Cười rụng rốn với anh chàng đi mua game gặp lừa đảo, nhưng lại may mắn “gửi nhầm” mã thẻ
Kết cục, kẻ đáng lẽ ra bị lừa khi đi mua game lại chỉ mất vài chục nghìn để phát hiện ra một scammer, còn kẻ xấu kia thì bị một phen tẽn tò.
Scammer, lừa đảo, đó đã chẳng còn là câu chuyện mới mẻ gì đối với cộng đồng game thủ Việt Nam chúng ta nói riêng cũng như trên thế giới nói chung. Bản thân những kẻ trục lợi thích kiếm tiền bằng cách lừa lọc, lợi dụng sự cả tin của nhiều người yêu game cũng chẳng hề thiếu. Từ trước đến nay, chúng ta đã có quá nhiều những câu chuyện về game thủ chẳng may bị những kẻ lừa đảo giăng bẫy. Trên mạng internet gần như ngày nào cũng có những bài viết hoặc status tố cáo cá nhân làm việc thiếu uy tín, gây hậu quả tới cộng đồng.
Những tưởng nhờ vào việc cập nhật những tin tức, kinh nghiệm trong khi mua bán game bản quyền cũng như những tài sản ảo liên quan tới game, người Việt chúng ta sẽ bớt rơi vào tình cảnh éo le khi vô tình đụng phải lừa đảo. Nhưng không, đâu đó vẫn còn có những kẻ trục lợi ẩn nấp dưới danh nghĩa trader để lừa những game thủ nhẹ dạ.
Vụ việc mới đây của một game thủ Việt là một ví dụ. Bỏ tiền mua tựa game bản quyền ARK: Survival Evolved với giá gần 300 nghìn Đồng, trước đó game thủ này đã gửi trước 1 khoản dưới dạng thẻ điện thoại coi như đặt cọc. Ngay sau khi chuyển nốt số tiền cuối cùng để nhận được tựa game mà mình đang mong muốn, thì kẻ bán game ở “đầu dây bên kia” đã ngay lập tức block anh chàng này.
Chưa kịp hoàn hồn thì anh chàng của chúng ta đã nhận ra mình gặp nhầm scammer. Nhưng người tính lại không bằng trời tính, người đi mua game vô tình gõ sai số thẻ điện thoại, còn kẻ lừa đảo thì tay nhanh hơn não block mất “con mồi béo bở”. Kết cục, kẻ đáng lẽ ra bị lừa lại chỉ mất vài chục nghìn để phát hiện ra một scammer, còn kẻ xấu kia thì bị một phen tẽn tò.
Cộng đồng game thủ cũng được một phen cười ra nước mắt. Ai cũng cho rằng, đó là một bài học kinh nghiệm cực kỳ quý giá cho bất kỳ ai muốn mua game bản quyền trên thị trường tự do.
Trước đây chúng tôi đã từng có rất nhiều bài viết kinh nghiệm mua game bản quyền cũng như vật phẩm ảo để tránh bị lừa đảo. Một trong những điểm chung của những kẻ lừa đảo, đó là trên mạng internet, họ có rất ít thông tin cá nhân hoặc thông tin giả, và cộng đồng gần như không biết họ là ai. Một trong những quy luật đầu tiên khi mua game ở trên thị trường tự do là tìm đến những cửa hàng và trader có uy tín, được nhiều người tin tưởng để “trao gửi niềm tin”.
Kinh nghiệm thứ hai chính là đừng ham rẻ. Những key game rẻ quá mức cần thiết luôn luôn là cái bẫy thu hút những người có túi tiền không mấy rủng rỉnh. Nhiều khả năng, những key game này được mua bằng thẻ tín dụng bị đánh cắp (hay nôm na là CC chùa), và chúng rất dễ bị các chương trình quản lý game như Steam hoặc Origin xóa sổ sau một đợt truy quét. Ấy là chưa kể, so sánh với những cửa hàng trực tuyến có uy tín, bạn có thể mua rẻ hơn vài chục đến cả trăm nghìn Đồng, nhưng rất có thể bạn sẽ rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo!
Theo GameK