Cuộc trao đổi tù nhân lịch sử sẽ giúp ‘tan băng’ quan hệ Mỹ – Nga?
Thỏa thuận thành công mới đây giữa Nga với Mỹ và một số nước khác về trao đổi tù nhân đã làm dấy lên hy vọng về sự ‘ tan băng’ trong quan hệ giữa Moscow – Washington.
Phát biểu tại lễ công bố trao đổi tù nhân hôm 1/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả đây là sự kiện lớn nhất kiểu này kể từ Chiến tranh Lạnh và là “một kỳ tích của ngoại giao và hữu nghị”. Dẫu vậy, Nhà Trắng đã hạ thấp khả năng động thái sẽ giúp hóa giải căng thẳng giữa Mỹ và Nga về một loạt các vấn đề an ninh toàn cầu khác, đặc biệt là chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine.
Theo báo The Hill, khi được hỏi liệu cuộc trao đổi tù nhân có thể thúc đẩy đối thoại với nhà lãnh đạo Nga hay không, ông Biden đáp: “Tôi không cần phải nói chuyện với Vladimir Putin’.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng cho biết, các cuộc đàm phán về tù nhân là quá trình riêng rẽ so với những hoạt động ngoại giao liên quan cuộc xung đột Nga – Ukraine, nơi Kiev vẫn sẽ dẫn đầu bất kỳ nỗ lực ngoại giao nào. Quan chức này nói thêm, Washington đã không có tương tác trực tiếp nào với Tổng thống Putin về việc trao đổi tù nhân nhưng có các cuộc trao đổi rộng rãi với giới chức Nga.
Kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng phát cuối tháng 2/2022, mối quan hệ giữa Moscow và Washington đã sụt giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại. Song, các cuộc đàm phán dẫn đến cuộc trao đổi ngày 1/8 cho thấy các kênh liên lạc giữa giới chức hai bên vẫn mở.
Theo đài CNN, các tướng lĩnh cấp cao của Mỹ và Nga cũng tiếp tục duy trì các đường dây liên lạc quan trọng, chủ yếu để giữ cho hai nước không vô tình đi chệch hướng sang xung đột công khai.
“Những kênh liên lạc đó rất nhạy cảm và cần được bảo vệ vì lí do chính đáng. Việc duy trì các kênh nhạy cảm như vậy cho phép chúng tôi tạo ra kết quả như ngày hôm nay”, ông Sullivan giải thích.
Theo thỏa thuận, Nga và nước đồng minh Belarus phóng thích 16 tù nhân, gồm 3 công dân Mỹ, một người có thẻ xanh (thường trú nhân) Mỹ, 5 người Đức và 7 tù nhân chính trị Nga để đổi lấy tự do cho 8 công dân Nga bị giam giữ ở Mỹ, Đức, Ba Lan, Na Uy và Slovenia.
Alena Kudzko, Phó chủ tịch phụ trách chính sách và lập chương trình tại tổ chức tư vấn GLOBSEC ở Slovakia, nhận định thỏa thuận nói trên là “đỉnh cao của một loạt nỗ lực lâu dài từ cả hai phía”. Bà cũng phản ánh Nga và Belarus đều muốn thử nghiệm xem họ có thể đi xa đến đâu trong đàm phán với các nước phương Tây, ví dụ như có thể đạt được những nhượng bộ về lệnh trừng phạt hay không.
Các nguồn thạo tin tiết lộ, một trong những phần quan trọng của thỏa thuận dường như xoay quanh việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz đồng ý thả Vadim Krasikov, một sát thủ người Nga bị kết án, khỏi nhà tù Berlin. Ông Putin từng đề cập đến Krasikov trong danh sách những người Nga mà Moscow muốn dùng để trao đổi với tự do của các tù nhân Mỹ.
“Những yêu cầu Moscow đưa ra đòi hỏi tôi phải đạt một số nhượng bộ đáng kể từ Đức”, Tổng thống Mỹ Biden nói.
Video đang HOT
Trong số những công dân Đức được phóng thích lần này có Rico Krieger, người bị bắt ở Belarus vào tháng 10/2023 vì cáo buộc “hoạt động lính đánh thuê” và bị Minsk kết án tử hình vì tội khủng bố cùng các tội danh khác. Krieger đã được Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ân xá trong những ngày gần đây.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan cũng chứng minh khả năng trở thành người đối thoại chủ chốt giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây với Nga và đồng minh Belarus, ngay cả khi ông Erdoğan vẫn là tâm điểm gây tranh cãi trong NATO và đe dọa sẽ tấn công Israel, nước được Washington hứa bảo vệ, vì chiến dịch tấn công quân sự chống Phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza. Những tù nhân do Nga phóng thích đã được đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi họ đổi máy bay để về đoàn tụ với gia đình ở Mỹ và châu Âu.
Cựu quan chức ngoại giao Belarus Valery Kavaleuski, giám đốc điều hành Cơ quan Các vấn đề châu Âu – Đại Tây Dương coi đây là “một tiền lệ tích cực, phản ánh thực tế rằng ngay cả khi quan hệ giữa các bên không tốt, họ vẫn đang đạt được một số giải pháp cho các vấn đề nhân đạo như vậy”.
Tuy nhiên, các chuyên gia như John Herbst, người từng giữ chức đại sứ Mỹ tại Ukraine và đang làm Giám đốc Trung tâm Á – Âu của Hội đồng Đại Tây Dương, cảnh báo còn quá sớm để biết cuộc trao đổi tù nhân có báo hiệu sự mở đầu cho hoạt động ngoại giao sâu rộng hơn giữa Mỹ – Nga hay không, khi hai bên còn quá nhiều bất đồng và xung đột lợi ích ở nhiều vấn đề địa chính trị.
Nhiều nhà phân tích nhất trí rằng, cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua với Nga có thể giúp “đánh bóng” di sản chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Biden trong những tháng cuối nhiệm kỳ và tăng lợi thế cho Phó tổng thống Kamala Harris, người sẽ thay ông đại diện đảng Dân chủ “đấu chung kết” với đối thủ Cộng hòa Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Song, diễn biến cũng sẽ khiến ông Biden nhanh chóng hứng chịu chỉ trích từ phe Cộng hòa, những người cáo buộc thỏa thuận đi kèm với “giá đắt” là khuyến khích các kẻ thù Mỹ bắt giữ công dân nước này làm con tin để yêu sách.
Những tranh cãi như vậy được tin sẽ cản trở khả năng Washington tiến xa hơn nữa trong đối thoại với Moscow hay điều chỉnh lập trường cứng rắn hiện tại trước Nga. Do đó, khả năng “tan băng” trong quan hệ song phương hiện rất thấp, ít nhất trong tương lai gần.
Trao đổi tù nhân lớn nhất hậu Chiến tranh Lanh, ông Biden ghi chiến thắng ngoại giao cuối nhiệm kỳ
Ít ai ngờ được rằng, chỉ một tiếng rưỡi trước khi tuyên bố rút khỏi đường đua bầu cử Mỹ, Tổng thống Biden đã thực hiện một cuộc điện đàm thành công trong "canh bạc ngoại giao" nhằm thực hiện một cuộc trao đổi tù nhân đa quốc gia, phức tạp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.
Tổng thống Biden thông báo ngày 1/8 rằng ba công dân Mỹ và một thường trú nhân Mỹ được Nga trả tự do đang trở về nhà. Ảnh: New York Times
Ngay cả trong một thế giới đa nhiệm của tổng thống, ngày 21/7 hóa ra vẫn là một ngày Chủ nhật khác biệt và đầy biến động đối với Tổng thống Biden, hơn nhiều so với mọi người nghĩ.
Lúc 12h09 trưa, ông nhấc điện thoại tại nhà nghỉ dưỡng ở bãi biển Rehoboth, bang Delaware quê nhà, để nói chuyện với Thủ tướng Slovenia như một phần của "canh bạc ngoại giao" có tỉ lệ cược cao nhằm thực hiện một cuộc trao đổi tù nhân đa quốc gia và phức tạp.
Chỉ 97 phút sau, ông đăng trực tuyến một lá thư gây chấn động thế giới từ bỏ nỗ lực tái tranh cử, sau một chiến dịch gây áp lực nặng nề của các đồng minh Đảng Dân chủ, đưa đến đỉnh điểm cuộc khủng hoảng lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông và báo hiệu sự kết thúc nhiệm kỳ tổng thống sau nửa thế kỷ phục vụ đời sống công cộng.
Tuy nhiên, Chủ nhật đó lại dẫn đến một trong những ngày vui nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden chỉ một tuần rưỡi sau đó, khi ông dàn xếp thành công cuộc trao đổi tù nhân đặc biệt, trả tự do cho những người Mỹ bị giam giữ ở Nga.
Đối với Tổng thống Biden và đội ngũ của ông, cuộc đàm phán thành công để trả tự do cho 16 người đang bị Nga giam giữ, bao gồm ba công dân Mỹ và một thường trú nhân Mỹ, đã mang lại một sự xác nhận "ngọt ngào" về di sản của ông, ngay cả khi đồng hồ đang điểm dần đến ngày kết thúc nhiệm kỳ.
Khi Tổng thống Joe Biden xuất hiện cùng người thân của các tù nhân được phóng thích trong Phòng ăn chính tại Nhà Trắng, rõ ràng đó cũng là một việc mang tính cá nhân đối với ông và ông coi đó là một sứ mệnh thay mặt cho đại gia đình Mỹ.
Ông Biden với Miriam Butorin, con gái của nhà báo người Mỹ gốc Nga Alsu Kurmasheva. Ảnh: New York Times
Đội ngũ của Tổng thống Biden đã đề cao tài ngoại giao khéo léo của ông trong việc môi giới thỏa thuận, tập hợp 7 quốc gia trong một cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Và họ nhấn mạnh rằng Biden và chính quyền của ông đã giúp trả tự do cho hơn 70 người Mỹ bị giam giữ ở nước ngoài trong nhiệm kỳ của ông.
Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết: "Đây là Joe Biden cổ điển. Nếu bạn không có Joe Biden ngồi trong Phòng Bầu dục, tôi không nghĩ điều này sẽ xảy ra."
Ông Sullivan, người đã bỏ nhiều công sức cá nhân vào việc đưa các con tin về nhà trong nhiều năm và đã nhiều lần phải thông báo tin xấu cho gia đình họ, đã rơi nước mắt trong phòng họp của Nhà Trắng. "Hôm nay là một ngày tuyệt vời", ông nói nghẹn ngào.
Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đón nhà báo Evan Gershkovich, một tù nhân được Nga trả tự do, tại Căn cứ quân sự Andrews, bang Maryland ngày 1/8/2024 (theo giờ địa phương). Ảnh: Getty Images
Theo một quan chức Mỹ xin giấu tên, chính ông Sullivan là người sắp xếp cuộc gọi quan trọng của Tổng thống với Thủ tướng Robert Golob của Slovenia vào ngày 21/7.
Ngày hôm trước, thứ Bảy 20/7, ông Sullivan đã đến Colorado để dự một cuộc họp của Nhóm Chiến lược Aspen và làm việc qua điện thoại để đạt được thỏa thuận. Ông đã không thể thuyết phục người đồng cấp Slovenia thả hai người Nga đang bị quốc gia Balkan này giam giữ như một phần của cuộc trao đổi nhằm trả tự do cho phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal và những người khác bị Moskva bắt giữ. Vì thế Sullivan đã hỏi liệu ông có thể sắp xếp một cuộc gọi giữa Tổng thống Biden tới Thủ tướng Golob được không.
Theo quan chức Mỹ, sau khi bay về Washington, Cố vấn an ninh quốc gia Sullivan đã gọi điện từ nhà riêng vào Chủ nhật 21/7 và nối máy cho hai nhà lãnh đạo thông qua Phòng Tình huống của Nhà Trắng. Lúc này, ông Biden đang bị ở một mình tại Rehoboth để hồi phục sau Covid, và gần như cả thế giới đều không biết rằng ông đang hoàn tất lá thư rút lui khỏi cuộc đua bầu cử.
Trong cuộc gọi chỉ kéo dài vài phút, ông Biden đã thuyết phục Thủ tướng Golob thả hai người Nga đang bị Slovenia giam giữ. Ông chủ Nhà Trắng thậm chí còn đề nghị đến thăm Slovenia dù chỉ còn vài tháng tại vị để thực hiện ý tưởng đó.
Tin tức về việc Tổng thống Biden rút khỏi bầu cử Mỹ trên màn hình TV vào ngày 21/7. Ảnh: NYT
Khi được hỏi về thời điểm của cuộc gọi ngay trước khi Tổng thống tuyên bố rút khỏi cuộc đua bầu cử, ông Sullivan cho biết đó chỉ là sự tình cờ. "Đó là lúc các mảnh ghép đã vào đúng vị trí", ông nói.
Đó không phải là cuộc trò chuyện duy nhất mà Tổng thống Biden thực hiện trong suốt những tháng qua. Ông đã đích thân liên hệ với các nhà lãnh đạo nước ngoài khác, đặc biệt là Thủ tướng Olaf Scholz của Đức, người trong một thời gian dài đã phản đối việc thả Vadim Krasikov, một sát thủ người Nga bị kết án giết một người ly khai Chechnya ở Đức.
Nhưng trước sự thúc ép của ông Biden và 5 công dân Đức bị cầm tù ở Nga, Thủ tướng Scholz cuối cùng cũng thuận ý. Theo các quan chức Mỹ, ông Scholz nói với nhà lãnh đạo Mỹ: "Vì ông, tôi sẽ làm việc này".
Trong thông báo ngày 1/8, Tổng thống Joe Biden cho biết: "Thỏa thuận biến điều này thành hiện thực là một kỳ công của ngoại giao và tình bạn". Việc không còn phải đối mặt với một cuộc bầu cử có thể đã giúp Tổng thống Biden ở một mức độ nào đó dễ dàng mạo hiểm hơn với bất kỳ hậu quả chính trị nào có thể xảy ra trong vụ trao đổi tù nhân. Đó là một sự thỏa hiệp không thoải mái. Washington chắc chắn không muốn giao nộp Krasikov - cựu đại tá Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB), để đổi lấy những người Mỹ mà họ coi là vô tội như nhà báo Gershkovich của Wall Street Journal, cựu thủy quân lục chiến Paul Whelan và nhà báo Alsu Kurmasheva từng đoạt giải Pulitzer của tờ The Washington Post, đang là thường trú nhân Mỹ.
Việc trao đổi các tù nhân luôn đặt ra câu hỏi khó là liệu nó có khuyến khích phía bắt giữ làm lại việc đó hay không. Không có gì đáng ngạc nhiên khi đảng Cộng hòa nhanh chóng đưa ra quan điểm đó, trong đó cựu Tổng thống Trump chỉ trích việc cho đi bất cứ thứ gì để giải phóng tù nhân Mỹ.
Nhưng trên thực tế, Tổng thống Biden và cố vấn Sullivan đã sớm quyết định rằng, họ nên sẵn sàng thực hiện các thỏa thuận, khi hợp lý, để giải phóng những người Mỹ bị cầm tù.
Trước những lời chỉ trích có thể đoán trước sẽ xuất hiện, họ kết luận rằng thực sự không có chi phí chính trị trong nước đáng kể nào nếu so với việc phóng thích tù nhân Mỹ. Họ lập luận rằng tốt hơn hết là đưa người Mỹ về nước còn hơn là đứng trên những gì mà một số người coi là nguyên tắc vô nghĩa và để công dân được cho là vô tội bị giam cầm trong các nhà tù nước ngoài.
Chính quyền Biden đã từng làm như vậy đối với Trevor R. Reed, một cựu lính thủy đánh bộ Mỹ bị giam giữ ở Nga, và họ cũng làm như vậy một lần nữa đối với Brittney Griner, ngôi sao bóng rổ từng đoạt huy chương vàng Olympic bị bắt ở Moskva với cáo buộc về ma túy mà phía Mỹ bác bỏ.
Phóng viên tờ Wall Street Journal, Evan Gershkovich tại tòa án Nga hồi tháng 4/2024. Ảnh: EPA/Shutterstock
Lúc này, ông còn nhiều việc phải làm. Điển hình là một cuộc điện đàm quan trọng khác cần thực hiện, lần này là với Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel. Rốt cuộc, vẫn còn nhiều cuộc khủng hoảng phải đối mặt hơn, nhiều con tin khác cần phóng thích, và không còn nhiều thời gian nữa.
Nga, Belarus và 5 nước phương Tây thực hiện trao đổi tù nhân lớn nhất sau Chiến tranh Lạnh Theo nhiều nguồn tin chính thức khác nhau, ngày 1/8 (giờ Moskva và Washington) Nga và Belarus đã tiến hành trao đổi với Mỹ cùng 4 nước đồng minh phương Tây tổng cộng 24 tù nhân, trong cuộc trao đổi tù nhân được các bên mô tả là lớn nhất sau Chiến tranh Lạnh, qua quốc gia trung gian Thổ Nhĩ Kỳ. Nga...