Cuộc sống sau buồng lái của phi công, tiếp viên Việt
Đam mê đưa những người làm nghề này lên bầu trời, nhưng họ phải trải qua cảm giác tính thời gian bằng ngày xa gia đình và yêu cầu nghiêm ngặt về khả năng duy trì sức khỏe.
Kết thúc 6 tháng đào tạo (với tiếp viên hàng không) hay 3 năm khổ luyện (với phi công), những chàng trai, cô gái hầu hết trong độ tuổi 20 – 30 sẽ được nhận chứng chỉ và có cơ hội thực hành tại các hãng hàng không. Nếu được nhận hỗ trợ từ các hãng hàng không, họ sẽ mất khoảng 8 năm để chi trả 70 – 100% số tiền học phí đã phải ứng trước. Còn nếu học tự túc, đây sẽ là lúc quá trình trả nợ bắt đầu.
Bỏ qua áp lực về tiền bạc, với mức lương khởi điểm cho phi công và tiếp viên từ 12 triệu đồng đến 25 triệu đồng, hầu hết những người làm nghề này đều có một cuộc sống khá ổn ngay khi tốt nghiệp. Với phi công, đây là lúc họ được thỏa mãn niềm đam mê nghề nghiệp, được ngồi trong một văn phòng “đẹp nhất thế giới và thay đổi mỗi ngày”. Còn tiếp viên sẽ luôn được xuất hiện rạng ngời cùng vẻ chuyên nghiệp và nụ cười tươi tắn. Nhưng phía sau là những nỗi nhớ gia đình và áp lực công việc đè nặng.
Phi công nữ còn vất vả hơn nhiều
“Khi là một phi công, bạn sẽ không còn tính thời gian như cách bình thường nữa. Thay vì thứ sáu hay thứ bảy, nó sẽ trở thành ngày bay, ngày không bay, hoặc ngày bên gia đình, ngày xa con… Không phải điều lạ khi phi công, tiếp viên hàng không được liệt vào danh sách những nghề có tỷ lệ mất người yêu nhiều nhất, vì công việc buộc chúng tôi phải ở trên trời nhiều hơn dưới đất và có lịch sinh hoạt khác thường. 90% bạn bè của tôi đều là người trong nghề, 10% còn lại là những mối quan hệ đã có từ khi còn nhỏ”, một phi công trẻ người Hà Nội chia sẻ.
Một chuyến bay được xem là an toàn cũng có khi mang đến những rủi ro không lường trước được đối với tiếp viên. Với các hãng bay nhỏ nhưng phải khai thác hàng loạt đường bay, mỗi tiếp viên có thể phải bay 3 – 4 chặng mỗi ngày. Công việc trên không của các tiêp viên rất đa dạng, từ hướng dẫn khách đặt đồ, sử dụng các thiết bị đúng nơi, đúng lúc, đến xử lý mọi tình huống khi máy bay gặp sự cố, thu dọn rác và kiểm tra thiết bị sau khi khách đã rời khỏi máy bay. Trên những chuyến bay dài, tiếp viên hàng không còn kiêm luôn việc dọn nhà vệ sinh, dọn bếp khi cần, và là những y tá sơ cấp cứu khi có tình huống xấu xảy ra với sức khỏe của khách hàng.
Video đang HOT
“Mọi người nhìn chúng tôi là những người được đi đây đi đó, được vi vu trên mây gió, nhưng đó cũng là khi phải trải qua cảm giác ù tai, dính chặt vào ghế lúc cất hạ cánh, những vết thương khi bị xe chở hàng phục vụ lao vào người lúc máy bay đi qua vùng nhiễu động. Trước mỗi ngày làm việc, chúng tôi phải có mặt tại công ty sớm 1 tiếng và ra về sau hành khách cũng bằng đó thời gian. Cảm giác mệt mỏi đeo bám đến mức về đến nhà, tôi chỉ muốn đi ngủ ngay để có sức cho ngày làm việc tiếp theo, để còn có thể nở nụ cười”, một nữ tiếp viên 23 tuổi người Việt cho hay.
Áp lực tập luyện, công việc và duy trì sức khỏe nên không phải ai cũng kiên trì được giấc mơ bay, dù để đạt được nó, họ đã phải chi những khoản tiền khổng lồ.
Để đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt về tính chính xác trong công việc, các phi công và tiếp viên hàng không thường xuyên phải thực hiện những buổi kiểm tra định kỳ. Bằng lái của một phi công chỉ có thời hạn trong vòng 5 năm. 6 tháng một lần, họ sẽ phải học và thi lại 6 nội dung bay cơ bản. Nếu không qua các kỳ kiểm tra, họ sẽ được học để thi lại lần hai, nhưng nếu không đỗ thì cũng có nghĩa là sẽ bị đình chỉ bay. Phi công và tiếp viên được khám sức khỏe sàng lọc mỗi năm một lần khi dưới 40 tuổi, trên 40 tuổi là 2 lần/năm.
“Bầu trời không ngày nào giống nhau, và buồng lái thì giống như văn phòng với hướng nhìn đẹp nhất thế giới nhưng phi công phải chấp nhận và vượt qua những ảnh hưởng về sức khỏe. Da sạm vì nắng và thay đổi áp suất, phải dùng những suất ăn riêng một mình và chỉ được nghỉ ngơi 1 tiếng giữa hai hành trình là những gì mà hầu hết các phi công phải trải qua. Sự nghiệp phụ thuộc vào mức độ duy trì sức khỏe và khả năng tập trung, dù chúng tôi phải đi sớm về khuya. Thông thường, ngủ để lấy lại nhịp cân bằng sinh học, dùng vitamin và tập thể dục là cách thư giãn mà chúng tôi phải tuân thủ như chính công việc của mình. Dù lương cao, nhưng không phải ai cũng có thời gian để hưởng thụ cuộc sống do chính thu nhập của mình mang lại”, là tâm sự của người làm trong nghề được cho là có lương hấp dẫn số một ở Việt Nam hiện nay.
Theo Tri Thức
Bí mật của nghề nhận lương 74,8 triệu/tháng ở Việt Nam
Phi công và tiếp viên hàng không - nghề mơ ước với phụ nữ dưới 30 và nam giới dưới 40 tuổi ở Việt Nam - có nhiều áp lực, tỷ lệ chọi lên tới 1/10, cần đầu tư tiền tỷ.
Kỳ 1: Phi công và tiếp viên hàng không - nghề đầu tư tiền tỷ?
Theo bảng lương 5 năm từ 2008 đến 2013 được Vietnam Airlines công bố gần đây nhất, mức lương năm 2013 của phi công bình quân đạt 74,8 triệu đồng/tháng. Mức này đã giảm 4,5 triệu đồng so với năm 2012, và 6,7 triệu đồng so với năm 2011. Trong khi đó, mức lương dành cho tiếp viên hàng không của hãng là khoảng 18,7 triệu đồng/tháng.
Đây được xem là một bảng lương đáng mơ ước của rất nhiều người Việt Nam ở độ tuổi dưới 30 (dành cho nữ) và 40 (dành cho nam). Đáng mơ ước hơn là qua những thông báo tuyển dụng, cánh cửa đến với nghề phi công và tiếp viên dường như khá dễ dàng. Ví như trong thông báo tuyển dụng của Vietjet Air thậm chí còn có câu slogan "Ai cũng có thể làm phi công".
Với các tiếp viên hàng không, tiêu chuẩn để ghi danh cũng khá đơn giản, chỉ là chứng chỉ tiếng Anh, yêu cầu về tuổi đời, chiều cao và ngoại hình, với điều kiện trình độ văn hóa và chuyên môn dự thi không quá cao. Điều đó khiến phi công và tiếp viên hàng không trở thành những công việc lương cao không đòi hỏi bằng cấp rất "hot" trên thị trường, với số lượng tìm kiếm trên Google lên tới cả triệu kết quả.
Những đặc điểm về thể trạng khiến rất ít ứng viên nữ có thể đáp ứng được yêu cầu của nghề phi công. Ảnh: Hoàng Anh.
Tuy nhiên, đó không phải là tất cả những gì mà các ứng viên này phải trải qua. Ngay từ bước đăng ký tuyển dụng, tỷ lệ chọi có thể khiến cho nhiều người phải nản lòng. Thông thường, với những cuộc thi tuyển dụng phi công tại Việt Nam, tỷ lệ chọi thường dao động từ 1/6 đến 1/10, còn với tiếp viên thì chỉ khoảng 10% người dự thi được chấp nhận. Với những tiếp viên quốc tế (người Việt tham gia các khóa huấn luyện quốc tế và thi tuyển vào các hãng hàng không nước ngoài), tỷ lệ chọi thậm chí còn cao hơn, ví như nếu thi vào Korea Air hay EVA Air.
Hầu hết các nữ tiếp viên hàng không đều phải tự trang điểm cho mình, ngay từ khi họ bắt đầu thực hiện vòng phỏng vấn xin việc. Ở một số hãng hàng không, yêu cầu về tóc và móng tay hầu như được bỏ qua, nhưng tại một vài hãng khác, tiếp viên không được để tóc xõa, thậm chí phải vấn cao, và không sơn móng tay có màu. Một lỗi nhỏ trong quá trình phỏng vấn, như nói ngọng, không phù hợp phong cách nghề nghiệp hay tâm lý yếu đều có thể là điểm kết thúc của ước mơ bay.
Sau khi kỳ phỏng vấn, tất cả các ứng viên đều phải trải qua những bài kiểm tra tâm lý và sức khỏe, nhất là với các phi công. Với tiếp viên hàng không, yêu cầu chỉ dừng lại ở vấn đề huyết áp, liên quan đến những chứng bệnh thường gặp khi thay đổi áp suất, nên nghề này vẫn phù hợp với nữ giới. Tuy nhiên, những đặc điểm về thể trạng lại khiến rất ít ứng viên nữ có thể đáp ứng được yêu cầu của nghề phi công.
Trong một bài viết chia sẻ trên trang Hotcourses của một sinh viên Việt đang học ngành Phi công thương mại học viện hàng không ESMA và Montpellier (Pháp), trong số 4 phần thi căng thẳng gồm IQ Toán, lý, Tiếng Anh và Sức khỏe, môn cuối cùng được đánh giá là "kinh dị nhất". Học viên được kiểm tra tiền đình bằng cách ngồi lên một chiếc ghế xoay trong vòng 2 phút, rồi đứng dậy không được chóng mặt mà phải nhắm mắt đi thẳng được. Các tật tưởng như vô hại về mắt như mù màu cũng không được chấp nhận trong ngành này. "Đây chính là vòng loại nhiều thí sinh nhất", học viên này chia sẻ.
Với các khóa học về tâm lý, ngoài việc thực hành với những giáo viên khó tính, hầu hết các học viên phi công đều phải nhận thức được thực tế rằng tai nạn hàng không là có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và đây là ngành học rủi ro nhất, nếu so với các sinh viên Kinh tế chỉ phải ngồi cày bài trong giảng đường. "Chưa hết, các giáo viên bay ở trường cũng không thiếu những thử thách cho sinh viên. Đang bay giữa chừng và bị thầy... tắt động cơ cùng thái độ mắng nhiếc (hòng gây áp lực tâm lý) nhưng vẫn phải lái máy bay trở về an toàn là một trong những bài tập khó mà học viên nào cũng phải thực hiện thường xuyên", bài viết của Hotcourses nhận định.
Một trong những điều khó khăn nhất với những người lần đầu tiếp cận nghề phi công và tiếp viên hàng không, chi phí đào tạo được xem là rào cản lớn nhất với họ. Với các tiếp viên hàng không, chi phí cho 6 tháng học các khóa đào tạo kỹ năng và an toàn bay là khoảng 30 triệu đồng. Con số này sẽ tăng lên gấp đôi nếu theo học các khóa đào tạo tiếp viên quốc tế.
Đối với phi công, mức chi học phí thực sự là một con số khổng lồ, dao động từ 1,4 đến 2,4 tỷ đồng (bao gồm chi phí học trong và ngoài nước) trong khoảng 3 năm. Chi phí đào tạo và việc làm tùy thuộc vào hai hình thức tuyển sinh đầu vào. Nếu học viên được các hãng hàng không tuyển và gửi đi đào tạo thì hãng hàng không đó sẽ đài thọ chi phí đào tạo và phân bổ công việc khi học viên hoàn thành khóa học. Ngược lại, học viên phải đóng tiền để học và tự tìm việc làm khi ra trường.
Kỳ 2: Cuộc sống thực sau buồng lái của phi công Việt
Theo Tri Thức
GS Văn Như Cương: Đừng để ăn cắp biến thành ăn cướp! Đó là nhận định của GS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh trước việc dân Việt đang gặp phải vấn nạn "ăn cắp". Thật đáng buồn, đáng xấu hổ PV: - Vừa qua, có xảy ra sự việc một nữ tiếp viên hàng không của hãng VNA đã bị Cảnh sát Tokyo bắt giữ vì nghi ngờ cô...