Cuối cùng mẹ chồng tôi cũng nếm trải sự cay đắng, đuổi tôi đi để rồi sau đó bị chính dâu mới tiễn khỏi nhà
Có lẽ mẹ chồng cũ không thể ngờ lại có ngày bị con dâu mà bà luôn yêu quý đuổi khỏi nhà.
Tôi đang hả hê lắm mọi người ạ. Ở đời không ai nói trước được điều gì. Mới năm ngoái tôi còn khổ sở vì mẹ chồng, năm nay đã nghe được một tin khiến tôi phải thốt lên, nhân quả là có thật.
Tôi chắc trên đời này cũng có nhiều người mẹ chồng khó tính như mẹ chồng cũ của tôi. Kết hôn xong, tôi và chồng vẫn sống cùng mẹ chồng nên cuộc sống rất ngột ngạt. Vừa lấy nhau được 1 năm thì chồng cũ của tôi có quyết định đi nước ngoài tu nghiệp. Vậy là tôi – cô dâu mới cưới phải sống cảnh mẹ chồng nàng dâu mà không có sự bảo vệ từ chồng.
Đúng ra tôi không nên nhắc lại chuyện buồn trong những ngày đầu năm mới. Nhưng đó là những kỷ niệm mà tôi không thể nào quên được. Mặc dù tôi vẫn đi làm và gửi tiền sinh hoạt đều đặn nhưng mẹ chồng vẫn bắt tôi phải làm đủ thứ việc nhà. Chiều đến, tôi phải vội về để sửa soạn cơm nước cho mẹ chồng. Trong khi bà ở nhà cả ngày rảnh rỗi cũng chẳng cắm hộ tôi nồi cơm.
Sau ly hôn, tôi mất một khoảng thời gian dài để cân bằng lại cuộc sống. (Ảnh minh họa)
Năm ấy chồng tôi không được về Tết. Tôi xin mẹ chồng cho mình về ngoại vào ngày mùng 3. Bà đã nói một câu khiến tôi nhớ đời: “Đã đi làm dâu thì đừng hòng về nhà mẹ đẻ vào ngày Tết. Nhà này chưa hết việc cho cô đâu”. Ngày ấy tôi còn non nớt, Tết đến chỉ biết nằm khóc vì nhớ nhà.
Video đang HOT
Rồi chồng cũ của tôi trở về. Tưởng anh ta sẽ bù đắp cho tôi sau bao khổ đau. Vậy mà anh ta lại phản bội tôi. Thì ra sau khi sang Nhật tu nghiệp, chồng cũ của tôi đã cặp kè với đồng nghiệp của mình. Khi về Việt Nam, họ vẫn giữ mối quan hệ mờ ám ấy.
Mẹ chồng cũ của tôi thấy đó là người khéo nói, lại kiếm nhiều tiền hơn tôi nên ra sức xúi giục con trai bỏ vợ. Chuyện gì đến cũng đến, cuối cùng chúng tôi đã ly hôn khi tôi không thể chịu được sức ép từ chồng cũ và mẹ anh ta.
Sau ly hôn, tôi mất một khoảng thời gian dài để cân bằng lại cuộc sống. Còn chồng cũ của tôi thì vội vã cưới nhân tình. Nghe đâu đám cưới của họ linh đình lắm, thời gian đầu mẹ chồng cũ của tôi cũng đi khắp nơi khoe dâu mới.
Giờ phút này, không biết mẹ chồng cũ có nghĩ đến những năm tháng đã đày đọa tôi không. (Ảnh minh họa)
Bẵng đi gần 1 năm, hôm nay tôi vô tình gặp được cô đồng nghiệp của chồng cũ. Cô ấy nói chồng cũ của tôi đang rối ren lắm. Một bên là mẹ, một bên là vợ. Cưới về mới biết người anh ta lấy đanh đá chua ngoa, lại gặp phải mẹ chồng cũng không vừa nên anh ta lâm vào thế khó xử. Chỉ vài ngày trước đây, cô vợ mới của anh ta đã khiến mẹ chồng bỏ về quê vì quá hỗn xược.
Tôi trộm nghĩ đến những gì mẹ chồng đã gây ra cho mình. Mấy năm làm vợ một người đàn ông, tôi chịu không ít tủi hổ cũng vì mẹ chồng. Giờ phút này, không biết mẹ chồng cũ có nghĩ đến những năm tháng đã đày đọa tôi không. Nếu nghĩ đến, có lẽ bà sẽ ước được quay trở lại để không đối xử tệ bạc với tôi như vậy.
Theo afamily.vn
Mùi báo Tết
Cũng là thứ giấy ấy, nước mực ấy nhưng chẳng hiểu sao, cầm tờ báo Tết trên tay, tôi như ngửi thấy mùi của hoài niệm ngày xưa, mùi của yêu thương hiện tại và mùi của khát vọng tương lai quyện hòa rồi lan tỏa.
Vào cữ tháng Chín, tháng Mười hằng năm, khi đông vừa tới và xuân hãy còn xa, tôi đã rục rịch viết bài chuẩn bị cho mùa báo Tết đang đến gần. Cái Tết của người cầm bút, ngoài hương vị truyền thống thân quen của thịt thà, bánh trái, hương trầm... còn có cả niềm háo hức đợi mong những trang báo Tết rực đầy màu sắc.
Tôi nhớ ngày còn là sinh viên đại học, ban ngày cắp sách lên giảng đường, ban đêm chờ bạn bè ký túc xá đi ngủ mới lóp ngóp mò dậy, lôi chiếc laptop cũ kỹ từ cốp giường ra. Trong bóng đêm yên tĩnh, lách cách viết những truyện ngắn, tản văn, bài thơ gửi khắp các tòa soạn lớn nhỏ từ Bắc vào Nam với hy vọng tên mình một lần được xuất hiện ở vị trí khiêm nhường nào đó trên số báo ý nghĩa nhất của năm. Đôi khi chỉ là mục... "Hộp thư bạn đọc" thôi cũng đủ vui suốt mùa xuân ấm áp.
Ảnh: IT.
Viết - gửi - chờ đợi! Chuỗi hành trình ấy cứ nối tiếp nhau từ mùa báo Tết này sang mùa báo Tết khác. Viết khá nhanh, gửi càng nhanh hơn. Chỉ chờ đợi là khoảng thời gian dài nhất, hồi hộp như thể sĩ tử nín thở truy cập điểm thi Trung học phổ thông quốc gia vậy.
Báo Tết thường là đất diễn của những cây bút tên tuổi trong làng văn chương - báo chí. Vì thế, một cộng tác viên vô danh như tôi hồi đó muốn tìm chỗ đứng trên trang báo Tết, ngoài việc viết thật chỉn chu, trau chuốt, còn phải trông chờ vào yếu tố may mắn nữa. Có mùa báo Tết, "cày" được mười bài thì cả mười bài... đều lặn mất tăm. Lại có mùa, biên tập viên hồi âm rằng bài viết "ok" nhưng vì hết "đất" nên đành để dành mùa sau. Khi ấy, lòng còn buồn hơn thi trượt. Mùa sau biết đến bao giờ? Trong những giấc mơ, tôi vẫn nghe thấy phảng phất đâu đây mùi báo Tết tươi nhuần, mùi chữ nghĩa xôn xao nhắc mình đừng bỏ cuộc. Bởi đã trót say mê cái nghiệp viết lách trời đày nhiều khổ ải mà cũng lắm hân hoan này mất rồi, đâu thể quyết tâm là dứt ra được.
Tính tôi dễ mủi lòng mà cũng chóng nguôi ngoai. Bao nhiêu muộn phiền bỗng chốc vụt tan vào một buổi sáng tôi bỗng phát hiện dòng tên mình lấp ló dưới tờ báo màu vàng chanh tươi sáng bọc lấy nắm xôi đang ăn dở cùng những dòng thơ bốn chữ vụng về: "Dậy nào ngày xuân/ Nỗi buồn ở lại/ Nắng xinh nhú mầm/ Hôn lên cỏ dại".
Vui sướng đến vỡ òa, tôi vội vàng chùi sạch tờ báo, phơi nắng, vuốt thật phẳng phiu rồi tí tởn mang đi khoe với chúng bạn trong phòng. Có đứa trầm trồ khen lấy, khen để. Có đứa nửa đùa, nửa thật, bỉ bôi: "Đúng là đồ dở hơi. Viết nhiều làm gì? Thời nay ai thèm đọc? Rồi cũng thành tờ giấy gói xôi". Mặc kệ lời dèm pha, tôi vẫn nâng niu, gìn giữ tờ - giấy - gói - xôi ấy như kỷ niệm đẹp, dù sau này, tòa soạn đã gửi tôi một cuốn báo biếu mới tinh tươm.
Đối với đa số giới văn nghệ sĩ, dịp đầu xuân năm mới, thiếu quần áo đẹp chẳng sao nhưng thiếu trang báo Tết là lòng cứ nao nao một nỗi niềm nuối tiếc khôn nguôi. Bởi vậy, được nhìn thấy những con chữ mình miệt mài gieo trồng, chăm chút đơm bông trên cánh đồng báo Tết, tâm hồn lại phơi phới, thanh tân như "cỏ đón Giêng Hai, chim én gặp mùa" (thơ Chế Lan Viên). Có báo Tết là xí xớn chụp ảnh khoe Facebook. Có báo Tết là hí hửng mở ra đọc đi đọc lại rồi trưng diện ở vị trí trang nhã nhất của phòng khách để ai ghé chơi nhà cũng thấy nó đầu tiên. Cũng là thứ giấy ấy, nước mực ấy nhưng chẳng hiểu sao, cầm tờ báo Tết trên tay, tôi như ngửi thấy mùi của hoài niệm ngày xưa, mùi của yêu thương hiện tại và mùi của khát vọng tương lai quyện hòa rồi lan tỏa.
Tốt nghiệp đại học, đi làm với bao nỗi lo toan. Cái guồng quay công việc chóng mặt đôi lúc khiến tôi thờ ơ, xao nhãng với văn chương, chữ nghĩa. Nhưng rồi, cứ mỗi độ tháng Chín, tháng Mười về, khi niềm đam mê bắt đầu cựa mình lên tiếng, dù bận rộn đến đâu, mười đầu ngón tay vẫn muốn lách cách bàn phím, viết một điều gì đó cho báo Tết, dù chỉ dăm câu thơ hay mươi dòng tản văn nhỏ nhắn mà thôi. Chẳng phải vì nhuận bút, càng không phải vì danh tiếng, viết báo Tết, đơn giản để dỗ dành những kỷ niệm lên rêu, để khơi dậy những suối nguồn cảm xúc, để đánh dấu những chặng đường sắp đến và quan trọng nhất, là để được trẻ lại trong niềm khấp khởi đợi mong sau bao tháng ngày cằn khô, vô định. Bởi lẽ, ai đó từng nói đại ý rằng: "Điều đáng sợ nhất trên đời là không còn gì để chờ đợi".
Lần nọ, online Facebook, đọc được bình luận của một nhà văn thẳng tính: "Năm nào cũng giống năm nào, báo Tết là thứ không màu, không mùi, không vị". Vừa chạnh lòng, lại vừa giật mình. Mười đầu ngón tay đã đặt sẵn trên bàn phím, tôi băn khoăn tự hỏi: Nên viết thế nào để tác phẩm của mình không bị trở thành tờ - giấy - gói - xôi đây?
PHAN ĐỨC LỘC
Theo thegioitiepthi.vn
Mắng con dâu như tát nước vì dám mua chiếc váy 100k, mẹ chồng im bặt khi nghe câu nói này từ người hàng xóm Đáng lẽ tôi chẳng liên quan gì đến chuyện này nhưng vì quá bất bình trước cách cư xử của mẹ chồng chị Huyền nên đành phải lên tiếng. Tôi lấy chồng được 2 năm nay. Dù làm dâu và phải sống chung với nhà chồng nhưng tôi cảm thấy khá thoải mái vì mẹ chồng tôi rất tâm lý và luôn coi...