Cương quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển đảo
Từ nghị trường, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đề cập đến tình hình Biển Đông – vấn đề đang được cử tri, nhân dân quan tâm.
“Chúng ta kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ nhưng mà trong từng tình huống cụ thể chúng ta phải có sách lược phù hợp”, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Uỷ viên Trung ương Đảng, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa. Ảnh: Hương Giang
Nhiệm vụ đặt lên hàng đầu
Uỷ viên Trung ương Đảng, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (ĐBQH đoàn Tiền Giang) khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, đặt lên hàng đầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.
“Các lực lượng thực thi nhiệm vụ đã thực hiện đúng đường lối quan điểm, đối sách của Đảng là kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế để giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế và lợi ích quốc gia dân tộc, đồng thời giữ được môi trường hòa bình, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế và xã hội”, Thượng tướng nói.
Xung quanh vấn đề này, “vừa qua trong dư luận, người dân có hiến kế cách này, cách khác”. Theo Thượng tướng, Đảng, Nhà nước luôn luôn lắng nghe những ý kiến chính đáng, tâm huyết của nhân dân; đồng thời kế thừa truyền thống, văn hóa giữ nước của cha ông theo tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; những vấn đề thuộc về độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là quyết không nhân nhượng. Nhưng, Việt Nam phải có đối sách phù hợp vì truyền thống văn hoá giữ nước của cha ông là hoà hiếu, hoà bình.
Nhấn mạnh việc kế thừa và nâng lên tầm cao mới truyền thống văn hoá giữ nước của cha ông, tướng Nghĩa cũng nêu rõ, “chúng ta kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ nhưng mà trong từng tình huống cụ thể chúng ta phải có sách lược phù hợp, phải khẳng định tính đúng đắn tính chính nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc của đất nước, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế”.
Theo Thượng tướng, phải sử dụng tổng hợp các biện pháp, xây dựng thế trận gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, lịch sử, pháp lý, trong đó lịch sử, pháp lý là một trong những căn cứ quan trọng để khẳng định tính chính nghĩa của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và các điều ước khác mà Việt Nam đã cam kết.
“Các giải pháp kinh tế càng phải đa dạng hóa hơn để xử lý chủ động được các tình huống khi chúng ta bảo vệ chủ quyền”, tướng Nghĩa nói.
Hiến kế “tam công chiến pháp”
Chung mối quan tâm, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) thống nhất rằng, “không có bất kỳ sự nhân nhượng nào khi nói tới bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ các quyền thiêng liêng của dân tộc”.
Video đang HOT
Song theo ĐB Nghĩa, thông qua các kênh thông tin khác nhau, các cơ quan chức năng cần thông tin kịp thời hơn, đầy đủ hơn để người dân “yên tâm, tin tưởng vào tương lai, vào kết quả bảo vệ chủ quyền của đất nước”.
Nhà sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) thì đề nghị, các báo cáo chính thức và phát biểu trên nghị trường liên quan đến vấn đề Biển Đông cần nêu rõ “hành động vi phạm nghiêm trọng vùng biển của Việt Nam được xác định theo các luật pháp quốc tế là ai?”.
Theo ĐB đoàn Đồng Nai, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam trên diễn đàn quốc tế đã phát biểu Trung Quốc là bên gây bất ổn ở Biển Đông. Ông cho rằng, không nên né tránh gọi tên “một quốc gia văn minh nhưng cũng đáng lên án bởi những việc làm trái với luật pháp quốc tế và lợi ích chính đáng của Việt Nam”. “Chúng ta có đầy đủ kinh nghiệm của ông cha để giữ ưu thế trong mối quan hệ ấy bảo đảm môi trường hòa bình phát triển”, Nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
Trong khi đó, ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, cần “có tam công chiến pháp” để đối sách với vi phạm của Trung Quốc trên Biển Đông. Đó là “công luận, công khai và công pháp”.
Cụ thể, theo ông Vân, là phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, củng cố hồ sơ chứng minh cho dư luận thế giới biết chủ quyền của Việt Nam; công khai hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông; sử dụng tối đa công cụ pháp lý từ Công ước Quốc tế cho đến cơ sở pháp lý mà Luật Biển Việt Nam đã quy định.
“Về lâu dài, chúng ta phải có đối sách căn bản, phòng thủ chặt chẽ để ngăn chặn sự lấn tới, vi phạm trắng trợn của Trung Quốc trên Biển Đông”, ĐBQH đoàn Cà Mau phát biểu.
ĐB Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) cho hay, dù có nhiều lo lắng, bức xúc khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền thiêng liêng của đất nước từ ngày 4/7 đến ngày 24/10/2019 vừa qua, cử tri và nhân dân luôn tin tưởng, đánh giá cao trách nhiệm của Đảng, QH, Chính phủ, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
“Chúng ta đã có những hành động kiên quyết, kiên trì, bình tĩnh, khôn khéo, xử lý đồng bộ hiệu quả các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý và thực địa, tạo đồng thuận cao trong nhân dân và cộng đồng quốc tế, giữ vững được môi trường hòa bình trong khu vực và Biển Đông, tạo điều kiện ổn định trong nước để thu hút đầu tư, du lịch, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”, bà Thuỷ nói.
Bà con phải tin vào Đảng, Nhà nước, Quân đội
ĐB Nguyễn Anh Trí cho biết, báo cáo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh vừa qua cho thấy tình hình Biển Đông mấy tháng qua diễn biến rất phức tạp. “Các nỗ lực ngoại giao, các lực lượng trên biển của chúng ta đã giành được kết quả quan trọng và cơ bản. Đó là, kiên trì đấu tranh và vận động để Trung Quốc rút tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, giữ vững được môi trường hoà bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông, đặc biệt là thực hiện được kế hoạch hoạt động dầu khí của chúng ra, được quốc tế ủng hộ, đồng tình và thừa nhận”, ông nói và cho biết cử tri rất phấn khởi.
Tuy nhiên, theo ĐB đoàn TP Hà Nội, nguyện vọng của cử tri là mong Chính phủ làm tốt hơn nữa việc chủ động cung cấp thông tin dưới các hình thức khác nhau để nhân dân biết rõ, yên tâm và tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông đúng cách, hiệu quả.
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (ĐBQH đoàn Hà Giang) cũng bày tỏ, bà con phải tin vào Đảng, Nhà nước, Quân đội, không được “tin kẻ tung tin trên mạng xã hội nói xấu Đảng, Nhà nước, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân”. “Quân đội rất trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Quân đội được huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu…”, tướng Sùng Thìn Cò khẳng định.
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (ĐBQH đoàn Hà Giang). Ảnh: Hương Giang
Uỷ viên Trung ương Đảng, Trung tướng, Giám đốc Học viện Quốc phòng Trần Việt Khoa (ĐBQH đoàn TP Hà Nội) trước đó cũng nhấn mạnh, “chúng ta luôn luôn phải sẵn sàng cảnh giác, tỉnh táo và sẵn sàng các phương án cao nhất với các tình huống có thể xảy ra. Vì lợi ích quốc gia của dân tộc, vì độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta phải sẵn sàng bảo vệ và đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước”.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nhắc lại, tình hình Biển Đông diễn biễn phức tạp, trong đó có việc tàu khảo sát HĐ8 của Trung Quốc vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam được xác định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
“Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cương quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước, phù hợp với truyền thống hoà hiếu của cha ông trong dựng nước và giữ nước”, ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Hương Giang
Theo Thanhtra
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa: Bảo vệ chủ quyền phải có sách lược phù hợp trong từng tình huống
Đại biểu Quốc hội, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng chúng ta phải kế thừa truyền thống văn hóa giữ nước của cha ông; kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, nhưng trong từng tình huống cụ thể phải có sách lược phù hợp.
Đại biểu QH, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
Sáng nay 31-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Phát biểu về một vấn đề được cả nước đặc biệt quan tâm, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Trọng Nghĩa (Tiền Giang), Thượng tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đã dành phần lớn thời gian phát biểu của mình để nói về tình hình Biển Đông và bảo vệ chủ quyền.
Về tình hình quốc phòng an ninh, theo Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm. Lần này là lần đầu tiên ở phiên khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội cũng đã khẳng định điều này. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu điều này ở khổ đầu tiên trong báo cáo kinh tế - xã hội, khẳng định bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của chúng ta.
Có thể khẳng định rằng trong thời gian qua, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại của chúng ta được tăng cường và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Qua kết quả từ thực tiễn các báo cáo của các bộ, ngành, báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cũng như lắng nghe ý kiến phát biểu, quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, chúng ta có thể khẳng định rằng: Đảng, Nhà nước, nhân dân ta luôn quan quan tâm, đặt lên nhiệm vụ hàng đầu bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Các lực lượng thực thi nhiệm vụ đã thực hiện đường lối quan điểm của Đảng và đối sách của Đảng. Đó là: Kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để giữ vững độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế và lợi ích quốc gia dân tộc. Đồng thời giữ vững được môi trường hòa bình, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế và xã hội.
Theo Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, vừa qua trong dư luận cũng có những người dân hiến kế cách này, cách khác. Đảng ta luôn luôn lắng nghe những ý kiến chính đáng và tâm huyết của nhân dân. Đồng thời Đảng, Nhà nước cũng kiên trì kế thừa truyền thống văn hóa giữ nước của cha ông. Chúng ta kiên quyết kiên trì theo tinh thần "Dĩ bất biến, ứng vạn biến".
"Những vấn đề thuộc về nguyên tắc là chúng ta kiên quyết giữ gìn. Như Thủ tướng đã nói: "Những vấn đề thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, là chúng ta quyết không nhân nhượng". Nhưng chúng ta phải có đối sách phù hợp bởi truyền thống văn hóa của chúng ta là giữ nước hòa hiếu, hòa bình, điều này đã khẳng định đường lối quan điểm đó là đúng đắn"- ĐB Nguyễn Trọng Nghĩa phân tích.
Đồng thời, ông cũng cho rằng phải đặt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tổng thể các mối quan hệ của sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Xã hội chủ nghĩa.
Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng "phải kế thừa truyền thống văn hóa giữ nước của cha ông, của Bác Hồ và nâng cao lên tầm cao mới. Chúng ta kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, nhưng trong từng tình huống cụ thể chúng ta phải có sách lược phù hợp".
Theo tướng Nghĩa, phải khẳng định tính đúng đắn tính chính nghĩa phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc của đất nước. Tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế. Chúng ta phải sử dụng tổng hợp và gắn kết giữa thế trận chặt chẽ giữa các lĩnh vực kể cả chính trị, kể cả ngoại giao, kể cả lịch sử pháp lý.
"Ở đây cũng có dư luận nói rằng chúng ta không sử dụng với lịch sử pháp lý. Lịch sử pháp lý chính là một trong những căn cứ rất quan trọng để chúng ta khẳng định tính chính nghĩa của chúng ta; khẳng định chủ quyền của chúng ta, mà cụ thể đó là Hiến chương của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và các luật pháp, các điều ước khác mà Việt Nam chúng ta đã cam kết"- tướng Nghĩa cho hay.
Và theo ông, chúng ta phải thông qua công tác tuyên truyền phải kết hợp với đấu tranh thực địa, đồng thời phải hết sức là quan tâm đến giữ vững ổn định chính trị ở trong nước và các giải pháp kinh tế chúng ta càng phải đa dạng hóa hơn để chúng ta xử lý chủ động được các tình huống khi chúng ta bảo vệ chủ quyền của chúng ta.
Ngoài ra, ĐBQH Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ về việc chúng ta giành được những kết quả rất lớn trong công tác thông tin truyền thông và bảo vệ chủ quyền của chúng ta trên không gian mạng nhưng đây là những cách thức rất lớn như các đại biểu đã phát biểu.
Vị ĐB là Thượng tướng quân đội đề nghị trong thời gian tới trên lĩnh vực này phải tiếp tục là làm rõ và tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước.
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trong hệ thống chính trị và nhân dân để cho nhân dân ta hiểu vai trò tích cực, mặt tiến bộ xu hướng thời đại của internet và mạng xã hội; đồng thời rõ mặt trái những cái mặt tiêu cực mà chúng ta phải đấu tranh.
Phải chủ động rà soát lại các giải pháp để Chủ động ngăn ngừa đấu tranh kịp thời; các lực lượng thực thi và bảo vệ tổ quốc và an ninh trên không gian mạng kịp thời chia sẻ các thông tin để chủ động xử lý, bảo vệ trật tự an ninh an toàn xã hội; phải tăng cường hơn nữa việc hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực mà bảo vệ Tổ quốc; lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội khi mà không gian mạng ngày càng phát triển
Văn Duẩn
Theo Nguoilaodong
Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về biển, đảo cho phóng viên, biên tập viên Ngày 31/10, tại TP. Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về biển, đảo dành cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trên cả nước. Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng trên thực địa, các...