Cuộc sống ngục tù của người Việt trồng cần sa trên đất Anh
Một bộ phận sang Anh trồng cần sa cho ông chủ cũng là người Việt, một số ít đứng ra tự làm độc lập. Ăn chia theo tỉ lệ phần trăm, thông thường chủ hưởng 70%, người làm thuê 30%.
Đóng kín cửa trồng cần sa
Hùng (tên nhân vật đã thay đổi, quê Can Lộc, Hà Tĩnh) có 5 năm hành nghề trồng cây cần sa trên đất Anh. Dù chuyện xảy ra chục năm trước nhưng anh vẫn nhớ như in những ngày tháng sống như ngục tù ở xứ người.
Một trang trại cần sa ở Anh bị phát hiện năm 2018. Ảnh: Reuters
Hùng kể, những người vượt biên thành công sang Anh được những người Việt khác, họ hàng, người quen hoặc cò mồi giới thiệu tìm việc làm. Một bộ phận làm nail, nhà hàng, một bộ phận khác muốn kiếm tiền nhanh chóng thì chọn chăm sóc cây cần sa.
Sau khi tìm được “mối”, đó có thể là ông chủ người nước ngoài, cũng có thể người Việt, giữa chủ và “tớ” sẽ thống nhất cách ăn chia khi thu hoạch.
“Thông thường, một người Việt sẽ làm việc cho 1 ông chủ. Nếu diện tích trồng cần sa lớn thì cần đến 3 hoặc 4 người chăm sóc. Ông chủ tự mình đứng ra thuê nhà, mua giống cây cần sa, trang thiết bị, còn nhiệm vụ của người làm thuê là chăm sóc cây thật tốt, cho nhiều hoa”, Hùng nói.
Địa điểm trồng cần sa có thể ở ngoại ô các thành phố, hoặc cũng có thể ở ngay trung tâm thủ đô London, miễn sao người chủ thuê được nhà và đó là một nơi khép kín. Những ngôi nhà dùng để trồng cần sa luôn đóng kín cửa, người trồng cần sa ở cả ngày trong nhà, cơm nước sẽ có người khác tiếp tế hàng ngày.
“Thỉnh thoảng cuối tuần những người trồng cần như chúng tôi mới ra ngoài, quá trình đi lại cũng phải cẩn trọng tránh c ảnh sát hỏi thăm, nếu ốm đau vẫn có thể đến bệnh viện khám. Ở bệnh viện họ không hỏi giấy tờ tùy thân, nhưng phần lớn người ta tìm đến những cơ sở tư nhân để khám bệnh”, Hùng tiết lộ.
Một lứa cần sa từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 2-3 tháng tùy vào người chăm sóc tốt hay không. Sau khi bán sản phẩm, lợi nhuận thường được chia chủ 70% còn người trồng 30%.
“Nhiều trường hợp người Việt trồng cần sa ở Anh bị phát hiện, họ đối diện với án tù, mãn hạn tù bị trục xuất khỏi nước Anh”, Hùng kể.
Video đang HOT
Anh Sơn có thời gian trồng cần sa tại Anh bị cảnh sát bắt giữ
Anh Sơn (ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) có nhiều năm ở nước Anh không ngần ngại kể rằng, sau khi đến châu Âu, điểm tập kết cuối cùng là ở cảng Calais (Pháp) để sang Anh.
“Cảng Calais là nơi tập trung nhiều người ở các quốc gia khác nhau, trong đó có người Việt, người Trung Quốc, người Somalia…, họ đến đây cũng chỉ với mục đích cuối cùng là sang Anh”, anh Sơn nói.
Theo lời anh Sơn, anh sang Anh trồng cần sa được vài năm thì bị cảnh sát bắt. Sau đó anh được đưa đến một trại tị nạn, tại đây anh cùng nhiều người khác được cung cấp thực phẩm, nơi ở, sống trong trại tị nạn 2 tháng rồi bay về nước.
Bị trục xuất về nước vẫn muốn đi
Hoàng năm nay khoảng 20 tuổi, nhiều tháng nay đang mon men tìm “cầu” (đường dây môi giới) đi châu Âu mặc dù năm ngoái cậu bị biên phòng Nga bắt và trục xuất về nước.
Năm 2018, Hoàng được một người ở quê giới thiệu ra Hà Nội kết nối với môi giới để đi Nga. Mục đích của cậu là sau khi sang Nga sẽ tìm đường sang Đức vì có người thân ở đó, trong tương lai cậu sẽ đi Anh.
Hoàng kể về chuyến vượt biên thất bại của mình
Hoàng và đường dây môi giới thỏa thuận, đưa cậu đến Đức thành công với chi phí 16.000 USD. Trước khi đi, “cầu” cử người vào xem xét gia đình Hoàng nên gia đình cậu không phải bỏ tiền đặt cọc.
Từ sân bay Nội Bài bay đến Moscow có 2 người Việt đợi sẵn đưa cậu về một kho tập kết ở thủ đô Nga để chờ vượt biên.
Hoàng ở tại điểm tập kết, không được ra ngoài và cấm tiệt dùng điện thoại, ngoài ra phải đóng tiền ăn cho những người cung cấp thực phẩm. Sau 1 tuần lưu trú tại điểm tập kết, Hoàng cùng 5 người khác được đưa lên chiếc ô tô 4 chỗ chở đến một bãi tập kết ở ngoại ô Moscow để đổi sang một chiếc xe khác.
Suốt hành trình từ Moscow đến biên giới giáp với Latvia, nhóm của Hoàng được chuyển xe 3 lần, tất cả các tài xế đều là người nước ngoài. Sau khi đến biên giới, nhóm của Hoàng đi bộ xuyên rừng suốt 7 tiếng để sang Latvia, khi cả nhóm mệt nhoài đang nằm nghỉ thì biên phòng Nga ập đến bắt giữ.
“Em được biên phòng Nga đưa đến đồn ở gần biên giới rồi kêu người phiên dịch đến, họ nói nhóm em vượt biên trái phép, sau đó thẩm vấn bọn em ai là người đưa đi, đi từ đâu đến, bọn em ở biên giới 2 ngày thì bị đưa ra tòa xử, xử xong được chuyển đến một trại tị nạn”, Hoàng nói.
Hoàng ở trại tị nạn 1 tháng chờ người nhà gửi tiền sang, tại đây có một người Việt làm môi giới đứng ra nhận tiền, làm thủ tục và mua vé máy bay cho Hoàng về nước.
Chuyến đi thất bại nên gia đình Hoàng không phải trả 16.000 USD như thỏa thuận với môi giới trước đó.
Về nước đã hơn 1 năm qua Hoàng vẫn chưa tìm được việc làm ổn định. Em vẫn nuôi giấc mộng đi Tây để kiếm tiền, dù vụ 39 người chết trong container tại Anh hết sức đau lòng vừa mới xảy ra.
“Do bị trục xuất nên em bị cấm đi Nga 5 năm, em cũng đang tính đi tiếp, nếu đi được thì sẽ sang Đức, nhưng bây giờ chắc sẽ khó khăn hơn”, Hoàng nói.
Lê Minh
Theo vietnamnet
Cảnh sát Anh liên lạc với các gia đình Việt Nam vụ 39 người chết trong container
Cảnh sát Essex cho biết đang liên lạc với một số gia đình Việt Nam liên quan tới vụ 39 người được phát hiện chết trong xe tải tại Anh.
"Tại thời điểm này chúng tôi tin rằng các nạn nhân mang quốc tịch Việt Nam. Chúng tôi đang liên lạc với chính phủ Việt Nam. Chúng tôi cũng liên hệ trực tiếp với một số gia đình ở Việt Nam và Anh. Chúng tôi tin rằng đã xác định được gia đình của một số nạn nhân kết thúc hành trình bi kịch của họ bên bờ biển của chúng tôi", Tim Smith, Trợ lý Cảnh sát Trưởng hạt Essex, người chịu trách nhiệm điều tra cái chết của 39 người trong container đông lạnh cho biết trong thông báo cách đây ít giờ.
Cảnh sát Essex tin rằng 39 nạn nhân chết trong container ở Anh mang quốc tịch Việt Nam. (Ảnh: Reuters)
Theo Tim Smith, bằng chứng về việc xác nhận để trình chính thức lên Điều tra viên Cấp cao HM vẫn chưa thu được. Bằng chứng này được tập hợp từ một số khu vực pháp lý ở những nước mà các nạn nhân đã đi qua.
"Vì thế, vào lúc này chúng tôi vẫn chưa thể công bố danh tính của bất kỳ nạn nhân nào. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với chính phủ Việt Nam, và các bên khác, để nhận dạng nạn nhân và cung cấp sự hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi bi kịch này", Trợ lý Cảnh sát trưởng hạt Essex cho biết thêm.
BBC đưa tin, cảnh sát Anh hôm 1/11 cáo buộc tài xế người Bắc Ireland Eamon Harrison nhiều tội danh về ngộ sát liên quan đến vụ 39 người chết trong container ở Essex, Anh.
Harrison là tài xế chở container có 39 nạn nhân tới cảng Zeebrugge, Bỉ trước khi nó được chuyển bằng phà tới cảng Purfleet của Anh đêm 22/7.
Harrison, 23 tuổi bị ra trình diện trước tòa án ở Dublin để đối mặt với 41 cáo buộc sau khi có lệnh bắt giữ của châu Âu.
Cùng ngày, cảnh sát Anh cho biết họ đang truy tìm 2 anh em từ Bắc Ireland, những người được miêu tả là quan trọng đối với cuộc điều tra của cảnh sát.
Hôm 26/10, Maurice Robinson, 25 tuổi, tài xế bốc dỡ chiếc container chở các nạn nhân từ cảng Purfleet và chở tới khu công nghiệp gần London bị bị buộc tội ngộ sát. Đối tượng này còn bị buộc tội buôn người, vi phạm các quy định về nhập cư và rửa tiền.
(Nguồn: Daily Mail)
SONG HY
Theo vtc.vn
39 người chết ở Anh: Mối quan hệ giữa "ông trùm" tên Truong và nữ chúa "đầu rắn" Người đàn ông bí ẩn tên Truong được cho là đang bị công an truy lùng vì liên quan đến vụ 39 người chết trong xe container ở Anh. Truong được cho là ông trùm đường dây đưa người Việt ra nước ngoài lao động và có mối quan hệ mật thiết với chị Ping - nữ chúa băng đảng "đầu rắn" ở...