Cuối năm, lại nóng hàng giả
Càng gần Tết Nguyên đán, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại càng có chiều hướng phức tạp hơn. Các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, táo tợn.
Trong khi đó, hàng giả, hàng nhái tìm cách len lỏi vào thị trường nội địa sau đó gắn mác “made in Vietnam” gây mất niềm tin với người tiêu dùng.
Lực lượng chức năng kiểm tra những sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ.
Hàng giả, hàng nhái hoành hành dịp cuối năm
Mặc dù công tác chống buôn lậu đã được tăng cường và làm mạnh, song càng về cuối năm vấn nạn hàng giả, hàng nhái càng có chiều hướng gia tăng, diễn biễn phức tạp. Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, dù các điểm “ nóng” như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang… đã được các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát, chốt chặn; khu vực đường mòn lối mở và phía Trung Quốc cũng đã xây dựng nhiều hàng rào biên giới kiên cố, song thực tế việc buôn lậu, vận chuyển một số mặt hàng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Tại Lạng Sơn, mới đây lực lượng Bộ đội Biên phòng chủ trì đã phát hiện, bắt giữ gần 13 tấn pháo nổ vận chuyển trái phép qua biên giới để vào tiêu thụ nội địa. Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cũng phát hiện số lượng lớn thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam không có hóa đơn chứng từ.
Trong đợt triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, Đội Quản lý thị trường số 10 – Trạm Kiểm soát Liên hợp Dốc Quýt đã kiểm soát việc vận chuyển hàng thực phẩm qua địa bàn. Trong quá trình này, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện xe ô tô vận chuyển gần 2.000 sản ph ẩm thực phẩm do Trung Quốc sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ nhập khẩu hợp pháp kèm theo. Tài xế khai nhận toàn bộ số thực phẩm trên xe được mua ở quanh khu vực chợ Tân Thanh, Văn Lãng để vận chuyển về tiêu thụ trong khu vực nội địa.
Tại tỉnh Quảng Ninh, tình trạng buôn lậu cũng diễn biến phức tạp, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu có điều kiện, cấm nhập khẩu như: Thuốc lá điếu; hàng tiêu dùng, điện thoại, máy tính bảng đã qua sử dụng, mỹ phẩm, thủy sản giống, khoáng sản, hoa quả…, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng đã lợi dụng chế độ ưu đãi miễn kiểm tra của hải quan, chính sách ưu đãi, miễn thuế của cư dân biên giới, thuê người theo dõi các lực lượng chức năng, vận chuyển hàng theo từng cung đường, sử dụng biển kiểm soát giả, cất giấu hàng vào hầm…
Video đang HOT
Không chỉ có xu hướng gia tăng tại các khu vực biên giới phía Bắc, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại cũng đang làm đau đầu lực lượng chức năng các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk vừa phát hiện bên trong kho hàng ở trung tâm TP Buôn Ma Thuột có chứa hàng ngàn sản phẩm không hóa đơn, nguồn gốc. Cụ thể, ngày 6/1, Công an tỉnh Đắk Lắk tiến hành kiểm tra và phát hiện bên trong kho hàng của Lê Văn Kiệt (23 tuổi, trên đường Ama Khê, phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột) có 7763 sản phẩm là bánh kẹo, nước giải khát, khăn giấy không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp (trong đó có 16 sản phẩm hết hạn sử dụng); 400 sản phẩm trên bao bì ghi tiếng nước ngoài nhưng không có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Hiện toàn bộ số hàng hóa không có hóa đơn chứng từ trên đã được Phòng Cảnh sát kinh tế tiến hành tạm giữ để điều tra mở rộng và xử lý theo quy định của pháp luật.
Chế tài nhẹ, đối tượng “nhờn thuốc”
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình trạng buôn lậu, sản xuất, vận chuyển kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phổ biến khắp các vùng miền, đặc biệt là khu vực đô thị với nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán 2020.
Nhận định về vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại hiện nay, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian gần đây, tình trạng gian lận xuất xứ hàng hoá Việt Nam đưa từ nước ngoài vào thị trường trong nước có xu hướng gia tăng. Trong năm 2019, ngành Hải quan đã tập trung chỉ đạo toàn lực lượng đấu tranh phòng ngừa gian lận xuất xứ, giả mạo xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, vị này cho rằng, nếu có sự thống nhất cao và phân cấp quản lý rõ ràng, sẽ hạn chế được nhiều hành vi vi phạm về gian lận thương mại.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, vẫn còn tình trạng văn bản chồng chéo, thiếu sự thống nhất, chế tài chưa đủ sức răn đe dẫn đến vấn nạn gian lận thương mại, hàng giả hàng nhái chưa được ngăn chặn “tới nơi tới chốn”. Bởi vậy, để giảm thiểu những khó khăn trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, các chuyên gia trong ngành đề xuất, các Bộ, ngành cần gấp rút rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tránh chồng chéo trong việc ban hành thông tư, quy định nhằm hạn chế tình trạng nhiều cơ quan, doanh nghiệp cùng thấy khó xử lý trong một số hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, cần phải tăng chế tài xử phạt các hành vi gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ. Bởi, nói như TS. Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay hành vi gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ chủ yếu mới chỉ xử lý dân sự, không xử lý hình sự, trong khi đó, lợi nhuận mang về lại quá lớn nên các đối tượng “nhờn thuốc”. “Chỉ khi tăng mạnh chế tài, chúng ta mới có thể hy vọng giảm thiểu được vấn nạn này” – ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường ( Bộ Công thương) trong năm 2020 này, lực lượng quản lý thị trường xác định nhiệm vụ chính và quan trọng nhất là đẩy lùi hàng giả, với các kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, xử lý vi phạm gian lận thương mại, điều tra và xử lý mạnh các cơ sở sản xuất và kinh doanh hàng giả tại nhiều tỉnh thành phố trên cả nước.
Nhóm PV
Theo daidoanket.vn
Nghị định xử phạt nồng độ cồn có hiệu lực chỉ sau 2 ngày ký: Vì sao?
Văn bản luật cấp Trung ương được quy định có hiệu lực sau 45 ngày kể từ khi ký ban hành. Nghị định 100 là trường hợp đặc biệt khi chỉ sau 2 ngày thông qua đã có hiệu lực.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 46/2016) được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 30/12/2019 và có hiệu lực chỉ sau 2 ngày (1/1/2020).
Các chuyên gia luật coi đây là trường hợp đặc biệt, bởi theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, thời gian có hiệu lực của văn bản là sau 45 ngày kể từ thời điểm thông qua hoặc ký ban hành.
Sau 5 ngày thực hiện Nghị định 100/NĐ-CP, CSGT toàn quốc đã xử lý 1.518 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Chí Hùng
Trường hợp văn bản pháp luật của chính quyền cấp tỉnh, thời hạn có hiệu lực không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày ký ban hành. Với cấp huyện, xã là tối thiểu 7 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật) cho rằng việc Nghị định 100/2019 có hiệu lực chỉ sau 2 ngày ký ban hành vẫn hoàn toàn phù hợp với pháp luật hiện hành.
Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 151, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, quy định một số văn bản pháp luật được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn để có hiệu lực ngay từ ngày thông qua hoặc ký ban hành.
Các văn bản được áp dụng trình tự rút gọn phải được đăng ngay trên cổng thông tin của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng, đăng công báo nước CHXHCN Việt Nam hoặc công báo tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chậm nhất 3 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Theo Điều 146 luật này, trình tự, thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng trong trường hợp khẩn cấp; trường hợp đột xuất trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo quyết định của Quốc hội; trường hợp để ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định; trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.
Luật sư Diệp Năng Bình đánh giá Nghị định 100/2019 phải ban hành sớm hơn thường lệ để phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Khoản 6, Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia đã nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Để luật này được thực thi, Thông tư 100/2019 phải đồng thời có hiệu lực.
Từ khi trình tự rút gọn được áp dụng, đã có nhiều văn bản được xét hiệu lực ngay tại thời điểm ký ban hành. Ví dụ mới nhất là Nghị định 87/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng chống rửa tiền (ban hành và có hiệu lực cùng ngày 14/11/2019) hay Nghị định 72/2019/NĐ-CP hướng dẫn về quy hoạch xây dựng (ban hành và có hiệu lực cùng ngày 30/8/2019).
Đồ họa: Phượng Nguyễn
Theo Ngọc Tân (Zing)
Tội phạm, buôn lậu diễn biến phức tạp do có sự tiếp tay của công chức tha hóa Tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, gắn với sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí là tiêu cực, tham nhũng, bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ, công chức tha hoá, biến chất. Đây là phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình...