội du lịch. Thực tế, thị trường du lịch ở các nước trên thế giới như Thái Lan, Myanmar... từ lâu đã có CSDL. Trước đây CSDL đã được thí điểm tại TPHCM nhưng hiệu quả chưa cao.
Ở góc độ quản lý trên địa bàn phường, Trung tá Nguyễn Văn Huệ, Phó trưởng Công an phường Điện Biên Phủ cho biết, địa bàn phường có nhiều di tích lịch sử như Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Hoàng Thành Thăng Long... nên tập trung rất đông người nước ngoài. Tình trạng người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam vẫn diễn ra nhưng chủ yếu là lỗi vi phạm luật giao thông.
Để giảm tải những vi phạm như thế, khi khách du lịch vào cửa khẩu nên tuyên truyền cho họ hiểu pháp luật Việt Nam, có quy định rõ ràng vềchế tài xử phạt; khi đối tượng vi phạm là người nước ngoài nên xử lý như đối với công dân Việt Nam. Đại diện Công an phường Hàng Buồm cho biết, du khách nước ngoài thường xuyên phạm lỗi như đỗ xe dưới lòng đường, thuê và tự lái xe máy, ôtô không có bằng lái xe. Về đêm một số khách du lịch tập trung ở những quán ven đường la ó, hét hò, thậm chí đánh nhau, gây mất trật tự đô thị. Tuy nhiên, xử lý họ gặp rất nhiều khó khăn, một phần do bất đồng ngôn ngữ, mặt khác chế tài xử lý với người nước ngoài hiện nay còn quá nhẹ, chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở là chính.
Để hạn chế những lộn xộn do khách du lịch gây ra, ngành Du lịch Việt Nam nên phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt là dịch vụ vui chơi giải trí, bởi nếu không làm tốt du khách sẽ tiếp tục một đi không trở lại đó là một điều đáng tiếc do du khách không thiết tha với kiểu nhàm chán của các dịch vụ du lịch như hiện nay. Bên cạnh đó, cũng cần chấn chỉnh đạo đức kinh doanh trong dịch vụ du lịch, điều quan trọng là cần tuyên truyền các chính sách liên quan đến pháp luật Việt Nam trên các phương tiện truyền thông đại chúng để khách quốc tế hiểu và chấp hành.
Theo Dân Trí
Bắt băng cướp trẻ lộng hành địa bàn giáp ranh Ngày 9-8, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Dĩ An - Bình Dương cho biết đang tạm giữ hình sự 7 đối tượng chuyên cướp tài sản của các đôi tình nhân ở khu vực hành chính thị xã Dĩ An và ĐH Quốc gia TPHCM. Bảy đối tượng gồm: Nguyễn Hoàng Tuấn (SN 1995), Võ Văn Nguyên (tự Bi, SN 1994),...