Cường “đô la” liên quan gì tới vụ án thất thoát hơn 9.000 tỷ ở VNCB?
Cả ông Nguyễn Quốc Cường (Cường “đô la”) và mẹ là bà Nguyễn Thị Như Loan đều được tòa triệu tập vì có liên quan đến 1 giao dịch với Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) dưới thời Phạm Công Danh nắm quyền kiểm soát ngân hàng này.
Ngày 21.7, TAND TP.HCM tiếp tục tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). Trong phiên xử sáng của ngày thứ 3 này, các công tố viên tiếp tục phần công bố cáo trạng.
Do bản cáo trạng dài hơn 120 trang, riêng phần nội dung vụ án gần 110 trang nên phải công bố trong nhiều giờ, 2 kiểm sát viên đại diện VKSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa phải thay nhau đọc nội dung bản cáo trạng. Để đảm bảo sức khỏe cho các bị cáo trong suốt thời gian diễn ra phiên xử, tòa cho phép các bị cáo được ngồi để nghe công bố.
Nội dung cáo trạng chủ yếu xung quanh cáo buộc các hành vi cố ý làm trái của bị cáo Phạm Công Danh và các đồng phạm với hàng loạt giao dịch trị giá nhiều tỷ đồng. Ngoài các giao dịch nội bộ do chính các công ty “ma” Danh tự lập ra, nhóm của Danh còn thực hiện giao dịch với nhiều công ty nổi tiếng, trong đó có Công ty Nhà Quốc Cường của gia đình Cường “đô la”.
Phạm Công Danh sử dụng rất nhiều pháp nhân như Công ty Nhà Quốc Cường để thực hiện các hồ sơ vay tiền nhằm rút tiền của VNCB ra sử dụng.
Theo cáo trạng, từ ngày 28.12.2012 đến 11.3.2014, do cần tiền để sử dụng, Danh đã tổ chức nhiều cuộc họp, chỉ đạo các cấp dưới ở VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng pháp nhân của các công ty mình thành lập và các công ty quen biết để lập các hồ sơ vay tiền. Cụ thể, Danh sử dụng các pháp nhân này để xây dựng hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, nâng giá các lô đất là tài sản đảm bảo… để vay tại VNCB 5.000 tỷ đồng.
Video đang HOT
Trong số các pháp nhân mà Danh “mượn” trên có Công ty TNHH Đầu tư phát triển Nhà Quốc Cường thuộc hệ thống Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai.
Theo cáo trạng, Danh thông qua các mối quan hệ để kết nối với bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai.
Ngày 28.6.2013, ông Đinh Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển Nhà Quốc Cường là đại diện ký giấy đề nghị vay 450 tỷ đồng tại VNCB chi nhánh Sài Gòn. Mục đích kinh doanh bất động sản là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất với hai lô đất tại sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng của Công ty TNHH Thành Thành Công (không phải Tập đoàn Thành Thành Công – PV). Phương án vay vốn và trả nợ là từ doanh thu và lợi nhuận của việc chuyển nhượng lại bất động sản nêu trên.
Ngày 29.6.2013, VNCB giải ngân 300 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Nhà Quốc Cường. Sau đó, số tiền này được chuyển vào tài khoản một công ty khác rồi chuyển đến Thiên Thanh để Danh rút ra sử dụng.
Tuy nhiên, khoản vay này sau đó đã được Công ty Nhà Quốc Cường chuyển toàn bộ nghĩa vụ trả nợ trên sang Công ty Thành Thành Công. Vì vậy, cáo trạng của VKS cho rằng: “Khoản vay 300 tỷ đồng của Công ty Nhà Quốc Cường được xác định không bị thất thoát”.
Tuy nhiên, đến nay đã quá hạn vay nhưng Công ty Thành Thành Công không trả tiền nên VNCB không thể thu hồi.
Do đó, Công ty TNHH Đầu tư phát triển Nhà Quốc Cường vẫn được triệu tập với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để làm rõ các tình tiết vụ án. Đồng thời, các cá nhân liên quan cũng được tòa triệu tập là ông Đinh Văn Hùng – Giám đốc Công ty Nhà Quốc Cường; bà Nguyễn Ngọc Huyền My – Phó Giám đốc tài chính Công ty Nhà Quốc Cường; ông Nguyễn Quốc Cường – Chủ tịch HĐTV Công ty Nhà Quốc Cường; bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai.
Tại phiên tòa, cả bà Loan, ông Cường và bà Huyền My đều không đến tòa mà ủy quyền cho bà Ngô Kim Lan làm đại diện tham dự. Bà Lan cũng được ủy quyền đại diện Công ty Nhà Quốc Cường tham gia phiên tòa.
Trong vụ án VNCB còn nhiều cá nhân sai phạm được tách thành án riêng để tiếp tục điều tra.
Nhiều “án con” được tách xử riêng Theo cáo trạng, vụ án này chỉ truy tố 36 bị cáo về các tội danh là “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Còn nhiều cá nhân đã khởi tố với các tội danh khác sẽ được tách ra thành các vụ án khác để tiếp tục điều tra và xử riêng vì đã hết thời gian điều tra mà không thể hoàn thành hết việc điều tra. Cụ thể, cơ quan điều tra quyết định tách vụ án hình sự số 4 ngày 11.3.2016, đối với hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” của Phạm Công Danh và các đồng phạm trong việc rút 6.630,12 tỷ đồng của VNCB, đem gửi tại 3 ngân hàng (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển BIDV, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín Sacombank, Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong TPBank), dùng số tiền đó bảo lãnh cho 29 lượt công ty của Phạm Công Danh vay tiền và nhập vào vụ “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 15 ngày 11.3.2016, để tiếp tục điều tra. Cơ quan điều tra cũng quyết định tách vụ án hình sự số 5 ngày 11.3.2016, đối với hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, của 4 bị can (Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh) là thành viên Tổ Giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại VNCB và các cá nhân có liên quan để tiếp tục điều tra. Các cá nhân trên có liên quan trong việc chấp nhận cho Phạm Công Danh tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín, sau đó để Phạm Công Danh và đồng phạm rút số tiền 18.688 tỷ đồng tại VNCB… Cơ quan chức năng cũng quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự số 28/C46 (P10) ngày 19.11.2015, đối với Trần Trọng Nghĩa, bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, quy định tại Điều 179 BLHS. Ngoài ra, trong quá trình điều tra, cơ quan công an xác định các lô đất số 268, 302 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh (mà Danh làm hợp đồng thuê mặt bằng khống để rút tiền) là đất an ninh quốc phòng do Quân khu 7 quản lý. Quá trình điều tra cho thấy việc quân khu 7 cho thuê, bàn giao mặt bằng chuyển nhượng 3 lô đất trên là trái pháp luật. Sự việc kéo dài trong nhiều năm để Phạm Công Danh lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội. Nhận thấy những hành vi liên quan tới cá nhân trong quân đội nên cơ quan điều tra đã tách hành vi đó giao cho Bộ Quốc phòng giải quyết. Ngoài ra, còn có nhiều cá nhân, hoạt động giao dịch chưa đủ căn cứ để khởi tố cũng được VKS đề nghị tiếp tục điều tra làm rõ, tránh để lọt tội phạm. Đơn cử như hành vi tiếp tay cho Phạm Công Danh thực hiện các giao dịch sai phạm của Phạm Thị Trang (còn gọi là Trang “phố núi”) chưa được làm rõ vì cá nhân này đã xuất cảnh khỏi Việt Nam, chưa thể thẩm vấn.
Theo Tùng Nguyên – Xuân Duy (Dân Trí)
Đại án 9.000 tỷ: Phạm Công Danh được rời phòng xét xử
Sau giờ nghỉ giải lao buổi sáng nay (21.7), Phạm Công Danh đã được HĐXX tạo điều kiện tạm thời cho rời khỏi phòng xét xử do sức khỏe yếu.
Sáng nay, phiên tòa sơ thẩm xét xử Phạm Công Danh cùng đồng phạm về những hành vi gây thất thoát cho VNCB hơn 9000 tỷ đồng vẫn tiếp tục với phần công bố cáo trạng của đại diện VKSND TP.HCM.
Sau giờ nghỉ giải lao buổi sáng, Phạm Công Danh đã được HĐXX tạo điều kiện tạm thời cho rời khỏi phòng xét xử do sức khỏe yếu.
Bị cáo Phạm Công Danh (thứ hai bên phải) tỏ ra khá mệt mỏi tại tòa.
Trước đó - trong ngày 20.7, khi đại diện VKS đọc cáo trạng vụ án dài đến 123 trang, bị cáo Phạm Công Danh cũng tỏ ra mệt mỏi. Vì vậy HĐXX cho phép bị cáo này được ngồi nghe đọc cáo trạng. Còn trong ngày đầu tiên khai mạc phiên tòa (ngày 19.7), bị cáo Phạm Công Danh cũng tỏ ra khá mệt mỏi, uể oải và cho rằng không nhớ hết vì "bị cáo trí nhớ kém" khi được HĐXX hỏi đến.
Trong phần kiểm tra căn cước, do sức khỏe của Phạm Công Danh không ổn định nên các luật sư bào chữa cho bị cáo này đề nghị HĐXX tạo điều kiện cho bị cáo được sự giúp đỡ của nhân viên y tế và được HĐXX cho phép.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu Trustbank (ngày 6.9.2012), Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm soát, chi phối Trustbank (sau đổi tên là VNCB). Do nhu cầu cần tiền sử dụng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo Hội đồng quản trị, Ban điều hành kiểm soát VNCB, các chi nhánh VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện hành vi phạm tội. Trong các năm 2013-2014 Phạm Công Danh cùng những thuộc cấp của mình đã gây thất thoát cho VNCB số tiền hơn 9.000 tỷ đồng.
Các đối tượng này bị truy tố vì có hành vi vi phạm về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" gây thiệt hại cho VNCB hơn 7.000 tỷ đồng, đồng thời vi phạm về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" gây thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng.
Kết thúc buổi làm việc sáng nay, đại diện VKS đã công bố xong phần cáo trạng vụ án.
Theo Danviet
Nhóm Phạm Công Danh vay tiền "đảo nợ" nghìn tỷ Chiều 20/7, phiên tòa sơ thẩm tiếp tục với phần công bố cáo trạng truy tố Phạm Công Danh và đồng phạm về tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Các bị cáo tại phiên tòa. Phạm Công Danh và đồng phạm vi phạm quy định cho vay đối với 14 công ty,...