Cuối năm 2015, Quốc hội sẽ thông qua Luật Biểu tình
Báo cáo trước Quốc hội, ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – cho biết, đa số đại biểu đã tán thành với chủ trương trình Luật Biểu tình để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và sẽ thông qua tại kỳ họp 10.
Chiều nay 30/5, trên 85% đại biểu Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội, trong đó có Luật Biểu tình.
Ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội (Ảnh Việt Hưng)
Theo đó, Luật Biểu tình sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 9 và sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 10 ( cuối năm 2015).
Báo cáo trước Quốc hội, ông Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2015 dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Luật biểu tình, Luật về hội, Luật tiếp cận thông tin, Luật bảo vệ bí mật nhà nước, Luật chứng thực, Luật giáo dục, Luật thi hành án hình sự (sửa đổi), Luật phòng chống tác hại của rượu bia, Luật tiền lương tối thiểu…
Video đang HOT
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội đưa dự án Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 vào Chương trình kỳ họp thứ 9 để thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung dự án Luật biểu tình vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, thông qua tại kỳ họp thứ 10.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội,Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội điều chỉnh dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2014 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, đưa Luật Biểu tình vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, thông qua tại kỳ họp thứ 10.
Ngoài ra, ông Phan Trung Lý còn cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung vào kỳ họp thứ 7 để xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Quang Phong
Theo Dantri
Kéo dài tuổi nghỉ hưu: Đại biểu lo con cháu thất nghiệp!
Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sáng nay 29/5, nhiều đại biểu bác bỏ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu (biện pháp cứu quỹ lương hưu) vì lo con cháu sau này thất nghiệp.
Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của người lao động như công nhân quốc phòng, công nhân công an, người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành HTX... cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam)
Về vấn đề trên, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho biết, ở nhiều nước còn đấu tranh để giữ nguyên hoặc giảm tuổi nghỉ hưu. "Lấy lý do vỡ quỹ để tăng tuổi nghỉ hưu là vô lý. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do không thu được tiền bảo hiểm xã hội của hàng triệu lao động và hàng chục nghìn tỉ đồng nợ đọng. Tiền các anh không thu được thì lỗi tại ai. Để không vỡ quỹ có nhiều cách chứ không nhất thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu", đại biểu Minh nói.
Sau khi xem dự thảo Luật BHXH, Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng, quy định tăng tuổi nghỉ hưu như vậy là không công bằng đối với phụ nữ (60 tuổi). Vì nhiều lao động nữ hoạt động ở các ngành nghề công nhân may mặc, giáo viên, cán bộ miền núi... khó đủ sức khỏe để phục vụ đến 60 tuổi.
"Tôi biết nhiều cháu tốt nghiệp đại học về nhà bán nước. Do vậy, nếu áp dụng như vậy thì con cháu ra trường chắc chắn không có việc làm", đại biểu Dân nói và đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như quy định hiện hành.
Theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) với tiến độ "ăn - tiêu" như hiện nay thì khả năng vỡ quỹ BHXH được dự báo trước. Điều này tạo nên sức ép phải cân đối quỹ BHXH. Tuy nhiên, giải pháp kéo dài tuổi lao động khiến đại biểu Sinh băn khoăn.
"Hôm qua bàn đến độ tuổi của công chứng viên, rồi sau này thì luật sỹ quan quân đội... Phải chăng đang có một trào lưu kéo dài độ tuổi, trái với Bộ luật Lao động. Trước mắt không kéo dài với mọi đối tượng vì chúng ta còn có những giải pháp khác. Cần có giải pháp quyết liệt để chống không đóng BHXH", đại biểu Sinh nói.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) cho biết, ông đã hỏi nhiều nhà khoa học, họ đều nói không hiểu nghiên cứu kiểu gì mà lấy năm 2034 vỡ quỹ BHXH và phải điều chỉnh như vậy. Theo ông Ánh vỡ quỹ hay không vỡ quỹ do BHXH quản lý. Hiện tình trạng nợ BHXH hiện rất nhiều, trong khi chi phí cho đội ngũ làm bảo hiểm quá lớn dẫn tới nguy cơ thâm hụt lớn.
"Không thể nói lo người về hưu như tôi hưởng nhiều mà phải điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu được. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, thiết kế lại để đảm bảo người lao động đóng đủ và không có chuyện nợ nần BHXH như bây giờ", ông Ánh đề nghị.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, lý do dẫn đến vấn đề trên là liên tục tăng lương nhưng không kèm theo tăng năng suất lao động. Trong khi đó bộ máy hành chính thì liên tục phình to lên. Hơn nữa, hiện nay có tình trạng vừa muốn làm ít lại muốn hưởng lương nhiều, hưởng thụ sớm. Do vậy, đại biểu đề nghị phải sửa từ gốc chứ không thể sửa từ ngọn như vậy.
Quang Phong
Theo Dantri
Tìm thấy thi thể học sinh mất tích trên biển sau buổi liên hoan cuối năm Sau 2 ngày nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể em Trần Văn Chiến (học sinh lớp 11 trường THPT Hậu Lộc 2 - Thanh Hóa) trên biển. Ông Lê Khắc Phương, Phó trưởng Công an xã Hoằng Tiến (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) cho biết, khoảng 12h trưa nay (27/5) đã phát hiện thi thể học...