CUỐI TUẦN (CẤM) CƯỜI: Chết không cần… giết
Nói đến những “ sát thủ hữu tình” (tức cố tình) thì nhiều vô kể, còn sát thủ kiểu có mà như không có khiến không ít người ấm ức lầm lũi đi xuống suối vàng mà chẳng dám hé răng nửa lời thì…
1. Chết vì bị sưng lưỡi
Allan Pinkerton (1819-1884) – người sáng lập văn phòng thám tử Pinkerton lừng lẫy, cha đẻ của các kỹ năng điều tra như giả trang, theo dõi đối tượng tình nghi… đã chết vì bị sưng lưỡi – hậu quả của việc cắn phập vào lưỡi trong một lần trượt chân ngã trên vỉa hè.
“Tăng cường công tác điều tra
Tội phạm bị bắt, người nhà tức điên
Chuối kia một nải mua liền
Rút ruột, còn xác thẳng thềm mà quăng”
(Giả thuyết này có khả năng
Chỉ là tin vịt nhập nhằng thế thôi!)
2. Chết đuối vì… vớt trăng
Ai cũng biết Lý Bạch (701-706) là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của Trung Quốc. Ông cũng nổi tiếng với tài uống rượu như hũ chìm và chỉ trong lúc say mới viết nên những tác phẩm kinh điển nhất.
Một đêm, Lý Bạch xuôi thuyền theo dòng sông Dương Tử, vừa uống rượu vừa thưởng trăng. Trong cơn men, ông đã lao thẳng xuống sông để ôm lấy bóng trăng lững lờ trên mặt nước.
“Làm ăn trong giới thi nhân
Máu liều cao gấp nhiều lần thương gia
Xưa Hàn Mặc Tử nước ta
Bán trăng, bán cả thiên hà, lai rai
Nguồn hàng ở tận nước ngoài
Găm “hàng” trong nước mong ngày ngắm đêm
Vụ này Lý biết, thích liền
Trăng thanh sông vắng nửa đêm vớt về
Định “trao tay” kẻ trong nghề
Ai ngờ sông rủ cụ về… uống trăng”
Vụ này cũng có khả năng
“Dân buôn chuyên nghiệp” nói “văng” để cười
3. Chết vì nhịn “tè”
Nhà quý tộc kiêm nhà thiên văn học nổi tiếng người Đan Mạch Tycho Brahe vốn là người rất khôi hài. Theo những gì kể lại, trong nhà Brahe có một chú hề lùn, chuyên nhiệm vụ hoạt náo không khí bên bàn ăn tối. Ông còn bị hỏng mũi sau một lần thua cược với người bạn, chịu hành phạt đeo mũi giả bằng bạc suốt một thời gian dài.
Nguyên nhân cái chết của Brahe cũng khiến người ta không nhịn được cười. Trong một bữa tiệc năm 1601, ông gắng gượng nhịn “tè” quá lâu (thời đó việc rời bàn tiệc giữa cuộc vui bị coi là hành động thô lỗ hết sức), trong khi sức chịu đựng của chiếc “túi” chỉ có hạn. Nó vỡ òa. 11 ngày sau, Brahe nhắm mắt.
Ngắm sao, sao mới hỏi rằng:
“Sao mặt quý tộc ngài đần thế kia?”
Brahe rằng: “Cái lẽ tự nhiên
Nó lớn trong bụng, ta quên ra ngoài
Ước chi có cái ống rời
Nối đến toilet chắc đời còn nguyên.”
Phải chăng như một lời nguyền
Cả đời hài hước, kể cả quên… đi tè?!
4. Chết bởi cây gậy chỉ huy dàn nhạc
Năm 1687, nhà soạn nhạc lỗi lạc người Pháp Jean-Baptiste Lully hãnh diện nhận trọng trách: viết một bản thánh ca dành riêng cho vua Louis XIV. Đam mê sáng tác đã khiến Lully không hề hay biết rằng, trong lúc hưng phấn giữ nhịp điệu cho bản nhạc, ông đã lấy cây quyền trượng đập liên hồi vào ngón chân mình mà không có cảm giác đau.
Video đang HOT
Ngón chân sưng phồng, sau đó chuyển sang giai đoạn hoại tử. Ấy vậy mà Lully vẫn nhất quyết không chịu cho bác sĩ cắt nó đi. Vết thối trở nên nghiêm trọng dần và rốt cuộc “hạ nốc ao” nhà soạn nhạc cứng đầu.
Trớ trêu thay, bản thánh ca Te Deum cướp đi sinh mạng Baptiste Lully sau đó được xướng lên trong lễ ăn mừng Vua Louis XIV khỏi ốm.
Tận trung đến thế thì thôi
Qua hồi hưng phấn đến hồi (thở) hắt ra
Nặn ra bản nhạc làm quà
Thêm tí cứng cổ là ra ma liền!
5. Chết vì ăn
Cái chết của ông vua Thụy Điển Adolf Frederick vào năm 1771 (thọ 61 tuổi) được coi là bài học giáo dục sâu sắc nhất về thói tham ăn vô độ.
Sau bữa ăn quá đỗi thịnh soạn bao gồm các món tôm hùm, trứng cá hồi, dồi lợn, súp rau cải, cá trích hun khói, rượu sâm banh và 14 loại món tráng miệng ưa thích, ông đã chết vì tắc thở.
Trên đời, chết bởi “bản năng”
Thì nhiều vô kể nhưng “căng” nhất là
Chết vì không kịp thở ra
Chẳng kịp liếm mép, băng hà từ đây
Máy hút mà có trong tay
Để vua… hút ruột, mâm này hết veo!
6. Chết vì “minh họa” trước tòa
Sau cuộc nội chiến nước Mỹ, chính trị gia Clement Vallandigham đến từ bang Ohio nổi lên như 1 luật sư tài ba “đánh đâu thắng đó”. Năm 1871, ông thầy cãi nhận biện minh cho thân chủ Thomas McGehan – người bị kết tội bắn chết một ông tên là Tom Myers trong cuộc ẩu đả ở quán rượu. Vallandigham lập luận rằng chính Myers đã vô tình tự tay bóp cò trong lúc rút khẩu súng ra khỏi vị trí bên đầu gối.
Để có sức thuyết phục hơn, Vallandigham đích thân diễn lại cảnh “bắn nhầm”. Không may, lập luận của ông “vận” ngay vào tác giả: ngón tay vô tình chạm cò và viên đạn xuyên thẳng qua tim Vallandigham.
Cả phiên tòa hò reo vì chiến thắng của Vallandigham. Thân chủ McGehan được tuyên trắng án trước lúc ông thầy cãi trút hơi thở cuối cùng.
Thiên hạ đệ nhất luật sư
Toàn tâm toàn ý kể như toàn tài
Minh chứng có một không hai
Cướp cò là chuyện thường ngày xảy ra
Thay đạn bằng… viagra
Thì chuyện cò… cướp thành ra… cố tình!
7. Chết vì râu dài
Ông Hans Steininger người Áo sống ở thế kỷ thứ 16 nổi tiếng khắp thế giới với bộ râu dài kỷ lục (gần 1,4 mét).
Năm 1567, khu phố ông ở bất ngờ thổi bùng lên một trận cháy lớn. Trong cơn vội vã, ông Hans cứ băng băng chạy mà quên không cuộn râu lên; rốt cuộc, ông giẫm lên râu, mất thăng bằng, ngã lộn cổ và chết.
Để râu không phải là “dê”
Để râu là để dễ bề nổi danh
Xưa, râu dài, nổi rất nhanh
Cũng bộ râu ấy nay thành oan gia
Ước chi nó… cháy trong nhà
Thì cụ vẫn sống, nhẩn nha… nuôi dài!
8. Chết vì sưng ngón chân
Một buổi sáng năm 1911, Jack Daniel – nhà chế rượu whiskey nổi tiếng ở bang Tennessee (Mỹ) quyết định đi làm sớm hơn mọi ngày. Ông muốn mở két sắt nhưng không làm sao nhớ ra nổi mật mã riêng. Trong cơn tức giận, Daniel đá túi bụi vào két. Các ngón chân sưng phồng lên, rồi hoại tử, không lâu sau thì ông chết.
Ước gì cụ sống thời này
Cất tiền hiện đại với cây “tê mờ” (ATM)
Ba lần sai mã, từ từ
Máy nó nuốt thẻ, sững sờ cụ nha
Bực mình, chưởng cụ tung ra
Tê tê giần giật… Cụ nhảy ra vội vàng!
9. Chết vì vỏ cam
Trên đời hiếm có ai dũng cảm như Bobby Leach: năm 1911, ông là một trong hai người duy nhất trên thế giới chinh phục thác nước Niagara trong một… chiếc thùng. Kẻ ngạo nghễ này còn nhiều pha thách thức Thần Chết còn kinh điển hơn thế nữa. Nói cách khác, nói chuyện chết chóc trước mặt Leach chẳng khác gì kể chuyện khôi hài.
Một hôm khi đang dạo bước trên đường phố New Zealand, Leach bất ngờ dẫm phải vỏ cam và trượt chân ngã. Chẳng ngờ cú ngã vu vơ làm ông gãy chân, phải phẫu thuật cắt bỏ. Ông chết vì những biến chứng phức tạp liên tục diễn ra sau ca mổ.
“Xiêu nhân” chết cũng khác thường
Chết già, chết yếu tầm thường, bỏ qua
Chết là phải chết cho ra
Cho thiên hạ biết để mà lưu danh
Sinh ra đã nghiện cam sành
Đến “số”, cam biến ông thành… “con ma”!
10. Chết vì “áo choàng bay”
Năm 1911, một thợ may người Pháp Franz Reichelt đích thân thử nghiệm phát minh trí tuệ của mình – áo khoác kiêm dù – bằng cách nhảy từ tháp Eiffel xuống dưới đất.
Ban đầu để thuyết phục các nhà chức trách, Reichelt nói dối rằng ông sử dụng người nộm, vào phút chót thì “đánh tráo” chính mình. Cái chết của ông thợ may gàn dở không làm người dân Paris mấy ngạc nhiên.
Đoán rằng trời chẳng mấy cao
Trèo lên đỉnh tháp bay sang… thiên đàng
Địa ngục chào đón sỗ sàng:
“Úi giời, thằng ngốc, thiên đàng còn xa
Thông tin một đống, chẳng tra
Trời cao đất hấp thế mà bay ư?
Muốn bay thì cứ từ từ
Khi nào hồn biết bay thì tính sau!”
11. Chỉ chết khi… quá già
Lần đầu tiên bị đầu độc, “người đàn ông bất tử” của nước Nga Grigori Rasputin (1869-1916) đã ngấm một lượng xyanua đủ giết chết 10 nam giới lực lưỡng. Vậy mà Rasputin chẳng mảy may quỵ ngã. Lần thứ hai, những kẻ ám sát bắn lén sau lưng ông bằng súng lục, nhưng cũng chỉ làm Rasputin trọng thương chứ không chết. Ông tiếp tục bị bắn thêm 3 lần như thế nữa, sau đó bị tra tấn bằng dùi cui, cuối cùng thì bị ném xuống dòng sông Neva băng giá. Rasputin vẫn tai qua nạn khỏi. Cái chết chỉ đến khi ông đã quá già.
Vô duyên nhất: chính tuổi già
Bao nhiêu các chị, các bà trốn nhanh
Đến lượt mình, các chú, anh
Cắm đầu chạy, chẳng kịp thành ra ma
12. Chết vì quả bóng chày
Tính tới thời điểm này, cầu thủ Ray Chapman của đội bóng chày Cleveland Indians là người duy nhất thiệt mạng vì quả bóng chày. Vào hồi đầu thế kỷ 20, cầu thủ ném bóng thường có thói quen trát đất vào quả bóng để cho đối thủ bắt bóng phía bên kia khó nhìn. Cũng chính vì lẽ đó mà trong trận đấu với đội New York Yankees diễn ra ngày 6/8/1920, Chapman đã để cho quả bóng sắt của Carl Mays lao thẳng vào đầu mình, vỡ sọ chết.
Chơi “bẩn” đích thị là đây
Ai khiến trét đất rồi ném bay vèo vèo
Bóng bay, hồn cũng bay theo
Bóng rơi, người cũng rơi vèo xuống sân
13. Chết vì chiếc khăn quàng
Isadora Duncan – nữ nghệ sĩ sáng tạo ra nghệ thuật khiêu vũ hiện đại đã từ trần vào năm 1927 bởi chiếc khăn quàng yêu thích cô luôn đeo bên mình.
Theo như thời báo New York đưa tin về cái chết của Duncan ngày 15/9/1927, “Chiếc xe đang chạy với tốc độ lớn thì chiếc khăn lụa bất ngờ bị cuốn vào bánh xe, kéo giật cơ thể cô Duncan – khi ấy đang cuộn tròn trong lớp vải – ra bên ngoài.
Toàn thân cô chà sát xuống mặt đường đá sỏi, kéo lê đến vài chục mét trước khi tài xế dừng vì nghe tiếng gào thét. Đội cấp cứu được gọi tới ngay sau đó, nhưng người ta tuyên bố rằng Duncan đã bị siết chặt cổ và chết ngay tức khắc.”
Hỡi ôi cái giống điệu đàng
Bây giờ hồn có điệu đàng nữa không
Lả lướt ở chốn phiêu bồng
Mà không khăn áo phập phồng, phí đi
14. Chết vì rác
Hai anh em Homer và Langley Collyer bị mắc chứng hoang tưởng: họ hoảng sợ khi phải vất đi bất cứ thứ gì; báo chí, giấy lộn, rác rưởi… đua nhau chồng chéo khắp nhà. Thậm chí họ còn đặt bẫy trên hành lang và bậc cửa để phòng kẻ trộm.
Năm 1947, một người giấu tên gọi điện cho cảnh sát báo rằng có người chết trong căn hộ của Collyer. Khó khăn lắm mới lọt vào trong nhà, người ta tìm thấy xác Homer Collyer còn Langley thì mất tích. Sau 2 tuần xử lý gần 100 tấn rác, công nhân vệ sinh rốt cuộc cũng thấy thi thể Langley Collyer thối rữa, nham nhở bị chuột gặm nằm cách vị trí người anh trai chết độ 3 mét.
Có vẻ như, cậu em Langley đã rơi vào bẫy khi đang bò qua những cột báo ngất ngưởng để mang thức ăn đến cho ông anh bại liệt của mình. Homer chết vài ngày sau đó vì đói.
Gậy ông lại đập lưng ông
Bẫy cho thằng trộm chổng mông lên trời
Của nả tích góp cả đời
Vùi sâu chôn chặt, đói rời răng ra
Anh em mình sống trong nhà
Đi đâu thì cứ “đi” là cả đôi
15. Chết trong show truyền hình
Jerome Irving Rodale là người khởi xướng ra phòng trào ăn uống lành mạnh. Ông là một trong những nhân vật đầu tiên ủng hộ hết mình cho ngành nuôi trồng sản phẩm hữu cơ.
Trong show truyền hình Dick Cavett năm 1971, Rodale lên cơn nhồi máu cơ tim và chết ngay tắp lự, giữa lúc ông đang cao hứng nói đùa rằng “Tôi sẽ sống đến 100 tuổi, trừ khi bị một tay lái xe nghiện đồ ngọt cẩu thả nào đó chạy qua người”. Cái chết bất ngờ của vị khách 72 tuổi đã khiến chương trình này vĩnh viễn không được phát sóng.
Đùa thì tùy lúc tùy nơi
Ai lại nhè đúng giữa nơi… đông người
Đùa theo cái kiểu “đi đời”
Đùng đùng “ám khí” nó mời đi ngay
Ngài ơi độc miệng lắm thay
Thế thì xổ số… xin ngài xổ cho!
Poi Hà – 24H.COM.VN (tổng hợp và bình luận)