Cuộc sống thú vị bên trong nền giáo dục khiến cả thế giới ngưỡng mộ
Nhật Bản là vùng đất có rất nhiều điều khiến người ta phải kinh ngạc, từ những phong tục độc đáo, ẩm thực tuyệt vời cho tới phát minh tuyệt vời. Trên hết, đây được coi là một quốc gia có nền giáo dục chuẩn mực khi trẻ em được phát triển đầy đủ cả về nhân cách và kiến thức.
Điều gì đã khiến nền giáo dục Nhật Bản trở thành hình mẫu lý tưởng cho cả thế giới học tập? Một số quy định ở một trường công điển hình dưới dây có thể khiến nhiều người bất ngờ vì sự khác biệt.
1. Giáo viên không được phép đuổi học sinh ra khỏi lớp
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc “mời” những học sinh vô kỷ luật ra khỏi lớp học là một hình phạt phổ biến. Tuy nhiên, đó là điều cấm kỵ trong các trường học Nhật Bản. Điều 26 trong Hiến pháp Nhật Bản nêu rõ: ‘Tất cả mọi người đều có quyền hưởng giáo dục bình đẳng…” và do đó, giáo viên phải tập tính kiên nhẫn, làm quen với những trò nghịch ngợm của học sinh và tìm cách quản lý tốt hơn.
2. Thực đơn bữa trưa giống nhau và học sinh phải tự phục vụ
Một điều thú vị trong các trường công lập ở Nhật là mọi người đều ăn cùng một bữa trưa. Không giống như ở nhiều nước khác, học sinh có thể lựa chọn giữa mua tại căng-tin hoặc tự mang từ nhà. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, học sinh được đào tạo ăn cùng một bữa trưa (không phân biệt sở thích) và hoàn thành nó trong thời gian cho phép.
Đặc biệt, học sinh Nhật Bản phải luân phiên nhau phục vụ bữa trưa cho bạn học với đồng phục nhà bếp là áo choàng, mũ trắng. Sau bữa trưa, họ cũng phải chịu trách nhiệm dọn dẹp dưới sự giám sát của giáo viên. Đó là cách mà giáo dục Nhật Bản dạy cho trẻ em của họ về việc chăm sóc người khác và chịu trách nhiệm giữ gìn môi trường.
3. Học sinh và giáo viên cùng ăn trong lớp học
Lớp học không chỉ là nơi học tập mà còn là khoảng không gian để giáo viên và học sinh cùng nhau thưởng thức bữa trưa. Bàn ghế được sắp xếp đối diện và sát với nhau. Điều này giúp các em gắn bó với nhau, có cơ hội hòa nhập và tương tác với mọi người trong lớp chứ không chỉ là với bạn thân.
4. Học sinh không bị học lại dù có kém đến đâu
Đây có lẽ là điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời học sinh và chỉ có thể xảy ra ở Nhật Bản. Thông thường, ở cả những quốc gia có nền giáo dục hiện đại như Mỹ hay Philippines, học sinh yếu kém sẽ bị giữ lại thêm 1 năm để củng cố kiến thức. Trong khi đó, bất kể điểm thi thế nào, học sinh Nhật vẫn lên lớp, vẫn được tham dự lễ tốt nghiệp cuối năm. Điểm số chỉ là vấn đề với kỳ thi tuyển sinh vào trung học và đại học .
5. Không có lao công
Ở Nhật, các trường học đều không cần đến lao công dọn dẹp. Thay vào đó, học sinh phải tự lau chùi, dọn dẹp từng khu vực trong khuôn viên trường, bao gồm cả nhà vệ sinh. Cả giáo viên, thậm chí các lãnh đạo cấp cao nhất như hiệu trưởng hay hiệu phó cũng phải tham gia.
Các trường đều quỹ thời gian dọn dẹp hàng ngày được gọi là “souji”. Mọi người đều đội một chiếc khăn trùm đầu và trước khi bắt đầu, tất cả ngồi im lặng trong vài phút để suy ngẫm và chuẩn bị tinh thần cũng như sức khỏe, hành động này được gọi là “mokuso”.
Video đang HOT
Thông qua công việc này, học sinh không chỉ được đào tạo những kỹ năng giúp họ biết cách tự dọn dẹp mà còn là bai học để trở thành người có trách nhiệm trong xã hội.
6. Học sinh và giáo viên vẫn làm việc ngay cả trong kỳ nghỉ
Giáo viên ở đất nước Mặt trời mọc không thực sự có được một kỳ nghỉ (trừ ngày lễ của quốc gia). Họ vẫn phải đi làm hoàn thành các trách nhiệm của mình. Ở cấp trung học cơ sở, các câu lạc bộ vẫn được giáo viên giám sát và một số hoạt động như tập luyện thể thao vẫn tiếp tục diễn ra trong suốt kỳ nghỉ. Ngoài ra, học sinh cũng phải hoàn thành rất nhiều bài tập về nhà khi nghỉ hè.
7. Học sinh sử dụng cùng một loại ba lô và giày dép đi trong nhà
Các trường học ở Nhật yêu cầu học sinh phải mang giày riêng khi vào lớp để duy trì sự sạch sẽ và ngăn không cho bụi bẩn vào trong lớp. Nhật Bản nổi tiếng là vùng đất hòa hợp, nơi tất cả mọi người thực hiện theo một tiêu chuẩn giống nhau, không chỉ giống nhau ở trang phục mà còn cả giày dép.
Không chỉ vậy, ở cấp trung học cơ sở, học sinh phải sử dụng cùng một loại ba lô có gắn logo của trường, trên đó có các đường phản quang giúp tránh được tai nạn giao thông vào ban đêm vì hầu hết học sinh đều về nhà muộn bằng xe đạp hoặc đi bộ. Tương tự như vậy, học sinh tiểu học cũng sử dụng ba lô giống nhau được gọi là “randoseru”.
8. Hoạt động thể thao vào buổi sáng và sau giờ học
Các thành viên câu lạc bộ thể thao tham gia các hoạt động trước và sau giờ học mỗi ngày. Điều này đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm cao vì học sinh phải dậy rất sớm và về nhà muộn để thực hiện đúng cam kết với câu lạc bộ.
9. Trang thiết bị không hiện đại như bạn nghĩ
Nhật Bản có thể là một trong những quốc gia tiến bộ nhất trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nhưng không phải tất cả trường đều thường xuyên cập nhật thiết bị đời mới và công nghệ cao. Đầu CD, máy in, máy fax lỗi thời vẫn được sử dụng ở nhiều trường trên toàn quốc.
Quạt vẫn được sử dụng thay điều hòa để tiết kiệm điện. Trong mùa đông, trường thường sử dụng máy sưởi dầu thay vì lắp đặt hệ thống sưởi ấm từ trung tâm. Sách giáo khoa vẫn là tài liệu giảng dạy truyền thống. Công nghệ đang phủ sóng trường học một cách chậm rãi với các bài thuyết trình sử dụng máy tính và mạng Internet.
10. Không bị khiển trách nếu ngủ trong giờ học
Thời khóa biểu của một học sinh Nhật Bản bao gồm tham dự các hoạt động sáng sớm và sau giờ học, đến trung tâm luyện thi (juku), làm bài tập về nhà . Do đó, học sinh có ít thời gian để ngủ. Hiểu được điều này, khi nhìn thấy học sinh ngủ gật trong lớp, giáo viên có thể nhắc 1-2 lần, nhưng hiếm khi khiển trách.
Theo Danviet
Khác biệt trong cách dạy con của người Nhật khiến cả thế giới ngưỡng mộ
Người Nhật Bản nổi tiếng thế giới nhờ sự thông minh, tính kỷ luật và cách ứng xử văn minh, lịch sự. Để có được điều này là nhờ hệ thống giáo dục tuyệt vời và vô cùng khác biệt.
1. Tiên học lễ, hậu học văn
Học sinh Nhật Bản trong 3 năm học đầu tiên gần như không phải trải qua bất cứ kỳ thi nào, trừ những bài kiểm tra nhỏ. Người ta tin rằng, trước khi lên 10 tuổi, điều quan trọng nhất trẻ cần học được là cách cư xử tốt và phát triển tính cách của bản thân thay vì việc đánh giá kiến thức. Trẻ em được dạy cách tôn trọng người khác, đối xử thân thiện với động vật và thiên nhiên. Chúng cũng sẽ được học đức tính rộng lượng, lòng nhân ái, sự đồng cảm, tự lập và lẽ công bằng.
2. Năm học mới bắt đầu từ 1/4
Trong khi hầu hết các trường học trên thế giới đều khai trường vào khoảng tháng 9 và tháng 10, thì tháng 4 lại đánh dấu cho sự khởi đầu của học tập và kinh doanh của đất nước mặt trời mọc. Ngày đầu tiên đến trường thường trùng với mùa hoa anh đào nở, hiện tượng thiên nhiên đẹp nhất Nhật Bản.
Một năm học được chia thành 3 kì: mùng 1 tháng 4 đến 20 tháng 7, mùng 1 tháng 9 đến 26 tháng 12, và mùng 7 tháng 1 đến 25 tháng 3. Học sinh Nhật Bản sẽ nghỉ hè 6 tuần, và cũng có hai kì nghỉ hai tuần vào mùa đông và mùa xuân.
3. Hầu hết các trường không tuyển lao công
Học sinh Nhật Bản phải tự làm sạch lớp học, nhà ăn, thậm chí là nhà vệ sinh chung của toàn trường. Học sinh được chia thành từng nhóm nhỏ và nhận sự phân công dọn dẹp trong suốt năm học.
Các nhà quản lý giáo dục Nhật Bản tin rằng, quy định này sẽ giúp học sinh tạo lập được thói quen làm việc nhóm và giúp đỡ lẫn nhau. Bên cạnh đó, thời gian trẻ em tự giác quét nhà, lau dọn vệ sinh sẽ giúp chúng tôn trọng công việc của bản thân và người khác hơn.
4. Bữa trưa được tiêu chuẩn hóa và ăn trong lớp học
Hệ thống giáo dục Nhật Bản luôn cố gắng đảm bảo cung cấp các bữa ăn cho học sinh đủ chất dinh dưỡng, sạch sẽ và an toàn. Người thực hiện những bữa ăn không chỉ là đầu bếp chuyên nghiệp mà còn là các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
Hơn nữa, cả lớp sẽ ăn trưa cùng giáo viên, góp phần xây dựng mối quan hệ thầy trò tích cực, thân thiện.
5. Các lớp học phụ đạo rất phổ biến
Để được nhận vào một trường trung học tốt, học sinh Nhật Bản thường xuyên phải tham gia giờ học phụ đạo sau giờ học chính thức. Thông thường, các lớp học này sẽ được tổ chức vào buổi tối. Vì vậy, việc từng đoàn học sinh trở về sau giờ học tối là hình ảnh rất quen thuộc ở đất nước này.
Sinh viên Nhật Bản cũng vậy, ngoài 8 tiếng học tập trên giảng đường, họ còn tham gia vào việc nghiên cứu tài liệu ngay cả những ngày cuối tuần. Không có gì ngạc nhiên, hầu hết học sinh ở tất cả các cấp không có tình trạng lưu ban.
6. Ngoài môn học cơ bản, học sinh Nhật được học thư pháp và thơ ca truyền thống
Thư pháp Nhật Bản, hoặc Shodo dạy trẻ cách sử dụng bút lông và mực in để viết chữ tượng hình trên giấy gió. Đối với người Nhật, Shodo là một nghệ thuật truyền thống phổ biến.
Ngoài ra, Haiku là loại hình thơ có thể thức đơn giản nhưng truyền đạt những cảm xúc rất sâu sắc cho độc giả.
Cả 2 loại hình nghệ thuật này đều hướng đến việc dạy trẻ tôn trọng nét văn hóa và bản sắc riêng, giàu truyền thống của đất nước Nhật Bản hàng trăm năm tuổi.
7. Học sinh đều phải mặc đồng phục đến trường
Hầu như học sinh ở tất cả các trường đều phải mặc đồng phục. Ngoài một số trường có thiết kế riêng, còn lại đều mặc theo kiểu mẫu truyền thống là con trai mặc phong cách quân đội và con gái mặc đồ thủy thủ.
Quy định này nhằm góp phần loại bỏ rào cản giàu - nghèo trong xã hội, giúp tất cả học sinh bình đẳng khi học tập. Bên cạnh đó, việc mặc đồng phục còn góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong giới trẻ.
8. Tỷ lệ đi học ở Nhật là 99,99%
Có lẽ, mỗi chúng ta từng có ít nhất 1 lần trốn học. Tuy nhiên, sinh viên Nhật không có thói quen bỏ học hay đến muộn. Hơn nữa, theo khảo sát có tới 91% học sinh, sinh viên Nhật không bao giờ bỏ sót những lời giảng dạy của giáo viên. Thật khó để các quốc gia khác cũng có được con số thống kê đáng tự hào như vậy.
9. Một kỳ thi quan trọng duy nhất quyết định tương lai của học sinh
Vào năm cuối của trường trung học, học sinh Nhật Bản sẽ tham gia một kỳ thi quan trọng nhất, quyết định tương lai của họ. Mỗi học sinh sẽ được chọn trường đại học mà mình muốn theo đuổi, và trường đó sẽ yêu cầu một số điểm nhất định. Nếu học sinh không đạt được số điểm đó thì không thể tham gia học đại học.
Tỷ lệ cạnh tranh ở Nhật là rất cao, chỉ có khoảng 76% học sinh đỗ đại học. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi các giai đoạn chuẩn bị kì thi đại học được đặt tên là "bài kiểm tra địa ngục".
10. Đại học là quãng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc đời
Sau khi vượt qua "bài kiểm tra địa ngục", học sinh Nhật Bản sẽ được nghỉ ngơi thoải mái. Đây là quãng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc đời mỗi người. Đôi khi, người Nhật gọi thời gian học đại học là một "kỳ nghỉ" trước khi bước vào thời kỳ làm việc đầy căng thẳng và áp lực.
Theo Danviet
10 điểm riêng biệt làm nên sức mạnh giáo dục Nhật Bản Học sinh Nhật Bản vốn nổi tiếng thông minh, tinh thần tự lập, lối sống nề nếp. Những phẩm chất này được hình thành rất sớm nhờ nền giáo dục đặc biệt. Ở Nhật Bản, các trường áp dụng phương châm "tiên học lễ, hậu học văn'. Học sinh không phải tham dự bất cứ kỳ thi nào trước khi học lớp 4....