Cuỗm tiền mua gạo của người nghèo
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam H.Định Quán, tỉnh Đồng Nai, một trong những đại lý của Công ty Hữu Ích phản ảnh vụ việc với PV Thanh Niên – Ảnh: N.L
Sau khi “dụ” các đại lý và hàng ngàn người dân nghèo vùng sâu vùng xa đóng hàng tỉ đồng mua “ gạo từ thiện”, Công ty cổ phần đầu tư – nghiên cứu thị trường – dịch vụ – thương mại Hữu Ích (TP.HCM) đã mất dạng.
“Phải có sổ hộ nghèo…”
Phản ảnh với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Hiền (52 tuổi, ngụ tại tổ 1, thôn 5, xã Sùng Nhơn, H.Đức Linh, Bình Thuận) bức xúc: “Gia đình tôi là một hộ nghèo của xã. Đầu năm nay, nghe cán bộ Công ty cổ phần đầu tư – nghiên cứu thị trường – dịch vụ – thương mại Hữu Ích (sau đây gọi tắt là Công ty Hữu Ích – PV) xuống tận địa phương tuyên truyền bán gạo giá rẻ “Nối vòng tay yêu thương” giúp bà con nghèo, nên tôi đã tham gia làm đại lý”. Theo hợp đồng mua gạo, người dân phải đóng tiền 30 ngày trước khi bắt đầu nhận gạo, với mỗi suất 100.000 đồng. Sau đó, lần lượt trong 3 tháng, họ sẽ nhận 21 kg gạo (tức là 7 kg/tháng). Tiếng là vậy, song theo bà Hiền, chỉ sau 1-2 tháng, trong khi chưa cung ứng đủ số gạo theo thỏa thuận thì Công ty Hữu Ích tự động áp “chính sách mới”, đó là: thu trước (30 ngày) 200.000 đồng/suất và hứa hẹn cấp tổng cộng 28 kg trong vòng 4 tháng.
Bà Hiền than thở: “Từ tháng 5.2012, doanh nghiệp Hữu Ích viện cớ tình hình tài chính khó khăn nên đề nghị giãn thời hạn trả gạo khoảng 2 tháng. Thế nhưng, suốt hơn nửa năm qua, họ biệt vô âm tín, dù đang thiếu chúng tôi 8.678 suất gạo theo hợp đồng”.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ H.Định Quán, tỉnh Đồng Nai, hiện là Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam của huyện, chua chát trình bày: Vì tin doanh nghiệp Hữu Ích làm việc thiện giúp dân nghèo nên bà đã tự nguyện tham gia làm đại lý với tư cách cá nhân. Còn người dân, trong đó phần lớn là nạn nhân chất độc màu da cam vì tin bà và những việc từ thiện trước đây bà làm nên đã không ngần ngại đóng tiền mua gạo. Từ tháng 8 đến nay, bà Nguyệt đâm đơn tố cáo và kiện Công ty Hữu Ích khắp nơi để đòi số gạo tương đương 512.820.000 đồng mà công ty đang nợ của bà và người dân địa phương.
Phụ trách mạng lưới rất rộng với trên 100 đại lý của Hữu Ích, ông Phạm Công Quyền (TX.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng bức xúc phản ảnh, doanh nghiệp này đang “ngâm” của đại lý và người dân hơn 10.000 suất gạo theo hợp đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Dũng (đại lý ở tỉnh Bình Phước) tố cáo công ty trên có dấu hiệu lừa lấy tiền của ông và người dân địa phương gần 500 triệu đồng. Còn ông Tống Văn Bình – đại lý ở tỉnh Đắk Nông – chỉ mong sao Hữu Ích trả lại cho người dân số tiền gốc 68 triệu đồng đã đóng cho công ty nhưng chưa nhận được hột gạo nào…
Video đang HOT
Cao chạy xa bay
Lần theo địa chỉ ghi trên hợp đồng mua bán gạo, chúng tôi tìm đến số 6 Nguyễn Quang Bích, P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM – trụ sở giao dịch của Công ty Hữu Ích. Thực tế, tại địa chỉ trên, chẳng còn vết tích nào của doanh nghiệp này. Một số người dân cho hay, mấy tháng nay, Hữu Ích đã không còn thuê mặt bằng ở đây và dọn đi đâu không rõ. Chúng tôi cũng nhiều lần gọi vào số điện thoại 09086158… của ông Trần Minh Thuấn, sinh năm 1987, Giám đốc Công ty Hữu Ích nhưng đều không có tín hiệu.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Xăng – Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, Công an Q.Tân Bình, TP.HCM nhận xét: “Công ty Hữu Ích đóng trên địa bàn Q. Tân Bình nhưng sự thật là nó liên kết, lập công ty con ở một số tỉnh, thành. Các ông trên công ty xuống truyền tin, kêu gọi mua gạo giá rẻ rồi giao dưới đó thu tiền. Trường hợp này tiền bạc giao dịch là nằm ở những địa phương khác nên người nào đòi nợ công ty, cần liên hệ ở dưới địa phương đó.
Được biết, trong vụ việc trên, chỉ có trường hợp duy nhất Đội Cảnh sát kinh tế Công an Q.Tân Bình phải tiếp nhận đơn tố cáo. Đó là đơn của bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (47 tuổi, trú tại thôn 1, xã Bình Trung, H.Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu) được gửi qua đường bưu điện vào ngày 14.9.2012. Trong đơn, bà Mai yêu cầu doanh nghiệp Hữu Ích trả cho đại lý của bà và người dân địa phương số tiền hơn 607 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Xăng thông tin: Từ đơn tố cáo của bà Mai, đơn vị này đã cử người về xác minh nơi cư ngụ của ông Trần Minh Thuấn tại tổ 10, ấp Tân Chánh, xã Tân Tập, H.Cần Giuộc, Long An. Và theo phản hồi của địa phương, ông Thuấn lâu nay không thấy xuất hiện ở quê. Đặc biệt, ông Xăng cho hay, vào ngày 7.7.2012, Công ty Hữu Ích đã gửi đến Chi cục Thuế Q.Tân Bình thông báo tạm ngừng kinh doanh trong 12 tháng.
Có dấu hiệu lừa đảo
Những thông tin trên cho thấy những người liên quan tại Công ty Hữu Ích có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hành vi gian dối đối với người dân tại nhiều địa phương. Hành vi của những người trong công ty này rất nguy hiểm vì có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản số lượng lớn trên diện rộng. Chưa hết, những người có trách nhiệm trong công ty này còn thể hiện sự gian dối ở chỗ, họ đã có văn bản xin ngừng hoạt động nhưng không thông báo cho người dân liên quan biết.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, người dân bị thiệt hại nên củng cố lại các biên nhận mà phía Công ty Hữu Ích (kể cả văn phòng đại diện) đã nhận tiền rồi gửi kèm theo đơn thư tố cáo đến cơ quan Công an tỉnh nơi mình sinh sống đồng thời gửi thêm đến Công an Q.Tân Bình, nơi Công ty Hữu Ích đặt trụ sở để các cơ quan này điều tra làm rõ.
Theo TNO
Giáo viên méo mặt nhận lương qua thẻ
Để nhận lương mỗi tháng, nhiều giáo viên các xã vùng sâu vùng xa của huyện nam Trà My phải vượt hàng chục km đường rừng. Thậm chí có cô giáo phải mất vài ngày đi bộ mới đến được trung tâm huyện để nhận lương qua thẻ ATM.
Từ tháng 8/2012, UBND huyện Nam Trà My áp dụng trả lương qua thẻ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (NN-PTNT) chi nhánh tại Nam Trà My - ngân hàng duy nhất tại huyện vùng cao này.
Để nhận được lương tháng của mình cán bộ và giáo viên phải rồng rắn xếp hàng ở ngân hàng để rút tiền. Mà nhân viên ngân hàng chỉ làm việc trong giờ hành chính, nên cán bộ và giáo viên muốn rút được tiền thì phải bỏ công việc hoặc trốn giờ làm hành chính của mình để đi xếp hàng nhận lương tại ngân hàng.
Cô giáo Nguyễn Thị Tháo đang dạy ở Trà Nam cùng một người bạn của mình cũng là giáo viên đang dạy học ở Trà Linh, hai xã vùng sâu của huyện Nam Trà My kể: Để nhận được lương, hai chị em phải cắt rừng lội bộ gần một ngày đường mới ra đến thị trấn Tắkkpo, trung tâm của huyện để chờ nhận lương.
Đường lên các xã vùng cao Nam Trà My thường ách tắc vào mùa mưa làm sao để ra huyện nhận lương
Tương tự, cô Lê Thi Ngân Phương cho biết - kể từ khi trả lương qua thẻ, tụi em công tác ở các xã vùng cao không thể rút được tiền để chi tiêu mua lương thực, thực phẩm. Vì ở các xã không có máy rút tiền....
Tình trạng chung của giáo viên nơi đây - muốn rút được tiền, phải dậy sớm lội bộ vượt rừng về huyện để nhận. Còn thầy Nguyễn Văn Xuân, giáo viên trường Trà Tập bảo, tất cả các thầy cô giáo muốn rút lương đều phải bỏ tiết dạy vượt núi về huyện để rút tiền mất cả ngày đường.
Một cô giáo từ Trà Linh vượt hơn 2 ngày đường về huyện nhận lương qua tài khoản ngân hàng
" Chưa kể, mùa mưa đến - nơi đây thường xuyên tắc đường do lũ và sạt núi thì làm sao về huyện để rút tiền lương..." - thầy Xuân thở dài.
Hiệu trưởng Trường Bán trú cụm xã Trà Dơn - ông Lê Thanh Trà cho rằng: "Việc trả lương qua thẻ cho giáo viên là chưa cần thiết vì ở huyện chưa có máy ATM. Giáo viên trường tôi đang dạy trên thôn 4, thôn 5 cách xã cả ngày đường leo núi nên không thể bỏ tiết dạy để lên huyện rút lương. Việc trả lương qua thẻ ATM đối với thầy cô giáo vùng cao như chúng tôi là chưa hợp lý và gay khó khăn cho giáo viên..."
Hai thầy giáo méo mặt đẩy xe vượt rừng hơn 1 ngày đường từ xã Trà nam về huyện nhận lương
Lý do chưa có máy rút tiền tự động được GĐ chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT huyện Nam Trà My - Lê Tự Bán cho biết: Do số lượng người sử dụng thẻ ATM tại ngân hàng chưa vượt quá 500 nên chưa thể xây dựng máy rút tiền qua thẻ. Trong thời gian đến nếu số cán bộ nhân viên đủ số lượng ngân hàng sẽ xin lắp đặt máy rút tiền tự động tại trung tâm huyện.
Để giải quyết việc rút lương cho cán bộ, giáo viên, ông Bán cho biết bắt đầu từ tháng 12 đến, ngân hàng sẽ tổ chức cho nhân viên làm thêm buổi sáng thứ bảy hàng tuần để chi trả lương.
Còn chính quyền huyện Nam Trà My khẳng định, việc trả lương qua thẻ là qui định chung phải triển khai.
Theo VNN
Hơn 22 nghìn học sinh vẫn chờ cấp... SGK năm học mới Theo quy định, học sinh ở các xã đặc biệt khó khăn, thôn, bản vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được cấp phát sách giáo khoa miễn phí. Nhưng đã gần hết học kỳ I, năm học 2012 - 2013 mà đến nay các em vẫn đang mòn mỏi chờ cấp phát. Chờ mòn chờ mòi Phân trường Khuổi...