Cuộc tập trận có thể tăng nhiệt bán đảo Triều Tiên tuần tới
Tập trận Mỹ – Hàn tuần tới có thể làm căng thẳng bán đảo Triều Tiên lại gia tăng vì Bình Nhưỡng coi đây là hành động gây hấn.
Mỹ – Hàn tập trận chung hồi tháng 4. Ảnh: AFP
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc sẽ tập trận vào tuần tới, trong bối cảnh Mỹ – Triều vừa trải qua căng thẳng chưa từng có với những lời đe dọa và đấu khẩu gay gắt.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như đã ám chỉ cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn trong tuyên bố ngày 15/8. Ông nói rằng ông sẽ quan sát thêm các hành động của Mỹ trước khi ra quyết định phóng tên lửa vào vùng biển gần Guam, theo CNN. Nhiều người lo ngại căng thẳng vừa được xoa dịu sẽ lại bùng nổ vào tuần sau, khi tập trận diễn ra.
Tập trận Mỹ – Hàn đã được tổ chức kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng lệnh ngừng bắn năm 1953. Hai cuộc tập trận chính được tổ chức hàng năm gồm Foal Eagle – Key Resolve (FEKR) vào tháng 3 hoặc tháng 4, và Ulchi Freedom Guardian (UFG) vào tháng 8.
Theo phát ngôn viên của Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK), cả hai bài tập này đều nhằm mục đích “làm nổi bật mối quan hệ quân sự lâu dài” giữa hai nước và cải thiện ổn định và an ninh trên bán đảo Triều Tiên.
Video đang HOT
Các cuộc tập trận hồi đầu năm nay chủ yếu là thao dượt bắn đạn thật. Hàng chục xe tăng, trực thăng và máy bay tấn công các mục tiêu mô phỏng địch. Trong khi đó, sự kiện diễn ra tuần tới, Ulchi Freedom Guardian, nhìn chung có quy mô nhỏ hơn, với các bài tập về phản ứng trước kịch bản khủng bố và vũ khí hóa học.
Phát biểu sau cuộc tập trận hồi tháng ba, phó chỉ huy của USFK, tướng Thomas Bergeson, cho biết sứ mệnh của liên minh Mỹ – Hàn “trước hết là ngăn chặn bất kỳ hành động gây hấn nào của Triều Tiên”.
Tranh luận
Daniel Pinkston, giáo sư Quan hệ Quốc tế tại Đại học Troy, Seoul, cho rằng các bài tập này rất quan trọng đối với lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. “Có rất nhiều kịch bản nhiệm vụ cần tập dượt. Những điều rất phức tạp phải được phối hợp và thực hiện”, ông nhận định.
Pinkston nói thêm rằng việc không tổ chức tập trận có nguy cơ làm suy yếu “khả năng của quân đội Hàn Quốc và Mỹ khi đối phó với những tình huống bất ngờ”.
Trong khi đó, những người chỉ trích cho rằng cuộc tập trận khiêu khích Triều Tiên một cách không cần thiết, vào thời điểm căng thẳng gia tăng do chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
“Tập trận cứ diễn ra là có vấn đề. Triều Tiên coi đây là hành vi khiêu khích”, John Delury, giáo sư tại Đại học Yonsei ở Seoul, nhận xét. “Mỹ và Hàn Quốc có thể nói các cuộc tập trận chung là nhằm phòng thủ nhưng Triều Tiên không nghĩ vậy”, ông nói.
Mặc dù các bài tập tuần tới mang tính mô phỏng nhiều hơn và nội dung không mang nhiều tính răn đe Triều Tiên như Foal Eagle – Key Resolve thì “trong mắt Triều Tiên, đó vẫn là hành vi khiêu khích quân sự lớn”, Tong Zhao, một thành viên của Trung tâm Carnegie-Tsinghua về chính sách toàn cầu ở Bắc Kinh, đánh giá.
“Có những cuộc tranh luận ở Washington và Seoul về khả năng giảm quy mô tập trận”, Zhao nói thêm. “Nhiều chuyên gia Mỹ chỉ ra rằng có thể sửa đổi và giảm bớt các bài tập mà không làm suy yếu nghiêm trọng khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội.
Trong khi đó, Pinkston cho rằng những lời kêu gọi giảm quy mô hoặc đình chỉ tập trận chung là sai lầm. Theo ông, điều đó sẽ làm tăng nguy cơ thay vì giảm mối đe dọa từ Triều Tiên.
“Đó sẽ là hành động liều lĩnh và thiếu trách nhiệm, hãy xem những hành vi của Triều Tiên”, ông nói, ám chỉ chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo Vnexpress
Mỹ-Hàn tập trận bất chấp căng thẳng với Triều Tiên
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc sẽ tổ chức tập trận chung vào cuối tháng này, bất chấp căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên.
Quân đội Mỹ-Hàn tham gia một cuộc tập trận gần biên giới với Triều Tiên.
Các quan chức quân sự Hàn Quốc ngày 11.8 thông báo, cuộc tập trận thường niên Người bảo vệ tự do Ulchi, dự kiến diễn ra từ 21 đến 31.8, sẽ không trì hoãn bất chấp căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, khoảng 40.000 binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc sẽ tham gia cuộc tập trận chung được tổ chức trên bộ, trên không và biển tại Hàn Quốc. Trước đó, Seoul và Washington miêu tả cuộc diễn tập Người bảo vệ tự do Ulchi nhằm mục đích ngăn chặn đe dọa từ Triều Tiên.
Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc cho biết cuộc diễn tập rất cần thiết để "nâng cao khả năng sẵn sàng của đồng minh, bảo vệ khu vực và duy trì sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên".
Hàn Quốc hiện tại có sự hiện diện của khoảng 35.000 binh sĩ Mỹ, số lượng binh sĩ Mỹ lớn thứ ba tại nước ngoài sau Nhật Bản và Đức.
Ngày 10.8, quân đội Mỹ cũng tổ chức một cuộc tập trận khác mang tên Northern Viper 17 với quốc gia đồng minh Nhật Bản. Cuộc diễn tập có sự tham gia của 3.500 binh sĩ Mỹ và Nhật Bản cùng 18 máy bay.
Cuộc tập trận Northern Viper 17 diễn ra ngay sau khi Bộ Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tuyên bố rằng hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của nước này sẽ bắn hạ tên lửa của Triều Tiên trước khi chúng bay tới đảo Guam.
Trước đó, Triều Tiên tuyên bố nước này sẽ phóng 4 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa về phía đảo Guam vào giữa tháng 8 như một cuộc diễn tập chiến tranh với Mỹ. Theo kế hoạch của Bình Nhưỡng, tên lửa sẽ bay qua Nhật Bản và đáp xuống biển cách đảo Guam khoảng 30 đến 40 km.
Theo Danviet
1.000 lính áp sát Ấn Độ, báo TQ đếm ngược chiến tranh Báo Trung Quốc ngày 9.8 đăng tải bài xã luận kêu gọi Ấn Độ rút quân khỏi khu vực tranh chấp trên cao nguyên Doklam trước khi quá muộn. Binh sĩ quân đội Trung Quốc. Theo Times of India, Trung Quốc Nhật báo (China Daily), tờ báo nhà nước Trung Quốc ngày 9.8 đã đăng tải bài xã luận kêu gọi Ấn Độ...