Cuộc sống như tù binh trong ‘cơ sở ngược đãi’
Bữa sáng của công nhân chỉ có mì tôm, trưa và chiều ăn cơm với cá khô chiên. Khi ngủ họ bị khóa trái cửa nên có người đã phải gỡ tấm tôn trèo lên mái nhà để đi vệ sinh.
Việc anh Rót chết đuối khi cố đào thoát khỏi ‘cơ sở ngược đãi’ của ông Phong đang được điều tra. Ảnh: Nguyệt Triều
Ngày 21/6, Chánh văn phòng UBND huyện Dầu Tiếng Nguyễn Công Nhân cho biết đã chỉ đạo công an huyện nhanh chóng điều tra cơ sở gỗ Tấn Phong về những dấu hiệu ngược đãi lao động và trách nhiệm của chủ cơ sở là ông Trần Tấn Phong (51 tuổi) trong vụ “đào thoát” chết người xảy ở hồ Cần Nôm.
Theo điều tra ban đầu, hầu hết lao động làm tại cơ sở không có hồ sơ tuyển dụng và chưa ký kết hợp đồng lao động. Tất cả công nhân đều được nhận vào làm thông qua môi giới từ TP HCM với mức phí 500.000- 800.000 đồng. Số tiền này sẽ được cơ sở trừ vào lương của họ. Trong suốt thời gian làm việc, công nhân không được tự do ra vào cơ sở. Họ được chủ hứa trả lương 2,5 triệu đồng mỗi tháng nhưng mọi sinh hoạt, lưu trú ăn ở tại cơ sở Tấn Phong đều bị chủ khóa cửa ra vào.
Cơ quan điều tra đã thu thập các chứng cứ liên quan đến cái chết của công nhân Bồ Sơn Rót (tức Danh Si Ni) ở hồ Cần Nôm. Bước đầu, chủ cơ sở gỗ đã hỗ trợ cho gia đình nạn nhân 25 triệu đồng. “UBND huyện chỉ đạo Thanh tra thành lập tổ công tác kiểm tra toàn diện đối với cơ sở này để có biện pháp xử lý theo quy định”, vị chánh văn phòng nói.
Làm việc với nhà chức trách, ông Trần Tấn Phong cho biết khoản tiền chi cho người môi giới mà công nhân phải chịu là hoàn toàn hợp lý. Chủ cơ sở phủ nhận tất cả cáo buộc cho rằng ông có hành vi bóc lột sức lao động của công nhân.
“Thịt cá vợ tôi mua hàng chục kg để trong tủ lạnh chế biến cho công nhân ăn. Mới đây có phụ nữ đến làm mà không có quần áo mặc, vợ chồng tôi đã lái xe ra chợ mua một lúc 2 bộ giá hơn 150.000 đồng cho cô ấy. Lo chu đáo thế, không thể nói chúng tôi bóc lột”, ông Phong nói. Tuy nhiên, chuyện này được nữ công nhân cho biết vợ chồng ông Phong đã trừ số tiền mua quần áo vào lương.
Các công nhân cho hay, bữa cơm của họ thông thường là cá khô chiên, còn muốn ăn rau thì tự hái rau muống dọc bờ hồ. Trong quyển sổ ghi chép tiền nợ của công nhân, khẩu phần ăn sáng chỉ độc nhất món mì gói được tính giá 6.000 đồng, muốn ăn công nhân phải tự đun nước pha chế.
* Ảnh: Sống như tù binh trong xưởng gỗ
Cơ sở gỗ của ông Phong rộng hàng nghìn ha.
Video đang HOT
3 phía là những cánh cửa kiên cố luôn được đóng kín.
Phía còn lại là hồ nước rộng hàng trăm m2, nơi anh Rót bơi khỏi cơ sở của ông Phong “do bị ngược đãi” nhưng không may thiệt mạng.
Ông Phong còn nuôi cả chó canh giữ khiến các công nhân không dám đi qua khu vực này.
Các công nhân được bố trí ăn ngủ trong khu này và cửa luôn được khoá trái. Có lần anh Long vì đau bụng lúc nửa đêm đã phải gỡ mái tôn, leo lên mái nhà “giải quyết”.
Có 8 camera luôn chĩa thẳng vào nơi ăn ngủ của công nhân.
Mỗi sáng công nhân phải ăn mì gói mà ông Phong bán với giá 6.000 đồng, được ghi sổ cẩn thận để trừ vào lương.
Chị Lưu Thị Đẹp (31 tuổi, dân tộc Kh’me) là người làm lâu nhất tại cơ sở gỗ Tấn Phong kể, những người vào làm chủ yếu là người dân tộc Kh’me và hầu hết không được học hành. Trong suốt thời gian làm việc ở đây, chị không nhớ có bao nhiêu lượt công nhân phải bỏ trốn trong đêm hay bất kể giờ giấc nào gia đình ông Phong sơ hở.
Ông chủ quy trách nhiệm, cứ có người bỏ trốn là vợ chồng chị Đẹp bị trừ 500.000 đồng, coi như nộp thay họ số tiền đã trả cho người môi giới. Để lao động không thể bỏ trốn, ông Phong quy định không được xài tiền, điện thoại, ban đêm ngủ bị khoá cửa, công nhân muốn đi vệ sinh phải tranh thủ đi trước. Cuộc sống của họ trong khu xưởng giống như tù binh. Có lần nam công tên Long (đã làm việc được hơn 2 tháng) bị đau bụng bất ngờ lúc nửa đêm, không thể mở cửa đi vệ sinh nên phải cạy tôn, trèo lên mái nhà “giải quyết”.
Ông Trần Tấn Phong: “Tôi không ngược đãi công nhân”. Ảnh: Nguyệt Triều
“Sáng sớm biết chuyện, ông Phong đá anh Long 2 cái, buộc bồi thường cho tấm tôn 4 triệu đồng. Đêm sau, sợ không có tiền đền nên anh Long đã bỏ trốn, bỏ luôn 2 tháng làm việc không lương. Ông Long hay tin còn vui mừng vì tấm tôn giá chỉ vài trăm nghìn đồng, vẫn lợi hơn 2 tháng lương không phải trả”, chị Đẹp kể.
Còn với gia đình anh Lý Vũ Phong, vợ anh có bầu 5 tháng vẫn phải khuân vác, đóng ba lét gỗ. Riêng 2 con nhỏ của anh thì lau dọn nhà cửa cho ông chủ vì được hứa trả công 500.000 đồng mỗi tháng.
Cũng theo anh Phong, khi anh Rót vào làm đã bị ông Phong thu điện thoại. Ngày anh Rót chết đuối, công an kiểm tra thì danh bạ điện thoại đã bị xoá sạch. Phải mất mấy hôm cơ quan chức năng mới liên lạc được với gia đình nạn nhân thông báo sự việc.
Ngay sau khi xảy ra chuyện anh Rót chết đuối khi cố đào thoát khỏi cơ sở, các công nhân chứng kiến sự việc đã được ông Trần Tấn Phong căn dặn “khi khai với công an phải nói 2 công nhân thi bơi dẫn đến chết đuối”. Tuy nhiên, các công nhân đều đã tường trình đầy đủ vụ việc với cơ quan điều tra. Sợ bì trả thù, tất cả đều không dám quay lại làm việc, dù cơ sở vẫn còn thiếu họ nhiều tháng lương.
Theo VNE
Cuộc đào thoát chết người khỏi 'cơ sở ngược đãi'
Nam công nhân được cho là không chịu nổi công việc cực nhọc tại cơ sở gỗ đã bơi vượt hồ rộng hàng trăm m2 bỏ trốn nhưng không may bị nước nhấn chìm. Trước đó từng có rất nhiều người tháo chạy khỏi đây.
Ngày 20/6, thiếu tá Hồ Văn Dũng, Phó Công an huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) cho biết, cái chết của anh Bồ Sơn Rót (tức Danh Si Ni, 25 tuổi, quê Sóc Trăng) vào trưa 26/5 tại hồ Cần Nôm thuộc xã Thanh An, được xác định là do nạn nhân bơi vượt hồ, trốn khỏi cơ sở sản xuất gỗ của ông Trần Tấn Phong (51 tuổi). Các nhân chứng và công nhân làm chung với nạn nhân đều cho rằng do làm việc quá khắc nghiệt nên anh Rót cùng công nhân khác là Vũ Minh Đương (17 tuổi, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) quyết định bơi vượt hồ để bỏ trốn.
Theo lời khai của các công nhân, khi vào trại gỗ của ông Phong, hàng ngày họ phải làm việc cật lực hơn chục tiếng, không như những lời hứa trước đó của ông chủ. Toàn bộ lao động tại cơ sở này đều là "dân làm chui" mà ông Phong bỏ ra 500.000 đồng cho người môi giới, sau đó sẽ trừ vào lương của công nhân, giấy tờ tùy thân của họ đều bị ông này thu giữ.
Cơ sở của ông Phong rộng hàng nghìn m2, ba mặt là tường rào bao bọc và có chó bec giê canh giữ. Ảnh: Nguyệt Triều
Cơ sở sản xuất của ông Phong nằm trên khu đất rộng hàng nghìn m2. Mỗi ngày họ bị đánh thức lúc 4h, ăn sáng bằng mì gói để bắt đầu một ngày làm việc cho đến 12h. Sau khi ăn uống sơ sài, họ lại bắt đầu quay lại công việc lúc 13h rồi kéo dài đến 17h mới kết thúc. Suốt thời gian làm việc, chủ cơ sở "tịch thu" điện thoại để không thể liên lạc với ai. Ngoài ra, ông Phong luôn khóa cửa ngoài và trang bị camera quan sát chĩa thẳng vào nơi các công nhân làm việc và ăn ở.
"Lúc đầu ông ấy bảo chúng tôi làm việc tối thiểu 2 tháng mới được lãnh lương. Tuy nhiên, khi đủ thời hạn, ông ta lại tuyên bố chỉ trả lương theo năm. Ép chúng tôi phải tiếp tục làm việc nếu như không muốn mất tiền công. Có người chịu không thấu, muốn bỏ cả lương để nghỉ việc thì ông ta không trả giấy tờ và canh giữ rất cẩn trọng, hăm doạ đủ điều", một công nhân khai với cảnh sát.
Còn anh Lý Vũ Phong (33 tuổi, quê Cà Mau) có vợ và 2 con đều làm công nhân cho cơ sở Tấn Phong kể, buổi trưa xảy ra vụ việc, cô con gái 11 tuổi của anh đã chứng kiến 2 công nhân bơi vượt hồ. Khi thấy họ quơ tay kêu cứu, cô bé đã chạy đi thông báo cho anh. Lúc chạy ra bờ hồ, anh Phong nhìn thấy anh Rót ngụp lặn trong nước rồi chìm hẳn.
"Tôi báo ngay sự việc với ông chủ đang ngồi nhậu cùng vài người, thì ông này nói 'cứ để coi chúng nó bơi giỏi không'. Tôi chạy vòng qua hồ, lao ra nhưng chỉ cứu được Đương khi cách bờ khoảng 30m, còn Rót bị dòng nước nhấn chìm. Khi Đương được cứu lên bờ còn bị ông chủ đạp 2 cái vào người", anh Phong kể.
Làm việc với cơ quan điều tra, Đương cho biết, do làm quá cực nhọc nên đã cùng anh Rót lên kế hoạch bỏ trốn. Do khu vực cơ sở được bao quanh 3 phía bằng tường rào, chó béc giê được huấn luyện nên không thể trốn bằng ngả trước. "Hôm đó, lợi dụng lúc trưa vắng, hai người nhảy xuống khu hồ là đường ra ngoài duy nhất. Nhưng do vừa bơi vừa ôm theo vài bộ đồ nên anh Rót đuối sức rồi chết đuối", thiếu niên khai.
Được mời lên lấy lới khai, ông Trần Tấn Phong thừa nhận từng khóa cửa và gắn camera theo dõi các lao động. Lý do được ông này đưa ra là vì muốn theo dõi những công nhân "có dấu hiệu bỏ trốn" trong khi đang nợ tiền ông ta. "Tôi cũng không hiểu vì sao lao động bỏ trốn", chủ cơ sở gỗ nói.
"Hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Dầu Tiếng đang tiến hành thu thập các chứng cứ liên quan đến các sai phạm của cơ sở Trần Tấn Phong để có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật", thiếu tá Dũng nói.
Trao đổi với VnExpress, bà Võ Thị Châu (ngụ ấp Cà Tong) cho biết, nhiều năm nay người dân trong ấp vô cùng bức xúc cơ sở của ông Phong trước những dấu hiệu ngược đãi lao động, tuy nhiên vẫn không có lao động nào dám tố cáo. "Gia đình tôi từng cứu nhiều công nhân bỏ trốn trong đêm rồi cho họ tiền lộ phí, hướng dẫn đường đi đến bến xe để về quê", bà Châu nói.
Khu hồ nơi anh Rót bỏ trốn rồi thiệt mạng. Ảnh: Nguyệt Triều
Còn ông Bùi Đức Thắng, công an viên ấp Thanh Tân cho biết từng nhiều lần đứng ra giải quyết tranh chấp do chủ cơ sở Tấn Phong không trả lương công nhân. Cũng có 2 lần công nhân bỏ trốn đến tìm nhưng ông Thắng không có nhà, chỉ nghe người thân báo lại. Những người này bảo công việc quá cực khổ không muốn làm nữa nên được vợ ông Thắng hỗ trợ tiền tàu xe về quê.
"Có lần tôi đang ăn tiệc thì nghe truy hô 'cướp', chạy ra kiểm tra mới vỡ lẽ là có 2 người tại cơ sở ông Phong bỏ trốn nên bị nói là cướp. Chỉ có một người thoát, người còn lại bảo do đói khổ quá nên bỏ trốn. Việc này hàng năm tôi vẫn báo cáo xã trong các cuộc họp giao ban. Chức năng công an ấp có giới hạn, tôi không thể đến cơ sở giám sát thường xuyên", ông Thắng nói.
Theo bí thư Đảng ủy xã Thanh An Võ Văn Á,qua kiểm tra, cơ sở của ông Phong có hàng loạt sai phạm như không thực hiện hợp đồng lao động, không có bảo hiểm cho người lao động cũng như các chế độ chính sách liên quan khác. Ông Á cũng cho rằng, việc chủ cơ sở nhốt lao động là không thể chấp nhận được, hành vi này đáng lên án. "Từ khi cái chết của công nhân Bồ Sơn Rót được dư luận bàn tán, đặt nghi vấn, địa phương cũng hết sức quan tâm. Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ, trả lời dư luận", ông Á nói.
Theo VNE
Người phụ nữ dị dạng vì đòn chồng Chị thương yêu chồng con hết mực, nhưng người chồng đáp lại bằng những trận đòn ghê rợn đến mức biến chị trở thành "người không bình thường". Chị Vũ Thị Tuyết với khuôn mặt biến dạng do bệnh thần kinh. Nhưng đấy vẫn chưa phải là niềm đau đớn nhất với chị, khi mà chính người chồng ấy đã tước đi cái...