Cuộc sống ở con rạch ô nhiễm nhất Sài Gòn
Là một trong những khu “ổ chuột” còn sót lại ở Sài Gòn, rạch Xuyên Tâm bị ô nhiễm nặng do các loại rác thải của nhiều hộ dân sinh sống dọc hai bên rạch xả xuống mặt nước làm tắc nghẽn dòng chảy.
Nhằm chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường và tăng khả năng thoát nước, rạch Xuyên Tâm được UBND TPHCM phê duyệt dự án cải tạo từ năm 2002. Đến nay, gần 20 năm chờ đợi nhưng tiến độ cải tạo con rạch này vẫn bị treo khiến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân ở “ xóm nước đen” này gặp rất nhiều khó khăn.
Anh Phạm Thanh Hào (23 tuổi, Bình Thạnh) sinh ra và lớn lên ở “xóm nước đen”, vừa chèo chiếc ghe trên dòng nước đen kịt vừa nói: “Dưới đây cái gì cũng có, rác thải sinh hoạt, nhựa, xác động vật, kim tiêm… Khi thủy triều rút, con rạch trơ đáy lộ ra một lớp rác dày đặc. Vài năm nữa, chỗ này chắc chỉ có rác, chứ không thấy nước”.
Anh Hào cho biết thêm, trước kia anh làm nghề phụ hồ, nhưng mất việc vì dịch. Giờ tranh thủ lúc nước lên, anh chèo ghe bắt cá để bán cho những người có nhu cầu phóng sinh.
“Mỗi ngày thu được khoảng 200.000 đồng đến 300.000 đồng. Cá sống trong nước ô nhiễm bắt lên chỉ để bán phóng sinh, chứ không ai dám ăn”, anh Hào chia sẻ.
Ngoài các loại rác thải như bao nilông, hộp xốp, chai lọ… còn có nhiều xác động vật, gia cầm được người dân vứt xuống rạch bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Rạch Xuyên Tâm đoạn qua địa bàn phường 15 ( quận Bình Thạnh, TPHCM) là nơi có nhiều lao động nhập cư nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Họ sống trong những căn nhà sàn dựng lên bằng gỗ và tôn.
Anh Phạm Quốc Toản (39 tuổi, quê Long An) gần 20 năm sống ở “xóm nước đen” cho biết: “Công việc chính của tôi là phụ hồ, tranh thủ những lúc nước lớn chèo ghe dọc con rạch vớt các chai lọ bán ve chai. Một ngày cũng kiếm thêm được vài chục nghìn đồng”.
Video đang HOT
Bà Lê Thị Thanh (64 tuổi, quê gốc Thanh Hóa) vào TPHCM sống và mưu sinh ven con rạch này nhiều năm qua. Hiện tại, bà là chủ một khu nhà trọ gồm 10 phòng cho người dân lao động thuê. Đây là những phòng trọ có giá thuê thuộc loại “bèo” nhất Sài Gòn rồi nhưng cũng từ 1,2 triệu – 1,5 triệu/phòng.
“Những người sống ở đây đa số có hoàn cảnh khó khăn. Họ là lao động chân tay, bán vé số, nhặt ve chai… Dịch bệnh bùng phát, mọi người ở đây ai cũng nhiễm Covid-19, trừ tôi. May mắn là không ai trở bệnh nặng, hay qua đời. Tôi chủ động miễn tiền nhà 3 tháng, và kêu gọi chính quyền hỗ trợ tiền và lương thực cho mọi người khi ở nhà thực hiện giãn cách”, bà Thanh chia sẻ.
Về việc người dân phải sống cạnh con rạch ô nhiễm nặng, bà Thanh cho biết, đã nghe nhiều về những kế hoạch, những dự án nạo vét cải tạo và di dời, nhưng tới giờ vẫn chưa thấy gì.
“Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã được cải tạo sạch sẽ nhiều năm rồi, không hiểu sao họ lại quên nhánh rạch này. Tôi chỉ mong con rạch sớm được cải tạo, để môi trường sống được tốt hơn. Hoặc sớm được nhà nước di dời đến một nơi sống sạch sẽ, an toàn hơn”, bà Thanh hi vọng.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Hương (55 tuổi) bế cháu ngoại một tháng tuổi tắm nắng trước hiên nhà. Cô cho hay, vừa sinh ra thì cháu bị vàng da nặng, nên phải tích cực phơi sáng buổi sáng. Cô cũng cho biết thêm, những khi phơi nắng vào buổi sáng, là lúc nước lên, nên cũng bớt mùi hôi thối.
Em Trần Gia Bảo (10 tuổi, học lớp 5 trường Phù Đổng) học online hơn 8 tuần qua trong nhà kho chật hẹp bên dòng nước đen hôi thối. Lớn lên từ nhỏ bên con rạch nên Bảo cũng đã quen với mùi xú uế nồng nặc, không ảnh hưởng nhiều lắm đến việc học của mình.
Bà Nguyễn Kim Hường (60 tuổi) là một trong những người dân sống lâu năm nhất trong “xóm nước đen”. Nhiều thế hệ trong gia đình bà Hường vẫn tiếp tục sinh sống tại đây và gắn bó với nơi này, không muốn rời đi. Bà chỉ mong muốn dòng kênh được cải tạo để con cháu bà được hưởng môi trường sống xanh sạch, trong lành hơn.
Bà Lê Thị Nở (48 tuổi) sống trong một căn phòng trọ khoảng 3 mét vuông hơn chục năm nay bằng nghề bán vé số. Bà Nở lựa chọn thuê trọ tại khu này vì giá rẻ hơn rất nhiều các khu trọ có môi trường sống trong lành.
“3 tháng giãn cách không đi bán được vì vé số tạm nghỉ. May mắn là được chủ nhà miễn tiền trọ và nhận được đầy đủ gạo, lương thực và các đợt hỗ trợ tiền của Chính phủ”, bà Nở phấn khởi.
Lựa chọn tương tự chị Nở, anh Mai (40 tuổi) sinh hoạt trong “căn phòng” vừa đủ chỗ ngã lưng của mình. Căn phòng chưa đến 2 mét vuông là nơi che mưa, che nắng cho anh suốt những tháng qua. Anh phải dùng chiếc điện thoại để thắp sáng mỗi khi đêm về.
Những người dân “xóm nước đen” như cô Thanh, anh Hào, anh Toản, … đều là những người đã sống lâu năm ở khu vực ven rạch Xuyên Tâm. Cuộc sống đầy khó khăn, buộc họ phải thích nghi với môi trường sống của mình.
“Nhà trong khu dự án nên không được sửa chữa, tứ phía toàn là tôn, mùa nắng nóng không chịu nổi, mùa mưa ruồi muỗi nhiều lắm, ở đây nhiều người bị sốt xuất huyết. Người dân nơi đây luôn hy vọng có sự thay đổi lớn từ chính quyền, mong con rạch sớm được cải tạo và trở nên xanh sạch đẹp để bà con bớt khổ”, anh Hào nói.
Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) đi qua địa bàn quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp có tổng chiều dài tuyến là 8,2 km, trong đó tuyến chính từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến cửa sông Vàm Thuật là 6,42 km. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 9.000 tỉ đồng, tổng diện tích đất thu hồi là 500.000 m2. Dự kiến chi phí đền bù gần 5.000 tỉ đồng. Dự kiến, dự án sẽ khởi công và hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2025.
Quảng Bình: Bức xúc vì ô nhiễm môi trường, người dân rào đường, chặn cổng 3 nhà máy xi măng
Do quá bức xúc về tình trạng ô nhiễm khói, bụi và tiếng ồn từ 3 nhà máy sản xuất xi măng đóng trên địa bàn, từ ngày 4-7/11/2021, nhiều người dân ở thôn Áng Sơn (xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã căng dây, treo khẩu hiệu trước cổng và chốt chặn 3 cổng vào của các nhà máy trên.
Người dân bức xúc vì ô nhiễm đã chặn cổng 3 nhà máy xi măng. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN
Hiện nay, nằm cạnh các nhà máy có 15 hộ gia đình chịu ảnh hưởng trực tiếp. Các hộ dân này đã tập trung trước cổng 3 nhà máy xi măng gồm: Nhà máy xi măng Áng Sơn; Nhà máy xi măng ViCem (Đà Nẵng) và Công ty xi măng Sông Gianh, dùng đá hộc rải dày chặn xe ô tô ra vào nhà máy, các dụng cụ, thiết bị chặn đường được lắp đặt khá công phu như cọc, dây néo, băng rôn, áp phích... Đặc biệt hơn, trước các cổng vào nhà máy, người dân dựng rạp khung thép có thể bám trụ lâu dài để chặn xe vào, ra nơi đây.
Với việc chặn đường vào các nhà máy xi măng, hàng chục xe chở vật liệu sản xuất của nhà máy không thể ra/vào, đành nằm chờ bên đường.
Dù bước sang tuổi 80, nhưng hai vợ chồng ông Trần Đình Nguyên, thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh đã phải đóng cửa ngôi nhà của mình. Ông Nguyên bức xúc: Chúng tôi ở đây đã nhiều năm nay, trong xóm đã có 13 người mắc bệnh ung thư. 12 người đã mất những năm trước. Hằng ngày, có hàng trăm chuyến xe tải trọng lớn qua lại, tiếng ồn suốt ngày đêm, khói các nhà máy xả ra khiến không khí bị ô nhiễm, bụi mù mịt. Nhà chúng tôi phải đóng cửa cả ngày, nhưng bụi vẫn bám từng lớp, lau dọn suốt ngày nhưng không thể nào ngăn được sự ô nhiễm này.
"Chịu không nổi nên vợ chồng già này mới đi cùng mọi người chặn đường để mong các cấp, ngành có hướng giải quyết cho dân làng yên tâm sinh hoạt", ông Nguyên cho biết thêm.
Cùng với sự bức xúc đó, anh Bùi Mạnh Hùng cũng là người dân ở thôn Áng Sơn hy vọng các cơ quan chức năng có hướng giải pháp để người dân không còn phải chịu cảnh ô nhiễm này.
Ông Đoàn Kim Xuyên, Trưởng thôn Áng Sơn cho biết: Vì người dân quá bức xúc với vấn đề ô nhiễm bụi và khói từ các nhà máy nên mới dẫn đến việc chặn cổng vào. Nhiều lần, người dân đã có ý kiến và đơn thư đến các cơ quan chức năng, tuy nhiên do trả lời và giải quyết sự việc chưa thỏa đáng nên mọi người mới bức xúc.
Ông Xuyên cũng nhấn mạnh: Người dân cần câu trả lời thỏa đáng, họ cũng mong muốn một là ngừng hoạt động các nhà máy, hai là có chính sách di dời người dân, tạo điều kiện để tái định cư nơi ở, sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt cũng như đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Qua tìm hiểu, tại xã Vạn Ninh có 3 nhà máy xi măng đang hoạt động. Nguyên liệu của hai nhà máy xi măng Áng Sơn và Công ty xi măng Sông Gianh đều được các xe vận chuyển qua khu dân cư. Còn nhà máy xi măng ViCem trong những năm qua đã làm tuyến đường riêng, tách biệt với khu dân cư.
Trước thực trạng trên, trong 3 nhà máy, chỉ có đại diện Nhà máy xi măng ViCem đã có cuộc trao đối với trưởng thôn và người dân. Ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc Nhà máy xi măng ViCem cho biết: Trước các yêu cầu của bà con, thời gian qua, công ty đã luôn lắng nghe và chia sẻ. Tuy nhiên, hiện nhà máy đang ở ngưỡng đảm bảo an toàn môi trường.
Các đơn vị có thẩm quyền cũng có thông báo với bà con. Riêng việc chuyên chở nguyên vật liệu, chúng tôi đã mở con đường riêng, không có xe đi qua khu dân cư. Nên việc gây ô nhiễm như người dân phản ánh là không đúng. Cùng với đó, việc chặn cổng vào nhà máy khiến chúng tôi không có nguyên liệu sản xuất, hiện đang rất khó khăn.
Ông Thịnh mong muốn các cấp chính quyền có ý kiến, trao đổi với người dân mở cổng cho xe chở nguyên vật liệu vào, ra nhà máy, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngôi nhà của người dân bị bụi bám vì ô nhiễm. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN
Trước thực trạng trên, chiều 6/11, ông Trần Xuân Tình, Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cùng đại diện các cấp, ngành, đoàn thể địa phương đã có mặt tại cổng nhà máy. Ông Tình cho biết: "Trước mắt là tuyên truyền, vận động, giải thích người dân phải chấp hành quy định pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, tránh những việc làm vi phạm pháp luật, không được gây mất an ninh trật tự. Đề nghị bà con chấm dứt việc làm, hành động căng dây, dựng lều bạt trước cổng nhà máy".
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên người dân sống xung quanh nhà máy xi măng có những phản đối trên. Thế nhưng, qua thời gian, đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
"Việc này xảy ra lâu rồi, dân kiến nghị nhiều năm rồi. Tỉnh, huyện, xã đã có nhiều giải pháp để khắc phục. Gần đây nhất, UBND tỉnh chỉ đạo thành lập đoàn liên ngành của tỉnh để kiểm tra lại toàn bộ thông số về môi trường của 2 nhà máy xi măng và đã có kết luận. Nhưng người dân vẫn chưa đồng ý một số nội dung của kết luận nên những ngày này đã có động thái trên", ông Trần Xuân Tình lý giải.
Với sự việc nêu trên, mong rằng các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương có giải pháp để ổn định tình hình. Đảm bảo hoạt động cho các nhà máy, cũng như giải quyết các khiếu kiện, thắc mắc cho người dân nơi đây...
Người dân chặn cổng nhà máy: 'Hoặc nhà máy dừng, hoặc di dời chúng tôi ra khỏi nơi ô nhiễm' Cho rằng Nhà máy xi măng Vạn Ninh gây ô nhiễm, nhiều người dân sống quanh nhà máy này đã dựng lều bạt chắn ngang trước cổng nhà máy nhiều ngày qua. Người dân chặn cổng Nhà máy xi măng Vạn Ninh - Ảnh: HỒ MINH Tối 6-11, ông Nguyễn Hữu Lương - chủ tịch UBND xã Vạn Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình)...