Cuối tuần thăm rừng Cà Mau
Tìm hiểu về rừng ngập mặn, làm hàng rào khoanh nuôi rừng mắm, trải nghiệm cuộc sống người dân bản địa chỉ vỏn vẹn trong 2 ngày cuối tuần.
Tôi vừa có một chuyến trải nghiệm đến điểm cực nam tổ quốc cùng những người bạn hoàn toàn xa lạ. Không giống những chuyến du lịch nghỉ dưỡng và chụp ảnh đẹp trước đây, đến đất mũi Cà Mau, tôi mong muốn nhìn thấy và đóng góp sức lực trong việc gây rừng ngập mặn.
Check-in tại kilomet thứ 2.436 của đường Hồ Chí Minh là một điều ai cũng nên trải qua khi đến với Đất Mũi.
Ngày 1: Trải nghiệm gây rừng, sống như người bản địa
Khởi hành từ Sài Gòn, sau 8 tiếng đi xe đêm, nhóm chúng tôi có mặt ở Cà Mau lúc 5h. Sau khi nghỉ ngơi, xe trung chuyển đưa chúng tôi vào vườn Quốc gia Mũi Cà Mau vào lúc 8h.
Nhóm bạn lần đầu tiên gặp mặt có cùng niềm đam mê bào vệ thiên nhiên.
Tại đây, chúng tôi được gặp các cán bộ, nghe kể câu chuyện về cây mắm và tìm hiểu rừng ngập mặn trên ca-nô. Đến 10h, chúng tôi đến vùng khoanh nuôi rừng. 50 ha bãi bồi tại vùng lõi Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, thuộc Khu Dự Trữ Sinh Quyển thế Giới Cà Mau đã được khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh tự nhiên để chuyển hóa thành rừng.
Ở đây, chúng tôi trải nghiệm gây rừng ngập mặn, do Gaia Nature Conservation tổ chức. Hoạt động góp phần tăng diện tích rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, chống xâm nhập mặn và cải thiện các giá trị kinh tế, sinh thái của rừng. Đặc biệt, đây sẽ là nơi cư trú của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm.
Chúng tôi được trực tiếp làm hàng rào, trong hệ thống giữ hạt mắm trắng. Hệ thống có chiều dài 2.900 m, được làm từ hơn 11.000 cọc tràm và 2.900 m lưới được thiết lập. Hàng rào giữ lại quả mắm rụng từ cây mẹ, để phát triển thành cây mắm con và phát triển thành rừng ngập mặn, sau 6 năm.
Khu rừng được theo dõi, giám sát và chăm sóc bởi ban quản lý vườn Quốc gia trong vòng 6 năm, để đảm bảo rừng phát triển ổn định. Mục tiêu sẽ có ít nhất 185.000 cây mắm sinh trưởng khoẻ mạnh.
Video đang HOT
Sau khi hoàn thành 20 m hàng rào, chúng tôi phải di chuyển vì nước lên. Đường trở về homesstay là hành trình khám phá những ngóc ngách bí hiểm của rừng ngập mặn, nơi có những tán đước trên 50 tuổi mọc um tùm, xanh ngắt.
Đến homestay Ba Sú, tọa lạc ngay tại vườn Quốc gia, chúng tôi có cơ hội tìm hiểu về đời sống và trải nghiệm cuộc sống sông nước của người dân Cà Mau. Homestay được thiết kế theo dạng nhà sàn ngay trên mặt nước, có 2 gian nhà khách, 1 gian nhà ăn, 1 nhà bếp và 4 phòng lớn, chuyên dành cho những nhóm khách du lịch số lượng từ 8 người trở lên. Bao quanh là một màu xanh ngắt của rừng đước.
Homestay nằm gọn giữa khoảng trời mây nước.
Sau khi ăn trưa với các món ăn đặc trưng của địa phương, chúng tôi được đi trên vỏ lãi (một loại xuồng), thử thách đặt lợp bắt cua. Chiều tối, chúng tôi bắt ba khía và thưởng ngoạn bầu trời sao, ngay trên con sông dài 1 km mà homestay toạ lạc.
18h, chúng tôi quây quần bên nhóm lửa tí tách, cùng nhau tận hưởng không khí yên ắng miền quê, trong những câu chuyện thân tình, bên cạnh cái ấm nóng của than bùn gỗ đước và mùi khoai, bắp nướng đượm vị miền tây.
Ngày 2: Check-in điểm cực Nam Tổ quốc
Sáng sớm, chúng tôi được đánh thức bởi tiếng của những loài chim di cư. Không khí tại mảnh đất tận cùng đất nước, mang đến một cảm giác khoan khoái, trong lành.
Mọi người có thời gian riêng vào buổi sáng để đi thăm vườn tược, trò chuyện cùng người dân địa phương. Người dân có thể sinh sống tại vườn Quốc gia nhưng phải có nghĩa vụ gìn giữ, bảo vệ rừng.
Chị Diễm (1992), chủ homestay cho hay: “Tỷ lệ rừng và mặt nước phải luôn được duy trì ở mức 70-30. Ngoài làm vuông nuôi tôm, hào, những năm gần đây khi du lịch phát triển, chúng tôi còn kinh doanh thêm các dịch vụ ăn theo như homestay, tour trải nghiệm đời sống dân bản địa. Homestay được tạo từ ngôi nhà hơn 90 năm từ thời bà ngoại tôi.”
Du khách được tự do hái hoa đậu biếc để nấu trà.
Sau khi trò chuyện với Diễm về đời sống của người dân, chúng tôi hái hoa đậu biếc, nấu trà nóng đầu ngày để chuẩn bị check-out homestay, tiếp tục cuộc hành trình.
Đã đến với Đất Mũi, không thể không ghé qua cột mốc số 0. Tại khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, chúng tôi được nghe kể về đất biết đi, về hành trình “nở” ra hàng ngày của mảnh đất này.
Chị Tú, hướng dẫn viên của khu du lịch đưa chúng tôi tham quan Cột mốc Tọa độ quốc gia GPS0001, biểu tượng tiểu cảnh panô hình tượng chiếc thuyền căng đầy gió luôn hướng ra biển khơi, Công trình Điểm cuối đường Hồ Chí Minh. Ngoài ra là đền thờ Lạc Long Quân, tượng mẹ Âu Cơ, bờ kè chắn sóng, công trình Cột cờ Hà Nội. Chúng tôi được ngắm toàn cảnh điểm giáp nhau giữa biển Đông, biển Tây và thưởng thức các đặc sản tươi ngon.
Cột cờ có 10 tầng. Trong đó tầng 1, tầng 2 trưng bày quá trình hình thành diễn thế tự nhiên của vùng Đất Mũi. Bao gồm hơn 180 hình ảnh các loại và 2 mô hình về hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng ngập lợ Cà Mau. Tầng 3 có chủ đề di sản văn hóa tiêu biểu Thăng Long – Hà Nội, giới thiệu các giá trị di sản văn hóa cốt lõi mảnh đất nghìn năm văn hiến, với 16 di tích quốc gia đặc biệt, 12 hiện vật. Nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia, 3 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, ghi danh vào di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tại những tầng cao của cột cờ, chúng tôi được nhìn ngắm toàn cảnh rừng ngặp mặn Cà Mau, biển Đông rộng lớn và cụm đảo Hòn Khoai đẹp nên thơ.
Về cực Nam Tổ quốc
Cà Mau - hai tiếng thân thương luôn nhắc nhớ người dân Việt Nam hướng về, bởi nơi ấy là cực Nam của Tổ quốc.
Vùng đất non trẻ, có lịch sử hình thành cách nay 3 thế kỷ này khiến du khách đặt chân đến một lần sẽ cảm thấy quyến luyến bởi vẻ đẹp thiên nhiên và nét phóng khoáng của con người nơi đây...
Cột mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 tại Mũi Cà Mau.
Nơi "đất biết nở, rừng biết đi..."
Cà Mau là vùng đất trẻ được phù sa bồi lắng, tích tụ, tạo thành lớp đất màu mỡ, thích hợp cho việc nuôi thủy sản, trồng rừng ngập mặn... Nhờ những cánh rừng này, mỗi năm, diện tích đất liền lại "lấn" ra biển vài chục mét, bởi vậy, Cà Mau còn được gọi là vùng "đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi". Mũi Cà Mau là nơi duy nhất trên đất liền có thể vừa ngắm mặt trời mọc ở mặt biển Đông vào buổi sáng, vừa thấy mặt trời lặn ở phía Tây vào buổi chiều do có ba mặt tiếp giáp với biển.
Cà Mau sở hữu hơn 100 nghìn héc ta diện tích rừng với hai hệ sinh thái rừng đặc dụng tiêu biểu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là rừng tràm U Minh Hạ và rừng ngập mặn Mũi Cà Mau. Đặc biệt, vùng ngập mặn Mũi Cà Mau đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Ngoài ra, Cà Mau còn có hai khu đa dạng sinh học là Lâm ngư trường sông Trẹm (huyện U Minh) và Lâm ngư trường 184 (huyện Năm Căn). Bên cạnh việc tạo ra nguồn lợi thủy sản phong phú, các hệ sinh thái rừng và khu đa dạng sinh học này còn là nơi sinh sống, bảo tồn nguồn gen của nhiều loài động, thực vật quý hiếm; có chức năng điều hòa khí hậu, cân bằng hệ sinh thái; có tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, không thể không kể tới các khu du lịch có cảnh quan thiên nhiên gắn với những giá trị tâm linh, văn hóa và lịch sử như: Hòn Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời); cụm đảo Hòn Khoai, Khai Long (huyện Ngọc Hiển)... Ngoài ra, Cà Mau còn có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, đa dạng. Đó là các di tích lịch sử cách mạng gắn với hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, là hệ thống đình, chùa mang đậm bản sắc văn hóa Nam Bộ và các lễ hội dân gian nổi tiếng như: Lễ hội Nghinh Ông sông Đốc, Lễ vía bà Thiên Hậu... tạo nên nét văn hóa đặc trưng, hấp dẫn du khách.
Một góc Khu công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau.
Phát triển du lịch sinh thái bền vững
Mặc dù sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa phong phú, đa dạng nhưng so với các tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau có phần thua thiệt hơn về phương diện phát triển du lịch. Lý giải nguyên nhân du lịch Cà Mau phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông Công ty TST Tourist cho rằng, ngoài yếu tố khoảng cách địa lý, du lịch Cà Mau khó phát triển bởi hệ thống giao thông chủ yếu vẫn là vận tải thủy, nguồn vốn đầu tư cho hoạt động du lịch còn hạn chế, cơ sở hạ tầng du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu và chưa có sản phẩm du lịch nổi bật để hấp dẫn du khách.
Với tài nguyên thiên nhiên đa dạng, hấp dẫn, Cà Mau xác định sản phẩm chính là du lịch về nguồn và du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau cho biết: Cùng với việc nâng cao nhận thức trong bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, tỉnh cũng khuyến khích các hộ dân tham gia làm du lịch cộng đồng.
Hiện nay, đặc sắc nhất là tour tham quan Vườn quốc gia Mũi Cà Mau gắn với điểm cực Nam của Tổ quốc và các điểm du lịch cộng đồng ở xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển). Du khách sẽ được đi xuyên rừng, ngắm mặt trời lặn; check-in tại Cột cờ Hà Nội, Cột mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 và biểu tượng con tàu đất nước; trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng cùng người dân bản địa với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Bắt ba khía về đêm hay thử đi vỏ lãi (xuồng nhỏ)... "Trước dịch Covid-19, tuyến du lịch này thu hút nhiều khách du lịch bởi những trải nghiệm văn hóa độc đáo. Đây là sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng rõ nét của Cà Mau", ông Trần Hiếu Hùng chia sẻ.
Bên cạnh đó, Cà Mau cũng triển khai xây dựng sản phẩm du lịch tại Mũi Cà Mau, tour Cà Mau - U Minh Hạ - Đá Bạc - Điểm du lịch Bác Ba Phi, kết nối tuyến Đất Mũi - Hòn Khoai (Cà Mau) - Nam Du - Phú Quốc (Kiên Giang) và liên kết phát triển sản phẩm du lịch với Thái Lan, Campuchia nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng sức hấp dẫn để thu hút du khách đến với Cà Mau khi dịch Covid-19 lắng xuống. Với việc phát triển sản phẩm du lịch dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có cùng sự tham gia của cộng đồng, du lịch Cà Mau sẽ có những bước tiến "chậm mà chắc" trong tương lai.
Mênh mang đất mũi Cà Mau Đến với điểm cuối cùng trên dải đất hình chữ S, bạn sẽ đắm chìm trong một màu xanh yên bình của biển trời, của những rừng tràm và mênh mang sông nước miền Tây. Rừng U Minh Hạ Nhắc tới những điểm tham quan nổi tiếng nhất của du lịch Cà Mau, chắc chắn vườn quốc gia U Minh Hạ là cái...