Cuộc tình giữa thời trang Mỹ và Washington đứt gánh khi Trump nắm quyền
Mối quan hệ giữa thế giới quyền lực Washington với ngành thời trang Mỹ có thể chấm dứt vì gia đình Donald Trump không quan tâm đến việc truyền tải thông điệp qua trang phục.
Hillary Clinton mặc áo trang phục có màu tím trong bài phát biểu tạm biệt cử tri hôm 9/11. Ảnh: Reuters
Hôm 9/11, khi ứng viên thất cử Hillary Clinton xuất hiện cùng chồng ở khách sạn New Yorker ở thành phố New York để phát biểu tạm biệt cử tri, bà mặc bộ âu phục đặc trưng của nhà thiết kế người Mỹ Ralph Lauren. Cũng giống như nhiều sự lựa chọn trang phục trong quá trình tranh cử, chiếc áo vest màu xám sẫm của Clinton với ve áo màu tím cùng tông màu với áo sơ mi của bà truyền đi thông điệp: hai màu sắc đỏ và xanh (màu đại diện cho đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ) có thể hòa hợp để tạo ra một màu tím.
Tuy nhiên, sự kết hợp này có lẽ là biểu tượng cho đoạn kết của “cuộc tình” giữa giới thời trang Mỹ và giới quyền lực chính trị ở Washington, theo New York Times.
Mối quan hệ mặn nồng
Ngành thời trang cam kết trung thành với bà Clinton hơn bất kỳ ngành công nghiệp nào khác. Trước ngày bầu cử, tạp chí thời trang danh tiếng Vogue chính thức tuyên bố ủng hộ Clinton và đây cũng là lần đầu tiên tạp chí này công khai đứng về một ứng viên trong một cuộc bầu cử tổng thống. Stefano Tonchi, tổng biên tập tạp chí thời trang W, cũng tuyên bố ủng hộ bà Clinton trong một lá thư của ban biên tập.
Diane von Furstenberg, nhà thiết kế kiêm chủ tịch Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Mỹ (CFDA) và Anna Wintour, tổng biên tập tạp chí Vogue, đã hăng hái kêu gọi quyên góp cho quỹ vận động tranh cử của bà Clinton. Tuần trước ngày bầu cử, họ chủ trì một sự kiện gây quỹ cho bà Clinton ở Washington tại tư dinh của Connie Milstein, một nhà tài trợ lớn của đảng Dân chủ.
Các nhà thiết kế thời trang bao gồm Tory Burch, Marc Jacobs và Prabal Gurung thậm chí còn tạo ra bộ sưu tập thời trang Made for History cho gian hàng bán đồ gây quỹ vận động tranh cử của bà Clinton.
Nhà thiết kế Ralph Lauren trên thực tế đã trở thành cố vấn trang phục của bà Clinton, hỗ trợ bà xây dựng hình ảnh từ đại hội đảng Dân chủ cho đến các cuộc tranh luận trực tiếp với Donald Trump.
Đó là đỉnh cao huy hoàng của mối quan hệ bắt đầu từ khi bà Clinton xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Vogue tháng 12/1998. Đây cũng là lần đầu tiên một đệ nhất phu nhân Mỹ làm vậy.
Mối quan hệ này càng thăng hoa dưới thời chính quyền Obama khi đệ nhất phu nhân Michelle Obama đón nhận niềm nở thế giới thời trang từ các thương hiệu bình dân như J.Crew, các nhà thiết kế trẻ như Jason Wu và Christian Siriano cho đến những tên tuổi kỳ cựu như Michael Kors và Vera Wang. Bà Obama cũng xuất hiện trên bìa tạp chí Vogue ba lần vào các năm 2009, 2013 và số phát hành vào tháng 12 năm nay.
Joseph Altuzarra, người thiết kế trang phục cho Michelle Obama, cho biết đệ nhất phu nhân sử dụng thời trang để truyền tải các thông điệp. Bà Clinton có lẽ sẽ tiếp tục xu hướng đó nếu đắc cử, nhưng gia đình Trump thì không.
Anna Wintour, tổng biên tập tạp chí thời trang Vogue (trái) và Hillary Clinton. Ảnh: NYTimes
Không gần gũi với thời trang Mỹ
Một điều gây chú ý là vào đêm bầu cử, bà Melania Trump mặc một bộ jumpsuit màu trắng do Ralph Lauren thiết kế. Tuy nhiên, bộ trang phục này được bà mua từ các cửa hàng bán trang phục may sẵn chứ không phải do bà hợp tác với Lauren để tạo ra nó. Thực tế, tất cả trang phục mà bà mặc trong hành trình vận động tranh cử cho chồng dường như được bà mua sắm ngẫu nhiên chứ không phải được chọn mua một cách có tính toán chiến lược. Có thể nói rằng đây là khía cạnh khiến người phụ nữ sống trong một căn hộ penthouse hào nhoáng trở nên bình thường vì cách bà mua trang phục cũng giống như bao người khác. Tuy nhiên, điều đó cho thấy có một khoảng cách nhất định giữa bà và giới thời trang.
Ralph Lauren là một thương hiệu tiếng tăm của Mỹ và việc khoác lên người bộ trang phục của nhà thiết kế này có thể biểu thị rằng bà ủng hộ tài năng và ngành công nghiệp thời trang trong nước. Song một điều đáng chú ý khác là phu nhân của Donald Trump cũng mặc những bộ trang phục của các thương hiệu nước ngoài như Fendi (Italy), Roksanda Ilincic (Anh) và Emilia Wickstead (Anh) trong hành trình vận động. Khi đi bỏ phiếu, bà Trump đã mặc chiếc áo khoác của thương hiệu Balmain (Pháp).
Video đang HOT
Các trang phục của bà và những thành viên còn lại trong gia đình không được sử dụng theo cách truyền thống là làm nổi bật thời trang của nước Mỹ – mặc dù “Made in America” là một trong những nền tảng được ông Trump thúc đẩy mạnh mẽ trong chiến dịch .
Bản thân ông Donald Trump trung thành với bộ vest của hãng thời trang Brioni (Italy) và những chiếc cà vạt màu đỏ sản xuất ở Trung Quốc từ nhãn hiệu của chính mình. Ivanka Trump, con gái của ông, có nhiều phong cách và sử dụng nhiều thương hiệu cao cấp nổi tiếng, trong đó có thương hiệu của chính cô và các nhà thiết kế khác, chẳng hạn bộ váy xanh ngọc bích của nhà thiết kế Pháp Roland Mouret mà cô diện ở cuộc tranh luận tổng thống thứ ba, hay bộ đầm của của nhà thiết kế Anh Alexander McQueen mà cô mặc tại đại hội đảng Cộng hòa.
Theo Marcus Wainwright, giám đốc điều hành của thương hiệu thời trang Rag & Bone, nếu có một thông điệp thống nhất đối với các tủ đồ của nhà Trump, đó không phải là “được sản xuất trong nước” mà là “trông có vẻ giàu có”.
Có thể vì Trump và con gái Ivanka đều có thương hiệu thời trang của riêng mình nên họ xem trang phục đơn thuần chỉ là sản phẩm hơn là phương tiện để chuyển tải thông điệp chính trị. Còn Melania, với tư cách là một công dân bình thường, bà không thực sự cần phải thể hiện thông điệp nào đó qua cách chọn trang phục.
Melania Trump mặc áo khoác của thương hiệu Pháp khi đi bầu cử. Ảnh: NYTimes
Bối rối trước thực tế mới
Nhắc đến bài phát biểu chiến thắng mang tính hòa giải của ông Trump, nhà thiết kế Diane von Furstenberg nói rằng có thể quan điểm của ông Trump về trang phục sẽ thay đổi khi ông bước vào Nhà Trắng. Marcus Wainwright cũng đồng tình với ý kiến này và cho rằng có thể ông Trump sẽ sử dụng trang phục để thể hiện sự cam kết của ông đối với việc hỗ trợ ngành may mặc và các nhà máy trong nước.
Song các dự đoán trên không thực sự thuyết phục. Thực tế mới khiến ngành thời trang cảm thấy bối rối. Stefano Tonchi, tổng biên tập của tạp chí W nói rằng tình hình mới “khiến bạn nhận ra rằng chúng tôi bất lực biết bao”. Theo Wainwright, thật khó để hình dung ngành thời trang sẽ phải làm gì với chính quyền mới. “Trang phục là một công cụ nhưng nếu chúng không được sử dụng ở nơi mà mọi người đều có thể thấy, thì liệu chúng có tạo ra tác động nào không?”, ông nói.
Giờ đây, ngành thời trang Mỹ phải xoay sở ứng phó với những gì xảy ra tiếp theo: làm sao có thể định vị được chính mình nếu thời trang bị gạt ra rìa và chỉ còn được xem là những bộ đồ chỉ để chưng diện trong chính quyền của Trump và liệu có xuất hiện những tác động xấu vì ngành thời trang cam kết trung thành với đối thủ của tổng thống đắc cử hoặc vì một số phát ngôn tức giận của các nhà thiết kế trên mạng xã hội sau khi Clinton thua cuộc.
Phép thử lớn nhất đầu tiên cho mối quan hệ giữa chính quyền mới và ngành thời trang Mỹ sẽ diễn ra tại buổi lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống khi mà hàng triệu ánh mắt trên thế giới hướng về đệ nhất gia đình của nước Mỹ cũng như những gì họ mặc.
Không một nhà thiết kế nào mà NYTimes phỏng vấn nói họ sẽ từ chối thiết kế trang phục cho Melania Trump nếu được bà đề nghị, mặc dù nhà thiết kế Diane von Furstenberg cho rằng phu nhân của Trump có thể không cần sự giúp đỡ của ai cả. “Tôi chắc chắn bà ấy biết phải làm gì” vì bà ấy là một cựu người mẫu, Furstenberg cho biết.
Joseph Altuzarra chỉ ra rằng Ivanka Trump từng mặc trang phục của mình và nói rằng: “Tôi bất đồng ý kiến với họ, nhưng tôi không muốn từ chối thiết kế cho họ”.
Marcus Wainwright, giám đốc điều hành của thương hiệu thời trang Rag & Bonem, cũng đồng tình ý kiến này. “Sẽ là đạo đức giả nếu từ chối thiết kế trang phục cho thành viên của gia đình Trump. Nếu chúng ta nói chúng ta phục vụ tất cả và làm cho ngành sản xuất Mỹ hùng mạnh một lần nữa thì chúng ra phải đặt điều đó lên trên quan điểm chính trị cá nhân”, ông nói.
Nếu dựa vào sự lựa chọn trang phục của Melania Trump trước đây thì có thể suy đoán rằng bà sẽ tiếp tục thói quen lâu nay là mặc một bộ trang phục thuộc thương hiệu thời trang cao cấp châu Âu đến một sự kiện có lẽ là trang trọng nhất trong cuộc đời của bà. Nếu như vậy, đó sẽ gần như là một tuyên bố độc lập của bà với ngành thời trang Mỹ.
Hồng Vân
Theo VNE
Những khoảnh khắc đáng nhớ trong 8 năm ở Nhà Trắng của Obama
8 năm tại nhiệm của Tổng thống Obama được ghi lại qua những bức ảnh, từ giây phút gay cấn của chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố đến khoảnh khắc vui đùa bên trẻ nhỏ.
Những khoảnh khắc này nằm trong số khoảng hai triệu bức ảnh được nhiếp ảnh gia Nhà Trắng Pete Souza chụp lại suốt thời gian ông Obama lãnh đạo nước Mỹ.
Ngày 20/1/2009, trước khi tuyên thệ nhậm chức, ông Obama ngắm mình trong gương lần cuối. Đứng ở phía sau tại tòa nhà quốc hội Mỹ, ông Souza đã ghi lại hình ảnh này.
Cũng trong ngày hôm đó, Tổng thống Obama và Đệ nhất phu nhân Michelle được bắt gặp đang âu yếm nhìn nhau trong khi các nhân viên Nhà Trắng và Mật vụ Mỹ xung quanh cố gắng ngó lơ.
"Chúng tôi đang ở trong một thang máy chở hàng đi lên một trong những bữa tiệc nhậm chức. Trời khá lạnh, vì thế tổng thống đã cởi áo vest của ông và choàng lên vai vợ", ông Souza kể.
Nhân viên vệ sinh Lawrence Lipscomb đụng nắm tay với ông Obama ngày 3/12/2008, sau phiên khai mạc Diễn đàn Việc làm và Tăng trưởng Kinh tế tại tòa nhà Eisenhower, gần Nhà Trắng.
Obama nói chuyện với các cố vấn trên bậc thềm nhà đại sứ Mỹ ở Paris năm 2009.
Ông Obama cúi xuống cho Jacob Philadelphia, 5 tuổi, con trai của một nhân viên Nhà Trắng, sờ lên đầu khi cậu bé muốn biết tóc của tổng thống như thế nào.
Ngày 2/5/2011, ông Obama cùng phó tổng thống Joe Biden và các quan chức an ninh quốc gia theo dõi diễn biến cuộc đột kích vào nhà của trùm khủng bố Osama bin Laden tại Phòng Tình huống trong Nhà Trắng. Kẻ sáng lập ra al-Qaeda, tổ chức đứng sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 làm gần 3.000 người Mỹ thiệt mạng, đã bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trong đêm.
Obama bơi ở biển Hawaii ngày 3/1/2012. Hòn đảo quê hương là nơi tổng thống thường cùng gia đình và bạn bè đón năm mới.
"Ai muốn thử một miếng bánh dâu của bác cũng được", ông nói trong một bữa ăn trưa tại nhà hàng ở Oak Harbor, Ohio tháng 7/2012. Một cậu bé sau đó đã tiến tới và cắn một miếng bánh lớn.
Ông Obama và hai con gái xem bà Michelle phát biểu tại Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ tháng 9/2012 qua tivi.
Ông Obama chơi đùa với cậu bé Nicholas Tamarin, 3 tuổi, con trai của một cố vấn, ở ngoài Phòng Bầu dục, dịp Halloween năm 2012.
Nhiếp ảnh gia Souza cho hay ông Obama đã nói rằng đây là bức ảnh yêu thích của ông năm đó và nó đã được treo ở Cánh Tây Nhà Trắng.
Ông Obama cùng Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và những người khác theo dõi trận chung kết Champions League giữa Chelsea và Bayern Munich tại hội nghị G8 năm 2012.
Tổng thống cùng các quan chức Nhà Trắng nhìn qua cửa sổ của chuyên cơ thị sát thiệt hại sau bão ở Oklahoma vào tháng 5/2013. Sau khi máy bay hạ cánh, ông đã đi quanh thành phố Moore và gặp những người chịu ảnh hưởng của thiên tai.
Ông Obama điện đàm với Tổng thống Nga Putin trong cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014.
Tổng thống Mỹ vẫy tay chào trên chuyên cơ Air Force One, tại sân bay quốc tế Norman Manley ngày 9/4/2014, trước khi rời Jamaica trong ánh cầu vồng.
Ông Obama tỏ ra thành thạo khi hai tay bế hai đứa con vừa chào đời của một nhân viên Nhà Trắng vào tháng 6/2015. "Tổng thống bế hai bé trai sinh đôi của Katie Beirne Fallon, giám đốc các vấn đề lập pháp, tại Phòng Bầu dục, chỉ vài tháng sau khi chúng chào đời", ông Souza kể.
Hai nhiệm kỳ tại Nhà Trắng của ông Obama sắp kết thúc với lời cam kết chuyển giao quyền lực suôn sẻ cho tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức, trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ vào ngày 20/1/2017.
Anh Ngọc
Theo VNE
Phu nhân ông Obama và ông Trump gặp nhau ở khu biệt lập Trong lúc chồng họ trò chuyện với nhau tại phòng Bầu dục, bà Michelle Obama và bà Melania Trump cũng đã gặp nhau ở một phòng khác trong Nhà Trắng. Bà Melania Trump đã có cuộc gặp với đệ nhất phu nhân Michelle Obama tại Nhà Trắng - Ảnh: AFP Theo hãng tin AFP, cuộc gặp đầu tiên giữa hai người phụ nữ...