Cuộc truy tìm kẻ giết rồi hiếp nữ thông dịch viên
Dấu vết hiện trường cho thấy, thi thể thông dịch viên nằm vắt vẻo trên giường, không mảnh vải che thân, quần áo bị xé rách, vùng kín có dấu hiệu bị xâm hại. Những dấu vết để lại cho thấy, hung thủ đã ra tay một cách rất tàn bạo.
Dấu vết hiện trường đẫm máu
Sáng ngày 16/2, những người làm cùng Công ty Frama ở ấp An Mỹ, xã An Điền, huyện Bến Cát, Bình Dương không thấy chị Lê Thị V. (SN 1974, ngụ tại TP.HCM) đi làm như thường lệ, cửa phòng vẫn đóng im ỉm nhưng bên trong khóa bị cạy.
Mọi người sau nhiều lần đến gõ cửa nhưng bên trong vẫn không thấy ai lên tiếng trả lời. Lúc đầu, những người làm cùng công ty đinh ninh rằng, do có việc đột xuất phải ra ngoài nên chị V. đã không kịp thông báo.
Thế nhưng, điều lạ là, khi gọi vào số máy di động để hỏi, tiếng chuông reo, không thấy chị V. bắt máy.
Nghĩ có chuyện chẳng lành, nên đến hơn 10h sáng cùng ngày, một số nhân viên đánh liều đẩy cửa bước vào căn phòng làm việc mà chị V. vẫn thường hay ngủ lại.
Hiện trường căn phòng chị V. bị hung thủ ra tay sát hại.
Cảnh tượng đập vào mắt khiến mọi người hoảng hốt, thét lên kinh hoàng khi trước mắt, toàn thân thể chị V., nằm vắt vẻo trên giường, trên người không mảnh vải che thân, quần áo bị xé xách, vùng kín có dấu hiệu bị xâm hại.
Cảnh tượng nhốn nháo, khiếp sợ khiến nhiều nhân viên công ty không khỏi rùng mình. Ngay lập tức, thông tin được báo ngay cho chính quyền địa phương sở tại.
Từ những quan sát bước đầu của nhà chức trách cho thấy, hung thủ đã ra tay rất tàn bạo. Trên chiếc giường đơn mà mọi ngày chị V. vẫn thường dùng để nghỉ lại qua đêm, chăn màn bị hung thủ xới tung, quần áo bị vứt bừa bãi xung quanh giường, đặc biệt cổ nạn nhân có vết thâm tím, máu mũi tuôn trào thấm ra cả giường. Thế nhưng, điều lạ là toàn bộ tài sản trong phòng đều y nguyên.
Từ một số quan sát bước đầu, nhà chức trách nhận định, có thể khi hung thủ đột nhập vào phòng, đã bị nạn nhân phát hiện, sau đó xảy ra một số cuộc giằng co quyết liệt. D o bị bất ngờ, lại là thân phận chân yếu tay mềm nên nạn nhân đã không thể chống trả.
Chiếc camera “phá án”
Những đối tượng khả nghi, cộm cán nhất trong vùng, thậm chí cả nhân viên bảo vệ của công ty ngay lập tức được các điều tra viên triệu tập lấy lời khai. Tuy nhiên, tất cả đều có bằng chứng ngoại phạm.
Từ điểm nghi vấn bước đầu nhận định đây là vụ án giết người hiếp dâm, các điều tra viên tiếp tục mở rộng và khoanh vùng thêm một số đối tượng khác và tập trung khai thác thông tin.
Một ngày miệt mài, lần tìm manh mối của CQĐT tưởng như rơi vào bế tắc thì phía bảo vệ công ty cho hay, ở cổng công ty có hệ thống camera giám sát.
Lập tức, các điều tra viên đã lấy băng hình xem lại toàn bộ hình ảnh ghi lại trong vòng 24 tiếng trước và sau khi xảy ra vụ án mạng.
Công ty Frama ở ấp An Mỹ, xã An Điền, huyện Bến Cát, Bình Dương, nơi xảy ra vụ án mạng
Video đang HOT
Trong quá trình xem xét, các điều tra viên phát hiện một đối tượng nổi cộm có nhiều biểu hiện khả nghi, đặc biệt đối tượng này khi đi ra điểm có camera lấy tay giả vờ quệt mồ hôi nhằm che mặt.
Những người bảo vệ của công ty ngay lập tức nhận ra, đối tượng này chính là Trần Vương Nhựt Tân (SN 1991, ngụ tổ 5, khu phố Nguyễn Trãi, phường Lái Thêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), đội trưởng đội bảo vệ của công ty.
Theo lời khai của ca trực đêm ấy, thì khoảng 22h30, đội trưởng Tân nồng nặc mùi rượu, có ghé vào công ty để kiểm tra tình hình an ninh trong công ty như thường lệ. Sau đó, theo lời ca trực, Tân đi đâu thì cũng không rõ.
Điều tra viên xem xét kỹ hơn hình ảnh từ camera thì nhận thấy, Tân vào cơ quan lúc 22h30 nhưng mãi đến 4h sáng ngày hôm sau mới rời khỏi công ty. Đây là mấu chốt của vụ án, vì mọi người cho biết, hằng ngày, Tân chỉ vào kiểm tra có 20-30 phút rồi ra về, nhưng hôm xảy ra án mạng thì biểu hiện thời gian rất khác lạ.
Từ những phân tích, nhận định hung thủ, điều tra viên hướng ngay mũi nhọn tập trung vào Trần Vương Nhật Tân. Quả nhiên, mọi nghi vấn đã dần dần được hé lộ.
Điều tra viên gọi điện thoại cho Tân thì số máy không liên lạc được. Tìm đến nhà riêng thì người nhà không hề hay biết Tân đi đâu.
Từ đó, điều tra viên khẳng định, Tân chính là hung thủ chính của vụ án. Các mũi điều tra viên phong tỏa trinh sát đi dò la tin tức, những nơi Tân thường hay lui tới.
Đến chiều tối ngày 16/2, thì đột nhiên Tân xuất hiện tại trụ sở công an xã An Điền với mục đích đến hỏi thăm CQĐT đã truy tìm được ra hung thủ chưa.
Thế nhưng, Tân không ngờ rằng, mình đã nằm trong tầm ngắm của các điều tra viên.
Qua một số bản tưởng trình của Tân, CQĐT đã nhận thấy một số nội dung trình bày không trùng khớp, đặc biệt là thời gian. Các điều tra viên hỏi Tân một số nghi ngờ thì hung thủ lập tức có biểu hiện khác lạ, giọng ấp úng.
Cán bộ điều tra tiếp tục xoáy sâu các câu hỏi vào khoảng thời gian Tân đã làm gì, ở đâu, từ sau khi xuất hiện tại công ty để kiểm tra an ninh cho đến 4h sáng? Thì Tân không thể trả lời.
Biết không thể chối cãi, Tân cúi đầu nhận tội và khai toàn bộ hành vi tội ác của mình.
(Còn nữa)
Giang Uyên
Theo Infonet
Trần Đăng Khoa: Thấy gì sau vụ án Lê Văn Luyện
Pháp luật nhân đạo với kẻ ác, vô tình lại bạc ác với những người bị hại, là những người lương thiện bị sát hại tức tưởi...
Dù phiên xử kẻ giết người tàn bạo Lê Văn Luyện đã kết thúc với mức án cao nhất được quy định trong luật là 18 năm tù giam, nhưng dư luận nhân dân rất bất bình (Xem ý kiến phản hồi trên các báo điện tử). Trò chuyện với Blog Toà soạn, Nhà thơ - Nhà báo Trần Đăng Khoa cũng tỏ ra thất vọng.
** Ông nghĩ gì về mức án 18 năm tù giam mà Tòa đã tuyên phạt Lê Văn Luyện?
Trần Đăng Khoa: Tôi thấy rằng mức xử ấy đối với kẻ sát nhân tàn bạo như Luyện sẽ khiến cho hàng triệu người dân thất vọng. Dù biết trước kết quả sẽ như thế. Không ông Chánh tòa nào dám làm trái luật. Chúng ta không trách Tòa, mà trách Bộ Luật của chúng ta không hoàn thiện và thiếu tính chuyên nghiệp, vì không bao quát được hết muôn mặt của đời sống, có rất nhiều kẽ hở, vì thế sẽ có những kẻ rất dễ dàng có thể lách Luật. Luật khoan hồng với kẻ vị thành niên nói chung, nhưng vẫn phải trừ những trường hợp đặc biệt.
Lê Văn Luyện xin sẵn sàng nhận mức án cao nhất
Luyện là trường hợp đặc biệt, thậm chí là dị biệt. Hắn giết người rất tinh vi và rất tàn bạo. Có thể nói tàn bạo nhất từ xưa đến nay. Hành động ấy không có gì là vị thành niên cả. (Nói đến vị thành niên, thường người ta nghĩ đến sự ngây thơ, ngốc nghếch, vô tình mà mắc tội tày trời. Nhưng Luyện thì không phải thế). Trong số những người bị giết một cách thảm khốc, có cả cháu bé mới 18 tháng tuổi. Tội ác đã đến đỉnh điểm. Có người bảo Luật pháp nhân đạo với trẻ vị thành niên, để các cháu làm lại cuộc đời - điều đó là đúng, nhưng như tôi đã nói, không thể áp dụng với tất cả mọi trường hợp, điển hình là trường hợp của Luyện.
Theo Bộ Luật hiện hành, mức phạt cao nhất đối với người ở lứa tuổi vị thành niên là 18 năm tù giam. Bởi thế mà Luyện vẫn nhơn nhơn, lại còn vui vẻ đùa cợt trong lúc chờ ra pháp đình và ngay tại phiên xử, hắn vẫn lạnh lùng, đôi lúc lại còn cười rất bí hiểm. Tôi cho rằng, luật của mình như vậy là tính chuyên nghiệp chưa cao. Luật là để ngăn chặn và răn đe những hành vi xấu, nhưng trong trường hợp này lại bao che và giải thoát cho kẻ tội đồ đã mất hết tính người.
Đấy mới là điều đau lòng và đáng sợ nhất. Bởi từ đó, người dân sẽ mất niềm tin vào luật pháp, và cao hơn nữa, mất niềm tin vào chính quyền. Nỗi nguy hiểm ấy, chúng ta không lường hết được đâu. Luyện thoát án tử hình, mà chỉ phải chịu mức phạt 18 năm tù, mà thực chất thường sẽ không tới con số đó, vì chỉ chịu mức phạt quá 2/3 thời gian là được ân xá.
Rồi sẽ dẫn đến những hệ lụy mà chúng ta cũng không thể lường hết được: Sẽ xuất hiện hàng loạt những kẻ giết người rất tàn bạo ở lứa tuổi vị thành niên, thì đã có bao nhiêu nhóm côn đồ nhí tự nhận mình là "Đàn em anh Luyện" ở trên mạng đó thôi. Rồi chính những kẻ giang hồ, những kẻ dã tâm sẽ lại mượn bàn tay các em để thanh toán các đối thủ của mình, nghĩa là có thể giết được người, giết nhiều mạng người mà vẫn có thể thoát được sự trừng phạt cao nhất của pháp luật.
Chính người lớn chúng ta sẽ đẩy các em vào tội ác. Nguy hiểm vô cùng...
**Nhưng "cái lý" khoan hồng với trẻ vị thành niên thì lâu nay vẫn vậy...
Trần Đăng Khoa: Khoan hồng với trẻ vị thành niên là đúng rồi. Nhưng với những trường hợp đặc biệt đến dị biệt thì lại phải khác. Không thể đánh đồng được. Nếu nói nhân đạo với Luyện, thì phía bị hại, những thân nhân của cả một gia đình bị xóa sổ người ta sẽ nghĩ sao?
Pháp luật nhân đạo với kẻ ác, vô tình lại bạc ác với những người bị hại, là những người lương thiện bị sát hại tức tưởi, lại không được pháp luật bảo vệ. Họ nổi giận là điều dễ cảm thông. Luyện đã xóa sổ cả một gia đình, trở thành nỗi kinh hoàng của mấy dòng họ và thành nỗi bất an cho cả xã hội.
Tôi chẳng bao giờ nghĩ Luyện là kẻ vị thành niên, vì hắn giết người có chủ ý, rất tinh vi, hắn cố giết thêm cháu Bích (đã chém đứt lìa cả tay cháu rồi), đó là một hành vi tàn độc chưa từng thấy. Bình thường cháu đã có thể chết vì bị mất máu, sau cả mấy tiếng đồng hồ, nhưng may mà cháu không chết. Do trời Phật thương mà cứu cháu chăng? Đừng bao giờ mong những kẻ có lòng dạ dã tâm như Luyện sẽ làm lại cuộc đời, đó là còn chưa kể mức án này sẽ vô tình kéo theo một loạt những hệ lụy khác không lường trước được.
Tôi mong sao các cơ quan chức năng, những nhà làm luật hãy sớm nghĩ tới điều đó để bổ sung, điều chỉnh cho Bộ Luật của đất nước chặt chẽ hơn, chuyên nghiệp hơn để đủ sức mạnh răn đe với những kẻ ác và bảo vệ được những người lương thiện bị hại. Không tử hình nhưng có lẽ với những trường hợp này cũng nên giam giữ suốt đời.
** Ở nhiều nước, người ta còn bỏ mức phạt tử hình...
Trần Đăng Khoa: Bỏ là đúng. Vì luật pháp của họ rất nghiêm và rất chuyên nghiệp, có thể bao quát được mọi hành vi trong đời sống xã hội. Ở họ đã tù chung thân là chung thân thật. Nghĩa là tù trọn kiếp. Không có chuyện tù chung thân sau hơn hai mươi năm lại được giảm án như ở ta. Cái đó còn kinh khiếp hơn cả tử hình.
Vả lại, dân trí họ rất cao. Khi đã phạm tội, dù không phải ra tòa, nhưng họ vẫn không thoát được tòa án lương tâm. Lương tâm họ tự xử. Và bản án ấy vẫn rất kinh khiếp. Vì thế, ta mới hiểu vì sao những người lính Mỹ, tham gia chiến tranh ở Việt Nam, dù họ không tự gây ra tội ác, mà chính quyền đẩy họ vào tội ác. Và rồi họ đã giết người, dù chỉ giết một đứa trẻ, hay cả đối thủ có vũ khí chống lại họ, nghĩa là không giết người đó thì họ cũng sẽ bị giết, nhưng rồi vì đã chót giết người, họ không thể sống bình thường được nữa, nhiều người phát điên, nhiều người tâm thần, mắc chứng bệnh gọi là "Hội chứng chiến tranh Việt Nam".
Ta cũng hiểu vì sao những người lính Mỹ đã từng bảo vệ hành trang và nhật ký của chiến sĩ ta, rồi chính họ lặn lội sang Việt Nam tìm gặp và trao tận tay cho gia đình liệt sĩ, rồi họ khóc trên mộ Hoàng Ngọc Đảm, khóc trên mộ Đặng Thùy Trâm, dù bản thân họ không trực tiếp giết những người ấy, mà chỉ đứng trong đội ngũ những kẻ giết người. Nghĩa là họ chỉ là đồng phạm.
Với tầm văn hóa và dân trí cao như thế, bỏ bản án tử hình là đúng quá rồi. Xã hội ta, dân trí ta chưa được như thế.
** Hành động của một số người vỗ tay cổ vũ Lê Văn Luyện ở phiên tòa vừa qua có thể coi là "hành vi cổ vũ cho cái ác" không, thưa ông?
Trần Đăng Khoa: Sự thật là như vậy, dù rất chua xót nhưng vẫn cứ phải nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta đừng nghĩ rằng những thông tin "nhận làm đàn em của Luyện" hay "vỗ tay cho Luyện" là chuyện nhảm nhí, là chuyện tào lao, bởi từ những hành vi bất thường ấy đã cho thấy các giá trị đạo đức xã hội của chúng ta đang lao dốc với một tốc độ cực cao mà chẳng thấy ai đưa ra một công cụ để ngăn chặn và loại bỏ.
Từ chuyện của Lê Văn Luyện, nhìn sang nhiều sự việc khác, đó là chuyện gửi comment cười hả hê khi lao xe máy đâm chết một cụ già ở Yên Bái, rồi thì học sinh vừa hút thuốc lào vừa nói xấu thầy cô giáo, kết bè kết phái đánh bạn, lột quần áo của bạn - nguy hiểm là trong số những vụ việc ấy thì lại có cả sự tham gia của không ít các em gái.
** Ngày càng nhiều hiện tượng thanh niên tuổi "teen" sa đà vào thói hư tật xấu. Phải chăng xã hội của chúng ta đã bị trơ lì tính nhân văn, thưa ông?
Trần Đăng Khoa: Vấn đề quan trọng là cái gốc rễ văn hóa, chưa bao giờ đạo đức xuống cấp trầm trọng như hiện nay, ở đâu cũng thấy nói về kinh tế, mặc dù kinh tế thì bấp bênh, không có gì bảo đảm cho sự bền vững, nhưng văn hóa đạo đức thì suy đồi, các giá trị đạo đức bị phai nhạt thì chẳng mấy ai quan tâm thực sự.
Có bao nhiêu vụ án đau lòng, thí dụ như gần đây là Nguyễn Đức Nghĩa giết người yêu, nhưng dẫu sao thì cũng còn cắt nghĩa được, chứ vụ án cướp tiệm vàng mà Luyện gây ra thì khủng khiếp quá. Luyện đã "tiêu diệt" cả một gia đình, thôi thì ông bà chủ của tiệm vàng bị giết, mình vẫn còn có thể hiểu được, còn cắt nghĩa được, mặc dù đã là mất tính người rồi, nhưng kinh tởm nhất là hành động cắt cổ bé Thảo mới 18 tháng tuổi. Một đứa bé mới 18 tháng tuổi thì làm gì được mà hắn nỡ sát hại?
Rồi thì chém đứt lìa tay của bé Bích (chủ đích cũng là giết cháu). Đứa bé ấy bây giờ đã được các bác sĩ nối tay trở lại, được cứu sống thân xác, nhưng kỳ thực về tâm hồn thì cháu đã bị giết rồi, Làm sao cháu còn trở thành người bình thường được nữa? Nhưng cũng may, nhờ trời thương, nên cháu Bích vẫn còn sống. Cho đến bây giờ, cháu vẫn được gia đình giấu chuyện bố mẹ và em gái bị giết hại, để tránh cho cháu bị chết thêm lần nữa, để cố gắng hồi phục đưa cháu trở lại cõi đời.
Rồi một lúc nào đó, cháu Bích cũng sẽ biết. Cháu Bích và biết bao người thân sẽ loay hoay với khoảng thời gian sau này thế nào đây khi mà những người thân của họ đã chết một cách tức tưởi. Họ chỉ còn trông chờ vào sự nghiêm minh của pháp luật, vậy mà cuối cùng lại xử như vậy thì những người bị hại còn biết bấu víu vào đâu.
** Nhưng thực ra thì xã hội bao giờ cũng là một tập hợp của nhiều "loại người" khác nhau, vì thế mong ai cũng là người tốt thì gần như không thể. Thời ông còn trẻ thì có những chuyện kỳ quái như thế này không?
Trần Đăng Khoa: Đành rằng trong xã hội thì luôn tồn tại nhiều "loại người" khác nhau, nhưng chưa bao giờ đạo đức xã hội lại xuống cấp trầm trọng đến mức suy đồi như hiện nay, như tôi đã nói: Hiệu trưởng mua dâm học trò. Học sinh giết cô giáo ngay trên bục giảng. Quan chức ở một tỉnh nghèo mà còn đánh bạc mỗi lần đến cả 5 tỷ đồng. Rồi bạo lực tràn lan ở học đường. Những vụ hận tình ở lứa tuổi nhí rồi "tỉ thí", hạ nhục nhau tung đầy lên mạng cho cả thế giới "chiêm ngưỡng"; tông xe chết một cụ già rồi lên mạng viết comment hả hê... Thật không thể tưởng tượng được.
Vụ cắt đầu người yêu của sinh viên Nguyễn Đức Nghĩa đã làm ta ghê rợn. Vụ giết đến cả mấy mạng người trong một gia đình của Lê Văn Luyện mới làm ta thực sự kinh hoàng. Tất cả những biểu hiện suy đồi đạo đức như vậy đang bị phát tán dần như dịch bệnh, làm vẩn đục biết bao tâm hồn trong trẻo của những đứa trẻ mới lớn; ác thay, chúng không hề biết tâm hồn mình đang bị xâm lấn bởi những điều xấu xa, và khi nhận ra thì có lẽ cũng đã muộn, bởi vì nhiều hành vi tạo nên thói quen, nhiều thói quen tạo nên tính cách, đã là tính cách thì khó sửa chữa lắm.
Tôi nhớ lại thời mình còn trẻ, tức là vào thời đất nước còn chiến tranh, vậy mà xã hội lại yên bình, đi ra đường không bao giờ bị trấn lột, về nhà không lo bị cướp, buổi tối cứ mở cửa ra mà ngủ cũng không sợ mất cắp; một cô gái có thể đi suốt đêm rồi gõ cửa vào một căn nhà nào đó ở ven đường xin ngủ nhờ, sáng tỉnh dậy vẫn còn thấy nguyên vẹn cả một tấm thân, cho dù trong nhà ấy chỉ có đàn ông thôi. Một xã hội không có đĩ điếm, không có tham nhũng, không có trộm cắp. Một đời sống trong lành như trong một bầu khí quyển trong veo.
** Theo ông, nếu chúng ta không kịp thời xem xét lại, quan tâm thực sự hơn nữa tới đời sống văn hóa của con người thì điều gì sẽ xảy ra?
Trần Đăng Khoa: Một xã hội bất an không còn ở trong suy nghĩ, trong sự lo lắng nữa mà nó sẽ là sự thật, thậm chí có thể đe dọa cả đến sự tồn tại của chính quyền, của thể chế. Không thể coi thường được.
Không phải vì tôi làm văn hóa mà tôi quá đề cao lý tưởng hay văn hóa đâu, nhưng kỳ thực nó có vấn đề của nó, rất nguy hiểm chứ không bình thường chút nào. Mà sự nguy hiểm xảy đến chính là vào lúc con người ta suy nghĩ một cách giản đơn, dập khuôn và máy móc. Trong khi pháp luật thì lỏng lẻo, thi hành lại xuê xoa, đại khái. Thế nên có nhiều kẻ tìm cách lách luật, vì kẻ phạm tội biết trước hắn bị xử ở khung hình phạt nào rồi.
Người nhà của nạn nhân và cả phía luật sư của bị hại cũng cho rằng, Luyện không thể gây án một mình. Tôi không phân tích ở góc độ của những người làm công tác điều tra, nhưng thành thực mà nói là cũng chẳng lấy gì làm bất ngờ nếu Luyện có đồng phạm và chỉ một mình hắn đứng ra nhận tội, vì "luật đã quy định" hắn đủ điều kiện để thoát án tử hình.
Cháu Bích không đến Tòa được, tại sao không ghi lời kể của cháu rồi coi đó như bằng chứng tại tòa. Cháu vẫn khẳng định có hai người giết bố mẹ và em cháu. Ở lứa tuổi cháu đã có thể nhận biết được rồi. Cháu đâu còn là đứa trẻ lên ba. Tại sao một việc đơn giản như thế, chúng ta lại không làm?
Và hãy xem Luyện đấy, trong Clip tường thuật trực tiếp của VOV. Làm gì có kẻ nào đi tù mà lại béo trắng ra như thế, nhơn nhơn như thế, tôi nhớ mãi cái hình ảnh hắn tủm tỉm cười và nói sẵn sàng nhận mức án cao nhất... hãy nghĩ mà xem, chẳng hóa ra hắn đang cười vào Luật pháp đấy hay sao, chẳng phải cái cười của hắn xem thường vương pháp hay sao, chẳng phải cái cười ấy là chà đạp lên nỗi đau của cả người đã khuất lần người còn sống hay sao...
Những người thực sự tâm huyết với sự phát triển của đất nước này thì chắc chắn họ đau đớn lắm khi nhìn những hình ảnh như thế./.
Theo VOV
Bí ẩn "ký tự" hình xăm trong thế giới ngầm Thượng tá Nguyễn Văn Cao người có gần 20 năm làm cán bộ quản giáo trong trại giam Chí Hòa cho biết, lần đầu tiếp xúc với phạm nhân mới chỉ nhìn hình xăm trên người đối tượng, có thể đọc vị được đến 70% xuất xứ, "thành tích", cũng như "đẳng cấp" của đối tượng. Những kẻ mang "dấu ấn rồng" Với...