Cướp giật “đại náo” đường phố SG P.4
Giám đốc Công an TP.HCM khẳng định trong thời gian tới sẽ mạnh tay với tội phạm cướp giật nhắm vào du khách nước ngoài trong khi có quan ngại cho rằng khẩu hiệu “TP.HCM điểm đến hấp dẫn, thân thiện, an toàn” sẽ không thực chất nếu nạn cướp đường hàng ngày vẫn đe dọa người dân và du khách.
Khi công an “tuyên chiến” với nạn cướp giật
Một trong những biện pháp đối phó với “đại nạn” cướp giật tại TP.HCM là vào giữa năm 2011, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Công an TP.HCM nghiên cứu, đề xuất thành lập lực lượng cảnh sát du lịch.
Được biết, đây là đề án mà Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch TP.HCM đã đề xuất với chính quyền TP trong nhiều năm qua, nhằm thiết lập một lực lượng chuyên trách, tổ chức tuần tra các khu vực trọng điểm, kịp thời hỗ trợ, bảo vệ du khách nước ngoài khi họ có sự cố, đặc biệt là phát hiện, xử lý các hành vi cướp giật, móc túi du khách… Sở còn đề xuất lực lượng TNXP đảm nhận nhiệm vụ này.
Lực lượng túc trực bảo vệ du khách tại khu vực trung tâm TP.HCM.
Theo tìm hiểu của PV, ở một số quốc gia, lực lượng cảnh sát du lịch được thành lập từ rất lâu và góp phần rất tích cực trong việc bảo vệ du khách, bảo vệ hình ảnh đất nước. Tuy nhiên, vì sao đề án này cho đến nay vẫn chưa khả thi tại TP.HCM ?
Lý giải về việc này, Đại tá Nguyễn Phi Hùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an (phía Nam) cho biết, do tội phạm xâm hại tài sản người nước ngoài, chủ yếu là cướp giật tài sản là loại hình tội phạm đặc thù, ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao, hình ảnh đất nước… nên không thể xử lý, giải quyết như các loại hình tội phạm thông thường khác.
Do vậy, đề án thành lập cảnh sát du lịch cho đến nay vẫn còn tạm gác.
Có nhiều ý kiến cho rằng, việc thành lập thêm lực lượng cảnh sát du lịch là cần thiết nhưng khá tốn kém cho ngân sách và nếu có thành lập thì lực lượng đảm trách chắc chắn là công an chứ không thể đơn vị nào khác.
Trong khi đó, theo Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Công an TP.HCM, việc thành lập thêm lực lượng cảnh sát du lịch là rất khó, thậm chí không cần thiết.
Tướng Thành cho rằng, hiện TP.HCM có một mạng lưới công an, chủ yếu là trinh sát hình sự đặc nhiệm của Công an TP.HCM và công an các quận, huyện làm nhiệm vụ trấn áp tội phạm hoạt động rộng khắp có khả năng đảm đương được ngoài ra còn có các “hiệp sĩ đường phố” hỗ trợ.
“Trong thời gian tới, lực lượng công an sẽ có biện pháp mạnh đối với loại hình tội phạm xâm phạm tài sản của người nước ngoài” – Giám đốc Công an TP.HCM khẳng định.
Biện pháp mạnh mà vị giám đốc công an TP.HCM nêu ra là mạng lưới trinh sát hình sự đặc nhiệm sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát ở những nơi đông du khách như: khu phố Tây Phạm Ngũ Lão, trung tâm TP.HCM, các hầm đường bộ, tuyến đường hay xảy ra nạn cướp giật…
Nếu phát hiện đối tượng tình nghi, lực lượng này sẽ theo dõi, lập hồ sơ để kịp thời ngăn chặn, chứ không chờ lúc tội phạm ra tay mới bắt quả tang, truy xét.
“Đối với các đối tượng tội phạm manh động, liều lĩnh, công an TP.HCM cho phép các trinh sát hình sự đặc nhiệm sử dụng vũ khí quân dụng để trấn áp” – tướng Thành nhấn mạnh.
Được biết, ngoài lực lượng công an tuần tra, việc phối hợp giữa công an với lực lượng TNXP, chính quyền địa phương cấp phường, khu phố… được tăng cường. Công an TP.HCM cũng kiến nghị trang bị thêm hệ thống camera lắp đặt trên các tuyến đường, mục đích là theo dõi ở những nơi trọng điểm, đông du khách…chủ động phát hiện các đối tượng khả nghi, phát hiện các vụ người nước ngoài bị xâm phạm tài sản, xâm hại đến sức khỏe để can thiệp, chứ không đợi đến khi nạn nhân tìm đến trình báo.
Video đang HOT
Người dân, du khách nên biết tự đề phòng, cảnh giác
Trong khi việc xây dựng mô hình chính quy cho “hiệp sĩ đường phố” vẫn còn là vấn đề bàn tới bàn lui công an TP.HCM đang và sẽ có biện pháp mạnh thì nạn cướp giật vẫn xảy hàng ngày gây nhức nhối, khiến nhiều công ty du lịch đóng trên địa bàn TP.HCM tỏ ra quan ngại.
Trao đổi với PV, một số hướng dẫn viên của các công ty du lịch lớn tại TP.HCM ngán ngẩm cho biết, họ rất “dị ứng” với việc dẫn khách city tour ( tham quan TP.HCM), nguyên nhân là khó khăn trong việc bảo vệ du khách trước nạn cướp giật.
Các hướng dẫn viên kể, họ từng lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười, khi khách bị cướp giật, họ phải lóng ngóng đứng ra thay mặt công ty xin lỗi, dẫn du khách đến công an phường trình báo.
Trước tình trạng du khách bị cướp giật như cơm bữa, các công ty du lịch lữ hành đã chủ động tăng cường lực lượng bảo vệ mỗi khi dẫn khách tham quan TP thế nhưng mỗi khi mất tập trung là khách lại bị giật tài sản, thậm chí người bảo vệ du khách cũng bị giật tài sản.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Trưởng phòng tiếp thị – Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist thẳng thắn trao đổi: “Dù chẳng hay ho gì nhưng khi đón khách tại sân bay, chúng tôi yêu cầu hướng dẫn viên khuyến cáo cho du khách biết 1 số tuyến đường, điểm đen tại TP.HCM thường xảy ra nạn cướp giật để du khách tự bảo vệ tài sản của mình. Bên cạnh đó chúng tôi căn dặn du khách khi tham quan đường phố Sài Gòn, những tài sản giá trị, đặc biệt là giấy tờ tùy thân, hộ chiếu…nên cất giữ ở khách sạn”.
Bà Trà cũng cho biết thêm, có những đoàn khách lẻ tham quan TP, hướng dẫn viên của công ty sẽ kiêm luôn người bảo vệ, nhắc nhở du khách cẩn trọng, còn với đoàn khách lớn, trên 50 người, công ty sẽ phối hợp với lực lượng TNXP hoặc công an để đảm bảo du khách không bị cướp giật và các vấn đề an ninh khác.
Trước tình trạng cướp giật đường phố gia tăng, mới đây UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo các sở ban, ngành, quận, huyện thực hiện công tác đảm bảo an ninh, trật tự du lịch tại địa bàn trong đó Công an TP được giao nhiệm vụ chính.
Đặc biệt, UBND TP cũng có kiến nghị Bộ Công an đề xuất với Chính phủ thành lập mới hoặc điều chỉnh cơ cấu, cần có một lực lượng chuyên trách về vấn đề an ninh trật tự du lịch, tội phạm đường phố…
Một khi còn “ nóng” bởi nạn cướp giật, bao giờ TP.HCM mới thực sự là “điểm đến hấp dẫn, thân thiện, an toàn”?
Theo 24h
Cướp giật "đại náo" đường phố SG P.2
Tôi đã đến nhiều nước, nhưng phải nói thẳng, nạn cướp giật ở TP.HCM ghê gớm quá!
Gặp PV tại công an P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM, chị Melissa Koh (34 tuổi, quốc tịch Singapore) ngán ngẩm nói bằng giọng tiếng Việt lơ lớ "nhanh quá...! liều quá!...". Rồi nữ du khách quay sang 2 nhân viên bảo vệ chợ Bến Thành liên tục nói tiếng "cám ơn".
Cướp giật nhắm vào du khách nước ngoài
Chị Melissa kể, chập choạng tối chị lững thững đi bộ để ngắm đường phố Sài Gòn. Khi đến ngay giao lộ Lê Thánh Tôn - Phan Bội Châu, P.Bến Thành, Q.1, bất ngờ chị Melissa bị một nam thanh niên điều khiển xe gắn máy đi từ phía sau chạy đến ép sát.
Chưa kịp hiểu chuyện gì, Mellisa đã bị gã thanh niên giật mất chiếc ví, bên trong có chưa 1 ĐTDĐ, 800 ngàn đồng, hơn 80 USD, 2 thẻ tín dụng...rồi rồ xe tẩu thoát.
Nghe tiếng ú ớ kêu cứu của chị Melissa Koh, 2 nhân viên bảo vệ chợ Bến Thành là anh Nguyễn Văn Phú và Đỗ Trần Thanh Bình đã lập tức nhập cuộc truy đuổi tên cướp.
Cả 2 đã kịp thời khống chế, bắt gọn tên cướp chuyển giao cơ quan công an xử lý. Tại cơ quan công an, hắn khai nhận là Châu Tấn Hòa (35 tuổi, ngụ quận 10).
Khi nhận được số tài sản, dù giá trị không nhiều, nhưng chị Melissa Koh rất vui mừng và liên tục bắt tay cảm ơn 2 nhân viên bảo vệ chợ Bến Thành nghĩa hiệp nói trên.
Tuy nhiên, những người may mắn được nhận lại tài sản như du khách Melissa Koh không nhiều, nhất là trong bối cảnh nạn cướp giật tài sản nhắm vào du khách nước ngoài xảy ra như cơm bữa tại khu vực trung tâm TP.HCM.
Một cán bộ thanh tra đô thị Q.1 làm nhiệm vụ chốt trực tại khu vực công viên 23/9 đã khẳng định với P.V rằng, tại ngã tư Phạm Hồng Thái - Trương Định, Phạm Hồng Thái - Lê Lai, ngày nào cũng có trường hợp du khách nước ngoài bị cướp giật túi xách, tài sản...
Được biết, trước đây du khách nước ngoài, khi vừa bước ra từ chợ Bến Thành, nếu để túi xách hớ hênh, ngay lập tức bị các đối tượng cướp giật ra tay chớp nhoáng rồi tẩu thoát.
Thời gian gần đây, lực lượng TNXP, bảo vệ chợ... được tăng cường quân số, nên tình trạng cướp giật đã giảm đi đáng kể.
Tuy nhiên, khi du khách ra khỏi khu vực chợ Bến Thành đến các tuyến đường như: Trần Hưng Đạo, khu phố Tây Phạm Ngũ Lão, đường Nguyễn Huệ...thì lập tức trở thành nạn nhân của cướp giật.
Một vụ điển hình khác mà baos từng đề cập đó là trường hợp của Yan Kit Kay và Ka Kei Doris (cùng SN 1988, người Hồng Kông) đã bị cướp giật sạch tài sản vào đêm giữa tháng 12/2011 khi đang đi dạo phố tại Q.Bình Thạnh.
Thảm cảnh của họ đã gây xôn xao dư luận khi không còn một xu đính túi, giấy tờ tùy thân mất sạch cặp nam - nữ này phải ở nhờ nhà người dân, bán bưu thiếp tại khu phố Tây Phạm Ngũ Lão để sống qua ngày.
Người dân truy đuổi, khống chế đối tượng cướp giật trên đường phố Sài Gòn.
Cuối cùng thì cả 2 đã may mắn nhận được giấy tờ tùy thân để về nước. Trước khi rời Việt Nam, Yan Kit Kay nói với P.V báo chí rằng: "Tôi đã đến nhiều nước, nhưng phải nói thẳng, nạn cướp giật ở TP.HCM ghê gớm quá!".
Không chỉ gây án nhắm vào du khách nước ngoài tại trung tâm TP.HCM, nạn cướp giật tại nhiều quận, huyện khác tại TP.HCM cũng trở thành "đại nạn", làm người dân vô cùng hoang mang.
Thực tế trong thời gian qua, công an TP.HCM cũng như các quận, huyện đã bắt giữ nhiều băng nhóm cướp giật nhưng người dân mỗi khi ra đường, nhất là vào ban đêm thì hoang mang, lo sợ tột cùng.
Thủ đoạn gây án của tội phạm cướp giật
Báo cáo của công an TP.HCM trong cuộc họp "Sơ kết công tác phòng chống tội phạm xâm phạm tài sản của người nước ngoài tại khu vực trung tâm TP.HCM" vừa tổ chức mới đây cho thấy, trung bình 1 tháng tại trung tâm TP.HCM xảy ra khoảng 20 vụ xâm phạm tài sản người nước ngoài, trong đó có đến 16 vụ là cướp giật tài sản.
Tuy nhiên, đây chỉ là 'con số khiêm tốn', những vụ mà cơ quan công an ghi nhận khi nạn nhân đến trình báo.
Anh Tuấn - nhân viên bãi giữ xe tại giao lộ Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực, Q.1 cho biết, tình trạng cướp giật tài sản du khách thường xảy ra vào lúc chập choạng tối.
Các đối tượng cướp giật chủ yếu đi hai người, có trường hợp "đơn thương độc mã" gây án. Chúng sử dụng "xế độ", gây án khá nhanh, tiếp cận người nước ngoài giật túi xách, dây chuyền, ĐTDĐ...sau đó rồ ga tháo chạy.
Góc đường Phạm Hồng Thái - Lê Lai, Q.1, nơi du khách nước ngoài thường xuyên bị cướp giật tài sản.
Nhiều thanh niên xung phong khi tiếp xúc với PV kể rằng, tội phạm cướp giật tài sản người nước ngoài có nhiều chiêu thức khó lường.
Cụ thể, một số đối tượng lê la tại khu vực như: Nhà thờ Đức Bà, vòng xoay Nguyễn Huệ, công viên 23/9, trước các trung tâm thương mại...khi có người nước ngoài nhờ chụp ảnh dùm thì lập tức chúng cầm máy ảnh, tháo chạy lên xe gắn máy đồng bọn đang chờ sẵn rồi tẩu thoát.
Có trường hợp du khách để máy ảnh tại vị trí cố định, mở chế độ tự động chụp thì bị đối tượng tới giật máy ảnh rồi bỏ chạy.
Nhiều nhất hiện nay vẫn là tình trạng người nước ngoài đi dạo phố, bị giật túi xách, dây chuyền, ĐTDĐ.... Đã có một số trường hợp, nạn nhân chống trả bị các đối tượng tội phạm hành hung, gây thương tích.
Trao đổi với PV, "hiệp sĩ đường phố" Nguyễn Văn Minh Tiến và các trinh sát hình sự đặc nhiệm thuộc đội Cảnh sát đặc nhiệm, phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) - Công an TP.HCM đều có chung nhận định: có 3 cách nhận ra "diện mạo" của các đối tượng cướp giật.
Loại thứ nhất, chúng không chạy xe nhiều, hay đứng trên lề đường, vỉa hè giả vờ mua đồ ăn uống, đọc sách báo...nhưng chủ yếu là quan sát khi thấy con mồi là lao tới giật...
Loại thứ hai thường đảo qua đảo lại, đi vòng vòng săn mồi.
Riêng loại thứ ba loại xảo quyệt nhất, chúng "hóa trang" thành những người ăn mặc rất lịch sự, mắt không nhìn chằm chằm con mồi, mà chúng chỉ cần liếc mắt, thấy con mồi sơ hở là lao vào cướp giật.
Trong đó, tội phạm cướp giật ở trung tâm TP.HCM đa số nằm vào loại thứ ba, rất khó phát hiện. Điều đáng nói là khi bắt giữ các đối tượng này, khám xét người và xe, cơ quan công an thu giữ nhiều hung khí như bình xịt hơi cay, tuýp sắt, roi điện, dao...mà chúng khai nhận là để "phòng thân" khi đi cướp giật trường hợp nạn nhân chống trả thì chúng hiện nguyên hình là những tên cướp cực kỳ nguy hiểm.
Một số đối tượng cướp đường phố thậm chí là con nghiện. Theo một thống kê của ngành công an, trong khoảng 10 vụ bắt giữ thì có đến 7 - 8 trường hợp là con nghiện hoặc đối tượng hồi gia tái nghiện.
(còn nữa)
Theo 24h
Cướp giật "đại náo" đường phố SG P.1 Tội phạm cướp giật có mức độ ngày càng nguy hiểm, những vụ trọng án xảy ra trong thời gian gần đây tại TP.HCM cho thấy điều đó. LTS: Liên tiếp trong thời gian gần đây tại TP.HCM xảy ra nhiều vụ tội phạm cướp giật khi gây án đã chống trả, đâm chết và bị thương nạn nhân, người đi đường tham...