Cười đau ruột chuyện con học online: “Chó sủa, mẹ mắng, bà em không biết tắt MIC”, nhưng cái kết thì rơi nước mắt
Học online là phương thức tối ưu thay thế cách học truyền thống trong thời điểm hiện tại, tuy nhiên từ đây có nhiều tình huống dở khóc dở cười đã xảy ra.
Cùng trải nghiệm buổi học online cùng con qua nhật ký vui nhộn của một bà mẹ.
01
Cô giáo nhắn trên nhóm zalo của lớp: “Các mẹ dặn con viết thứ… ngày… tháng, Môn học… cho đỡ mất thời gian nhé”. Nội quy của lớp được cô gõ riêng 1 bảng gửi vào nhóm: “Chuẩn bị đồ dùng học tập trước mặt/ Tắt MIC (chỉ mở khi trả lời câu hỏi hoặc có ý kiến)/ Bật máy quay và nhìn vào màn hình…”. Nghe tưởng rõ ràng như thế, chỉ việc làm theo thôi nhưng hóa ra không phải vậy.
Cô còn cẩn thận làm 1 buổi học thử để các mẹ, các con cho quen. Học sinh tiểu học, con học mẹ cũng phải thao tác, nào có tự làm được đâu. Sau vài lần đăng nhập thì cũng vào được Zoom, con mắt lấp lánh sáng như sao, bao lâu mới nhìn thấy cô và bạn bè. Cô chưa vào, học trò thì nhao nhao, đủ các thứ tiếng.
Học sinh cả nước đang chuyển qua hình thức học online (Ảnh minh họa)
Giọng của bạn nào rõ to: “Bạn V. này con ghét nhất lớp. Rất hay ăn quà trong lớp nhem nhem tụi con”, hình ảnh trên màn hình là bà mẹ vội bịt miệng con lại, tiếng bà mẹ bên đó cuống cuồng: “Con tắt MIC chưa?”. Tiếng hỗn loạn ngày càng to. Rồi cô cũng xuất hiện, cô dặn phụ huynh cho con không gian riêng để con tự lập. Ừ thì khép cửa đi ra cho con học hành tự lập.
Mẹ sang phòng bên làm việc, sếp thì giục gửi báo cáo gấp, mà nhóm Zalo của lớp thì ting ting báo tin nhắn réo rắt: Nguyễn Ngọc L. không vào được cả máy tính và điện thoại ạ/ Nhà em không nghe thấy cô nói gì/ Nhà em cũng xoay tít không vào được / Các chị thấy tiếng không ạ?/ Nhà em vào lại out/ Cô vào chưa các mẹ?…
Lo quá, hé cửa xem tình hình con thế nào, trộm vía đường truyền vẫn ổn. Chỉ có điều có 1 mớ âm thanh hỗn độn. Tiếng cô cất lên lẫn trong bản hòa âm ấy: “Nhà bạn nào chó đang sủa thì tắc mic đi nhé”. Con gái vò đầu bứt tai nhìn ra rồi ra dấu cho mẹ rằng: “Ồn quá, con không nghe thấy gì”.
Nhóm zalo lớp vẫn tiếp tục các tin nhắn: Nhà em vào cứ quay tít như thế này/ Được rồi ạ/ Con mãi không kết nối được/ Máy cô lại đang bị out… Ôi gay, cô out thì học sinh học với ai. Mẹ lại sang xem phòng con gái thế nào thì tiếng con thất thanh: “Mẹ ơi bị lác rồi, đơ rồi”. Ừ thì thoát ra vào lại, mãi vẫn không được. Máy tính không được thì thử trên điện thoại mẹ vậy nào… Ôi ơn trời, 7 phút trôi qua con lại được “hòa nhập”.
02
Một lúc sau tiếng con lại hét lên: “Mẹ ơi sếp gọi mẹ này”. Ôi sếp gọi thì không nghe không được, mẹ cần lương, xin lỗi con. “Alo sếp ạ, báo cáo ạ, vâng em đang gõ đây ạ, sếp cho em 20 phút ạ”. Quay lại trả điện thoại cho con học online thì nó mặt nghệt ra: “Mẹ, cô mắng đấy. Mẹ mua cho con cái điện thoại riêng đi”. Thôi nào học tiếp đi đã con…
Video đang HOT
Trên nhóm vẫn tiếp tục tin nhắn báo tới không ngừng: Con em ở quê, ông bà không xử lý được món này đâu, hôm nay con em xin off cô nhé/ Máy em lại bị out rồi/ Tắt wifi đi bật 4G các mẹ nhé/ Cô lại bị out rồi… Ôi, sao giống chơi trốn tìm thế này. Học trò vào thì cô ra, cô ra thì học trò lại vào… Cả buổi chỉ ra ra vào vào, buổi học đầu tiên nhiều gia đình vẫn không biết tắc mic chỗ nào.
Đứng ngoài cửa nghe lén thì thấy âm thanh như cái chợ vỡ: Nhà ai học tiếng Anh thì tắt mic đi/ Bạn nào đang bật phim xem đấy nữa/ Thưa cô, chị gái mẹ em đang đứng xem phim bên cạnh ạ/ Tắt mic đi nào/ Thưa cô, bác cũng không biết tắt chỗ nào. Bố mẹ em biết nhưng đang ở Hà Nội rồi/ Thưa cô em xin phép đi vệ sinh ạ/ Em xin đi vệ sinh 3 lần rồi đó/ Nhưng em vẫn buồn… Ôi, thật như trò đùa. 40 phút trôi qua xem ra chưa có được mấy chữ vì công tác tổ chức lớp thôi đã quá khó khăn rồi.
Thôi kệ con tự lập như cô nói, quay lại với cái báo cáo nào, không sếp giết. Chưa gõ được mấy dòng thì tiếng con lại gọi toáng lên: “Mẹ, mẹ ơi lại bị out rồi. Mẹ tắt wifi đi, bật 4G cô bảo thế”. Hết cả hồn, lại mẹ xử lý và thao tác…
40 phút trôi qua xem ra chưa có được mấy chữ vì công tác tổ chức lớp thôi đã quá khó khăn rồi. (Ảnh minh họa)
03
Đến lúc quay được lại bàn thì nhóm zalo lớp vẫn tin nhắn đổ dồn dập về: Con nhà em nhất quyết không chịu học trực tuyến, nó bảo phải nhìn thấy cô thật nó mới học cơ, em làm thế nào đây?/ Trong lớp mình có nhà bạn nào có gia sư giảng bài to quá át hết cả tiếng cô giáo/ Mẹ nào quát con to quá, quần áo mặc 3 ngày không thay, ôi chết mất/ Em thì vẫn phải đi làm, không biết ở nhà bác giúp việc có xoay được không… Cứ thế mà ồn ĩ đi qua, mẹ hóng lớp của con vừa lo vừa buồn cười, bản báo cáo vẫn trống trơn.
Rồi cũng đến lúc con mở cửa đi ra: “Học xong rồi mẹ ạ”. “Hôm nay học thấy thế nào con? Được nhìn thấy cô và các bạn có vui không?”/ “Vui lắm mẹ ạ. Con chẳng nghe thấy gì hết, ồn kinh khủng. Có bao nhiều bạn buồn ngủ gật nữa”. Ơ thế là thế nào, bao nhiêu công sức của mẹ dõi theo, phụ tá cuối cùng là công cốc “ không nghe thấy gì”.
Hiện thực đập vào mặt để đến lúc mẹ cũng thoát được lớp học online của con, đó là một dòng tin nhắn, màn hình hiện lên dòng chữ không tưởng: “Quá 35 phút, cô nhận phạt 10% lương vì nộp báo cáo muộn nhé” . Ôi trời, học online, báo cáo của tôi….
10% lương đã đi tong, mai lại học trực tuyến lúc 9h, nhóm zalo vẫn xôm tụ bàn tán và cả nhận bài tập về nhà. Cô con gái có vẻ hoang mang cực độ: “Bài 3 đó là bài nào hả mẹ?”, gương mặt lộ rõ vẻ lo lắng. Còn mẹ nó còn lo hơn đây này…
Giờ thì mẹ ngồi thừ ra miên man nghĩ về 10% lương đã mất đi trong nháy mắt, bản báo cáo trắng và buổi học online ngày mai lúc 9h….
ĐX
Phụ huynh, giáo viên phàn nàn chuyện dạy học online: Mất tập trung, nhốn nháo như cái chợ
Trẻ không tập trung học, ứng dụng liên tục bị giật, lớp học nhốn nháo như cái chợ,... là những nhận xét của phụ huynh sau 2 tuần học online chính thức được khuyến khích và phổ biến.
Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ngày học sinh toàn quốc trở lại trường chưa thể xác định được, vì thế tinh giản chương trình, đẩy mạnh dạy học trực tuyến và qua truyền hình được xem là giải pháp cần thiết lúc này. Đó là một trong những chỉ đạo của Bộ GD-ĐT để hỗ trợ các địa phương, nhà trường, học sinh chủ động thực hiện chương trình giáo dục phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông theo kế hoạch năm học đã điều chỉnh.
Phụ huynh phàn nàn chất lượng học online quá tệ
Các trường học đã triển khai nghiêm túc việc dạy và học online từ 2 tuần qua. Phần lớn được tổ chức qua phần mềm Zoom. Tuy nhiên, một số phụ huynh vẫn cảm thấy còn nhiều vấn đề xung quanh việc học online qua ứng dụng này.
Chị Thu Hằng (31 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) khá bức xúc: "Mạng thì lúc được, lúc không. Cô giáo điểm danh các con trên Zoom. Con bé cháu lớp 6 sáng nay vào Zoom mãi không được để điểm danh. Sau 15 phút mới vào được sau khi tắt wifi và bật đi bật lại. Cô không điểm danh nữa. Cháu ngồi khóc tu tu vì bất lực. Thấy tội mà bức xúc thay. Đề nghị các cô không được phép điểm danh kiểu đấy. Các cô giao bài cho các con để các con hoàn thành bài và nộp cho cô theo yêu cầu".
Nhiều phụ huynh lên tiếng bức xúc
Chị Huyền (34 tuổi, Hà Nội) thì chia sẻ: "Nhà mình 1 bé học lớp 2 và 1 bé lớp 6 thì thấy bé lớp 6 học còn ổn vì bé đã có ý thức tự giác học hành hơn. Bé lớp 2 vẫn chưa tiếp thu nhanh nên con chưa hiểu bài đã đổi sang bài khác".
Chị Trần Huyền Châu (28 tuổi, Hà Nội) quan sát con học online cũng khá bức xúc: "Quá không ổn. Ầm hơn chợ luôn. Đang học mà mic bật tung toé, nghe cả tiếng vợ chồng chửi nhau, anh em cấu xé, oé oé khóc. Từ sáng tới tối ong hết thủ vì phần mềm Zoom".
Ứng dụng thường xuyên bị giật lag, lớp học ồn ào là những điều phần lớn phụ huynh cảm thấy không ổn
Anh Quang (39 tuổi, Hà Nội) có con trai học tại trường Tiểu học Thành Công đưa ý kiến nhẹ nhàng hơn: "Hôm qua mình dùng thử cho con nhưng thấy mạng chập chờn hay bị văng ra, hình ảnh giật. Chủ trương dạy và học online nên vẫn phải chấp hành đầy đủ. Dù ít dù nhiều nó cũng có tác dụng hơn là không học gì".
Giáo viên cũng gặp khó khăn với việc dạy online
Không chỉ nhiều phụ huynh lên tiếng không hài lòng, các giáo viên cũng chật vật với cách dạy online. Thầy giáo Lê Công Cương (Trường THCS Thị Trấn Nam Sách, Hải Dương) chia sẻ: "Tôi hiện đang là giáo viên cấp 2. Cái này chỉ hợp với sinh viên thôi vì ý thức và sự tập trung cao. Chứ học sinh phổ thông là không hiệu quả, cưỡi ngựa xem hoa. Ngành giáo dục triển khai thì đành phải dạy và học chứ có hiệu quả mấy đâu. Ứng dụng mua thì không có nguồn kinh phí. Dùng bản free thì rởm, không đầy đủ, hay bị out ra".
Cô giáo Nguyễn Hồng Phương (Trường Tiểu học Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đồng tình: "Mình là giáo viên tiểu học. Mình thấy học như vậy không hiệu quả đâu. Lớp mình cùng phụ huynh thống nhất học ôn trên Zalo nhóm. Ngày nào mình cũng ra đề rồi gửi lên nhóm, các phụ huynh cho con tự làm rồi chụp gửi qua Zalo riêng cho mình chấm. Nhưng chỉ là ôn kiến thức cũ, còn kiến thức mới phải trực tiếp dạy trên lớp mới hiệu quả".
Thấy khó khăn, chưa hiệu quả vì chưa biết cách sử dụng
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến tiêu cực dành cho phương pháp học online mà Bộ Giáo dục đưa ra, vẫn có nhiều ý kiến hài lòng và cảm thông. Học online phụ thuộc rất nhiều vào tính tự giác của người học, cùng với sự hiểu biết về ứng dụng sử dụng để học. Nếu có đủ 2 yếu tố này, học online vẫn sẽ đạt được hiệu quả nhất định.
Chị Huyền Trang (Hà Nội) có con đang học Trường Tiểu học Việt Úc, chia sẻ: "Bé nhà mình đang học lớp 1 đã học online được 12 tuần từ sau Tết. Các con vẫn ok, vẫn học tiếp chương trình. Cũng có thể do môi trường ở lớp sử dụng máy quen và các cô rèn kỹ năng rồi nên các con học khá tốt".
Nhiều phụ huynh vẫn cảm thấy hài lòng với phương thức học online
Chị Ngọc Anh (Thanh Hóa) có con học trường Tiểu học Phù Đổng cũng đồng tình: "Bé nhà mình cũng học lớp 1 và đang học qua phần mềm Zoom. Cá nhân mình thấy cũng khá ổn. Buổi đầu tiên, cho phụ huynh và các bé làm quen với ứng dụng. Lớp học rất ồn và lộn xộn. Sau buổi học, cô giáo có quán triệt lại với phụ huynh về việc tắt mic và phụ huynh nên hỗ trợ các bé trong quá trình học. Sang các buổi sau thì lớp học ổn định hơn hẳn, và đến buổi thứ 3 thì mình không cần ngồi bên cạnh hỗ trợ cháu nữa. Tuy nhiên, cho đến bây giờ. Điều hạn chế nhất theo mình nghĩ là: Các cháu sẽ không được tập trung hoàn toàn như trên lớp học và nhanh cảm thấy nhàm chán hơn. Nhưng theo quan điểm "méo mó có hơn không" thì cũng là khá là tốt đối với tình hình hiện nay rồi!"
"Học zoom là phải tắt mic không thì lớp học ồn lắm không thể tập trung được. Cái này các cô cũng phải hướng dẫn mà. Lớp con mình bây giờ tắt hết mic cô mới trao đổi và khi cô gọi bạn nào trả lời hay có ý kiến thì mở mic, trả lời xong lại phải tắt mic ngay nên mình thấy ổn", chị Nguyễn Hương (Hà Nội), phụ huynh bé học trường Tiểu học Nguyễn Siêu, cảm thấy hài lòng.
Chất lượng học phụ thuộc nhiều vào ý thức tự giác của học sinh
Bạn Tống Tấn Huy (Cần Thơ) hiện đang là sinh viên Đại học Cần Thơ chia sẻ cảm nhận khi sử dụng phần mềm Zoom để học online: "Em đang là sinh viên năm nhất cũng học bằng ứng dụng này, thường học buổi sáng đến trưa. Cảm thấy ứng dụng này ổn, đầy đủ chức năng hỗ trợ giáo viên dạy và học sinh sinh viên học. Có một số điểm trừ là nếu không có tài khoản thì chỉ dùng được 40p là out. Bị delay và trễ hình ảnh khi share trực tiếp từ màn hình của giáo viên cho các học sinh, về âm thanh thì ổn. Nhưng cũng tùy vào đường truyền tốc độ mạng. Nói chung là ứng dụng chỉ chống dịch thì được chứ lâu dài không ổn.Thêm một phần nữa là hình thức học này khá mới so với một số học sinh ở nước mình nên còn gặp chút khó khăn. Chứ nước ngoài họ thường dùng Zoom để học và tạo những cuộc họp mà không tốn quá nhiều công sức".
Khi sử dụng phần mềm Zoom, phụ huynh nên hỗ trợ tắt mic cho các bé để không gây ồn ào
Bạn Nguyễn Duy Anh (sinh viên Đại học Hà Nội) chia sẻ: "Em cũng đang là sinh viên, dùng ứng dụng này để học khá ổn định. Phòng học thoải mái số lượng sinh viên. Nhưng chất lượng học còn phụ thuộc vào phương pháp truyền đạt của giảng viên và độ tập trung của học sinh nữa".
Chuyên gia bảo mật Đào Minh Tuấn - Trưởng phòng Công nghệ bảo mật của Công ty An ninh mạng Việt Nam - khuyến cáo trên báo Lao Động rằng, ngay trong thời điểm này khi Zoom đang bị "bão" thông tin vi phạm quyền riêng tư và lỗi bảo mật và thậm chí có thể còn đang bị điều tra thì người dùng Việt nên tạm ngừng sử dụng ứng dụng này để họp và học trực tuyến.
"Khi lượng người dùng Zoom đang tăng cao đột biến, tin tặc cũng đánh hơi thấy và càng tập trung để tấn công lấy cắp dữ liệu các cuộc họp. Mặt khác, lượng người dùng đang tăng thì Zoom cũng không thể một lúc xoay sở đủ nhân lực đáp ứng xử lý các vấn đề về bảo mật trong một thời gian ngắn" - ông Tuấn cho biết.
Trong khi đó theo ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena - từ vấn đề Zoom chuyển dữ liệu người dùng sang cho Facebook cho đến trường hợp giữa nội dung học trực tuyến bị chen ngang các hình ảnh bạo lực, khiêu dâm, kích động thù hận cũng như hàng chục ngàn video nội dung họp trực tuyến bị rò rỉ đã chứng tỏ lỗi bảo mật của Zoom đang rất nghiêm trọng.
Cover hàng loạt hit đình đám 8X-9X, nam sinh Bách Khoa gây náo loạn lớp học online, khiến thầy giáo và các bạn rần rần thả tim Phải công nhận nam sinh Bách Khoa quả đúng tuổi trẻ tài cao, không những hát hay mà nhan sắc đời thường còn cực kỳ thu hút. Cho đến hiện tại, "Kỳ nghỉ Tết" dài nhất lịch sử ngành Giáo dục Việt Nam chưa hề có dấu hiệu kết thúc, điều đó đồng nghĩa với học sinh, sinh viên cả nước vẫn tiếp...