Cuộc sống với một chiếc smartphone không có Google (P1): AppGallery có đủ tốt để từ bỏ Play Store?
Không có dịch vụ Google, người dùng Huawei sẽ buộc phải sử dụng kho AppGallery để tải ứng dụng. Nhưng, liệu AppGallery có đủ tốt để người dùng bỏ lại Play Store?
Đây là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với Huawei. Sau lệnh cấm của Mỹ, Huawei không thể hợp tác làm việc cùng bất kỳ công ty Mỹ nào nữa, trong đó bao gồm một đối tác cực kỳ quan trọng là Google. Điều này đồng nghĩa với việc Huawei sẽ không thể tích hợp các dịch vụ Google vào sản phẩm của mình, và người dùng sẽ không thể sử dụng các ứng dụng này trên những model smartphone Huawei mới.
Song song với việc “tái chế” những chiếc smartphone cũ (ví dụ như chiếc P30 Pro New vừa được ra mắt ít lâu), Huawei cũng mạnh dạn tung ra những mẫu smartphone mới hoàn toàn không có dịch vụ Google, ví dụ như Mate 30 hay P40. Thay cho Google Play Services và Play Store, những mẫu smartphone này sử dụng dịch vụ Huawei Mobile Services (HMS) và AppGallery do Huawei phát triển.
Tại sự kiện ra mắt P40 Pro hồi tháng 3, Huawei đã chia sẻ những con số tương đối ấn tượng về HMS. Với hơn 400 triệu người dùng tại hơn 170 quốc gia, AppGallery đang là kho ứng dụng “top 3 toàn cầu”.
Tuy nhiên, những con số đó sẽ đem lại một trải nghiệm thực tế ra sao? Để kiểm chứng khả năng của HMS và AppGallery, tôi đã thử sử dụng P40 Pro mà không “nhờ cậy” vào bất cứ dịch vụ Google nào. Hãy cùng xem kết quả ra sao.
Trong quá trình thiết lập ban đầu, máy sẽ “chào mời” cài đặt một vài ứng dụng. Thông thường đối với những chiếc điện thoại khác, đây sẽ là phần mà tôi lập tức bỏ qua, bởi lẽ đa phần những ứng dụng này đều “rác”, và nếu cần thì tôi hoàn toàn có thể tự mình cài được. Thế nhưng trong trường hợp của P40 Pro, biết đến cảnh thiếu thốn ứng dụng của chiếc máy này, tôi đành chịu khó rà qua danh sách.
Và quả thật, trong danh sách này có một số ứng dụng mà tôi cảm thấy khá hữu ích với đại đa số người dùng, ví dụ như Zalo, Zing MP3, LabanKey, Shopee, Tiki, Lazada, TikTok, FPT Play, VnExpress, Lich Viet…
Dù vậy, đó mới chỉ là một phần rất nhỏ trong số những ứng dụng mà người dùng sẽ cần cài đặt. Vì vậy, trong bài viết này, tôi sẽ tiến hành thử nghiệm cài đặt các ứng dụng phổ biến nhất hiện nay tại Việt Nam và để xem liệu AppGallery của Huawei sẽ có thể đáp ứng yêu cầu của người dùng đến đâu.
Facebook & Facebook Messenger
Người dùng sẽ tìm thấy Facebook trên AppGallery. Khi nhấn vào nút “Cài đặt”, người dùng sẽ được chuyển sang website của Facebook, nơi họ có thể tải về file APK của ứng dụng Facebook và cài đặt thủ công.
Ứng dụng Facebook sau khi cài đặt sẽ có thể sử dụng bình thường, tương tự như phiên bản trên Play Store.
Khác với Facebook, người dùng sẽ không thể tìm thấy Facebook Messenger trên AppGallery, cũng như file APK chính thống trên trang chủ Facebook. Thay vào đó, người dùng sẽ buộc phải tìm file APK từ các trang chia sẻ APK để cài đặt.
Tương tự như Facebook, ứng dụng Facebook Messenger cài đặt thủ công qua APK cũng hoạt động bình thường và hỗ trợ đầy đủ tính năng, bao gồm cả khả năng nhận thông báo.
Video đang HOT
Ứng dụng Google: Maps, Gmail, Youtube, Keep…
Như một lẽ dĩ nhiên, tất cả các ứng dụng Google đều “biệt tích” trên AppGallery. Thay vào đó, khi tìm tên các ứng dụng này, người dùng sẽ có một đường link để chuyển đến phiên bản web của ứng dụng đó (ví dụ Google Maps là https://maps.google.com, hay Gmail là https://mail.google.com…).
Phần lớn phiên bản web của những ứng dụng Google đều được trang bị đầy đủ tính năng như ứng dụng, vì vậy người dùng sẽ không gặp quá nhiều khó khăn trong việc giải quyết công việc. Về mặt trải nghiệm, rõ ràng việc sử dụng phiên bản web là không thể tiện lợi bằng ứng dụng.
Về việc cài đặt thủ công, đa số ứng dụng của Google sẽ không thể chạy được kể cả khi người dùng cài đặt APK do sự thiếu vắng của Google Play Services. Dù vậy, một số ứng dụng hiếm hoi như Google Maps sẽ vẫn có thể sử dụng được với tính năng hạn chế.
Trong trường hợp của Gmail, người dùng có thể sử dụng ứng dụng Mail có sẵn của Huawei để thay thế. Cần lưu ý rằng ứng dụng này không hỗ trợ push email Gmail trong thời gian thực, nghĩa là người dùng sẽ phải “check mail” thủ công thì mới nhận được mail mới.
Ứng dụng chỉnh sửa ảnh: VSCO, Snapseed, Ulike, Camera360
Nhiều ứng dụng chỉnh sửa ảnh, đặc biệt là các ứng dụng đến từ Trung Quốc như Ulike, Wuta Cam, Camera360… có mặt sẵn trên AppGallery. Trong khi đó, những ứng dụng như VSCO, Snapseed hay Lightroom thì lại không. Một lần nữa, người dùng sẽ cần cài đặt nó thủ công qua file APK.
Ứng dụng ngân hàng & ví điện tử: Vietcombank, Techcombank, Momo, AirPay…
Trong số các ngân hàng Việt Nam, MB Bank là ngân hàng duy nhất có ứng dụng trên AppGallery. Ngoài ra, người dùng còn có một số ứng dụng như VTC Pay hay Home Credit. Còn lại, tất cả các ngân hàng/ví điện tử khác như Vietcombank, Techcombank, VPBank hay Momo, AirPay, ViettelPay… đều chưa triển khai trên AppGallery.
Riêng với các ứng dụng ngân hàng, chúng tôi khuyến cáo người dùng không cài đặt file APK để tránh những rủi ro về bảo mật.
Ứng dụng mua sắm: Shopee, Tiki, Lazada
Các ứng dụng thương mại điện tử chủ lực tại Việt Nam gồm Shopee, Tiki, Lazada và Sendo đều có ứng dụng trên AppGallery và người dùng có thể dễ dàng cài đặt.
Ứng dụng gọi xe, đặt đồ ăn: Grab, Now
Ứng dụng Grab không có sẵn trên AppGallery. Người dùng có thể tải thủ công APK để cài đặt và ứng dụng sẽ khởi chạy bình thường, tuy nhiên phần bản đồ sẽ trắng xoá (do không có Google Play Services). Người dùng sẽ vẫn có thể đặt xe, nhưng việc không có bản đồ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trải nghiệm.
Khác với Grab, chúng tôi không thể sử dụng ứng dụng Now để đặt đồ ăn. Người dùng sẽ vẫn có thể lướt qua các hàng quán và món ăn, tuy nhiên đến bước đăng nhập để đặt đồ thì thông báo về việc không có Google Play Services sẽ xuất hiện, từ đó khiến họ không thể đăng nhập được.
Ứng dụng giải trí: Zing MP3, NhacCuaTui, Spotify, Netflix
Như đã nói ở trên, Zing MP3 là một trong số những ứng dụng tiêu biểu của AppGallery được Huawei gợi ý cài đặt. Tương tự như vậy, “đối thủ” của Zing MP3 là NhacCuaTui cũng có trên AppGallery. Vì vậy, nếu đây là những ứng dụng mà bạn sử dụng để nghe nhạc, bạn sẽ không thiếu vắng chúng trên P40 Pro.
Trong trường hợp bạn là một người thường xuyên nghe nhạc “ngoại” và sử dụng các ứng dụng như Spotify hay Apple Music, thì tin buồn là trên AppGallery đều không có chúng. Một điều khá kỳ quặc là người dùng có thể tìm thấy kết quả “Spotify” trên AppGallery, tuy nhiên đó chỉ là một kết quả mang tính “giữ chỗ”. Khi bấm cài đặt, AppGallery sẽ báo ứng dụng này chưa có sẵn và sẽ thông báo cho người dùng khi nó có mặt trên store. Cài đặt APK là giải pháp bắt buộc.
Một ứng dụng khác được nhiều người quan tâm là Netflix. Tương tự như Spotify, người dùng sẽ cần cài đặt APK ngoài. Tuy nhiên, trải nghiệm Netflix trên P40 Pro vẫn không tốt bởi nó chỉ hỗ trợ Widevine L3 chứ không phải là L1, khiến cho độ phân giải tối đa mà người dùng có thể xem được dừng lại ở mức SD. Đây là một điều cực kỳ đáng tiếc đối với một chiếc smartphone với màn hình đẹp như P40 Pro.
AppGallery “còn non và xanh”
Do thời lượng có hạn, chúng tôi không thể thử nghiệm tất cả các ứng dụng mà người dùng sử dụng, bởi lẽ mỗi một người lại có một nhu cầu khác nhau. Thế nhưng, chỉ qua việc thử nghiệm những ứng dụng phổ biến nhất, chúng ta có thể dễ dàng đưa ra kết luận rằng AppGallery vẫn còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng ứng dụng, và người dùng sẽ không thể sử dụng chiếc smartphone của mình nếu chỉ dựa vào kho ứng dụng của Huawei.
Mặc dù đa số các ứng dụng sẽ có thể chạy được nếu như người dùng cài đặt APK ở ngoài, tuy nhiên đây vẫn không phải giải pháp khả dĩ ở thời điểm hiện tại, bởi lẽ:
- Quá trình cài đặt APK là tương đối phức tạp với người dùng.
- Các ứng dụng khi cài đặt thông qua file APK sẽ không thể tự cập nhật lên phiên bản mới.
- Cài đặt APK đem đến rủi ro rất lớn về bảo mật.
- Một số ứng dụng dựa vào Play Services (trong đó đặc biệt là ứng dụng Google) sẽ không hoạt động kể cả khi người dùng cài đặt APK.
Vì vậy, bất chấp những tính năng vượt trội, thật khó để có thể khuyến nghị người dùng sở hữu P40 Pro hay những smartphone Huawei khác không hỗ trợ Google Play ở thời điểm hiện tại. Dù Huawei đã rất nỗ lực trong việc kêu gọi lập trình viên và người dùng, AppGallery vẫn không phải một nền tảng ứng dụng mà người dùng có thể thoải mái trông cậy.
Mặc dù đã rất cố gắng, tuy nhiên sau một tuần sử dụng P40 Pro mà không có Google, tôi đành chịu “đầu hàng” vì những vấn đề kể trên. Thế nhưng, đây vẫn chưa phải là hồi kết của câu chuyện, bởi lẽ việc cài đặt Google Play Services cho chiếc máy này là hoàn toàn khả thi – và đó sẽ là điều mà tôi sẽ nói tới trong phần hai của bài viết.
Cách đơn giản để cài Google Play Store trên smartphone Huawei không có GMS
Vài tháng trước, Huawei đã ra mắt những chiếc smartphone flagship Mate 30 của mình tại Trung Quốc.
Đây là dòng sản phẩm đầu tiên của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc không được hỗ trợ các ứng dụng cũng như dịch vụ Google do ảnh hưởng từ lệnh cấm của Mỹ.
Dẫu vậy, vẫn có một cách để người dùng có thể cài đặt những ứng dụng và dịch vụ của Google trên các chiếc điện thoại Mate 30. Tuy nhiên, sau một vài báo cáo liên quan đến những vấn đề bảo mật xung quanh LZ Play, ứng dụng này đã bị "kết liễu".
Thế nhưng, "thua kèo này ta bày keo khác", một cách "lách luật" mới vừa xuất hiện trên trang GizmoChina. Cách này giúp việc cài đặt các ứng dụng cũng như dịch vụ của Google trên những chiếc smartphone Huawei hay Honor dễ dàng hơn nhiều. Để thực hiện, người dùng cần phải tải và cài đặt ứng dụng Chat Partner (dung lượng khoảng 147MB).
Một khi cài đặt và khởi chạy ứng dụng, người dùng cần phải chọn vào mục " Detect Device", sau đó là nhấp vào " Repair". Điều cuối cùng mà người dùng cần làm đó là nhấn nút " Active" khi cửa sổ Device Administrator xuất hiện trên màn hình.
Sau khi hoàn thành và khởi động lại, chiếc smartphone của bạn sẽ xuất hiện biểu tượng Google Play Store. Bạn cũng có thể gỡ ứng dụng Chat Partner nếu đã xong mục đích.
Theo thử nghiệm của GSMArena, cách này hoạt động tốt với chiếc Huawei P40 lite mới ra mắt. Thế nhưng, đối với Mate 30 Pro, họ lại gặp phải cảnh báo "không được chứng nhận" (not certiffied). Vì vậy, cách này có thể không hoàn toàn hoạt động với mọi chiếc smartphone Huawei.
Lưu ý rằng, đây là một cách cài đặt không chính thức và cũng chưa rõ nó sẽ hoạt động đến bao giờ.
Gần đây, Google đã cảnh báo người dùng không nên sideload các ứng dụng của họ vào những chiếc smarrtphone Huawei không được hỗ trợ. Trong bài đăng trên blog của mình, gã khổng lồ tìm kiếm cho hay: " Những ứng dụng Google đã được sideload vào sẽ không đủ độ tin cậy khi hoạt động bởi chúng tôi không cho phép các dịch vụ hoạt chạy trên một số thiết bị chưa được chứng nhận, khiến việc bảo mật có thể bị xâm phạm. Việc sideload các ứng dụng Google cũng gặp nhiều rủi ro khi cài đặt nhầm một ứng dụng đã bị thay đổi hoặc giả mạo, có thể xâm phạm bảo mật của người dùng".
Để cứu sống chính mình, Huawei đã ra mắt Huawei Mobile Services (HMS) nhằm thay thế cho Google Mobile Services (GMS) và giảm đi sự phụ thuộc của mình vào Google. Gã khổng lồ công nghệ đến từ Trung Quốc này cũng lên kế hoạch đầu tư 1 tỉ USD nhằm thúc đẩy hệ sinh thái ứng dụng này của mình vươn xa hơn.
Theo VN Review
Hình ảnh vỏ hộp, thân máy Pixel 4a bất ngờ xuất hiện tại Việt Nam, càng thêm khẳng định Google đã chuyển dây chuyền về đây Gần đây có tin đồn cho rằng, Google sẽ bắt đầu sản xuất smartphone Pixel tại Việt Nam. Và quả thực tin đồn này đã đúng khi hình ảnh rò rỉ về những chiếc hộp đựng và Pixel 4a được cho đã xuất hiện tai một nhà máy ở Việt Nam. Theo giới thạo tin trong nước, Pixel 4a đang được sản xuất...