Cuộc vật lộn với thủy thần của cặp vợ chồng Mỹ trên con tàu bị đắm
Bị sóng đánh lạc khỏi con tàu chìm, đôi vợ chồng người Mỹ đã dìu theo một công nhân không có áo phao lênh đênh suốt 9 tiếng. Giữa biển đen, cả khi đã tuyệt vọng, họ vẫn luôn nói lời yêu nhau.
Khi nhận được lời mời đi ăn tiệc cưới hôm 2/8, John Heinemann và vợ đã đồng ý ngay. Dù đã làm việc cho công ty PV Pipe được khoảng 2 năm nay, nhưng ông khá bận rộn, gần đây mới có thể mời vợ sang Việt Nam nghỉ cùng mình. Họ có điểm chung là rất thích văn hóa, con người Việt.
“Cuối tuần trước đó, chúng tôi cũng đi ăn cưới với nhau. Mọi thứ rất tuyệt. Chúng tôi giữ nguyên tâm trạng háo hức đó khi bước lên tàu đi cùng mọi người mà không mảy may nghĩ đến tai nạn nào có thể xảy ra”, ông Heinemann nói.
Vợ chồng vị chuyên gia người Mỹ nhập đoàn lên con tàu tàu H29 rời cảng Gò Công Đông khi trời đã chập tối. Biển lúc này khá yên lặng, sóng nhẹ nhàng. Mọi thứ đều ổn và ai cũng thư giãn, râm ran trò chuyện. “Nhưng rồi sau đó, những cơn sóng mạnh từ đâu bất ngờ ập đến. Sóng sau mạnh hơn sóng trước rất nhiều… Khi biết tàu không còn an toàn nữa, vợ chồng tôi dặn nhau phải hết sức bình tĩnh và chuẩn bị tinh thần sẽ phải bơi nếu có sự cố”, Heinemann kể. “Thấy mọi người xung quanh rất hoảng sợ, chúng tôi bảo họ bình tĩnh nhưng không nhiều người hiểu tiếng Anh để biết chúng tôi đang nói gì”.
Vợ chồng ông bà John Heinemann và Gloria Heinemann. Ảnh: Thoại Hà
Tàu bất ngờ lật úp và dần chìm, xung quanh mọi thứ tối đen. Người đàn ông Mỹ chỉ kịp khuyên vài người phải bám chặt vào thân tàu để giữ cho người nổi trên mặt nước. Tuy vậy, do sóng lớn, nhiều người vẫn tuột tay văng ra xa, trong đó có vợ chồng ông. Do đã được phát áo phao trước đó, cả hai luôn tìm cách bơi bám sát để không bị tách rời.
“Ban đầu, tôi nghĩ chắc chừng 30 phút nữa hai con tàu đi sau sẽ đến và cứu mọi người. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy gì trong khi chúng tôi đã lạc mất đoàn”, ông Heinneman kể.
Đang lênh đênh chống chọi cùng những cơn sóng, họ phát hiện anh Nguyễn Lê Vinh gần như kiệt sức, trên người không mặc áo phao. “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là người đàn ông này cần được giúp đỡ và vợ chồng tôi phải cố hết sức có thể để giúp anh. Vì thế, tôi bảo anh ấy bám vào mình để cùng bơi”, vợ ông Heinneman nói.
3 người tiếp tục dập dờn một lúc thì gặp anh Nguyễn Văn Hà cũng đang vật lộn với sóng dữ. “Tôi thấy cái bóng đen cách mình khoảng 20 m. Lại gần hơn tôi nhận ra anh Vinh đang bám vào vợ chồng ông John. Chúng tôi lúc này như tăng thêm sức mạnh dù xung quanh vẫn là biển mênh mông không có một bóng tàu cứu hộ, xa xa là ánh đèn le lói phía Vũng Tàu”, anh Hà kể.
Họ bắt đầu bàn về khả năng bơi vào bờ. Lúc đó, anh Hà chỉ cho mọi người thấy hai dãy núi mờ mờ phía trước (ở Vũng Tàu), nhưng để bơi tới đó rất xa, sức người không chịu nổi nên chỉ còn cách chờ cứu hộ.
Video đang HOT
Càng lúc trời càng lạnh, mọi người có dấu hiệu đuối dần. Anh Hà đổi phương án “bơi vào biết đâu lại sống” nên 4 người chỉ với 3 cái áo phao dìu nhau vượt từng cơn sóng. Càng về khuya, hai vợ chồng người Mỹ hơn 60 tuổi càng có dấu hiệu kiệt sức, sặc nước.
Vốn bơi rất giỏi vì đều là dân mê môn thể thao lặn biển, nhưng phải giữ mình nổi trên mặt nước suốt 9 giờ là điều hai ông bà chưa bao giờ dám nghĩ tới. Có lúc, ông Heinneman hoang mang trước sự sống vì ông nặng gần gấp đôi vợ nên rất khó để giữ mình nổi. Cứ mỗi đợt sóng ập đến, bà Heinneman lại phải tìm cách nâng chồng lên để ông không bị ngạt.
Anh Hà nhớ lại thời điểm áo phao suýt bị rách làm hai mảnh, anh phải tháo thắt lưng buộc chặt lại. Ảnh:An Nhơn.
Một cơn sóng to ập tới đánh tan nhóm người ra 3 nơi. Ông Heinneman đã cởi chiếc áo phao của mình đưa cho vợ. “Lúc đó tôi chỉ muốn bà ấy được ấm áp, được an toàn. Có một nỗi lo sợ mơ hồ khiến tôi phải thốt ra với bà rằng &’I love you”, người đàn ông nhớ lại.
“ Sao thấy ông John cởi áo phao mà còn nói ‘I love you’ nữa Hà ơi”, anh Vinh hét lớn. Cả hai công nhân Việt nghĩ ông ấy định bỏ cuộc nên đã cố bơi lại động viên.
“Tôi nói ông ấy cố lên. Lúc đó là 0h rồi, chỉ 1h sáng sẽ có tàu đánh cá của ngư dân đi ngang cứu giúp. Nghe vậy, ông John từ bỏ ý định và bơi ngửa, dùng áo phao kê ở đầu”, anh Hà kể. Sau đó anh tiếp tục quay sang an ủi người đồng nghiệp quê Tiền Giang cùng bơi để hâm nóng cơ thể, chống lại cái lạnh càng lúc càng gay gắt. Dù làm tư tưởng cho mọi người nhưng bản thân anh Hà cũng đã cạn sức, dầu biển bám vào người anh nóng ran.
Đến khoảng 2h sáng, cả nhóm như tỉnh hẳn khi thấy đèn cứu hộ từ xa. Mọi người tìm còi và đèn pin trên áo phao để ra tín hiệu nhưng chúng bị sóng đánh văng từ lúc nào. Do tàu ở quá xa nên không nghe thấy tiếng kêu cứu và những cái vẫy tay tuyệt vọng của họ. Một lúc sau mọi người lại thấy tàu cá ngư dân đi biển xuất hiện cách đó chừng 50 m, song tất cả gọi đến khàn giọng họ vẫn không nghe.
“Biển hôm đó động mạnh do ảnh hưởng của bão, nhiều cơn sóng lớn và màn đêm đã làm cho những con tàu khác không thể nhìn thấy 4 con người đang vật lộn tìm sự sống trên biển. Chúng tôi bị lẫn trong làn nước nhưng chúng tôi nghĩ nếu cầm cự được đến khi ánh bình minh lên thì ngư dân, tàu thuyền đánh cá sẽ trông thấy và chúng tôi sẽ được cứu sống”, bà Heinneman nói.
Thêm 2 tiếng trôi qua, đến 4h sáng anh Hà thấy tàu đi vào ngọn Hải Đăng. “Tôi nghĩ là đường tàu chạy nên nói mọi người cố sức bơi tới đó chờ tàu. Nửa tiếng sau, một chiếc tàu cá đang trên đường vào bờ đã thấy chúng tôi. Lên được tàu, ai cũng nghĩ mình vừa chết đi sống lại”, anh Hà kể về giây phút may mắn của cuộc đời mình. Còn bà Heinneman cho biết, khoảnh khắc đó, bà chỉ có thể nói với những người bà gặp duy nhất một câu “Tôi yêu các bạn”.
Đây là 4 người cuối cùng được vớt lên trong số 21 người sống sót trên chuyến tàu định mệnh. Họ đã có 9 giờ lênh đênh trên biển, 17 người khác được cứu hộ khi bám quanh xác con tàu sau 6 giờ bị đắm.
“Tôi rất buồn khi nhiều người mình quen biết đã mất. Các vết sẹo mà chúng tôi phải mang theo người không là gì so với những mất mát quá lớn đó”, vị chuyên gia người Mỹ trầm ngâm.
Theo VNE
Nhường sự sống cho nhau trên con tàu định mệnh
"Không chỉ nhường áo phao, các anh còn đứng trụ vòng tròn để chắn sóng cho những người yếu hơn. Cứ thấy ai bị sóng đánh văng, họ lại bơi ra kéo vào cho đến khi kiệt sức", Thu kể về các đồng nghiệp trong giây phút con tàu chìm giữa biển.
Gương mặt Thu đẫm nước mắt khi kể về những đồng nghiệp của mình. Ảnh: Châu Thành
Gần một tuần đã qua kể từ khi chuyến hành trình định mệnh kết thúc trên biển Cần Giờ (TP HCM), chị Phạm Thị Thu - một trong 21 nạn nhân sóng sót cho biết chưa thoát khỏi ám ảnh về giây phút sinh tử. Những vết trầy trụa trên thân thể sau cuộc vật lộn với sóng dữ đã dần lành, song gương mặt cô gái trẻ vẫn hốc hác, tiều tụy.
"Không đêm nào tôi ngủ được, chỉ mong trời mau sáng. Cứ nhắm mắt vào tôi lại thấy cảnh mình chống chọi với những cơn sóng, thấy những người anh trong đoàn vì cứu mình mà hy sinh", nước mắt lăn dài trên má cô gái 22 tuổi.
Thu bảo, từ nhỏ cô đã sợ nước nên trước chuyến đi cô định ngồi ôtô xuống Vũng Tàu nhưng về sau được mọi người trong đoàn động viên nên đã đổi ý. "Có linh cảm gì đó mà trưa hôm ấy tôi không thể ngủ được. Nhưng lúc đó cứ nghĩ là do mình nôn nao về chuyến đi chơi cùng mọi người", Thu kể.
Chiều 2/8, lúc xuất bến, phải khởi động nhiều lần tàu H29 mới nổ máy. Chạy một đoạn, lái tàu Phạm Duy Phúc bảo hết xăng và ông ấy gọi cho tàu bên kia đang đi cùng viện trợ nhưng cũng không được. Trời bắt đầu đổ mưa lớn. Chạy khoảng 30 phút, cơn sóng mạnh ập tới khiến tàu chao đảo. Mọi người đứng bật dậy, cố gắng kéo thanh cầm phía trên để giữ thăng bằng tàu.
Sau cú đánh thót tim đầu tiên của cơn sóng lớn, cô phải đổi ghế cho anh Sơn to con hơn ngồi đối diện để 2 hàng ghế cân bằng. Nhưng đi một đoạn, tàu như có dấu hiệu sa lầy, không thể di chuyển tiếp dù máy đang nổ. Tàu lại chao đảo nhảy lên xuống, nghiêng qua nghiêng lại khiến mọi người bị say sóng, mệt lả. "Quá hoảng sợ tôi đã khóc thành tiếng. Các anh đi chung liền trêu đùa cho tôi bớt sợ, nhưng tôi biết mọi người cũng bắt đầu lo lắng", Thu cảm nhận.
Anh Đoàn Hồng Thắng liền lấy áo phao để dưới băng ghế và cùng vài anh em khác phát cho mọi người. Nhưng do chỉ có khoảng chục cái nên những thanh niên khỏe mạnh chủ động nhường cho phụ nữ và những người ngồi phía ngoài mặc nhằm tránh nước mưa tạt ướt.
Chạy vài phút, tàu tiếp tục bị sóng đánh lần nữa. Tàu nghiêng nặng sang trái, nước tràn vào và chìm dần nên mọi người hô hoán nhảy ra khỏi tàu. "Tôi bị hất văng xuống biển cách tàu khoảng 5 m. Trong lúc đang hoảng loạn thì có một bàn tay chộp lấy tôi kéo vào. Sau khi định thần lại mới biết anh Hiệp đã cứu mình", Thu nhớ lại.
Khi bám vào được tàu, nhìn xung quanh không thấy chị Phin đâu, cô gào khóc. Hiệp và những thanh niên trong đoàn liền trấn an mọi người rồi bơi ra kéo những người ở xa đưa vào bám mạn tàu. Sau đó, anh Hiệp cùng Biên, Khanh, Trung... dùng dây thừng dài 2 m buộc ở mũi tàu, tạo thành vòng tròn. Mọi người cùng bám một tay vào thành tàu, tay kia nắm chặt lấy nhau để không bị sóng đánh trôi. Những phụ nữ đứng ở giữa trong khi Thu được anh Hiệp chắn sóng trước mặt. Nếu ai bị văng ra, các anh lại thay phiên bơi ra kéo vào.
Đói, khát và lạnh khiến mọi người mệt lả. Nhưng bản năng sinh tồn khiến Thu và mọi người vẫn cố chịu đựng, cầu mong tàu cứu hộ đến sớm sau những cuộc gọi cầu cứu từ chiếc điện thoại duy nhất còn sử dụng được. Hy vọng le lói rồi nhanh chóng vụt tắt khi một chiếc tàu đi ngang, dừng lại lúc rồi đi tiếp. "Chúng tôi đồng thanh hô to, vẫy tay, vẫy áo, thổi còi trên áo phao... nhưng đều vô vọng", Thu nghẹn ngào.
Càng về đêm sóng càng to, mũi tàu càng chìm dần. Mỗi lần sóng ập đến, cô chỉ thấy một khối đen cuồn cuộn lao tới như muốn nuốt chửng mọi người, đánh văng tất cả những người yếu sức. Các nam công nhân lại thay phiên nhau bơi ra, kéo đồng nghiệp vào. Gồng mình chắn sóng và liên tục phải cứu giúp mọi người đã khiến các anh cạn dần sức lực... "Thêm một đợt sóng ập đến, tôi không nhìn thấy anh Sơn, anh Khanh đâu nữa", Thu bật khóc khi nhớ lại.
Nhưng hình ảnh khiến cô đau đáu, day dứt nhất là về anh Hiệp, người luôn kề cận bên cô từ lúc tàu chìm. Sau khi 3 người đầu tiên bị nước cuốn trôi, anh Hiệp cũng kiệt sức, ngất lịm đi. "Thấy anh ấy trôi dạt ra xa, tôi và mọi người với tay níu anh lại nhưng không được. Một con sóng nữa ập tới nhấn chìm anh trong biển đen...", cô gái lại khóc nức nở.
Thu và Hiệp làm chung nhà máy của công ty PV PIPE nhưng khác bộ phận. Hai người quen nhau trong lần đi khám sức khỏe năm trước. Đồng cảm vì cùng quê nên hai người trao đổi số điện thoại. Gần đây Hiệp nhiều lần bày tỏ tình cảm, mọi người trong công ty thấy vậy cũng nói hai người đẹp đôi, nhưng Thu cho biết mình còn trẻ nên chưa sẵn sàng. "Anh ấy là người rất ít nói và hiền lành, sống hòa đồng với mọi người. Tôi rất quý tính anh ấy", cô gái nhỏ nhẹ.
Giống như các đồng nghiệp nữ, cảnh tượng hãi hùng khi giành lại sự sống nhỏ nhoi và cảm giác day dứt khi bất lực nhìn bạn bè ra đi trước mắt khiến anh Đoàn Hồng Thắng không thể nào ngủ được trong những ngày qua.
Theo anh Thắng, lúc rơi xuống biển, đồng nghiệp Hà Tiến Sơn không biết bơi đã bám vào vai anh. Sau đó đến nhiều người khác cũng bấu víu vì anh to cao, khoẻ mạnh. Một tay anh vừa bám vào mũi tàu, tay còn lại nắm lấy Nguyễn Thị Kim Hoàng để cô không bị sóng đánh trôi. Cầm cự được khoảng 2 giờ, tất cả mọi người không còn sức. "Một con sóng ập vào đánh văng tất cả. Ngẩng đầu bơi trở lại, tôi không thấy Sơn và Hoàng đâu nữa", giọng anh Thắng đứt quãng.
Họ làm chung với nhau đã 3 năm, anh Thắng bảo mọi người như anh em, sống rất hòa đồng. Anh Hiệp, Sơn, Biên... đều là những người hay giúp đỡ mọi người. Chứng kiến cảnh các anh chết trước mắt mà bản thân không thể làm gì khiến anh không thôi ám ảnh.
Còn anh Nguyễn Văn Hà, người may mắn sống sót khi bị sóng cuốn lênh đênh 9 giờ trên biển cũng không thể quên những người đồng nghiệp đã ra đi vì dành sức mình nhường cho người khác, trong đó có Hoàng Trung Biên.
"Anh Biên là người sống chung phòng với tôi suốt quá trình làm việc. Anh ấy có bạn gái ở Gò Công (Tiền Giang). Hai người cũng dự định sẽ sớm ra mắt hai gia đình. Hay tin bạn trai gặp nạn, cô ấy bị sốc nặng...", anh Hà nói.
Theo VNE
Tìm thấy thi thể nữ phụ bếp bị kẹt trong con tàu chìm Một trong 9 nạn nhân mất tích đã được tìm thấy ngay trong khoang tàu bị lật.Trưa nay, 3/8, ông Vũ Ngọc Thảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết thi thể nạn nhân đầu tiên trong vụ chìm tàu kinh hoàng đã được tìm thấy. Theo đó, người phụ nữ bị kẹt trên tàu...