Cuộc sống ngạt thở của các bà vợ có chồng ‘đếm củ dưa hành’
Con sốt 40 độ nhưng chị Ly nói thế nào chồng cũng không chịu đưa đi khám vì “tự dưng tốn mấy trăm nghìn, để vài hôm là khỏi”.
Ảnh minh họa
Theo lời chị Ly, chồng chị thu nhập khá cao vì làm kế toán cho một công ty kinh doanh thiết bị điện, trong khi lương chị ba cọc ba đồng. Anh tự giữ tiền chi tiêu trong gia đình vì “đưa cho vợ thì mấy mà phá sản”.
“Hồi yêu đã thấy anh ấy ‘keo’ nhưng không thể ngờ tới mức tính toán cả khi vợ đau, con bệnh”, chị Ly, Chương Mỹ, Hà Nội, bày tỏ.
Chị cho biết, có lần chị nhức răng tới nỗi cả đêm khóc rấm rứt, sáng ra nhờ chồng chở đi khám thì anh nhất định không đưa mà sang nhà họ hàng xin về một ít thuốc bột cho chị ngậm. Ngậm chán vẫn không đỡ, chị Ly vừa đau, vừa ức bèn tự bắt xe đi khám, dù biết về sẽ bị chồng làm mặt lạnh suốt tuần.
“Ức chế nhất là chuyện con ốm, lần nào anh ấy cũng bảo cho uống mấy thứ lá là ổn vì sợ vào viện đi lại tốn cả triệu, vừa tiền taxi, vừa tiền khám. Con nhỏ, mình xót ruột không chịu được, cố đưa con đi thì phải đi vay tiền mà về thể nào cũng cãi nhau to”, chị Ly kể.
Nhà chị Ly đầy “rác” vì bất cứ thứ gì, từ bao nilong tới bìa carton, hộp nhựa dùng một lần, chồng đều cất đi. Thi thoảng, muốn sắm quần áo cho con, chị Ly mua đồ thanh lý rồi nói dối chồng là được bạn cho, nếu không sẽ bị mắng té tát. “Nhà có khách, dù là các anh chị ruột của chồng, anh ấy cũng không cho tôi đi chợ mua thêm đồ ăn vì sợ tốn. Mọi người biết tính, chẳng ai muốn ăn cơm nhà tôi, hoặc nếu bắt buộc phải ở lại, anh chị thể nào cũng tự mua đồ ăn về”, chị Ly kể.
Video đang HOT
Bà Ngân, 54 tuổi ở Đội Cấn, Hà Nội cũng chịu đựng cuộc sống tù túng gần 30 năm vì có người chồng bủn xỉn. Chồng bà là giám đốc một công ty nhỏ, dù khá bận rộn nhưng ông giành luôn việc đi chợ vì sợ vợ tiêu hoang. “Ông ấy hay đợi 10-11 giờ trưa, khi chợ đã vãn để mua và dễ ép giá, có khi được rẻ hơn 2/3. Đổi lại, cả nhà nhiều lần phải ăn đồ ôi”, bà Ngân kể.
Mỗi tối, ông ngồi ghi chép tỉ mẩn những thứ đã mua, dù chỉ 1.000 đồng. Vợ muốn đổi chiếc bếp ga cũ sang nấu bếp từ cho an toàn nhưng ông cũng không duyệt vì sợ tốn. Bà Ngân nhiều lần còn xấu hổ với gia đình mình vì dịp lễ Tết, ông chồng tự mua những đồ sắp hết hạn về đóng gói làm giỏ quà biếu nhà vợ.
Có chồng “đếm củ dưa hành”, chị Hoài ở quận 12, TP HCM nhiều lần muốn chia tay vì cảm thấy quá ức chế, mệt mỏi. Chị Hoài kể, chồng chị vẫn duy trì mức tiền góp với vợ là 3 triệu đồng từ 9 năm trước, khi mới lấy nhau, cho tới bây giờ có hai con. “Chúng tôi tiền ai nấy giữ, vợ thiếu thì tự mượn người ngoài chứ đừng hòng xin được chồng. Về quê cả hai bên nội ngoại, vợ thích thì tự mua quà biếu, còn chồng chẳng bao giờ chịu chi”, chị nói.
Anh cũng không bao giờ đi ăn hàng hay đưa vợ con đi chơi. Chị Hoài nhớ có lần chồng chở đi khám thai từ sáng sớm tới gần 2 giờ chiều mới xong, vợ đói gần xỉu mà anh nhất định không cho vào quán, đèo về nhà người chị ăn trực.
Lần gần đây nhất, mẹ ruột phải đi mổ, chị Hoài biết chồng vừa nhận được một khoản tiền lớn nên hỏi mượn tạm nhưng anh không cho. “Anh ta bảo việc lo cho ba mẹ đi viện là của anh trai tôi, rồi nói dối tiền mới nhận đã cho bạn mượn làm ăn. Tôi biết thừa là trước giờ có ai mượn được đồng nào của anh ta đâu”, người vợ bày tỏ.
Bà Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu – hôn nhân – gia đình, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam cho biết, bà từng lắng nghe rất nhiều phụ nữ gọi đến tâm sự vì cảm giác ức chế, ngột ngạt khi chung sống với người đàn ông quá keo kiệt. Nhiều chị em lấy chồng rồi nhưng phải tự gánh mọi việc vì chồng chỉ bo bo giữ tiền. “Người vợ khi ấy không chỉ cảm thấy không nhờ cậy được chồng điều gì mà còn buồn vì nghĩ mình không được yêu thương, coi trọng”, nhà tâm lý chia sẻ.
Bà cho biết, những người đàn ông quá đáng tới nỗi không chịu chi cả khi cần chữa bệnh cho vợ, con, người thân thì không chỉ là tính họ keo kiệt mà thể hiện sự ích kỷ, vô trách nhiệm với gia đình. Điều đó gây tổn thương cho người phụ nữ rất lớn và làm sứt mẻ tình cảm vợ chồng.
Nhà tâm lý cho rằng, khi quyết định sống lâu dài với người chồng như vậy, bản thân người phụ nữ nếu không muốn chịu cảm giác ngột ngạt thì chỉ có cách tự chủ về kinh tế lẫn tâm lý. Ngoài ra, ngay từ đầu khi mới lập gia đình, họ cần có thỏa thuận nghiêm túc về việc chia sẻ tài chính, lôi kéo chồng vào trách nhiệm với con cái. Người vợ cũng có thể cùng người thân trong gia đình tác động dần dần theo kiểu “ mưa dầm thấm lâu”. “Nhưng thực tế cho thấy những người vốn đã keo kiệt thì cực kỳ khó thay đổi”, bà chia sẻ.
Theo VNE
Nỗi khổ "cạn lời" của chị em có chồng tính 'đàn bà'
Chị chịu hết nổi rồi. Tiền bạc đi chợ thì ông tính từng đồng, đo lọ mắm, đếm củ hành, chưa bao giờ biết động đậy tay chân làm việc nhà giúp vợ, chuyện gì cũng để bụng, suốt ngày buôn chuyện thiên hạ. Nhiều lúc chị nổi điên nghĩ thầm trong bụng, chẳng hiểu mình cưới phải... đàn ông hay đàn bà nữa?
Những người chồng có tính nhỏ nhặt thường khiến người vợ chịu khổ - Ảnh minh họa
Mỗi lần tụ tập với nhóm bạn, Thùy Linh ngại nhất khi mọi người tám chuyện về "chồng con". Những lúc ấy, chị hoặc câm nín, hoặc lỉnh ra chỗ khác. Bởi trong khi có người khoe chồng chu toàn mọi việc gia đình, từ kinh tế đến quan hệ nội ngoại; có người khoe chồng không chia sẻ được việc nhà nhưng anh ấy luôn là chỗ dựa cho vợ con và hai bên gia đình khi gặp khó khăn...thì đối với Thùy Linh khi nói về chồng, chị chẳng có gì để khoe. Dù là "khoe khéo" theo kiểu nói xấu "chồng em chả được cái nết gì, chỉ được cái yêu vợ thương con" hay "lười chảy thây việc vặt trong nhà không bao giờ động tay nhưng cứ xảy ra chuyện lớn lại xử lý đâu vào đấy" cũng không thể có để mà khoe nổi!
Chồng của chị chưa bao giờ làm được việc gì cho ra việc lớn. Đi làm thâm niên mười mấy năm anh vẫn chỉ là nhân viên bình thường. Chị cũng hài lòng với việc chồng không giỏi chuyên môn hay quan hệ để thăng tiến nhưng càng ngày chị càng bức xúc khi anh chỉ biết bằng lòng với lương ba cọc ba đồng, thời gian rảnh chỉ tập trung duy nhất vào việc hóng và đưa chuyện. "Mình là phụ nữ không buôn thì thôi, cớ sao chồng lại có nhiều thứ để buôn đến thế".
Chồng chị không chỉ nổi tiếng là "ông buôn" ở cơ quan từ chuyện sếp thế này thế nọ đến chuyện cô đồng nghiệp yêu ai, thế nào, nhà giàu hay nhà nghèo... mà khi về nhà rồi, anh ấy vẫn không rời điện thoại, tiếp tục "buôn" với chị đồng nghiệp về tình hình cơ quan rồi dự tính chuyển việc hay không, hay có v.v...Những lúc như thế, chồng trong mắt Thùy Linh quá xấu, lèm bà lèm bèm cả tiếng đồng hồ không thôi.
Chuyện cơ quan, chuyện hàng xóm láng giềng, chuyện gì anh cũng có thể biến thành câu chuyện làm quà trong khi đó, chị mỗi ngày đều cố gắng làm việc gấp đôi người khác để có được vị trí trong công ty và có thu nhập tốt lo cho gia đình.
Hơn nữa, anh chưa bao giờ biết động đậy tay chân làm việc nhà giúp vợ, chưa một lần thay vợ chở con đi học, nhưng luôn đòi hỏi vợ phải đảm đang tháo vát, đồ đạc trong nhà lúc nào anh cũng bắt chị lau chùi kỹ càng từng mi-li-mét.
Chị đi làm đã quá mệt mỏi với áp lực công việc rồi, về nhà lại chịu đựng sự khó chịu của anh nên không thể vui được. Chị rất thông cảm rằng anh mặc cảm vì không giỏi bằng vợ nhưng chị góp ý nhiều lần rằng anh cư xử đúng mực thì em lúc nào cũng tôn trọng anh. Tính Thùy Linh hơi phóng khoáng, quan tâm nhiều đến chuyện làm ăn, thích du lịch, thích đi chơi với bạn bè, tham vọng và cầu tiến.
Tính anh nhỏ mọn, chỉ lo chăm chút nhà cửa gọn gàng, không thích giao du bạn bè, với anh có nhà là đủ rồi, không cần phấn đấu gì nữa, cũng không chịu học để nâng cao trình độ. Chị mà biết tính anh nhỏ mọn từ khi mới cưới thì đã chia tay ngay, nhưng mãi khi có con rồi anh mới thể hiện bản chất thật.
Chồng chị đàn bà tới mức, tháng nào anh cũng bắt Thùy Linh ghi ra một tờ giấy về những khoản chị đã chi tiêu dù là vài nghìn tiền hành, tiền mắm. Anh ngồi xem rồi cộng cộng, đếm đếm. Đếm xong thì anh kiểm tra số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng xem đúng là còn từng ấy không. Nghe anh nói mà Thùy Linh não hết ruột gan, chán nản vô cùng.
Mỗi lần như vậy thấy cuộc sống cực kì mệt mỏi. Chồng tính toán như thế thì còn làm sao mà chi tiêu được. Sinh hoạt trong nhà biết bao nhiêu việc, việc gì cũng có mà phải ghi từng đồng thì chỉ mệt mỏi mà thôi. Chị nói với chồng bao nhiêu lần thì anh bảo "nếu không chi li thì cô mang tiền cho nhà ngoại à?". Nói vậy mà chị bực mình lắm, xót xa trong lòng.
Đi chợ thì cái gì anh cũng mặc cả từ 5 trăm đồng tới 1 nghìn. Nói chung, đi với anh, chị cảm thấy phát ngại vì đàn bà như chị còn chưa mặc cả, mà chợ toàn người quen, thế nhưng anh cứ tha hồ phát giá. Đến phụ nữ người ta cũng không tính toán chi li, kỹ đến chân tơ kẽ tóc như thế.
Nghĩ đến chồng Thùy Linh chỉ thấy mệt, không còn chút hứng thú yêu thương, nhiều lúc có cảm giác đang sống chung nhà với một bà chị lắm điều chứ không phải là người đàn ông mình gửi gắm cả cuộc đời nữa. Nỗi khổ của Thùy Linh có lẽ chỉ những chị em lấy phải "chồng nữ tính" mới thấu hiểu được. Ước muốn của họ chỉ cần chồng mình là người đàn ông thực thụ như bao người đàn ông bình thường khác mà thôi.
Theo Afamily
Đi công tác cả tháng, vừa về đến nhà đã thấy người đàn ông lạ lúi húi trên đầu giường ngủ của chúng tôi Máu tôi sôi lên "Tưởng cô ta chung thủy yêu mình thế nào, hóa ra chồng đi vắng là ở nhà đã mèo mả gà đồng luôn. Tôi nhất định phải bắt tận tay đôi gian phu dâm phụ này". Vợ chồng tôi cưới nhau khi cả hai đã lớn tuổi. Rất may là tính cách của chúng tôi dễ dàng dung hòa...