Cuốn băng ghi âm độc nhất vô nhị về John Lennon được mua lại với giá hơn 58.000 USD
Trong đoạn ghi âm dài 33 phút, Lennon đã chia sẻ về chiến dịch vì hòa bình của ông và vợ, sự thất vọng của ông với The Beatles và mái tóc của bản thân.
Cuốn băng ghi âm chất lượng tốt, được đặt tên là Skyrum Bjerge, theo tên ngôi làng nơi 4 nam sinh của một trường học ở Jutland (miền Tây Đan Mạch) tìm tới để thực hiện cuộc phỏng vấn cho nội san trường.
Một cuốn băng cassette ghi âm cuộc phỏng vấn với John Lennon và Yoko Ono khi đôi vợ chồng nhạc sĩ – ca sĩ này đến thăm Đan Mạch vào năm 1970 đã được mua lại với giá 370.000 crown (tương đương 58.300 USD) trong cuộc đấu giá tổ chức ở Copenhagen (Đan Mạch) vào ngày 28/9.
Ngày 5/1/1970, các nam sinh 16 tuổi đã rất háo hức, bất chấp bão tuyết để tới gặp thần tượng của mình. Họ kể lại rằng: “Chúng tôi đi vào phòng khách và thấy John cùng Yoko đang ngồi trên ghế sofa, điều ấy thật tuyệt vời. Chúng tôi đã ngồi xuống cùng họ, khá ấm cúng và thân thiện”.
Cuốn băng cassette ghi âm cuộc phỏng vấn với John Lennon và Yoko Ono.
Ở thời điểm đó, Lennon và vợ đến Đan Mạch để bàn về tương lai của Kyoko – cô con gái của Ono và người chồng cũ, khi đó mới 5 tuổi và đang sống cùng cha đẻ ở Jutland. Lúc này, The Beatles cũng đã thu âm album cuối cùng của họ – Abbey Road – và đã “đường ai nấy đi” mặc dù chưa chính thức thông báo tan rã.
Cuốn băng ghi âm cũng có đoạn Lennon cùng Ono ngâm nga các bài hát Giáng sinh trong khi nhảy múa xung quanh cây thông Noel và Lennon vừa chơi guitar vừa hát hai ca khúc Give Peace a Chance và Radio Peace . Đáng chú ý, Radio Peace là ca khúc chưa từng được biết tới.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn, các chàng trai tuổi teen đã hỏi rằng họ có thể hỗ trợ Lennon và Ono như thế nào trong hành trình tìm kiếm hòa bình thế giới. Lennon cho biết: “Nếu bạn không thể tự nghĩ ra bất kỳ ý tưởng nào, hãy làm theo những gì chúng tôi đã làm. Chỉ cần ngồi xuống và suy nghĩ: liệu mình có thể giúp ích gì cho nơi mình đang sống”.
Video đang HOT
Nhà đấu giá đã đưa ra mức khởi điểm cho cuốn băng cassette này (được bán kèm những bức ảnh từ cuộc phỏng vấn) là 100.000 crown, đồng thời dự kiến sẽ bán được ở mức giá 200.000-300.000 crown (tương đương 31.500-47.000 USD).
Tuy nhà đấu giá không tiết lộ danh tính chủ nhân mới của Skyrum Bjerge , song nêu rõ rằng người mua sẽ không có quyền sử dụng băng ghi âm này để kiếm lời.
Ca khúc 'Here, There And Everywhere': 'Đứa con cưng' bị ghẻ lạnh của The Beatles
Giữa John Lennon và Paul McCartney luôn là một mối quan hệ phức tạp chẳng kém cặp đôi ngôn tình nào.
Họ yêu nhau và ghét nhau, ngầm ngưỡng mộ nhưng cạnh tranh nhau. Thế nên, trong trí nhớ của McCartney, chỉ có duy nhất "đúng 1 lần trong từng ấy thời gian", Lennon khen nhạc của McCartney.
Một lần duy nhất đó, mà khiến McCartney nửa thế kỷ sau nghĩ lại vẫn thấy khoái trá hết sức, là trường hợp của ca khúc Here, There And Everywhere, thuộc album Revolver phát hành năm 1966.
"Con cưng" của cả McCartney và Lennon
Trong buổi phỏng vấn năm 2018 trên chương trình 60 Minutes, Paul McCartney 76 tuổi hồ hởi kể lại: "Đúng 1 lần trong từng ấy thời gian. John nói ngay sau khi ca khúc kết thúc: "Một ca khúc thật sự hay đấy. Tôi yêu ca khúc này". Và tôi cảm thấy: "Trời, anh ấy thích nó!" Tôi vẫn còn nhớ tới giờ. Thật sự là tuyệt cú mèo".
Chưa hết, McCartney còn có một kỷ niệm đặc biệt khi tới Áo quay phim Help! : "John và tôi ở chung phòng. Chúng tôi cởi bỏ đôi ủng trượt tuyết nặng trịch sau một ngày quay, chuẩn bị đi tắm và sẵn sàng cho bữa ăn và đồ uống ngon lành buổi tối. Chúng tôi phát một băng cát-xét các bản thu mới và ca khúc Here, There And Everywhere có trong đó. Tôi nhớ John đã nói: Cậu biết đấy, có lẽ tôi thích nó hơn bất cứ ca khúc nào của tôi trong băng. Đây thật sự là một lời ngợi khen lớn của John Lennon".
Bức ảnh rất đặc biệt với Paul McCartney, nhắc ông nhớ mình và John Lennon đã vui vẻ như thế nào
Bản thân McCartney cũng nhiều lần khẳng định Here, There And Everywhere là nằm trong số những ca khúc ông tự hào nhất suốt sự nghiệp của mình. Trên thực tế, sau khi Michael Jackson mua bản quyền danh mục "Lennon/ McCartney" vào tháng 8/1985, McCartney đã bày tỏ mong ước được sở hữu một vài đứa con tinh thần ông đặc biệt yêu thương. Here, There And Everywhere nằm ở số ít này.
Còn trong danh sách 100 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại đăng trên Mojo , do những tên tuổi sành sỏi nhất làng nhạc bình chọn, bao gồm Brian Wilson, Jerry Leiber, Hal David và chính McCartney, Here, There And Everywhere đứng thứ tư, chỉ sau In My Life (The Beatles), Satisfaction (The Rolling Stones) và Over The Rainbow (Judy Garland).
Thế nhưng, trong mắt công chúng nói chung, Here, There And Everywhere là một cái tên rất mờ nhạt. 2 nỗ lực trước đó của McCartney là Yesterday và Michelle thật sự là bom tấn ở cả 2 bờ Đại Tây Dương. Không những thế, ngay trong album Revolver , ca khúc cũng lép vế trước Yellow Submarine và Eleanor Rigby khi không lọt BXH đĩa đơn dưới tên The Beatles hay bất cứ nghệ sĩ cover nào.
Dòng chảy thuần khiết
"Tôi viết ca khúc bên hồ bơi nhà John vào một ngày nọ" - McCartney nhớ về một ngày tháng 6/1966. Vào này đó, ông tới nhà John Lennon ở Kenwood để viết nhạc. Lennon khi đó vẫn nằm trên giường, McCartney bèn nhờ ai đó mang cho một tách trà và cầm cây guitar ra bể bơi ngồi.
"Tôi ngồi ngoài hồ bơi trên một chiếc ghế tắm nắng với cây đàn guitar của tôi" - ông kể - "và bắt đầu gảy dây E, rồi nhanh chóng có một vài hợp âm. Khi anh ấy thức dậy, tôi nghĩ mình đã viết được kha khá ca khúc, thế nên chúng tôi đã vào nhà và hoàn thành nó. John có lẽ đã giúp tôi vài từ cuối... Nhưng nó rất là tôi, là một trong những ca khúc tôi viết mà tôi thích nhất. Vì vậy, tôi nghĩ tỷ lệ sáng tác là khoảng 80-20".
"Here, There And Everywhere" là về Jane Asher, người McCartney mê đắm khi đó
Rất hợp lý bởi khi đó McCartney đã định hình trong tâm trí khán giả là chàng trai ballad của nhóm. Ngược lại, Lennon thấy mình gần như không viết giai điệu mà chỉ hét lên những câu thẳng băng của rock'n'roll. Ngoài ra, khác với nhiều trường hợp tranh cãi khác, chính ông cũng khẳng định: "Here, There And Everywhere hoàn toàn là ca khúc của Paul. Tôi tin đây là một trong những ca khúc của The Beatles mà tôi yêu thích nhất".
Nếu có tranh chấp nào thì nó là từ người trợ lý phụ trách chuyện di chuyển của The Beatles là Mal Evans. Theo ông, McCartney đã hát bản nháp Here, There And Everywhere nhưng bị mắc một dòng. Chính ông đã cho McCartney câu "watching here eyes, hoping I'm always there".
Nhìn chung, về mặt ca từ, ca khúc được lấy cảm hứng từ bạn gái khi đó của McCartney là Jane Asher. Vốn đang là người độc thân được khao khát bậc nhất thế giới, McCartney bỗng rơi vào lưới tình của thiếu nữ 17 tuổi. Ngồi trên ngai vàng âm nhạc nhưng có thể thấy trong ca từ sự quỵ lụy của McCartney trước nàng thơ: "Để có cuộc đời đẹp hơn, tôi cần tình yêu của tôi ở đây/ Ở đây, làm nên mỗi ngày trong năm/ Thay đổi cuộc đời tôi với một cái vẫy tay của nàng". Họ chia tay năm 1968 sau 5 năm mặn nồng.
Về mặt âm nhạc, ông có nhắc tới The Beach Boys. Ông được cho là đã mượn cấu trúc hợp âm và dòng giai điệu trong album Pet Sounds , cụ thể là ca khúc God Only Knows , khi ngồi thư giãn bên hồ bơi nhà Lennon. Ông đặc biệt yêu thích Here, There And Everywhere chính bởi dòng giai điệu luôn chảy cùng nhau, so sánh với hit Cheek To Cheek của Fred Astaire mà ông rất thích.
Không chỉ được lấy cảm hứng từ âm nhạc Mỹ, mà nhạc Brazil cũng góp phần ở đây. "Ca khúc này tới từ rất nhiều điều" - McCartney trả lời phỏng vấn Mojo năm 2012. "Vào thời điểm đó, có những nhạc sĩ Brazil nhập cuộc - Joao Gilberto đã thu âm Fool On The Hill . Có một sự "thụ phấn chéo" diễn ra. Bạn nghe nó và thấy những hợp âm Brazil này mới đáng yêu làm sao, thế là bạn chuyển nó vào thứ gì đó. Đồng thời, tôi thấy mình thật sự yêu thích các giai điệu cũ và cố viết gì đó có thể so sánh được về kỹ thuật và cấu trúc".
Nhà sản xuất George Martin đã mất kha khá thời gian để hòa âm dòng giai điệu chảy một hướng mà lại nhiều tầng này. "Các hòa âm đó rất đơn giản, chỉ là 3 đoạn cơ bản các cậu chàng ngâm nga theo sau và rất dễ thực hiện. Không có gì đặc biệt khéo léo, không có điểm đối âm, chỉ là sự hài hòa giữa các khối hòa âm. Làm rất đơn giản... nhưng rất hiệu quả" - Martin khiêm tốn nói về hòa âm. Tuy nhiên, ai cũng biết hòa âm là sở trường của Martin và sự giản đơn chưa bao giờ là đơn giản.
Với Here, There And Everywhere , McCartney một lần nữa củng cố vị trí chàng trai ballad của The Beatles. Ông sẽ tiếp tục hành trình này trong nhiều kiệt tác khác như She's Leaving Home, The Fool On The Hill, Golden Slumbers, The Long And Winding Road và sau này là I Will.
Tất nhiên, McCartney có thể rock như một người giỏi nhất, nhưng những ca khúc kiểu Helter Skelter chưa bao giờ thật sự hợp. McCartney là những ca khúc như Here, There And Everywhere, một dòng chảy miên man ở đây, kia và mọi nơi.
McCartney và "đứa con cưng"
Cả John Lennon và Paul McCartney đều đánh giá Here, There And Everywhere là 1 trong những ca khúc bị đánh giá thấp nhất của The Beatles. Bản thân The Bealtes chưa bao giờ biểu diễn nó trực tiếp. Lần đầu tiên khán giả được thấy một màn biểu diễn là trong phim Give My Regards To Broad Street của McCartney.
Nằm giữa Yesterday và Wanderlust; Here, There And Everywhere được McCartney chơi trên cây guitar acoustic trong phòng thu cùng bộ 3 đàn horn. Bên ngoài, George Martin và Geoff Emerick đang ở bàn điều khiển còn Ringo Starr đang tìm dùi chổi để tham gia (khi tìm thấy thì vừa hết nhạc). McCartney nói đây là 1 trong những khoảnh khắc đáng tự hào nhất đời ông với tư cách một nhạc sĩ.
Như để bù lại sự thiếu hụt của đứa con cưng, McCartney thường biểu diễn solo Here, There And Everywhere trong những năm về sau. Lần bất ngờ đầu tiên là trên MTV Unplugged năm 1991. Liên tục sau đó là trong những chuyến lưu diễn thế giới mà gần nhất là One On One năm 2016.
Khám phá những bức tường kỳ lạ và ấn tượng Nhiều nơi trên thế giới cũng có những bức tường vô cùng kỳ lạ và độc đáo. 1. Bức tường Gum Wall Nằm trong một con hẻm vắng vẻ bên cạnh chợ Pike Place nổi tiếng ở trung tâm thành phố Seattle, bang Washington (Mỹ), Gum Wall (bức tường kẹo cao su) đã thu hút du khách tới đây tham quan mỗi ngày....