Cuối năm đổ xô đi liên hoan thịt chuột
Dịp cuối năm, nhiều người đổ xô chọn thịt chuột để làm món đặc sản liên hoan cuối năm. Những làng thịt chuột nổi tiếng phía Bắc ở Thạch Thất (Hà Nội), Bắc Ninh… đông khách chưa từng có.
T hịt chuột giúp giải đen
Những ngày cuối năm này, Canh Nậu, Thạch Thất, Hà Nội rộn tiếng còi xe, đường sá chật ních khách muôn phương đổ về đây ăn thịt chuột “giải đen” cuối năm.
Tết Dương lịch, cả cơ quan một trung tâm kinh doanh xây dựng đi hẳn 3 xe 12 chỗ ngồi đổ bộ về Canh Nậu, Thạch Thất, Hà Nội để ăn đặc sản chuột.
Một người trong đoàn cho biết, lúc đầu cũng định đi ăn dê hay chim, nhưng theo tư vấn của một số người trong cơ quan, “đặc sản Canh Nậu là thịt chuột đồng, vừa thơm, vừa lạ lại được thưởng thức món độc” nên sếp chuyển hướng. Cả nhóm “phượt” hơn 30 cây số để đến tận làng có truyền thống ăn thịt chuột.
Một người trong đoàn còn giải thích, không phải ai cũng thích thịt chuột, nhưng khi sếp giải thích ăn thịt chuột “giải đen”, sang năm làm ăn kinh doanh lặn lội đường nào cũng được, trèo cao, đào sâu, lội nước… chuột đều qua hết, mà lại đi đâu cũng có ăn đó… thấy có lý nên mọi người gật đầu đi theo.
Mỗi sạp chừng 5, 7 người đông dần. Ngoài những tốp ăn tại quán, hàng chục chiếc xe máy lượn vào trong sân lấy thịt chuột mới sơ chế hoặc đã tẩm ướp đầy đủ, chỉ việc nấu rồi về.
Chuột mới làm lông, còn trắng hếu.
10h30, dừng xe ở làng Canh Nậu để vào quán thịt chuột nổi tiếng trong vùng. Quán ăn trong một ngõ hẹp, đường rộng chừng hơn 1m nên tất cả xe ôtô phải dừng cách nhà hàng chừng gần 200m. Lúc đầu, căn nhà rộng trải 7-8 sạp lớn chỉ có một nhóm chúng tôi ngồi ăn. Nhưng từ sau 12h, từng tốp, từng tốp khách ùn ùn kéo về.
Chị chủ nhà hàng phấn khởi: “Nhiều người trong làng, thậm chí cả khách thập phương ăn quen với nhà hàng rồi nên không cần biển hiệu, quảng cáo họ cũng tìm đến. Cuối năm, tư tưởng ăn chuột giải đen nên khắp nơi mới đổ về đông. Có những hôm, không đủ chuột để bán cho khách”.
Trong khi đó, tại xã Phúc Tinh, huyện Tam Sơn, Bắc Ninh, dân Hà Nội cũng đổ về đây ăn thịt “gà đồng”. Trước đây, thịt chuột là món bắt buộc phải có trong các đám cưới ở Phúc Tinh. Tuy nhiên, gần đây tập tục này đã bị loại bỏ, và thịt chuột trở thành món ăn nhậu của cả người dân tứ xứ. Mới đây nhất, một công ty xây dựng ở Long Biên, Hà Nội cũng đưa toàn bộ nhân viên về đây thưởng thức món “gà đồng”. Hai món chủ đạo được một người trong công ty – cũng là dân thổ địa ở đây, gọi ra, đó là thịt chuột hấp lá chanh và thịt chuột rán giềng.
Đã mổ bụng, moi bỏ nội tạng và rửa sạch để chuẩn bị tẩm ướp.
Bỏ nghề truyền thống đi săn chuột
Buổi sáng, ngôi làng vốn nổi tiếng làm mộc, chạm khắc gần như thay đổi thói quen khi mùa chuột đồng bắt đầu từ tháng 9. Hầu hết trẻ con, người lớn trong làng tham gia đi bắt chuột. Đồ nghề đi bắt chuột hết sức đơn giản, chiếc thuổng để đào hang chuột, chậu thau nước, chiếc lồng sắt… và đặc biệt là một chú chó để đánh hơi.
Quanh làng Canh Nậu được bao bọc bởi các cánh đồng hoa màu nên chỉ đi ra khỏi làng vài trăm mét là có thể bắt đầu công việc.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Văn Anh, thôn Ao Thuyền, Canh Nậu cho biết: Mùa chuột đồng bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch là kết thúc. Trung bình, mỗi ngày cả đánh bắt và thu mua, nhà ông làm thịt từ 15 đến 40 kg chuột. Giá chuột sống từ 70 đến 80.000 đồng, sau sơ chế bao gồm vặt lông và moi nội tạng thì các nhà hàng sẽ nhập với giá 100.000 đồng/kg.
Đem thui chuột bằng rơm.
Cả làng Canh Nậu chỉ có 2 quán chế biến thịt chuột, ngoài ra, tầm từ 4h chiều, tại các chợ xã, chợ tạm ven đường, hàng mẹt chuột thui được bày bán. Theo nhiều người dân trong làng, nhiều người ở nơi khác đến thì sợ, nhưng với làng Canh Nậu, đây là món ăn ngon và truyền thống, được nhiều người lựa chọn hơn các loại thịt khác.
Chủ một trong hai quán thịt chuột lớn nhất Canh Nậu thuộc khu 2, Ao Thuyền cho biết: “Thịt chuột được nhà hàng chế biến thành 5 món khác nhau là chuột rán, chuột hấp, chuột xào, chuột giả cầy và chuột nấu đông”.
Nhà hàng đã có thâm niên 5 năm trong việc chế biến và bán thịt chuột, nhưng trước đây chỉ có người trong làng ăn, khoảng 3 năm trở lại đây thì phong trào này nở rộ, khách khắp nơi đổ về ăn, thậm chí có cả khách quốc tế đến thưởng thức.
“Không chỉ bán thịt chuột, ngoài mặt hàng này còn có thịt chó, mèo, gà, cá… tuy nhiên thịt chuột vẫn là thực đơn được nhiều thực khách lựa chọn”, chị Trần Thị Quỳnh tâm sự. Không chỉ ngày thường, ngày lễ, tết rất đông người tới nhà hàng để ăn thịt chuột. Ngày cao điểm, cửa hàng bán tới 40kg chuột/ngày với giá đã chế biến khoảng 200.000 đồng/kg.
Món chuột hấp lá chanh.
Nhiều người ăn xong còn mua chuột sơ chế mang về nhà làm quà. Trong vòng chưa đầy một tháng qua, khu Canh Nậu đã bắt, tiêu thụ khoảng gần 2 tấn chuột. Năm nay, nhiều nhà thu nhập tiền triệu từ công việc này.
Một người có 5 năm trong nghề bắt và làm thịt chuột bật mí, trong khi bò, gà rất ế thì chuột lại đắt hàng. Tuy nhiên, để có món thịt chuột ngon cũng không đơn giản. Việc vặt lông chuột là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định cho thịt ngon hay không. Bởi lẽ khi vặt lông, người làm cần phải pha nước đúng tiêu chuẩn lông chuột mới sạch, nếu cho nước nóng quá nó sẽ mất hết lớp da. Trong khi đó, thịt chuột ngon nhất là phần da.
Không chỉ kì công trong việc vặt lông sao cho da chuột không bị ảnh hưởng, sau công đoạn này, trừ với món chuột hấp, hầu hết các món còn lại đều phải thui. Trước khi thui chuột, người dân phải chọn loại rơm khô, tơi, không còn ẩm ướt hoặc đã quá mủn, quạt đều tay suốt quá trình thui để da chuột vàng đều, không có mùi khói.
Lượng rơm thui cũng chỉ vừa đủ để da chuột không bị nứt. Sau khi thui xong, chuột được mổ ra, cắt đầu và 4 chân, moi hết nội tạng, chỉ giữ lại đôi lá gan. Ướp thêm gia vị hành, tiêu, tỏi, ớt mỗi thứ một chút, cho nhiều bột ngọt để mất đi cái mùi của chuột. Tuy nhiên, nếu không làm kỹ, khi ăn sẽ phát hiện ra mùi chuột rất gây. Một số thực khách ban đầu đi ăn thì hào hứng, đến khi nhìn thấy và gắp miếng thịt chuột vào bát thì ngại hẳn. Có người không đủ can đảm để ăn tiếp hay nuốt miếng thịt vào bụng.
Một người dân làng Canh Nậu cho biết, trước đây, người dân ở đây bắt chuột để giữ ruộng đồng. Thấy con chuột lớn thì mang về ăn chứ không nghĩ nó là đặc sản như bây giờ. Hiện, con chuột lớn cũng chỉ 3-4 lạng là cùng. Tuy nhiên, với giá như hiện nay, có người kiếm được tiền triệu mỗi ngày. Chuột lại trở thành con kiếm tiền tiêu Tết.
Theo Vietnamnet
Lạ lùng chợ chuột họp giữa thủ đô
4h chiều chợ chuột bắt đầu nhóm dọc theo hai bên đường làng. Chuột nhiều thật, tôi đếm dọc chợ được hơn 20 mẹt chuột đã làm sẵn, mẹt chưa thui, mẹt đã thui vàng, mẹt nhiều đến năm, sáu kg, mẹt ít cũng vài ba kg, trong khi cả chợ chỉ có vài quầy thịt lợn, thịt gà.
Quãng 2 giờ chiều, từ các ngõ xóm của Canh Nậu (Thạch Thất, Hà Nội) đã thấy các bà các chị mang chuột ra sơ chế. Vừa tóm từng con chuột trong lồng sắt ra, vật xuống đất cho chết để vợ nhúng vào nước sôi làm lông, anh Hòa vừa tiếp chuyện chúng tôi: Hôm nay, em lùng khắp 3 xã Thạch Hòa, Đại Đồng, Hương Ngải, mới được chừng này. Dạo mới gặt, có ngày bắt được gấp đôi.
Lồng chuột của anh Hòa ước chừng 4 kg, con to nhất cỡ 3 lạng, con nhỏ nhất không quá 1 lạng. Làm sạch lông, còn khoảng trên 3 kg, nếu bán hết thì được trên 300 ngàn đồng (100.000 đồng/kg), một thu nhập không tồi cho một ngày công lao động. Thu nhập thế, nên cứ chớm mùa gặt là đội quân săn chuột của Canh Nậu lên đường.
Dụng cụ săn chuột rất đơn giản: Một thuổng sắt, một tay lưới, một xô múc nước, một lồng sắt. Thuổng để đào, lưới để đón lõng từ ngách phụ của hang chuột. Giống này cực khôn, đào hang, ngoài lỗ chính, chúng đào thêm ba bốn ngách phụ để thoát thân khi gặp nguy.
Muốn bắt được chúng, sau khi phát hiện được hang, người săn chuột bao giờ cũng phải tìm các ngách phụ, bịt hết lại, chỉ để một ngách phụ, căng lưới ở đó rồi mới đào hang chính. Con nào vọt ra từ hang chính thì người đào tóm, chạy ra bằng ngách phụ là sa lưới. Hang chuột nào sâu quá thì lấy xô múc nước đổ vào hay vơ rơm rác cạnh đó đốt để hun cho chúng ngoi ra.
"Thợ săn chuột" Canh Nậu đi xa ba bốn chục cây số để lùng chuột là chuyện bình thường. Những tay săn lão luyện có ngày bắt được cả yến. Sáng đi, chiều về "đổ" chuột cho các quán nhậu, đút túi cả triệu bạc. Càng ngày càng có nhiều quán nhậu thịt chuột nên không bao giờ ế. Giải thích vì sao sau mùa gặt là chuột ít đi, anh Hòa bảo:
- Lúa uốn câu là chuột từ làng, từ các cống rãnh túa ra đồng, vì lúc này ở đồng sẵn thức ăn. Gặt xong, thức ăn khan, chúng lại kéo về làng, về cống rãnh. Vậy nên bảo con này chuột đồng, con kia chuột nhà hay chuột cống chuột rãnh là láo toét hết. Tất cả chỉ là một thôi.
- Eo ôi, thế thì ghê quá, chúng tôi cứ tưởng chuột đồng chỉ sống ở đồng, ăn lúa, ăn khoai ăn rau nên nó sạch. Chứ nó ăn cả đồ bẩn thỉu ở cống ở rãnh thì ai dám ăn.
- Các bác rõ nhiêu khê. Em hỏi bác nhá: Giống chuột có ăn bẩn bằng giống chó không? Đến phân người mà con chó nó còn xơi, thì là bẩn nhất hạng rồi còn gì. Thế mà chính loại chó ăn phân, tức là chó cỏ, chó ta ấy, thịt nó mới đậm đà, chứ giống chó nhà giầu nằm xa - lông, ăn thịt bò ấy, đố anh nào ăn nổi, vì thịt nó vừa nhạt toẹt lại vừa gây, ngửi miếng thịt đã muốn nôn mửa rồi.
- Sao không lột luôn da con chuột ra cho nó mau, vặt lông thế này lâu lắm? Tôi hỏi vợ anh Hòa.
- Rõ là các bác chưa ăn thịt chuột bao giờ có khác. "Mèo ăn ruột, chuột ăn da, ếch ăn tù và, gà ăn trứng non". Con chuột mà bỏ da đi, thì coi như giảm giá trị một nửa.
Còn sớm, chúng tôi la cà vào mấy quán nhậu chuyên "mèo - chó - chuột" như Nguyên Bát, Hạnh Hoa... theo lời người làng mách, để thăm thú. Không biển hiệu, đường đi lại nhỏ, lòng vòng, phải đỗ ô tô khá xa, nhưng hơn mười năm nay, các quán lúc nào cũng đông khách. Bà chủ quán Nguyên Bát hỏi:
- Các bác muốn xơi mèo, chó hay chuột?
- Hôm nay không ăn, chúng tôi chỉ đi khảo sát thôi, để hôm nào kéo cả hội đến. Chó với mèo ăn mãi chán rồi. Chuột bọ thế nào?
- Quán em toàn chuột đồng, sạch tuyệt đối. Cái thứ chuột cống chuột rãnh bẩn thỉu, không bao giờ nhà em nhập. Có 5 món chuột luộc ép lá ré, chuột xào lăn, chuột bung, chuột rán, chuột băm.
- Vậy thôi à? Ở Vân Đình người ta còn có chuột giả chim, chuột giả chó. Bên Đình Bảng còn thêm chuột nấu đông nữa, tám món tất cả.
- Ít, nhưng mà ngon. Chả mấy hôm không có khách từ Hà Nội đánh ô tô về đây đâu các bác ạ. Cứ ăn rồi các bác sẽ biết.
- Chuột có to không?
- Đảm bảo con nào cũng từ hai lạng trở lên. Không tin, mời các bác ra xem hàng. Hôm nay có một đôi chuột cống, con to gần 7 lạng.
- Vừa nẫy chị bảo không bao giờ chị nhập chuột cống chuột rãnh cơ mà.
- Chuột đồng chính hiệu đấy, nhưng vì nó to nên người ta gọi tên nó là chuột cống, chứ không phải nó sống ở cống ở rãnh đâu bác ạ.
- Giá cả thế nào?
- Có hai mức, một mức mỗi đĩa 80 ngàn, một mức mỗi đĩa 100 ngàn, đặt mức nào chúng em làm mức đó. Rượu bia, bún bánh tính riêng.
4h chiều chợ chuột bắt đầu nhóm dọc theo hai bên đường làng. Chuột nhiều thật, tôi đếm dọc chợ được hơn 20 mẹt chuột đã làm sẵn, mẹt chưa thui, mẹt đã thui vàng, mẹt nhiều đến năm, sáu kg, mẹt ít cũng vài ba kg, trong khi cả chợ chỉ có vài quầy thịt lợn, thịt gà, ngoài ra còn mấy lồng chuột sống.
Người bán chuột sống để sẵn cái chậu, vài phích nước sôi bên cạnh, để khách mua xong, có nhu cầu là người bán dúng nước sôi làm lông, nổi lửa thui vàng và mổ cho luôn. Anh Thành, một người bán chuột sống, bảo :
- Đó là do khách sợ chuột ở những mẹt kia không tươi, có khi hôm qua bán không hết mang về để tủ lạnh, hôm nay lại mang ra.Để thế này, dù hôm nay không bán hết thì mang về ngày mai vẫn sống nguyên. Giống chuột dù đã bẻ răng nhưng để ba bốn ngày vẫn rất khỏe.
- Chuột bán có chạy không?
- Nhà em không hôm nào ế cả.
Quả là người mua chuột khá đông. Chỉ một lát, đã có mấy chị bán hết mẹt chuột, xách mẹt không ra về. Chị Hương, một người bán chuột cho biết, trước đây thường chỉ bà con trong xã bán chuột mua chuột với nhau.
Dân Canh Nậu có "truyền thống" ăn thịt chuột từ lâu. Nhưng mấy năm gần đây, người xã khác cũng ăn, cũng mua. Thấy một người đàn ông đang chọn chuột ở một hàng bên cạnh, tôi cũng sà xuống xem.
Chọn sáu con chuột đặt lên cân, được một cân với gần nửa lạng, ông ta bảo "thôi tính một cân cho nó tròn đi", người bán đồng ý. Xỉa ra tờ một trăm ngàn trả xong, ông túm đuôi cả sáu con chuột buộc làm một, treo vào móc hàng trên xe máy, vẻ mãn nguyện:
- Rét thế này, về làm nồi chuột đông. Chuột nấu đông phải để đông tự nhiên mới ngon, chứ nấu mà phải để vào tủ lạnh nó mới đông thì không ngon.
Sáu giờ, chợ chuột đã vãn. Hơn sáu giờ một chút, cả chợ không một bóng người.
Theo Bưu Điện VN
Bản làng thờ cúng thần... chuột Những người Dao Tiền ở bản Bương, Tân Pheo, Đà Bắc, Hòa Bình coi chuột như một vị thần cứu mạng, họ còn lập hẳn một ngôi miếu để thờ thần chuột. Vốn được nghe kể về chuyện những người Dao Tiền có một ngôi miếu thờ thần chuột, tôi rất hiếu kỳ, không hiểu vì sao những người dân nơi đây lại...