Cuộc vượt ngục kinh hoàng từ trại tử thần Sobibor
Trại tử thần Sobibor của Đức Quốc xã được thành lập ở phía đông nam Ba Lan vào mùa xuân năm 1942 như một phần của chương trình tiêu diệt người Do Thái ở châu Âu.
Trại tồn tại chỉ chưa đầy một năm rưỡi, nhưng trong thời gian này có khoảng 250.000 người Do Thái từ Ba Lan và các nước châu Âu khác đã bị sát hại tại nơi này.
“Cỗ máy” giết người
Phương thức giết người của trại cực kỳ đơn giản – một tuyến đường sắt nhỏ chở tù nhân đến khu trại Sobibor ở trong rừng. Ngay lập tức họ được gửi đến nơi được gọi là “nhà tắm”, thực chất là một phòng hơi ngạt, tại đây những người mới đến sẽ bị giết trong vòng 15 phút. Sau đó, số tù nhân còn sống sẽ mang các thi thể đi chôn dưới một con mương đặc biệt ở gần trại.
Tuyến đường sắt chạy tới khu vực trại tử thần Sobibor.
Ngoài những người bị giết ngay lập tức, còn có khoảng 500 tù nhân khác được giữ lại làm những công việc thông thường bên trong trại. Trên thực tế, “băng tải tử thần” được phục vụ bởi những người sẽ sớm trở thành nạn nhân của chính nó. Theo đánh giá của quân phát xít, cách làm này có lợi hơn về mặt kinh tế. Trại được bảo vệ bởi những tên lính SS và các thành viên của đội cộng tác có vũ trang. Tại Sobibor, những người này phần lớn là người Ukraine, đặc biệt là trong số đó có tên Ivan Demjanjuk khét tiếng tàn bạo.
Trong thời gian trại tử thần này tồn tại, có một số nỗ lực để vượt ngục đã được thực hiện, nhưng hầu như tất cả đều thất bại. Cho đến mùa thu năm 1943, tình hình đã thay đổi khi một nhóm tù nhân chiến tranh người Do Thái của Liên Xô, trong đó có Alexandr Pechersky bị chuyển đến Sobibor.
Đài tưởng niệm tại khu vực của trại Sobibor trước đây.
Kế hoạch trốn trại của trung úy Pechersky
Alexandr Aronovich Pechersky sinh năm 1909 trong một gia đình Do Thái ở Kremenchug. Cha của ông là luật sư. Năm 1915, gia đình chuyển đến Rostov-on-Don, nơi Alexandr sẽ sống phần lớn cuộc đời. Sau giờ học, chàng trai làm thợ tiện tại một nhà máy. Sau khi tốt nghiệp đại học ngay trước chiến tranh, Alexandr trở thành người lãnh đạo nhóm nghệ thuật nghiệp dư.
Ngày 22/6/1941, Alexandr Pechersky 32 tuổi được gọi nhập ngũ. Vì có trình độ đại học nên anh được phong quân hàm thiếu úy, sau đó được chứng nhận là kỹ thuật viên quân sự hạng 2, tương đương với cấp bậc trung úy. Anh đã chiến đấu gần Smolensk trong hàng ngũ của trung đoàn pháo binh số 596 của quân đoàn 19. Đơn vị của Alexandr đã bị bao vây ở gần Vyazma. Sĩ quan quân đội Pechersky đã cùng với những người lính khác đã cứu chính ủy trung đoàn ra khỏi vòng vây. Họ đã lang thang trong đầm lầy suốt một thời gian dài, cả nhóm đã giao tranh với kẻ thù cho đến khi hết đạn và rơi vào tay địch.
Trung úy Pechersky bị chuyển từ trại này sang trại khác vì anh không muốn phục tùng và không từ bỏ kế hoạch bỏ trốn. Quân Đức đã không phát hiện ra ngay rằng Pechersky là người Do Thái. Sau khi phát hiện ra điều này, ngay lập tức chúng chuyển Pechersky đến trại Sobibor để tiêu diệt. Ngày 23/9/1943, đợt tù binh đầu tiên của Liên Xô đã đến Sobibor. Trong số 600 người đã có khoảng 520 người đã bị hành quyết ngay lập tức. 80 người được chọn làm những công việc thông thường, trong số này có Pechersky sau khi được một người bạn thuyết phục tự nhận mình là thợ mộc.
Trung úy Pechersky không hề ảo tưởng về sự may mắn của mình. Anh hiểu rõ rằng, những ai chưa bị giết ngay thì sau đó không lâu cũng sẽ bị sát hại. Và anh quyết định sử dụng thời gian được sống sót để cố gắng quyết chiến với Đức Quốc xã trong một trận chiến cuối cùng. Vào thời điểm đó, có một nhóm hoạt động ngầm đã tồn tại ở Sobibor do Leon Feldhendler đứng đầu.
Video đang HOT
Tuy nhiên, những công dân thuần túy tham gia nhóm lại thiếu kinh nghiệm và sự quyết tâm. Vì thế, họ tin tưởng dành sự lãnh đạo cho Alexandr Pechersky. Trung úy Pechersky đã đề nghị từ bỏ ý định trốn thoát đơn lẻ mà thực hiện một cuộc nổi dậy. Pechersky nhấn mạnh rằng tất cả mọi người nên bỏ trốn, vì bất luận thế nào quân Đức cũng sẽ giết những người còn lại. Pechersky cũng thẳng thắn nói rằng nhiều người sẽ chết, nhưng một số sẽ có cơ hội trốn thoát. Hầu hết các tù nhân đều ủng hộ kế hoạch của Trung úy Pechersky.
Trung úy A.Perchersky, người tổ chức cuộc vượt ngục.
Kế hoạch của Pechersky như sau: những người nổi dậy phải giết ban lãnh đạo trại và đơn vị lính canh, thu giữ vũ khí và thoát ra ngoài. Nhưng làm cách nào để có thể thực hiện được điều này?
Vào ngày đã định là 14/10/1943, quân Đức Quốc xã bắt đầu dụ từng người một đến xưởng với những cái cớ hợp lý như thử đồng phục. Tại đây, họ đã bị bóp cổ hoặc bị giết bằng những nhát rìu. Pechersky giao nhiệm vụ cho các đồng đội của mình là các tù nhân chiến tranh- những người có kỹ năng chiến đấu tay đôi nên sẽ dễ dàng đối phó với lính canh hơn.
Pechersky chỉ ở lại trại trong ba tuần, nhưng ý chí và quyết tâm của anh đã giúp biến các tù nhân thành một biệt đội có khả năng hành động thành thục và rõ ràng. Vào ngày 14/10, quân nổi dậy đã thanh toán 11 lính SS và cả đội cảnh sát Ukraine gần như án binh bất động. Tuy nhiên, sau đó những tên lính canh sống sót đã gióng chuông báo động.
Từ lúc đó, các tù nhân của Sobibor đã tạo ra bước đột phá. Một khẩu súng máy nhả đạn từ tòa tháp. Các tù nhân chiến tranh đã thu giữ vũ khí, tham gia giao chiến với lính canh. Mọi người lao đến hàng rào thép gai, dùng cả cơ thể để phá rào. Có những người nổi dậy đã bị chết dưới làn đạn, bị nổ tung trong bãi mìn xung quanh trại, nhưng không gì có thể ngăn cản họ. Sau khi phá cổng, nhiều người tìm cách thoát ra ngoài.
Trong số 550 tù nhân ở trong trại có 130 người không tham gia nổi dậy, có những người bị ốm hoặc thể lực bị suy kiệt không thể tham gia chiến đấu. Cũng có người hy vọng rằng sự phục tùng tuyệt đối sẽ giúp họ được sống sót. Nhưng điều này đã không xảy ra. Vào ngày hôm sau bọn Đức đã điên cuồng bắn chết tất cả những tù nhân còn lại trong trại. Có khoảng 80 người khác đã chết ở Sobibor trong thời gian xảy ra giao chiến. Hơn 300 tù nhân đã được tự do. Trong hai tuần tiếp theo, những người chạy trốn đã bị cuốn vào một cuộc săn đuổi thực sự. Có khoảng 170 người đã bị Đức Quốc xã phát hiện và tiêu diệt.
Sau khi bỏ trốn, số phận của nhiều người đã được quyết định bởi sự lựa chọn mà họ đưa ra sau đó – hoặc là đi theo Trung úy Pechersky, người đã kêu gọi họ rời khỏi Ba Lan đến Belarus hoặc lẩn trốn ở Ba Lan.
Hầu hết những người rời đi cùng với Trung úy Pechersky (chủ yếu là những tù nhân chiến tranh của Liên Xô) đã trốn thoát. Phần lớn những người ở lại Ba Lan đã chết. Tuy vậy, nhiều người bị chết không phải dưới bàn tay của Đức Quốc xã, mà bởi bàn tay người Ba Lan. Có khoảng 90 tù nhân của Sobibor, những người đã trốn thoát khỏi các cuộc săn lùng của Đức Quốc xã lại trở thành nạn nhân của những kẻ tay sai, cũng như của những thường dân địa phương bài Do Thái.
Tượng đài tại Sobibor ngày nay.
Công trạng bị lãng quên
Người Đức đã rất tức giận với cuộc nổi dậy ở Sobibor. Sau đó trại này đã nhanh chóng bị phá hủy, tại địa điểm xảy ra vụ thảm sát đất bị cày xới và Đức Quốc xã đã cho trồng bắp cải và khoai tây lên đó.
Thủ lĩnh của cuộc nổi dậy, Alexandr Pechersky đã chiến đấu trong một đội du kích ở Belarus, và sau khi Belarus được giải phóng khỏi quân Đức, ông đã bị các cơ quan phản gián SMERSH kiểm tra. Thời gian sau, sự mô tả các sự kiện từ các nguồn khác nhau và từ các nhân chứng là cực kỳ mâu thuẫn. Người sĩ quan Liên Xô từng là tù binh trong hai năm đã làm dấy lên nghi ngờ trong lòng các nhân viên phản gián.
Theo một số báo cáo, Trung úy Pechersky được xung vào tiểu đoàn hình sự, ông đã bị thương ngay trong trận chiến đấu đầu tiên và đã được phục hồi với việc “chuộc lỗi bằng xương máu”. Theo những người khác thì “vụ Pechersky” đã sớm được giải quyết và ông đã bị thương trong trận chiến với tư cách là một sĩ quan chính thức. Cho dù là bằng cách nào chăng nữa thì Alexandr Pechersky đã được đón ngày Chiến thắng với cấp bậc Đại úy.
Pechersky đã viết một cuốn sách về cuộc nổi dậy ở Sobibor, nhưng ông không thuộc số những anh hùng nổi tiếng nhất của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của đất nước Xô Viết. Tổ quốc cũng không trao cho ông các giải thưởng. Alexandr Pechersky chỉ nhận được huy chương “Vì chiến thắng phát xít” và “Vì cống hiến quân sự”.
Có một số lý do về thái độ lạnh lùng đối với sự kiện ở Sobibor. Ở Liên Xô khi ấy không quá chú trọng đến chiến công trong chiến tranh của những người thuộc tộc đơn sắc và cuộc nổi dậy ở Sobibor là sự vụ của người Do Thái. Ngoài ra, ở miền đất hứa, sự kiện nổi dậy ở Sobibor được vinh danh ở cấp nhà nước đã không nhận được sự hưởng ứng của ban lãnh đạo Liên Xô và làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Liên Xô và Israel.
Còn một khía cạnh quan trọng khác – câu chuyện về những tù nhân trốn thoát đã chết dưới bàn tay người Ba Lan có nguy cơ phá hủy mối quan hệ giữa Liên Xô và Ba Lan thời đó. Vì vậy, người ta đã cố gắng không nhớ đến sự kiện Sobibor.
Alexandr Aronovich Pechersky đã sống suốt thời kỳ hậu chiến ở Rostov-on-Don, cũng là nơi ông qua đời vào tháng 1/1990. 3 năm trước khi ông qua đời, một bộ phim có tên là “Cuộc trốn chạy khỏi Sobibor” đã được quay ở Hollywood, diễn viên Rutger Hauer đóng vai Pechersky. Bản thân Pechersky đã được mời tham dự buổi ra mắt của bộ phim nhưng ông đã không đến Mỹ. Có một số lần, các nhà hoạt động xã hội đã cố gắng để chiến công của Alexandr Pechersky được ghi nhận tại Nga ở cấp nhà nước, nhưng đã không đạt kết quả.
Tuy vậy, vào năm 2007, một bảng tưởng niệm đã được xuất hiện tại ngôi nhà, nơi Alexandr Pechersky từng sống ở Rostov-on-Don.
Francis Foley: Vị bồ tát của thời kỳ diệt chủng
Trong thời gian làm việc tai Đại sứ quán Anh ở Berlin, Francis Edward Foley, sĩ quan Cục Tình báo mật (MI.6) đã giúp hơn 10.000 người Do Thái thuộc các thành phần khác nhau, từ giáo sư đến người bình thường, rời khỏi Đức Quốc xã và lôi kéo nhiều gián điệp Đức về phía Anh.
Sau chiến tranh, điệp viên MI.6 Francis Foley đã phát hiện ra một mạng lưới tân phát xít ở Đức. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chiến công thầm lặng nhưng vĩ đại của ông.
Vào một buổi sáng tháng 4/1938, nhà luyện kim Áo Paul Rosbaud đến Đại sứ quán Anh ở Berlin. Ông muốn xin thị thực cho bà vợ người Do Thái và cô con gái của mình để cứu họ thoát khỏi bọn Đức Quốc xã. Nhân viên làm hộ chiếu Francis Foley hứa sẽ giúp đỡ - Rosbaud biết Francis Foley làm việc tại Đại sứ quán Anh dưới vỏ bọc, thực ra ông phục vụ trong cơ quan tình báo Anh.
Một thời gian sau, vợ và con gái của Rosbaud quả thực đã đến được London. Bản thân nhà khoa học vẫn ở lại Đức và tràn đầy quyết tâm chống lại chế độ quốc xã. Trong Thế chiến II, ông đã cung cấp nhiều thông tin về chương trình hạt nhân của Đức cho các cơ quan tình báo Anh. Về phần Foley, bà Rosbaud là một trong số hàng nghìn người Do Thái được ông giúp chạy khỏi chế độ Đức Quốc xã.
Francis Edward Foley sinh năm 1884 trong gia đình một công nhân đường sắt người Anh. Hồi trẻ, ông dự định trở thành linh mục, sau đó - chuyên gia về thời cổ đại, nhưng Thế chiến I đã thay đổi kế hoạch của Foley, ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Quân sự Hoàng gia tại Sandhurst và ít lâu sau gia nhập Trung đoàn bộ binh Hertfordshire. Tháng 9/1917, Foley bị thương nặng. Sau sáu tuần điều trị tại bệnh viện, rõ ràng, sức khỏe không cho phép ông ra tiền tuyến nữa. Lúc bấy giờ, là người rất giỏi tiếng Đức và tiếng Pháp, Foley gia nhập quân đoàn tình báo quân đội Anh và nhanh chóng được Cục Tình báo mật (MI.6) tuyển mộ. Đầu những năm 1920, ông được cử sang làm việc tại Đại sứ quán Anh ở Berlin dưới vỏ bọc ngoại giao.
Trước năm 1933, Foley chủ yếu tham gia thu thập thông tin về những người Đức hợp tác với Đảng Bolshevik và theo dõi hoạt động của các nhân viên tình báo Liên Xô ở Berlin. Khi bọn Đức Quốc xã lên cầm quyền, ông được giao nhiệm vụ thu thập thông tin về các công trình quân sự của Đức.
Foley và vợ, Kay, thuê một căn hộ ở Wilmersdorf, khu vực có nhiều người Do Thái thuộc tầng lớp trung lưu sinh sống. Chứng kiến "Binh đoàn bão táp" (Sturmabteilung) của Đảng Quốc xã đàn áp dã man người Do Thái, ông kinh hoàng trước tình cảnh tuyệt vọng mà người Do Thái bị chính quyền đẩy vào.
Chiếc tàu chở những người Do Thái rời khỏi Đức Quốc xã.
Năm 1935, sau khi Luật Nuremberg được thông qua, số người Do Thái tìm cách rời khỏi nước Đức tăng lên đột ngột. Hàng nghìn đơn xin phép vào Vương quốc Anh hoặc Palestine dưới quyền ủy trị của Anh được đặt trên bàn làm việc của Foley. Trong khi đó, số lượng cho phép rất hạn chế: người Anh cố gắng không đối đầu với Đức Quốc xã lẫn người Palestine. Foley có thể thẳng thừng từ chối - xét cho cùng, đây là quyết định của chính phủ Anh. Nhưng thay vào đó, ông đã sử dụng mọi cơ sở pháp lý có thể và những kẽ hở trong các quy định nhập cư của Anh để tạo cơ hội cho người Do Thái có được thị thực rời khỏi Đức. Thậm chí Foley giấu những người Do Thái trong nhà mình và sử dụng các kỹ năng và quan hệ của mình để giúp họ có được hộ chiếu và thị thực.
Chẳng hạn, theo lệnh của chính quyền Anh, để được định cư tại Palestine, một người phải trả 1.000 bảng Anh. Vào thời điểm đó, đây là một khoản tiền lớn, nằm ngoài tầm với của nhiều người Do Thái, bởi tiền tiết kiệm ngân hàng và các tài sản khác của họ đã bị chính quyền Đức Quốc xã đóng băng. Elisheva Lernau, một phụ nữ Do Thái, chỉ có thể trả 10 bảng Anh, nhưng Foley đã cấp cho bà thị thực đến Palestine, ông chỉ ghi chú rằng 990 bảng còn lại sẽ được trả ngay khi Lernau đến cảng Haifa. Hoặc Foley cho phép nhập cảnh trên cơ sở giấy cam đoan của người thân rằng tiền sẽ được trả sau khi đương sự rời khỏi biên giới nước Đức. Tổng cộng, Foley đã cấp khoảng 10.000 thị thực và hộ chiếu.
"Những người Do Thái định chạy khỏi nước Đức xếp hàng dài bên ngoài lãnh sự quán Anh, hy vọng sẽ được cấp hộ chiếu hoặc thị thực, - bà Kay, vợ của Foley, nhớ lại. Ngày này sang ngày khác, chúng tôi thấy họ bám vào các bức tường của hành lang, chờ đến lượt mình. Một số người nổi cơn bực bội. Nhiều người đã khóc. Đối với họ, kết luận "có" hoặc "không" của Francis có nghĩa là bắt đầu một cuộc sống mới hoặc con đường dẫn đến trại tập trung. Francis và các trợ lý của anh ấy đã làm việc không ngừng nghỉ từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm để giải quyết hết số đơn mà họ có thể".
Tháng 11/1938, sau sự kiện "Đêm thủy tinh" (Kristallnacht) ở Đức, 20.000 đàn ông Do Thái đã bị bắt và đưa đến các trại tập trung. Tháng 1/1939, người đứng đầu cơ quan an ninh của Đệ tam Đế chế, Reinhard Heydrich, đã ra lệnh thả các tù nhân Do Thái khỏi các trại tập trung, nếu họ có giấy tờ nhập cư. Foley đã lợi dụng cơ hội này: với tư cách nhân viên của Đại sứ quán Anh, ông đến thăm các trại tập trung của Đức và đưa ra khỏi đó những người nằm dưới sự bảo vệ của nước Anh. Làm điều đó, Foley đã mạo hiểm mạng sống của mình và những người thân trong gia đình: ông không có tư cách ưu đãi và miễn trừ ngoại giao.
Ngày 25/8/1939, một tuần trước khi Thế chiến II bùng nổ, Francis Foley được lệnh rời nước Đức. Ông đến Oslo để thành lập chi nhánh tình báo của MI.6 - và từ đấy lãnh đạo các điệp viên Anh ở lại Đệ tam Đế chế. Ngày 7/4/1940, Foley nhận được thông tin về kế hoạch tấn công Na Uy của Đức. Ông đã giúp bộ chỉ huy quân đội Na Uy liên lạc với Vương quốc Anh để thỏa thuận về việc viện trợ quân sự. Tuy nhiên, Đức Quốc xã đã sớm phá vỡ được sự kháng cự của quân đội Na Uy. Ngày 1/5, Foley được hạm đội Anh sơ tán từ Na Uy về London.
Một gia đình Do Thái được Foley cấp thị thực đến Anh.
Tháng 5/1941, Francis Foley được giao nhiệm vụ thẩm vấn phó lãnh tụ Rudolf Hess, thành viên hàng đầu của đảng Quốc xã. Vì lý do nào đó y đã một mình lái máy bay vượt qua eo biển La Manche và hạ cánh xuống Scotland. Chuyến bay kỳ lạ này đã kết thúc sự nghiệp chính trị của Hess. Foley đã "làm việc" với Hess suốt 10 tháng, nhưng không thuyết phục được y giải thích lý do của chuyến bay hoặc thu được thông tin nào có giá trị. Vợ của Foley nói rằng chồng bà đôi khi thậm chí còn ăn tối với Hess, tìm cách lấy lòng y. Kết quả thu được ngược lại: y rơi vào hoảng loạn vì sợ các cơ quan tình báo giết. Bà Kay nói: "Hess nghi thức ăn của mình bị nhiễm độc. Thế là Francis đổi đĩa cho y và uống cạn ly rượu vang của y. Francis tin chắc rằng y bị điên". Về sau, tại Tòa án Nuremberg, Hess bị kết án tù chung thân về tội ác chống lại hòa bình và bị chuyển tới nhà tù Spandau. Năm 1987, y tự tử ở tuổi 93.
Tháng 6/1942, Foley tham gia chiến dịch tìm kiếm và thuyết phục gián điệp Đức hoạt động chống lại Đức Quốc xã. Kết quả là Foley đã làm việc với Johann Jebsen, một sĩ quan cấp cao của Abwehr, cơ quan tình báo quân sự và phản gián của Đệ tam Đế chế. Ngày 10/11/1943, Foley gặp Johann Jebsen ở Lisbon và nhận được rất nhiều thông tin về mạng lưới gián điệp của Đệ tam Đế chế cũng như tình hình nội bộ ở Đức.
Theo kế hoạch, Foley sẽ giúp Jebsen sơ tán đến Anh, nhưng ban lãnh đạo MI.6 cho rằng kế hoạch này quá mạo hiểm. Tháng 4/1944, Jebsen bị phản gián Đức bắt cóc ở Bồ Đào Nha và trục xuất về nước. Sau khi thẩm vấn, ông ta bị giải đến trại tập trung Oranienburg. Sự biến mất của Jebsen là một thất bại lớn đối với quân Đồng minh: Jebsen biết tên của các điệp viên hai mang khác được coi là cung cấp cho quân Đức thông tin đánh lạc hướng kế hoạch đổ bộ ở Normandy. Tuy nhiên, Jebsen không tố giác ai và về sau ông ta bị giết trong trại tập trung Sachsenhausen.
Vào cuối Thế chiến II, Foley phụ trách bộ phận đặc biệt của MI.6 chuyên săn lùng các cựu thành viên của lực lượng vũ trang SS. Năm 1946, dưới sự lãnh đạo của ông, các cơ quan tình báo Anh đã tiến hành chiến dịch "Vườn ươm SS": Phát hiện và bắt giữ các cựu thành viên Đoàn thanh niên Hitler và Liên đoàn các cô gái Đức, những kẻ lên kế hoạch khôi phục chế độ Đức Quốc xã ở Đức.
Năm 1949, Foley nghỉ hưu và cùng với vợ định cư ở một thị trấn tỉnh lẻ. Ông qua đời năm 1958 ở tuổi 73. Ông ra đi gần như lặng lẽ - chỉ một vài lá thư cảm ơn của những người được ông cứu sống đăng trên tờ "The Daily Telegraph". Chiến công của Foley chỉ được biết đến sau khi ông qua đời. Nhiều thập kỷ sau, năm 1999, nhà báo Michael Smith của "The Daily Telegraph" đã xuất bản cuốn sách "Francis Foley: điệp viên đã cứu 10.000 người Do Thái", dựa trên lời khai của những người đã được ông cứu sống và tài liệu cá nhân của nhà tình báo. Cuốn sách đã thu hút sự quan tâm của dư luận tới tên tuổi người điệp viên mật này. Cùng năm đó, Trung tâm tưởng niệm các nạn nhân của Holocaust "Yad Vashem" đã công nhận Francis Foley là vị Thánh của các dân tộc trên thế giới.
Dần dần, chiến công của nhà tình báo đã được chính quyền Anh công nhận. Cuối năm 2004, một tấm biển lưu niệm dành cho Foley đã được gắn tại tòa nhà của Đại sứ quán Anh ở Berlin. Năm 2007, người Anh quyết định làm một bộ phim nghệ thuật về Foley và đề nghị Cục Tình báo mật MI.6 cung cấp các tài liệu liên quan đến ông, nhưng cơ quan này từ chối. Vậy là bộ phim về James Bond của thời đại Holocaust không được ra mắt. Tuy nhiên, năm 2018, tại Stourbridge, nơi Foley đã sống những năm cuối đời, tượng đài Foley đã được khánh thành để vinh danh ông. Cùng năm đó, một bức tượng bán thân của Foley đã được dựng tại trụ sở của MI.6 ở London
Mỹ phản đối Israel xây dựng tại Bờ Tây Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller ngày 26.6 thông báo Mỹ "vô cùng lo ngại" khi chính phủ Israel quyết định cấp phép xây dựng cho khoảng 5.700 ngôi nhà tại các khu định cư người Do Thái ở Bờ Tây. Reuters dẫn lời ông Miller cho biết các quan chức Mỹ đã bày tỏ sự phản đối với kế...