Cuộc sum họp bất ngờ
Cuộc sum họp bất ngờ thành ngày vui quây quần tưng bừng. Mà ngày vui rồi cũng qua mau…
Chị điện thoại cho tôi nói mới đi khám bệnh về. Chị bị gì mà đi bác sĩ? Âm thanh sụt sịt vang lên: “Ờ, thì thấy mệt mệt mỏi mỏi chỗ này chỗ kia tưởng là nhức đầu, đau khớp thường thường thôi, ai ngờ là ung thư em à…”.
Tính chị hay than thở bèo nhèo nên tôi tay này cầm điện thoại áp vô tai tay kia tranh thủ cầm giẻ lau bàn, hai tiếng ung thư khiến cái giẻ trong tay tôi rớt xuống nền. Tôi lặng người một hồi mới mở miệng được: “Chị nói sao? Bịnh đó phải khám đi khám lại nhiều lần mới…”. Tôi nói để mà nói, cố thắp lên niềm hy vọng mong manh.
Giọng chị nghèn nghẹn: “Bác sĩ cho làm đủ thứ xét nghiệm này kia rồi”.
Đường dây nín lặng thật lâu. “A lô, em còn nghe không?”. “Em đây”, tôi trả lời, không biết nói gì thêm. Rồi tôi bật ra: “Mấy đứa con của chị hay tin chưa?”. Giọng chị sũng nước: “Chị chưa nói cho đứa nào biết cả. Mà nói làm chi. Thôi, đau bịnh chị tự lo. Tụi nó đứa nào cũng bận rộn công chuyện làm ăn. Hôm bữa chị bị viêm họng tắt tiếng luôn mà mỗi đứa gửi về cho mấy triệu, con Út còn thêm hộp sâm, rồi thôi, có đứa nào về nấu cho miếng cháo được đâu…”.
“Chị hay ghê, sao lại so viêm họng với ung thư” – biết tính chị hay than thở sa đà nên tôi gắt lên: “Có bịnh thì chạy chữa, khi nào trời kêu thì dạ. Đừng có nghĩ ngợi quanh quẩn rồi trách móc tào lao. Nhiều người mong con cái thành đạt như chị mà không được. Chị có muốn nay đứa này về khóc lóc tỉ tê mượn sổ đỏ đi cầm ngân hàng xoay tí vốn, mai đứa kia về cãi lộn đòi bán nhà bán đất chia thừa kế không?”.
Hiệu nghiệm ngay lập tức, chị nín thinh, rồi tiếng thút thít vang lên.
Chẳng biết làm sao để chị chấm dứt ca cẩm thì tôi nói: “Vậy thôi, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh…”.
Đến thăm chị, tôi nhìn thấy khoảng sân đầy vôi vữa và bụi xi măng vì hàng xóm đang sửa nhà. Chị vốn kỹ tính, bày bừa vậy mà không quét dọn ngay hẳn là chị đang mệt ghê lắm.
***
Tôi là người gọi điện thoại báo tin cho mấy đứa con của chị. Cũng như tôi, đầu dây bên kia choáng váng đến nỗi một hồi sau mới lắp bắp: “Dì nói sao?”.
Bốn tiếng sau, điện thoại của tôi reo vang. Giọng đứa cháu hoang mang: “Có phải chính dì nói với cháu là má bị ung thư?”. Tôi chưng hửng, xảy ra chuyện gì mà có câu hỏi này?
Ngay lập tức tôi chạy tới nhà chị. Con trai, con gái, dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại đầy đủ. Chị đang chống nạnh ra vẻ giận dữ mà miệng cười vui, tụi mày sợ mất công về thăm má nên trù ẻo má bị ung thư hả?
Thằng con trai lớn nửa cười nửa mếu: “Nghe dì báo tin là con quýnh quáng bỏ luôn cuộc họp quan trọng chiều nay đó má à!”.
Chị tỉnh bơ: “Má có nói gì đâu, tại mấy đứa nghe lời dì ráng chịu!”.
Cô con gái cũng nửa cười nửa mếu: “Thôi lần sau đừng vậy nữa nghe má, má làm tụi con đau tim quá!”.
Video đang HOT
Chị dỗi: “Tụi mày mà cũng biết đau tim vì má à? Không nói bị ung thư thì tụi mày có chịu về ngay không?”.
- Má ơi, cô con dâu dàn hòa, coi như hôm nay cả nhà mình được ngày quây quần sum họp, má đừng hờn lẫy nữa. Thôi để tụi con bày ra nấu nướng một bữa cho vui.
Quay qua tôi, chị mím môi:
- Cha nội hàng xóm thấy chị một mình nên tưởng bở. Sửa nhà cửa vôi vữa dơ dáy thì chị thông cảm nhưng thợ thầy bầy hầy nhậu nhẹt mùi rượu, mùi thuốc lá hôi rình. Chị nói là làm ơn đừng có búng tàn thuốc qua đây. Cha nội đó không xin lỗi còn nói với thợ thầy là đàn bà một mình khó chịu đừng chấp. Chị phải kêu tụi nó về đây cho người ta thấy là chị đâu có trơ trọi.
Tôi nhìn ra sân, bốn đứa con, hai đứa về bằng máy bay, tay kéo va-li, còn hai đứa chạy xe hơi về, hai con xe BMW và Mercedes bóng lộn choán một nửa sân. Mấy đứa cháu đang rượt nhau chạy quanh vườn và cười nắc nẻ còn con gái và con dâu thì băm băm chặt chặt trong bếp, mùi thơm tỏa khắp.
Ảnh minh họa
Tôi liếc qua hàng rào, người mà chị gọi là cha nội hàng xóm có đang nhìn qua để mà ghen tị và mong được như chị?
Hai thằng con trai sau mấy câu nhăn nhó cũng cười hì hì ôm vai chị: “Tại má không chịu về phố ở với tụi con, má ở đây một mình làm chi cho người ta ăn hiếp”.
Chị chành miệng:
- Ai dám ăn hiếp má? Muốn tụi mày về chơi một bữa nên má nói vậy chớ cha nội đó mà khiến má sợ được à?
Bầy con phá ra cười. Mấy đứa cháu ngơ ngác không hiểu tại sao ba má mình vừa bị bà nội mắng mỏ mà lại cười vui đến vậy.
Dứt cơn cười, chị tròn mắt nhìn theo con gái cầm hộp bánh đi qua nhà cha nội hàng xóm: “Dạ hai bác khỏe không ạ? Dạ có gì đâu, anh chị em tụi cháu nhớ má quá nên rủ nhau về thăm nhà. Dạ không có gì, chỉ hộp bánh biếu hai bác cho vui thôi mà!”.
Đợi con gái về, chị cau có: “Mắc mớ gì…”.
Con gái vuốt ve vai chị: “Má ở một mình thì phải ngoại giao với hàng xóm, tối lửa tắt đèn, lỡ có chuyện gì mà tụi con không về kịp thì sao?”.
Chị ngẩn người, ờ, cứ tưởng con mình chỉ to xác mà thôi, ra là nó khôn hơn mình rồi!
***
Cuộc sum họp bất ngờ thành ngày vui quây quần tưng bừng. Mà ngày vui qua mau… Ngồi gần cái thúng đựng chén bát mà con gái con dâu đã rửa dọn và lau khô, chị nhìn theo hai thằng con trai vừa đi ra sân vừa áp điện thoại vô tai mà nhướng mắt nhíu mày. Cái kiểu rõ ràng là đang sốt ruột chuyện ở công ty.
Ảnh minh họa
Con gái, con dâu tinh tế dịu dàng hơn, không để chị phải chứng kiến cái cảnh thân nó ở đây (bên má) mà lòng dạ đặt ở nơi khác (không có má). Nhưng lại nhẹ tay xếp lại mùng màn chiếu gối gọn gàng, sửa lại cho thẳng thớm cái khăn mặt của chị treo trên dây bị mấy đứa cháu kéo xộc xệch, từng bước đi nương nhẹ từ nhà trên xuống bếp để coi còn có gì cần dọn nữa không. Rồi khi từ nhà bếp lên nhà trên, con dâu cũng nhìn ra một việc cần làm là đẩy ghế vô gầm bàn cho ngay hàng thẳng lối. Còn con gái thì khi mới về đã quét sân sạch bong vôi vữa mà lúc này cứ lăm lăm cây chổi moi móc chút bụi còn sót tận góc…
Và những ánh mắt áy náy nhìn chị…
Là chị biết đã đến lúc còn lại một mình.
***
Tụi nó đi rồi tự nhiên thấy căn nhà rộng mênh mông ra, rồi chị đổ thừa: “Tại em kêu tụi nó về đó. Thà đừng về. Đùng một cái nhà cửa ồn ào, xe cộ chật sân rồi đùng một cái kéo nhau đi hết. Vắng tanh như là mình đi lạc vô nhà ai…”.
Điện thoại cho tôi, chị vẫn sụt sịt ca cẩm như thường lệ nhưng âm điệu giọng nói thì tươi tắn. Cuộc sum họp quây quần đầy đủ con cháu đã tiếp nguồn năng lượng đủ cho chị khỏe khoắn cho tới khi nỗi nhớ dần căng tràn.
Tôi nói:
- Lần sau thì chị tự gọi mấy đứa về chứ đừng để em mắc mưu chị nữa nghe. Chị cười vang…
Theo Báo Phụ Nữ
Ác mộng đã kết thúc
'Ông bà già bảo, tại tao làm sao nên nó mới thế, ngày ấy nó ngoan hiền là vậy. Ông bà dọa, nếu ly dị là ông bà chết cho xem. Nói thì phũ miệng, chẳng nhẽ lại mong ông bà chết để tao được tự do?'
Thời trẻ, anh Duy là thủy thủ tàu viễn dương, năm về một lần và mang về "một đống tiền" khiến làng trên xóm dưới lác mắt. Nhà anh là nhà đầu tiên trong làng có xa lông, có đệm cao su, có tủ lạnh và xe máy và... đủ thứ. Người ta ghen tị với nhà anh, lại cả ghen tị với nhà chị Hà. Ơ, chị Hà thì liên quan gì?
Chị Hà là bạn học của anh Duy từ thời bé tí, hai nhà cách nhau non cây số, trong lúc anh lênh đênh thì chị Hà là giáo viên mầm non thường sáng chiều lui tới nhà anh thăm nom, chăm sóc bố mẹ anh. Người ta khen chị tháo vát, đảm đang, đến con dâu đã cưới vào cửa cũng chẳng ngoan được như thế. Bố mẹ anh vui khỏi nói, nên đến gần năm thứ tư đời thủy thủ, anh nhận điện nhà, nói cuối năm về cưới vợ.
Cưới ai? Anh trợn mắt, mẹ anh còn mắng yêu: "Cha bố anh, để cho con gái người ta đợi đến bao giờ?". Anh ngơ ngác trong khi mẹ anh chốt hạ: "Tôi là tôi chọn rồi, anh cứ liều liệu đúng ngày mà về!". Quả thật, ngày anh về cũng là ngày anh phải mặc áo chú rể, tất cả đã xong xuôi đâu đấy từ trong ra ngoài, chuyện thật mà cứ như chuyện phim ở thế kỷ hai mốt. Nhìn bố mẹ rạng rỡ, nhìn họ mạc vui vẻ, anh đành nhắm mắt xỏ tay vào cái áo sơ mi trắng toát, đon đả đi mời rượu. Chiều muộn, khi khách đã vãn chỉ còn người nhà, mọi người mới phát hiện chủ rể... mất tích.
Anh bỏ đi ngay chiều ấy, anh tụ tập đám bạn cũ, thở ra: "Tao bị bẫy!", đám bạn vỗ vai thông cảm, vì ai còn lạ gì cô bạn học tên Hà ngày xưa. Tội anh, chưa yêu ngày nào đã thành trai có vợ.
Ảnh minh họa
Anh đi biệt hai năm, cuối cùng phải về vì mẹ ốm nặng. Khi ấy anh mới nói chuyện với vợ, nói chị cứ yên tâm ở lại nhà, anh đi mấy năm nữa kiếm ít vốn rồi lên bờ luôn. Chị không chịu, nói anh là con cả, ông bà thèm cháu lắm rồi. Và anh đi đâu chị theo đó, ngay công việc ở nhà trẻ, cái nghề mà chị lấy làm tự hào là nó nhàn nhã và có học, chị cũng "bán" cho cô em họ. Người ta khen anh có phước mới lấy được người vợ như chị Hà.
Từ ngày chị ở cùng, anh thường về nhà sau mười một giờ đêm, lý do chị luôn hạch hỏi anh những chuyện khi anh đi xa, bóng gió khi bạn bè chồng tới chơi, mà bạn bè chồng là ai, cũng là bạn bè chị chứ đâu, nhưng chị không chút vui vẻ vì "bạn gì chỉ giỏi vác mồm đến ăn". Mùng một Tết, cả họ đang ngồi chơi, có người nhìn thằng con hai tuổi của anh chị, đùa: "Thằng bé phơi nắng đen thui!", anh cười: "Nó đen giống mẹ nó!", chị đang ngồi chiếu bên với các bà các cô, ngoái đầu sang: "Nó giống họ nội nhà nó chứ họ ngoại làm gì đen giống vậy?".
Khỏi nói cũng biết, tối ấy, bất kể là mùng một Tết, bất kể là hai vợ chồng đang ở trong buồng cách âm rất kém, chị bị anh đánh cho một trận đến nỗi những ngày Tết còn lại chị không ra khỏi cửa buồng. Trận đòn khi chị mát mẻ đám bạn chồng có nhẹ hơn, chỉ nằm ba ngày. Anh cay đắng: "Ông bà già bảo, tại tao làm sao nên nó mới thế, chứ ngày ấy nó ngoan hiền là vậy. Ông bà còn dọa, nếu ly dị là ông bà chết cho xem, sống mà xấu hổ thì sống làm sao? Nói thì phũ miệng, chẳng nhẽ lại mong ông bà chết để tao được tự do?".
Chị cười nhạt: "Tại sao phải ly hôn? Tao đã mất cả tuổi xuân vì nó, giờ nghề nghiệp không có, một nách hai con thì sống sao? Nó phải trả giá cho mọi chuyện!" và chị kể "tội" của anh Duy là dám bỏ đi khi đám cưới chưa kết thúc, dám trốn suốt hai năm trời, nếu bà mẹ không giả ốm lừa anh thì biết khi nào anh mới vác mặt về? Nhưng chị lại bỏ qua "cái bẫy" chị giăng ra chờ anh, nói ngày ấy chị là cô giáo, một nghề "ngon" ở làng, để ý đến anh là phúc cho anh, còn dám... từ chối.
Ảnh minh họa: Internet
Và vợ chồng ấy vẫn sống dưới một mái nhà, chi tiêu trong nhà được phân chia rõ ràng, chị lo tiền ăn hàng ngày, còn lại phần anh. Anh nấu cơm, rửa bát thì chị quét, lau nhà, nay anh tắm con thì mai chị tắm, có thời khóa biểu chia việc rõ ràng. Anh có mấy đứa cháu ngoài quê vào học, tính ở nhờ cậu mợ, nhưng chị thẳng tay "bứng" ngay, anh có đi đâu với bạn với bè chứ đừng nghĩ đến chuyện rủ ai về nhà. Anh cũng chẳng dại mời bạn về, mất công mang nhục. Mang tiếng là nhà nhưng anh chỉ về khi cần tắm rửa thay quần áo, về sau khi sắm ô tô, anh luôn để trong cốp xe cái vali có đầy đủ áo quần, ngủ thì vào khách sạn. Hỏi anh, anh nói "nó muốn làm vợ, làm bà chủ thì kệ cho nó toại nguyện!"
Lâu lâu, người ta lại thấy gò má chị tím bầm, cánh tay hay má anh rách vài đường. Bạn bè chỉ biết thở dài vì chăn ai rận nấy, người trong cuộc không tự bứt phá giải thoát thì người ngoài giúp làm sao? Oái oăm là bạn bè có khuyên can buổi chiều thì buổi tối vợ chồng nhà ấy lại...so găng vì tội dám mang chuyện nhà đi nói với người ngoài.
Ảnh minh họa: Internet
Rồi có người bạn cũ về thăm quê, đến thăm các cụ, không biết anh bạn ấy nói gì mà ngay hôm sau bố mẹ hai nhà, toàn ông bà cụ bảy mấy tám mươi tức tốc bay vào với một lý do là cầu xin con mình "thôi" nhau. "Tưởng sống sao chứ sống thế này khổ quá, những mái đầu bạc quỳ sụp xuống cầu xin chúng mày hoặc thôi ngay, hoặc bố mẹ chết tại đây..."
Việc cũng khá lâu, nghe nói hai người họ đã đường ai nấy bước, con mỗi người nuôi một đứa. Chưa ai đi bước nữa, có lẽ vì họ đã mất lòng tin vào hôn nhân, cũng có lẽ họ đã quá ngán sợ cuộc sống gia đình. Bởi những ngày họ sống cạnh nhau, đã không có tình yêu làm nền móng, lại mang theo sự thù hằn, trả đũa nên không phải để cùng vun đắp mà là để hành hạ, hơn thua và tra tấn nhau.
Thật may, tất cả đã kết thúc, như một cơn ác mộng.
Theo Báo Phụ Nữ
Người đàn ông 50 tuổi quyết tâm kiếm 1 tỷ để sau này vào viện dưỡng lão an hưởng tuổi già Mong muốn vào viện dưỡng lão sống để không phiền hà đến con cháu, ông Thành Trung (50 tuổi, Hà Nội) đang nỗ lực làm việc với hi vọng để dành được số tiền 1 tỉ đồng để chi phí nằm viện trong 10 năm về già. Vợ mất sớm, ông Trung sống cảnh gà trống nuôi con. Bằng nỗ lực của mình,...