Cuộc sống ngắn lắm Mai, cứ yêu đi… nhưng đừng yêu con trai chị nhé!
Người mẹ trong phim “Mai” là minh chứng cho kiểu người nói đạo lý rất hay, miễn sao đó không phải chuyện của mình.
Bên cạnh cuộc tình dở dang đáng tiếc của Mai (Phương Anh Đào) và Sâu ( Tuấn Trần), nhân vật bà Đào – mẹ của Sâu (Hồng Đào) cũng đang được quan tâm không kém trong phim Mai. Dự án lần này của Trấn Thành tiếp tục xoáy sâu vào mâu thuẫn thế hệ, gia đình nhưng theo cách bớt ồn ào và thâm sâu hơn Nhà Bà Nữ hay Bố Già.
Nhân vật mẹ của Sâu được khắc họa một cách đầy tranh cãi, là người phụ nữ thành đạt, tự tin, thương Mai như một người chị lớn. Thế nhưng rất sớm, bà Đào thể hiện rõ giới hạn của mình với Mai, cho thấy mình là kiểu người “mau miệng”, nói đạo lý rất hay nhưng miễn sao chuyện đó không liên quan đến mình là được. Cho đến khi thật sự trở thành nhân vật trong câu chuyện, bà Đào bắt đầu lộ màu sắc thật, không từ thủ đoạn.
Người chị tuyệt vời giúp Mai tìm tự do trong tình yêu
Vào giai đoạn đầu của phim, bà Đào xuất hiện như “làn nước mát mẻ” trong cuộc đời Mai. Bà là khách quen được Mai mát-xa cho, thường chia sẻ với nhau những bí mật cuộc đời. Bà Đào biết rõ Mai khổ, Mai có con riêng, Mai đẹp nhưng chưa dám yêu ai. Cũng chính bà là người liên tục khuyên Mai hãy cứ yêu đi đừng ngại ngùng, bởi vì “life’s too short” (cuộc sống quá ngắn ngủi).
Khi nghe Mai chia sẻ rằng cô để ý một người, nhưng người này lại khá “lông bông”, chưa đủ chín chắn, bà Đào còn nhắn nhủ rằng “cứ yêu đi, rồi nó sẽ chín chắn”. Bà Đào ủng hộ “hai tay, hai chân” chuyện Mai lao vào mà yêu, yêu thật phóng khoáng và tự do, cho thấy mình thuộc tuýp phụ nữ trung niên có tư tưởng cấp tiến, hiện đại, thoáng và là người ai cũng muốn kết bạn.
Video đang HOT
Bà Đào thoạt trông như một hình mẫu mà bất cứ ai cũng muốn kết bạn, sẻ chia và thậm chí dựa dẫm. Thế nhưng ngay sau đó, bà Đào liền nhắc nhở mọi người rằng trước khi là một người bạn và người chị, bà là một người mẹ vì con mà có thể chống lại tất cả.
Người mẹ chồng Mai không bao giờ có
Bà Đào vẫn là nhân vật tuyệt vời, hoàn mỹ cho đến buổi gặp mặt định mệnh của Mai và gia đình Sâu. Việc bà Đào chính là mẹ của Sâu đã giáng đòn mạnh mẽ vào tâm lý của Mai, đồng thời đánh dấu thái độ thay đổi 180 độ rõ rệt của bà Đào. Với bà, Mai có thể là cô em gái tuyệt vời nhất mà bà có, nhưng sẽ không bao giờ là cô con dâu mà bà muốn.
Bà Đào thể hiện rõ cảm xúc tiêu cực, bài xích, thậm chí coi thường của mình dành cho Mai và gia đình Mai qua nhiều chi tiết. Chẳng hạn như khi mạnh tay chi tiền trả nợ cho bố của Mai, bà có nói “Gia đình lu bu như này thì yêu đương kiểu gì?”. Lời nói của bà Đào như nhát dao cứa vào lòng Mai, cũng khiến khán giả bừng tỉnh. Hóa ra chuyện tình này không hề đơn giản là chuyện 2 người. Giữa Sâu và Mai là khoảng cách quá lớn của địa vị, tài chính và cả quan điểm sống.
Thêm vào đó, phân đoạn Mai gặp bà Đào trong nhà thờ có thể được xem là một trong những màn đối thoại hay nhất phim. Tại đây, bà Đào thể hiện sự thông thái và khả năng “thao túng tâm lý” tuyệt vời của mình. Bề ngoài, bà Đào dường như đang thật tâm với Mai, với tư cách “người chị” khuyên em gái. Thế nhưng thực chất bà đang ngấm ngầm tác động tâm trí, khiến Mai từ bỏ tình yêu này mà có lẽ đến khi Mai kịp nhận ra, tất cả đã quá muộn.
Bà Đào dùng nhiều thủ pháp thao túng tâm lý như lợi dụng cảm giác tội lỗi (guilt trip) để khiến Mai mủi lòng, rằng “nếu chuyện em và Sâu đổ vỡ thì sao chị dám nhìn mặt em sau này nữa đây?”. Ngoài ra bà còn có một chút “chơi đùa” với sự bất an của Mai, hay đổ lỗi lên chính con trai để khiến Mai lung lay. Chính cuộc nói chuyện này đã tác động lớn đến quyết định của Mai về sau, đó là rời khỏi Sâu và chủ động biến mất.
Người mẹ đáng ghét và cũng đáng thương
Bà Đào đã tự đả thương 2 con người tin tưởng, yêu thương bà nhất. Bà đáng ghét khi khiến con trai mất đi người khiến anh trưởng thành, biết thế nào là yêu. Bà đáng ghét khi khiến người em gái thân thương, tín nhiệm mình nhất phải đau khổ, sống cuộc đời lặng lẽ. Bà đáng ghét khi phản bội lại những lời lẽ, đức tin và quan điểm sống của mình ngay từ đầu. “Life’s too short”, cuộc sống của bà Đào cũng suýt trở nên ngắn ngủi sau cơn sốc từ những gì mình đã gây nên cho Sâu và Mai.
Thế nhưng ngẫm lại, bà Đào vẫn chỉ là một người mẹ thương con, mong muốn lựa chọn của con trai không làm phí hoài sự hi sinh cả thời thanh xuân của bà. Mai dù sao vẫn chỉ là người dưng, và ở cương vị của một người mẹ, bà Đào không thể để người có quá khứ và cuộc sống phức tạp như Mai đến gần con trai bà. Sự tự vệ của bà với tư cách người mẹ là chính đáng, có thể được thấu hiểu.
Đến 4 năm sau, khi gặp lại Mai, bà Đào chỉ nở nụ cười nhẹ nhàng. Qua diễn xuất của Hồng Đào, nhân vật mẹ của Sâu không ngả hẳn sang cảm xúc đáng ghét hoặc đáng thương. Đó là nụ cười áy náy khi hội ngộ cố nhân, người mình từng chia ngọt sẻ bùi nhưng cũng là người vì mình mà đau thương. Song, nụ cười đó cũng ẩn chứa sự lo sợ, rằng con trai của mình sẽ bất chợt mủi lòng, về lại bên Mai mà quên rằng mình đã có vợ con. Khoảnh khắc thấy Mai lên xe, bà Đào đã xác nhận lại chuyện Mai đã có người yêu mới và mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
Sau tất cả, thời gian rồi cũng bào mòn mọi nỗi đau, sự dằn vặt cũng theo đó mà tan biến và ai cũng đã có chốn bình yên, “chữa lành” của mình, chỉ là… không còn cùng nhau nữa mà thôi.
Phim 'Mai' đạt doanh thu hơn 34 tỉ đồng dù chỉ mới chiếu hơn 1 ngày
Đến trưa ngày 11.2 (mùng 2 tết), phim 'Mai' do Trấn Thành đạo diễn và sản xuất dẫn đầu doanh thu phòng vé với hơn 34 tỉ đồng dù chỉ mới công chiếu từ ngày 10.2.
Theo Box Office Vietnam, Mai hiện dẫn đầu doanh thu phim tết năm nay, đạt 34,3 tỉ đồng, hơn gấp đôi Gặp lại chị bầu do Nhất Trung đạo diễn (15,6 tỉ đồng) dù phim này đã chiếu từ ngày 3.2.
Tuấn Trần và Phương Anh Đào trong phim Mai. ĐPCC
2 phim Việt còn lại có doanh thu khiêm tốn khi cùng khởi chiếu từ 10.2 (mùng 1 tết): Sáng đèn chỉ thu 532 triệu đồng, Trà thu 568 triệu đồng.
Các phim ngoại cũng không đột phá về doanh thu phòng vé khi cùng khởi chiếu đúng ngày 10.2. Phim hoạt hình Nhật Bản Gia đình Điệp viên Mã: Trắng ( Spy x Family Code: White) đạt 2,73 tỉ đồng, xếp sau cũng là một phim hoạt hình - Đấu trường muôn thú ( Noah's Ark) thu 2 tỉ đồng, Arguille Siêu điệp viên ( Arguille) thu 1,2 tỉ đồng, Gấu đỏ biến hình ( Turning Red): 597 triệu đồng...
Khác với thể loại hài thường thấy ở các mùa tết nhiều năm trước, năm nay 4 phim Việt chiếu tết đều có nội dung khá ổn, có bi có hài, có nụ cười và cả nước mắt, với kịch bản không quá đơn điệu và dễ dãi.
Diệu Nhi (vai Huyền) trong phim Gặp lại chị bầu. ĐPCC
Gặp lại chị bầu xoay quanh Phúc (Anh Tú) - một chàng thanh niên mồ côi, sống bấp bênh, tình cờ trở về quá khứ (năm 1997), gặp gỡ Huyền (Diệu Nhi) và chuyển đến sống tại xóm trọ của cô. Huyền phát hiện mang bầu song không tiết lộ cha đứa bé, quyết định làm mẹ đơn thân. Phúc dần nhận ra Huyền chính là mẹ của mình mấy mươi năm trước, chấp nhận hy sinh mạng sống để anh ra đời...
Mai kể chuyện tình lệch tuổi giữa Mai (Phương Anh Đào đóng) với Dương (Tuấn Trần). Mai làm nghề massage có con gái đã trưởng thành, chịu đựng người cha mê cờ bạc, bất ngờ lọt vào mắt xanh của chàng trai trẻ hơn nhiều tuổi tên Dương - con của một gia đình giàu có. Đây là bước tiến của Trấn Thành so với 2 phim trước đây anh từng thực hiện là Bố già và Nhà bà Nữ.
"Mai" của Trấn Thành có gì mà thu gần 25 tỷ ngày Mùng 1, cảnh nóng giữa Phương Anh Đào - Tuấn Trần ra sao? Ngoài cảnh nóng của Phương Anh Đào - Tuấn Trần, phim "Mai" do Trấn Thành làm đạo diễn còn có rất nhiều nội dung đáng xem. Theo thống kê của hệ thống phòng vé độc lập Box Office Vietnam, sau ngày mùng 1 Tết, phim Mai do Trấn Thành làm đạo diễn đã bán được hơn 255.000 vé, thu về hơn 25 tỷ...