Cưỡi xe Land Rover đi… chăn bò
Sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, hai anh em Võ Quang Thuận – Võ Xuân Hòa ở Long An là những nông dân đang làm ăn hiệu quả nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và tìm tòi những hướng đi mới…
“Hai lúa” chất lượng cao
Đàn bò hàng nghìn con trong trang trại của anh em Thuận – Hòa ở Long An. Ảnh: H.D
Với lượng phân này, trồng vài trăm mét vuông rau an toàn, tôi đã làm bài toán và thấy thu nhập tăng thêm có thể lên đến 10 triệu đồng/nông hộ. Tôi muốn mọi người cùng làm giàu bằng những mô hình vừa sức. Chứ nếu thực hiện như gia đình tôi, người nông dân bình thường sẽ rất khó áp dụng”. Nông dân Võ Quang Thuận
Là một trong những nông dân xuất sắc nhất Việt Nam, lão nông Võ Quan Huy hiện sở hữu hơn 1.000ha đất nông nghiệp với những trang trại được đầu tư bài bản, hiệu quả kinh tế rất cao.
Ông là nông dân đưa chuối mang thương hiệu Fohla (do chính ông sản xuất) đi Nhật Bản, đồng thời cũng là người nhập hàng trăm ngàn con bò Úc về nuôi vỗ béo tại Việt Nam… Để có được thành công này, người nông dân tuổi ngoài 60 có những trợ thủ đắc lực chính là hai con trai của mình.
Năm 2000, Võ Quang Thuận (SN 1982) thi đậu Trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh. Ra trường năm 2004, anh về ngay “rốn phèn” huyện Đức Huệ, Long An để cùng gia đình cải tạo đất phèn, trồng cây nuôi cá. Còn Võ Xuân Hòa (sinh năm 1984), học xong phổ thông đã đi du học ở New Zealand – quốc gia có cơ sở kinh tế nông – công nghiệp phát triển, ngành chăn nuôi giữ vai trò quan trọng, các mặt hàng nông sản xuất khẩu rất mạnh là các sản phẩm sữa, thịt gia súc, cá, rau quả…
Tuy nhiên, Hòa chọn học ngành tài chính để lo đầu ra cho sản phẩm, vì “kỹ thuật nông nghiệp đã có anh Hai lo”. Cũng như anh trai, Võ Xuân Hòa học xong là về ngay quê nhà, bắt tay làm nông dân. Vợ anh Hòa – chị Girawan Charoensuk – người Thái Lan, là thạc sĩ học ở New Zealand, cũng về Long An làm nông cùng chồng
Ông Võ Quan Huy cho biết, khi các con chưa về quê làm nông dân, ông cũng sản xuất với quy mô lớn nhưng không để ý nhiều đến việc xuất – nhập khẩu vì làm không xuể, cũng không đủ sức. Vài năm trở lại đây, cả 3 cha con đi nước ngoài liên tục để kết nối cung cầu. Có khi, cùng một thời điểm nhưng 3 người đang ở 3 nước khác nhau.
Nắm bắt nhu cầu chuối của thị trường cao cấp, anh em Thuận – Hòa đã bắt tay trồng chuối ở Long An và Tây Ninh với quy mô khoảng 150ha. “Cây chuối đem lại hiệu quả rất tốt nên anh em tôi đang nâng diện tích lên, có thể cuối năm nay sẽ hơn 200ha” – anh Thuận nói. Để tiết kiệm tối đa giá thành sản xuất, anh Thuận cho biết anh em anh đã đi Philippines – nước xuất khẩu chuối lớn nhất nhì thế giới – nhiều chuyến để học hỏi. Thậm chí, chuyên gia trồng chuối ở nước này được anh mời về trang trại ở Tây Ninh, Long An hướng dẫn nhân công trồng chuối.
Video đang HOT
Đến trang trại chuối của anh em Thuận – Hòa, ngoài hệ thống tưới tự động, rồi vận chuyển chuối bằng băng chuyền, nhà đóng gói, kho lạnh hiện đại, chuyên gia Frederick I. Silvero – có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng chuối từ Philippines còn ngả mũ bái phục khi học được một số kinh nghiệm từ chính những “học trò” của mình. “Các con ông Huy đã nghĩ ra cách để làm các hàng chuối nghiêng về một phía theo ý muốn, rất tiện chăm sóc và thu hoạch dễ dàng hơn. Ở Philippines, chúng tôi dùng cây để chống thân cây chuối, còn ở đây dùng dây để chằng, tiết kiệm hơn rất nhiều” – vị chuyên gia đánh giá.
Ban đầu, chuối của anh em Thuận, Hòa xuất đi thị trường Trung Đông, Đài Loan và Singapore. Vài tháng trở lại đây, các đơn vị nhập khẩu từ Nhật Bản sau khi thăm trang trại, kiểm tra chất lượng chuối hết sức nghiêm ngặt đã nhập chuối về Nhật và phân phối cho các siêu thị.
Trại bò lớn nhất miền Tây
Kỹ sư Võ Quang Thuận kiểm tra chuối. H.D
Ban đầu, chuối của anh em Thuận, Hòa xuất đi thị trường Trung Đông, Đài Loan và Singapore. Vài tháng trở lại đây, các đơn vị nhập khẩu từ Nhật Bản sau khi thăm trang trại, kiểm tra chất lượng chuối hết sức nghiêm ngặt đã nhập chuối về Nhật và phân phối cho các siêu thị.
Ngoài trang trại chuối ở Tây Ninh và Long An, anh em Thuận – Hòa còn đang cùng ông Huy trồng mấy trăm ha trà (chè) và bơ ở Lâm Đồng, nuôi hơn 150ha tôm ở Bạc Liêu và Sóc Trăng. Không chỉ trồng trọt, gia đình ông Huy còn nhập bò Úc về nuôi vỗ béo với số lượng lớn. Trong 3 năm, số bò nhập về khoảng 300.000 con, nuôi ở các trại tại Nghệ An, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh.
Vì phải di chuyển nhiều nên cha con ông ai cũng phải đi bằng những chiếc xe ô tô rất khỏe và tiện nghi, sang trọng. Đưa chúng tôi đi thăm trại bò bằng xe Land Rover – dòng xe cao cấp của Anh, giá nhiều tỷ đồng/chiếc, anh Võ Quang Thuận vui vẻ nói: “Xe cộ quan trọng là phải an toàn và phải khỏe để kịp thời phục vụ sản xuất. Anh em tôi không chỉ lái ô tô ngon lành mà máy cày, máy xúc… cái nào cũng biết sử dụng. Trước chiếc xe này, tôi đi chiếc Audi Q7, chạy vài năm đã 300.000km, coi như khấu hao xong nên cho em nó “nghỉ hưu”. Mình đi rất nhiều, xe cũ chỉ cần hư lặt vặt cũng lỡ công lỡ chuyện”.
Phóng viên được đưa đi thăm trại bò bằng xe Land Rover – dòng xe cao cấp của Anh, giá nhiều tỷ đồng/chiếc. (Ảnh: HD)
Với quy mô chuồng trại có thể nuôi cùng lúc 25.000 con, đàn bò của anh em nhà Thuận – Hòa là một trong những đàn bò lớn nhất cả nước. Trang trại nuôi bò theo công nghệ cao, chiếc ô tô sau khi đi qua hệ thống phun sương tẩy trùng, cứ thế chạy xuyên qua những trại bò rộng lớn, vắng bóng công nhân. “Mỗi công nhân chăm sóc được 400 con bò, nên khi vào trại mình chỉ thấy bò, không thấy người” – anh Thuận nói.
Nói về mô hình bò – chuối, anh Thuận chia sẻ: “Từ các trại bò, chúng tôi tận dụng nguồn phân hữu cơ từ phân bò để làm phân vi sinh bón cho cây chuối. Chính từ nguồn phân này, chúng tôi đã cải tạo vùng đất phèn ở huyện Đức Huệ, Long An và vùng đất nghèo dinh dưỡng ở Trảng Bàng, Tây Ninh thành những trang trại đất đai màu mỡ, cho ra sản phẩm chuối chất lượng cao, đáp ứng thị trường khó tính. Từ khi nuôi bò vỗ béo đến nay, chúng tôi đã tiêu thụ khoảng 15.000 tấn rơm, tương đương diện tích thu hoạch từ 10.000ha lúa. Ngoài ra, chúng tôi còn tiêu thụ hơn 100.000 tấn phụ phẩm nông nghiệp từ nhà máy bia, nhà máy tinh bột mì, mật mía… để làm thức ăn cho đàn bò, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân”.
Lái xe đưa chúng tôi đi tham quan mất vài chục phút mới hết trại bò và trại chuối ở Đức Huệ, khi ngồi uống nước, anh Thuận trầm ngâm: “Tôi đang thực hiện một mô hình nhỏ, phù hợp với nông dân. Ở vùng này, những gia đình nuôi khoảng chục con trâu, bò không hiếm. Thay vì bán phân tươi chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng, tôi muốn cùng họ ủ phân vi sinh rồi trồng rau an toàn. Với lượng phân này, trồng vài trăm mét vuông rau an toàn, tôi đã làm bài toán và thấy thu nhập tăng thêm có thể lên đến 10 triệu đồng/ nông hộ. Tôi muốn mọi người cùng làm giàu bằng những mô hình vừa sức. Chứ nếu thực hiện như gia đình tôi, người nông dân bình thường sẽ rất khó áp dụng”.
Theo Danviet
Phong "bò" giàu chí vượt khó
Với vốn khởi nghiệp chỉ 2 con bò ta, trải qua nhiều lần thất bại, đến nay anh Đặng Ngọc Phong (sinh năm 1981, ngụ ấp Phú Thành A, xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp) đã trở thành ông chủ trại bò thịt và bò giống quy mô lớn.
Khởi nghiệp từ 2 con bò ta
Ngày trước, kinh tế gia đình anh Đặng Ngọc Phong dựa vào làm ruộng và chăn nuôi heo nhưng không hiệu quả do thiếu kỹ thuật. Với bản tính cần cù, siêng năng, anh Phong luôn muốn tìm hướng phát triển kinh tế đem lại nguồn thu nhập cho gia đình. Một lần, tình cờ được bạn giới thiệu nuôi bò vì dễ nuôi, thu lợi nhuận khá, anh liền mượn vốn gia đình mua 2 con bò cái ta (giống bò Việt Nam) về nuôi. Nhưng rồi anh nhanh chóng thua lỗ vì thị trường tiêu thụ khá bấp bênh. Sau đó, anh bán cặp bò này và tìm mua 6 con bò thịt ở huyện Tri Tôn (An Giang) về nuôi. Do lượng cỏ tự nhiên không nhiều, bò chậm lớn, anh quyết định sử dụng 2.500m2 đất của gia đình để trồng cỏ cho bò ăn, đảm bảo lượng cỏ tươi cả mùa khô lẫn mùa mưa.
Anh Phong cho bò thịt ăn thức ăn ủ chua. Ảnh: Chí Trung
Anh Phong bảo, để có trang trại bò như hôm nay khá khó khăn, vất vả, nhiều lúc tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng vì cuộc sống gia đình, lại đam mê chăn nuôi nên anh tự tìm tòi, học hỏi để nuôi bò có hiệu quả.
Tìm hiểu qua sách báo, cùng kinh nghiệm thực tiễn và tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi bò, phòng bệnh trên bò do ngành nông nghiệp tổ chức, năm 2011 anh đi tìm hiểu và chọn mua bò giống Ba Tri (Vĩnh Long) và bò giống Củ Chi (TP.HCM) về nuôi. Theo kinh nghiệm của anh, bò thịt ở đây chất lượng tốt, ít bệnh, phẩm chất thịt đạt yêu cầu hơn so với các giống bò khác. Bình quân bò giống các loại có giá từ 15 - 20 triệu đồng/con tùy độ tuổi và độ lớn nhỏ.
Dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, anh Đặng Ngọc Phong đã nhận nhiều bằng khen, giấy khen về thành tích nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Anh cũng là 1 trong 3 cá nhân tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng năm 2015 nhằm biểu dương những thanh niên nông thôn có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.
Khu nuôi bò thịt của anh rộng 60 - 70m2, gồm 2 dãy với 20 con của nhiều giống khác nhau như bò Cọp, bò lai Sind, bò Pháp... Anh Phong bảo những giống bò này lớn nhanh, dễ tiêu thụ, bình quân mỗi con bò giống (khoảng 3 - 4 tháng tuổi, nặng 30 - 40kg) có giá từ 15 - 20 triệu đồng. Nếu chăm sóc tốt khi trưởng thành có trọng lượng bò từ 1 - 1,3 tấn/con, tỷ lệ nạc cao nên lợi nhuận khá. Để đàn bò phát triển tốt, anh còn chủ động phòng các loại bệnh như: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, sán lá gan...
"Bí quyết" thành công trong việc chăn nuôi bò của anh Phong là thức ăn ủ chua chế biến từ thân bắp, cỏ voi làm thức ăn cho bò với công thức: 100kg thân bắp 4kg cám 2kg muối, ủ từ 15 đến 30 ngày có thể làm thức ăn cho bò.
Anh bảo, thức ăn ủ chua có mùi thơm giúp kích thích khẩu vị, bò ăn nhiều và ngon miệng hơn, lại dễ tiêu hóa. Thức ăn ủ chua tận dụng từ phế phẩm của cây bắp giúp tiết kiệm và chủ động nguồn thức ăn khi không có cỏ tươi. Thức ăn ủ chua nếu bảo quản tốt có thể trữ hơn 6 tháng nên rất tiện cho việc nuôi bò với quy mô trang trại. Anh Phong chia sẻ: "Từ khi áp dụng phương pháp ủ chua thức ăn, tạo được nguồn thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, bò rất thích ăn và tăng trọng nhanh, tạo nạc tốt và giảm được các loại giun sán tấn công".
Để chủ động, anh trồng hơn 9.000m2 cỏ làm thức ăn cho bò, đầu tư hệ thống hầm biogas để không ảnh hưởng môi trường mà còn tiết kiệm chi phí gas sử dụng cho gia đình. Túi biogas làm bằng nylon, che chắn cẩn thận, đầu tư chi phí thấp và sau 2 năm sẽ tiến hành thay mới. Nước tiểu, phân bò được dẫn theo hệ thống và tưới lại cho ruộng cỏ phía sau nhà, giảm được chi phí bón phân cho cỏ.
Mở rộng và phát triển thành trang trại
Tháng 6.2013, anh Phong tham gia Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi bò xã Tân Phú Đông với 3 thành viên, mỗi thành viên góp vốn trên 90 triệu đồng, cùng nguồn vốn hỗ trợ 144 triệu đồng/THT đã tạo thêm điều kiện để anh mở rộng chăn nuôi bò thịt và bò giống. Số vốn trên anh đầu tư xây chuồng trại, sắm máy móc, thiết bị, mua con giống và các dụng cụ cần thiết để hoạt động. Đây là điều kiện thuận lợi để việc chăn nuôi bò hoạt động với quy mô trang trại và tổ chức liên kết các thành viên, tạo việc làm ổn định.
Lúc cao điểm, trang trại bò thịt của anh có tới 70 - 80 con, còn bình thường dao động hơn 20 con bò thịt các loại. Để nâng dần chất lượng và hoạt động hiệu quả, anh cho sinh sản và cung cấp bò giống cho các hộ nuôi ở địa phương và khu vực lân cận, đồng thời tiếp cận thị trường ở TP.HCM, Vĩnh Long, Cần Thơ để đầu ra tiêu thụ ổn định, học hỏi thêm kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ bệnh trên bò. Trang trại của anh còn giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động không thường xuyên trong các khâu- cắt cỏ, chăm sóc bò, chế biến thức ăn, thu hoạch thân bắp...
Anh Phong (phải) chia sẻ kỹ thuật trồng cỏ, chăm sóc bò với các đoàn viên thanh niên. Ảnh: C.T
Bình quân mỗi năm anh cho xuất chuồng từ 2 - 3 đợt, mỗi đợt từ 15 - 20 con bò thịt. Theo tính toán, mỗi con bò có mức đầu tư từ 20 - 25 triệu đồng/con, bán cho thương lái với giá trên 35 triệu đồng/con, trừ chi phí lãi hơn 10 triệu đồng/con. Anh còn thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò cho thanh niên trong, ngoài tỉnh Đồng Tháp và được nhiều người tặng biệt danh Phong "bò". Cùng với các hoạt động kinh tế, anh tích cực tham gia các hoạt động xã hội của địa phương như hỗ trợ Quỹ Vì đàn em thân yêu 200.000 đồng/tháng, góp kinh phí hoạt động CLB ông bà cháu, sửa chữa cầu đường nông thôn.
Theo anh Lương Ngọc Nam - Phó Bí thư Thành Đoàn Sa Đéc, anh Phong là thanh niên đầy nhiệt quyết, dù bước khởi nghiệp gian khó nhưng thành công của anh là gương sáng khởi nghiệp để thanh niên nông thôn noi theo.
Theo Danviet