Cưỡi sóng biển ra Cù Lao Chàm
Tới Hội An, chắc chắn phải đi Cù Lao Chàm. Nhưng sẽ chơi gì, ăn gì trên ở đó? Mời bạn cùng tôi lên cano cưỡi sóng biển khoảng 25 phút để ra thăm ‘hòn ngọc’ này.
Cảnh biển tuyệt đẹp ở “hòn ngọc” của Hội An – Ảnh: Quỳnh Anh
Nếu như bạn chỉ dừng chân ở Hội An một ngày, bạn gần như chỉ có thể tham quan phố cổ, mua sắm, và thưởng thức vài món đặc sản. Còn nếu như đến Hội An trong vài ngày, bạn phải tìm thêm địa điểm ăn, chơi. Tôi xin cá với bạn 99% người dân ở Hội An, hay những người đã từng đến Hội An sẽ tư vấn cho bạn một chuyến ra đảo Cù Lao Chàm. Bạn có muốn biết vì sao hòn đảo này hấp dẫn không? Mời bạn cùng tham gia chuyến đi ra Cù Lao Chàm theo chỉ dẫn của ông Thanh – hướng dẫn viên kỳ cựu được mệnh danh là “người thổi hồn” cho du lịch Cù Lao Chàm.
Năm 1995, du lịch Hội An lần đầu tiên có tour dẫn khách ra Cù Lao Chàm. Ông Thanh chính là người dẫn tour đầu tiên này. Trên chiếc thuyền gỗ mang tên Hoài Giang, bốn vị khách may mắn đầu tiên đã cùng ông Thanh đi từ bến Cửa Đại ra Cù Lao Chàm trong khoảng 1 tiếng 10 phút.
Du khách chỉ lên thăm chùa, thăm dân cư, thăm làng cá rồi lên thuyền trở về đất liền. Cù Lao Chàm hoàn toàn hoang sơ. Những con đường chỉ toàn là cát, không có xe đạp, không có xe máy, người ta chỉ có thể đi bộ. Cũng chẳng có hàng quán gì ở đây, nên du khách đành dùng bữa trưa trên thuyền, với đồ ăn mang theo từ đất liền.
Còn hiện tại, để ra được Cù Lao Chàm, bạn có hai sự lựa chọn. Một là mua tour đi cano ra đảo. Giá tour chạy từ 400.000 – 1,5 triệu đồng/người, tùy thuộc bạn chọn dịch vụ bình dân hay cao cấp. Mất khoảng 30 phút để đi cano từ bến Cửa Đại ra đảo của Cù Lao Chàm. Bạn đừng e dè chuyện say sóng. Bản thân tôi cũng là người thường xuyên bị say tàu, xe. Nhưng quả thực đi cano ra Cù Lao Chàm cực kỳ phấn khích. Bạn sẽ thấy mình quá nhỏ bé trước biển, không còn biết phương hướng, chỉ còn thấy màu xanh ngắt của biển, của mây trời.
Cano cưỡi sóng ra Cù Lao Chàm – Ảnh: Thiện Nguyễn
Phải nói thêm về những chuyến cano ra Cù Lao Chàm, để gây ấn tượng với du khách, các bác lái cano thường trổ tài “đánh võng” lướt trên những con sóng lớn, bẻ tay lái hình vòng cung, làm cho chiếc cano nghiêng sát mặt nước. Những cú lướt sóng, lao thẳng vào sóng tạo cảm giác cano của bạn vừa va vào cái gì đó rất cứng, nhưng cú va chạm lại êm ái vô cùng. Và bạn chưa kịp say sóng thì đã ra tới đảo rồi.
Cách thứ hai là bạn có thể đi theo thuyền chợ của ngư dân. Giá vé thuyền rất rẻ, chỉ vài chục ngàn. Tuy nhiên, thời gian di chuyển khá lâu. Nếu đi từ 7 giờ sáng từ bến Cửa Đại thì có thể 11-12 giờ trưa bạn mới ra được Cù Lao Chàm. Thêm nữa, ngay đầu giờ chiều, bạn sẽ phải nhanh chóng lên thuyền cùng ngư dân trở về đất liền. Vậy nên, tốt nhất là bạn nên lựa chọn đi theo tour.
Màu nước biển ở Cù Lao Chàm đổi theo màu của mây trời – Ảnh: Thiện Nguyễn
Cù Lao Chàm có tất cả 8 đảo. Nhưng hiện tại chỉ có hòn đảo lớn nhất là Hòn Lao có người dân sinh sống. Đây cũng chính là điểm dừng chân của bạn. Lên Hòn Lao, bạn sẽ được dẫn đi thăm khu dân cư để ngắm những ngôi nhà nhỏ xinh hai bên những con dốc. Trên đường đi, người dân có bày bán rất nhiều món quà của Cù Lao Chàm như dứa dại, rể nhàu…
Video đang HOT
Ảnh: Linh San
Đáng chú ý, trên đường đi bạn sẽ gặp một giếng nước thiêng. Theo nhiều lời người dân truyền miệng, uống nước ở giếng này có thể giúp sinh con trai. Một hướng dẫn viên du lịch hài hước kể nhiều du khách nam khi nghe câu chuyện này đều rất tin và háo hức múc nước uống. Nhưng ở ngay gần giếng, có một nhà sinh đến 6 cô con gái.
Du khách thích thú uống nước ở giếng “sinh con trai” – Ảnh: Linh San
Cách chiếc giếng “huyền thoại” không xa là chùa Hải Tạng là điểm đến linh thiêng trên Hòn Lao. Hải có nghĩa là biển, Tạng có nghĩa là nhà kho, Hải Tạng có nghĩa là “kho chứa tâm linh” của người dân Cù Lao Chàm. Tuy nhiên, thời gian dừng chân ở đây không nhiều. Bạn có thể tranh thủ thắp hương, bái Phật để tiếp tục di chuyển sang bảo tàng Cù Lao Chàm.
Chùa Hải Tạng – Ảnh: Linh San
Trước năm 2003, tức là trước khi Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới, thì Cù Lao Chàm thực sự rất hoang sơ. Du lịch Cù Lao Chàm chỉ thực sự khởi sắc sau khi Quảng Nam cho xây dựng bảo tàng Cù Lao Chàm và triển khai nhiều tour ra đảo. Trong bảo tàng có những mô hình để bạn hình dung được vị trí của các đảo thuộc Cù Lao Chàm và hệ sinh thái trên các đảo.
Đặc biệt, những đặc sản nổi tiếng của Cù Lao Chàm là cua đá, ốc vú nàng và tổ yến sẽ được các hướng dẫn viên “chú trọng” giới thiệu rất khó cưỡng.
Ảnh: Linh San
Trong chuyến đi Cù Lao Chàm lần này, tôi dự định sẽ thưởng thức món ốc vú nàng. Nhưng không may, ngày tôi tới lại không có ốc nên đành phải đổi qua món cua đá.
Tôi nhớ như in sự háo hức chờ đợi được thưởng thức con cua đá nặng tới hơn 300gr với giá gần 400.000 đồng (cua đá thường được bán với giá 1 – 1,5 triệu đồng/kg). Nhưng ngay khi ăn miếng đầu tiên thì một nỗi thấy vọng không hề nhỏ ùa đến. Cua đá là loại cua “ăn chay” chỉ ăn lá cây, nên nó dường như không có thịt. Thay vào đó, phần nước trong mai cua có màu đen được cho là rất tốt cho cổ họng. Tuy nhiên, loại nước bổ này lại đắng ngắt. Tôi đành ngậm ngùi bỏ qua món đặc sản này để thưởng thức những loại mực và cá biển thông thường.
Con cua đá của tôi nặng hơn 300gr – Ảnh: Linh San
Về món tổ yến, một thông tin khá hấp dẫn cho du khách ra Cù Lao Chàm đó là Sở du lịch Quảng Nam vừa đưa vào giới thiệu tour du lịch thăm hai hang yến Tò Vò và hang Tai, thuộc cụm 8 hang yến đẹp ở Cù Lao Chàm. Chính ông Thanh cũng là hướng dẫn viên đầu tiên dẫn khách tham quan hai hang yến này vào ngày 8.6.
Tới hang yến, sau khi thăm thú cách làm tổ, cách nuôi con rất thú vị của loài yến,… bạn có thể thưởng thức món chè tổ yến với giá 150.000 đồng/chén, hoặc mua tổ yến để mang về làm quà.
Sau bữa trưa, bạn có thể nghỉ ngơi trên những chiếc ghế dài trên bờ biển, để chờ đến giờ quay về đất liền – Ảnh: Thiện Nguyễn
Thật là thiếu sót khi ra Cù Lao Chàm mà không đi lặn ngắm san hô. Và các hướng dẫn viên sẽ “chỉ điểm” những chỗ nước biển trong vắt, có nhiều san hô cho du khách. Bạn chỉ cần mặc áo phao, đeo kính bơi và ngậm ống thở, ngụm mặt xuống nước là có thể nhìn thấy những dải san hô gần bờ đẹp lung linh.
Ở Cù Lao Chàm hiện tại có đó dịch vụ nghỉ tại nhà dân homestay cho những du khách muốn lưu trú qua đêm trên đảo. Tuy nhiên, vì các hòn đảo khá hoang sơ, chất lượng phục vụ du lịch chưa thật sự tốt, nên ngủ lại đêm ở đây sẽ khá buồn. Vì vậy, bạn nên trở về Hội An để tận hưởng một đêm lung linh trong phố cổ.
Theo iHay
Cù Lao Chàm - đảo xanh thân thiện
Cách cảng Cửa Đại (Hội An) chỉ khoảng 20 phút đi cano, Cù Lao Chàm là hòn đảo nhỏ mang vẻ đẹp hoang sơ, thu hút du khách bởi sự phát triển du lịch xanh và cuộc sống bình dị của những người dân chài.
Bước chân lên đảo, bạn sẽ cảm nhận cuộc sống ngư dân bình dị bởi hình ảnh nghề chài lưới ở khắp nơi.
Chợ đảo họp gần cầu cảng từ sáng sớm, bán đồ ăn dân dã như mì Quảng, cao lầu, và hải sản tươi sống.
Điều đặc biệt là người dân và du khách ở Cù Lao Chàm không sử dụng túi nylon mà mang theo làn, giỏ xách hoặc người bán gói đồ trong lá chuối, giấy báo. Chính vì thế Cù Lao Chàm được xem là hòn đảo thân thiện.
Cùng với bào ngư, cua đá là đặc sản của hòn đảo nhỏ. Chỉ sau những ngày mưa, cua đá mới bò ra khỏi hang. Vì vậy khi đến Cù Lao Chàm, nếu may mắn bạn mới được thưởng thức món này.
Sau khi đi chợ, đặt người dân chế biến các món hải sản, bạn có thể đi dạo và tận hưởng không khí tuyệt vời của vùng biển hoang sơ. Các bãi Ông, bãi Hương, bãi Chồng... ngập tràn nắng vàng, nước trong vắt, thích hợp cho việc bơi, tắm nắng. Nếu muốn lặn biển ngắm san hô hay đi thuyền dạo quanh đảo, hãy hỏi dịch vụ của người dân và sẽ được tư vấn vùng nước đẹp nhất.
Trên đảo có giếng xóm Cấm mang đặc trưng của giếng Chăm cổ. Đây là nguồn nước ngọt dồi dào cho cuộc sống trên đảo, được xếp hạng Di tích quốc gia năm 2006.
Nằm bên chân núi phía tây đảo Hòn Lao, chùa Hải Tạng là nơi ghé thăm tĩnh tâm của nhiều du khách. Chùa được xây dựng năm 1758, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân nơi đây.
Chiều về, hãy chọn một vị trí đẹp để ngắm cảnh hoàng hôn trên biển, ánh mặt trời loang lổ trên sóng nước dập dềnh và những người dân chài bình dị giữa đảo xanh.
Theo VNE
Lang thang bán đảo Hòn Hèo Với mong muốn tìm cảnh thiên nhiên hoang sơ ở Nha Trang, chúng tôi được một ngư dân mách nước ra thăm đá núi, tắm biển, thưởng thức hải sản ở bán đảo Hòn Hèo. Lão ngư dân Tám Lụa thôn Cát Lợi (Vĩnh Lương, Nha Trang, Khánh Hòa) là người cầm lái đưa chúng tôi ra khám phá đá núi, biển xanh...