Cuộc sống trong KTX cách ly vì virus corona của du học sinh Việt ở Trung Quốc
Nguyễn Hồng – du học sinh ở Chiết Giang (Trung Quốc) dự định đi Thượng Hải thay vì về Việt Nam ăn tết. Thế nhưng vì đại dịch virus corona, cô và nhiều sinh viên khác đã ‘mắc kẹt’ trong khu KTX bị cách ly của nhà trường.
Phòng KTX của Hồng ở Chiết Giang, Trung Quốc. NVCC
Trong căn phòng gần 20 mét vuông ở khu KTX Học viện truyền thông Chiết Giang (TP. Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), Nguyễn Hồng – một du học sinh Việt Nam – bắt đầu ngày mới với một ly mì gói. Đây đã là ngày thứ 10 cô bị cách ly trong khu KTX của trường vì dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra. Vì không thể ra ngoài nên đồ ăn đóng gói sẵn là lựa chọn duy nhất của cô lúc này.
Dự định đi du lịch ở Thượng Hải (Trung Quốc) nên Tết Nguyên đán vừa rồi Hồng không về Việt Nam ăn tết cùng gia đình. Nhưng rồi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán bùng nổ khiến cô phải hủy bỏ chuyến đi của mình và cũng “mắc kẹt” luôn ở Trung Quốc. Dù đã biết đến thông tin về dịch bệnh từ cuối tháng 12 nhưng cả Hồng và nhiều bạn học cũng không ngờ dịch lại lây lan nhanh và nguy hiểm đến như thế.
Khu vực cách ly của KTX Học viện Truyền thông Chiết Giang – Video: NVCC
“Khi mà dịch bệnh còn chưa bùng nổ thì mình cũng chưa bỏ ý định đi Thượng Hải chơi. Nhưng rồi nhiều bạn nhắn tin cho mình báo tình hình rất nguy hiểm, không được đi. Dù không được trả lại vé hay hủy đặt phòng khách sạn nhưng mình cũng đành chấp nhận hủy bỏ lịch trình và ở lại khu KTX này”, Hồng chia sẻ.
KTX là nơi an toàn nhất
Đúng chiều 30 tết, Hồng nhận được thông báo từ nhà trường là khu vực KTX này sẽ bị cách ly “nội bất xuất ngoại bất nhập” để đảm bảo an toàn cho các sinh viên không về nhà ăn tết. Người ngoài không thể vào KTX và sinh viên cũng không thể ra ngoài như lúc trước. Ở lại khu KTX này cùng Hồng là khoảng 30 sinh viên khác cũng đều là du học sinh và các nhân viên, quản sinh ở lại trực tết.
Nguyễn Hồng được quản sinh kiểm tra thân nhiệt. NVCC
Mỗi ngày, ban quản lý KTX sẽ cử người đến từng phòng để phun khử độc và phát khẩu trang cho sinh viên. Kể cả lúc ở trong phòng, sinh viên cũng được nhà trường khuyến cáo nên đeo khẩu trang. Theo lời Hồng, có những người cẩn thận đến mức đeo khẩu trang hầu như cả ngày. Tất cả các sinh viên ở lại khu KTX này đều được đo thân nhiệt mỗi ngày.
“Ngoài buồn chán ra thì những ngày này với mình cũng không có gì bất tiện hay quá đáng sợ. Nhà trường đã rất cẩn thận nên bọn mình cũng yên tâm phần nào. Ở trong này là an toàn nhất rồi. Nhà trường và KTX cũng rất quan tâm và tạo điều kiện cho những sinh viên ở lại”, Nguyễn Hồng cho biết.
Trừ những lúc sang phòng khác nói chuyện với bạn bè thì những ngày này, mỗi ngày Hồng ra khỏi phòng 3 lần – sáng, trưa và tối để xuống căn tin ăn cơm. Ra khỏi cửa, tất cả đều phải đeo khẩu trang vì luôn có quản sinh đứng giám sát, nhắc nhở. Căn tin của KTX bây giờ không còn nhộn nhịp như mọi ngày, màn hình ti vi luôn phát các bản tin phòng chống dịch và khắp nơi dán chi chít banner khuyến cáo cách chống dịch corona. Phòng ăn mỗi ngày giờ chỉ còn lác đác trên dưới 10 sinh viên. Mỗi người một bàn, mỗi bàn cách nhau 2 mét, tất cả mọi người ngồi cùng một hướng, người phía trước quay lưng vào người phía sau…, đó là quy định của căn tin trong những ngày cách ly chống dịch. Ở chiếc bàn lớn giữa phòng ăn, các nhân viên bày các mặt hàng cơ bản như nước khoáng, mì gói, sữa và đồ dùng cá nhân để bán cho các sinh viên có nhu cầu. Nếu mặt hàng nào không có sẵn, các nhân viên sẽ báo để giáo viên mua vào cho sinh viên.
Mỗi sinh viên ngồi ăn một bàn và ngồi cùng một hướng. NVCC
Căn tin vắng vẻ trong những ngày KTX bị cách ly. NVCC
Khu vực bán đồ ăn nhẹ và đồ dùng sinh hoạt cho sinh viên. NVCC
“Dù món ăn không còn đa dạng như thường ngày và lúc ăn cơm cũng buồn nhưng không ai dám phàn nàn vì bọn mình đều biết các cô, các chú ở căn tin đều rất vất vả, không được về nhà ăn tết để ở lại phục vụ cho du học sinh”, Hồng cho hay.
Chưa biết còn bị cách ly đến bao giờ
Vài ngày nay, khi số người chết và số người nhiễm tăng chóng mặt, nhiều sinh viên châu Phi cùng KTX với Hồng đã trở về nước vì quá lo lắng. Một khi đã xin phép trở về nước, họ sẽ không thể quay lại KTX trong thời gian còn cách ly. Còn với Nguyễn Hồng, cô chọn ở lại Trung Quốc cho tới khi đại dịch qua đi và trường học mở cửa cho học kỳ mới.
Nguyễn Hồng cùng một bạn sinh viên người Mông Cổ – chiếc khẩu trang là vật bất ly thân. NVCC
“Giờ mỗi ngày mình chỉ lên mạng đọc tin tức về dịch bệnh, nhắn tin cho bạn bè, người thân hoặc sang phòng khác tán gẫu với những du học sinh còn ở lại để giết thời gian. Và tất nhiên, mọi người vẫn đeo khẩu trang khi nói chuyện với nhau. Nhà trường có mở phòng thể thao cho mọi người tập luyện nhưng hầu như không ai dùng vì ngại gặp gỡ người khác. Chính quyền ở đây và cả Đại sứ quán Việt Nam rất quan tâm đến chúng mình. Dù đã ngừng các chuyến bay về nước nhưng nếu bọn mình muốn về nước thì vẫn sẽ được hỗ trợ”, Hồng chia sẻ.
Các trường học ở tỉnh Chiết Giang và nhiều tỉnh khác ở Trung Quốc thông báo cho du học sinh không quay trở lại Trung Quốc trước ngày 24.2.2020. Tùy vào diễn biến của dịch viêm phổi Vũ Hán do vi rút corona mà các trường học sẽ đưa ra thông báo tiếp theo sau ngày 24.2.
Theo saostar
Đại học Vũ Hán đuổi 92 sinh viên vì nợ môn và học phí
Cac sinh viên bị đuôi hoc la du hoc sinh đên tư hơn 10 quôc gia khac nhau trên thê giơi.
Theo SCMP, Đại học Vũ Hán, Trung Quốc, vừa trục xuất 92 sinh viên quốc tế sau nhiều lần nhắc nhở về việc vi phạm kỷ luật, điểm kém và trả chậm học phí.
Báo cáo của trường cho biết trước đây, Phòng công tác sinh viên chỉ buộc thôi học một, hai sinh viên nước ngoài trong một năm. Tuy nhiên, số lượng du học sinh không tuân thủ kỷ luật, thi trượt và nợ học phí ngày càng nhiều.
Theo một thành viên bộ phận tuyển sinh của trường, quyết định đuổi học 92 sinh viên nước ngoài là động thái đáp lại kêu gọi của Bộ Giáo dục Trung Quốc về việc cải thiện chất lượng đầu ra cho các du học sinh theo học tại Đại học Vũ Hán.
Quyết định đuổi học 92 sinh viên quốc tế của Đại học Vũ Hán nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Ảnh: SCMP.
Các sinh viên quốc tế sẽ bị gạch tên khỏi lớp học nếu không nộp học phí đúng kỳ hạn. Ngoài ra, sinh viên bỏ học 20 môn sẽ bị buộc thôi học.
Dữ liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho thấy sinh viên nước này có xu hướng theo học tại các trường ở châu Âu, Bắc Mỹ và Australia. Trong khi đó, sinh viên quốc tế từ các nước đang phát triển lại lựa chọn Trung Quốc là điểm đến.
Năm 2018, trong số hơn 500.000 sinh viên nước ngoài tại Trung Quốc, 60% học viên đến từ châu Á (sinh viên Hàn Quốc chiếm 10%). Ngoài ra, sinh viên từ châu Phi chiếm 16%.
SCMP cho biết trước đây, Bộ Giáo dục Trung Quốc tạo cơ hội cho nhiều sinh viên. Tuy nhiên, hiện tại, bộ này kỳ vọng chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao. Vì thế, việc buộc thôi học, trục xuất sinh viên nước ngoài không đủ điều kiện là cần thiết.
Tháng 9 năm ngoái, Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành quy định nhằm thắt chặt kỷ cương, đảm bảo sinh viên quốc tế và trong nước được đào tạo, có chất lượng đầu ra ngang nhau.
Năm 2018, bộ này cũng ban hành lệnh cấm với 16 tổ chức giáo dục vì vi phạm tuyển sinh và thị thực.
Đại học Vũ Hán có khoảng 3.300 sinh viên quốc tế đến từ 120 quốc gia khác nhau. Trường đào tạo nhiều chuyên ngành đa dạng, từ khoa học xã hội đến y học cho cả bậc đại học và sau đại học.
Theo Zing
Choáng với độ "vung tiền" của du học sinh Trung Quốc ở trời Tây Các du học sinh Trung Quốc mạnh tay chi tiền mua sắm không kém giới nhà giàu châu Âu ở những trung tâm thương mại xa xỉ tại London (Anh) đã trở nên quen thuộc. Đối tượng sinh viên xuất thân từ nhà giàu Trung Quốc đang dần "định hình" lại xu hướng bán lẻ phương Tây, tạo ra một ngành công nghiệp...