Cuộc thực nghiệm địa chính trị 2014 của Putin
Tổng thống Nga Putin trong năm 2014 đã thực hiện một cuộc “thực nghiệm” địa chính trị lớn. Cuộc thực nghiệm ấy là cơ hội để ông xem xét tầm nhìn của mình trong quan hệ quốc tế và vị trí của Nga trên vũ đài thế giới.
Nước Nga bắt đầu một năm với dấu ấn ngoạn mục ở Thế vận hội mùa đông tại Sochi trị giá nhiều tỉ USD đầu tư và Nga đứng đầu bảng tổng sắp huy chương. Không lâu sau đó, quyết định sáp nhập Crưm hồi tháng 3 được người dân Nga ủng hộ. Tỉ lệ tín nhiệm của Putin tăng vọt từ khoảng 60% đầu năm lên 80%.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama. Ảnh: ABCNews
Dĩ nhiên, cái giá phải trả của Putin khi sáp nhập Crưm, đó là sự cô lập của phương Tây, đặc biệt các biện pháp trừng phạt kinh tế đang bắt đầu thấm đòn. Tháng 6, các nước G8 tẩy chay hội nghị thường kỳ của khối vốn dự kiến tổ chức tại Sochi, rồi tuyên bố loại bỏ Moscow ra khỏi khối. Tháng 11, tại hội nghị G20 ở Australia, Putin đã rời hội nghị sớm khi chủ nhà đón tiếp lạnh nhạt và các lãnh đạo phương Tây gây sức ép.
Video đang HOT
Nước Nga chưa từng chứng kiến một tình trạng khẩn cấp quốc gia như hiện tại kể từ 2002. Tính đến thời điểm hiện tại, đồng rúp đã giảm hơn 40% so với đô la. Dự trữ ngoại hối Nga giảm gần 100 tỉ USD. Lạm phát ở mức 9,1% tính đến tháng 11 và có thể sớm tăng lên hai con số…
Ông Putin trong thông điệp liên bang đầu tháng 12 phải thừa nhận: “Nước Nga vừa trải qua một năm đầy khó khăn”. Ngay cả giới phân tích tại Nga cũng đánh giá, ông Putin hiện đang ở tình thế khó khăn nhất kể từ khi lên nắm quyền. Điều này không chỉ đúng với chính sách ngoại giao mà còn ảnh hưởng tới chính sách đối nội của Moscow.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cảnh báo về hậu quả khi “gấu Nga” bị “dồn vào chân tường”. Bắt tay với TQ, ông Putin không ngại ngần chuyển tải thông điệp với phương Tây rằng, nếu bị cô lập, Moscow sẽ tìm tới phương Đông cho các dự án, thoả thuận năng lượng, những hợp đồng quân sự và liên minh chính trị mới.
Con át chủ bài của Moscow là một thoả thuận cung cấp khí tự nhiên với TQ thành hiện thực sau nhiều năm đàm phán; là thúc đẩy hợp tác với Ấn Độ. Nga còn không ngừng củng cố các liên kết kinh tế khu vực, tăng cường quan hệ với các nước SNG, mở rộng hợp tác với khu vực châu Á – TBD và Mỹ Latin và giữ tiếng nói quan trọng tại các diễn đàn khu vực như Liên minh kinh tế Á-Âu, BRICS, SCO (Tổ chức hợp tác Thượng Hải)…
Tiến sĩ Andrew C. Kuchins, Giám đốc, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Chương trình Nga và Âu-Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy các biện pháp trừng phạt sẽ thay đổi cách hành xử của Nga. Thay vào đó sẽ chỉ khuyến khích ông Putin và người Nga giữ nguyên quan điểm.
Còn George Friedman, nhà sáng lập, lãnh đạo công ty tình báo tư nhân lớn nhất thế giới Stratfor nhận xét: “Nếu muốn giết gấu Nga, thì phải giết được ngay, chứ gấu bị thương thì đó là thảm họa với tất cả, và việc tiêu diệt được nước Nga là cực kỳ khó khăn”…
Với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình. Ảnh: Getty Images
Nhiều danh xưng mà Putin liên tiếp có được những tháng cuối năm chứng tỏ 2014 là một năm quyền lực của ông dù có rất nhiều thách thức phải đối mặt. Ở nước ngoài, năm thứ hai liên tiếp, ông Putin được tạp chí Forbes bình chọn là nhân vật quyền lực nhất thế giới. Vì những ảnh hưởng lớn đến thế giới trong năm qua, Tạp chí Time đề cử ông là Nhân vật của năm. Trong nước, mặc nền kinh tế Nga chao đảo, dân Nga cũng vẫn chọn Putin là “Người đàn ông của năm”. Đây là lần thứ 15 kể từ 1999, ông nhận được danh hiệu này.
Nếu như trước đây, chính sách đối ngoại của Putin không vượt quá điều gọi là phản ứng với những thách thức bên ngoài thì trong 2014, ông đã quyết định so sánh tầm nhìn thế giới mà ông suy nghĩ bấy lâu với thực tế khách quan.
Tầm nhìn ấy là phương Tây không công nhận Nga là đối tác bình đẳng, và hơn thế nữa, họ đang sử dụng nhiều phương cách để dung hòa tiềm năng quân sự chiến lược của Nga; rằng văn minh phương Tây đang khủng hoảng và vai trò dẫn dắt toàn cầu của họ mất dần; rằng ngoại giao thông minh là Nga cần quản lý và xây dựng các mối quan hệ đối tác với những quốc gia “không phải phương Tây”; rằng trong một cuộc đối đầu công khai giữa Nga và phương Tây, thì bất đồng giữa Mỹ và châu Âu sẽ ngày càng sâu sắc và châu Âu có thể cuối cùng đứng về phía Nga; rằng cuối cùng cuộc khủng hoảng, Nga sẽ trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu, công khai thách thức với bá quyền Mỹ; và những sụt giảm kinh tế Nga có thể được bù đắp bằng những ảnh hưởng chính trị gia tăng…
Bước sang năm 2015, Tổng thống Putin có thể sẽ tiếp tục theo đuổi các mục tiêu phù hợp với thế giới quan của ông đã đề cập ở trên. Ông sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng quan hệ với cá nhân từng nước châu Âu để phá vỡ sự thống nhất của một khối phương Tây – đặc biệt về mặt chính sách cấm vận; tiếp tục những sáng kiến táo bạo tại các hội nghị của BRICS, SCO, G-20 và các nhóm “phi phương Tây” khác; thực thi nhiều biện pháp để giữ vững ổn định chính trị – kinh tế trong nước…
Tuy vậy, những khó khăn và bấp bênh mà Nga đã và đang phải đối mặt về kinh tế và ngoại giao cũng có thể khiến Putin điều chỉnh cuộc thực nghiệm của mình trong năm mới.
Putin vẫn giữ được tỉ lệ ủng hộ trên 80% trong nước. Nhưng, sự ủng hộ ấy đang đứng trước quá nhiều áp lực và tác động – chủ yếu là người dân bắt đầu cảm thấy là nạn nhân của các biện pháp trừng phạt phương Tây. Tổng thống Nga có quá nhiều việc để làm phía trước nếu muốn giữ nguyên hình ảnh “người hùng”.
Theo Thái An
Vietnamnet