Cuộc sống mới của Lê Thị Huệ
Ngồi trò chuyện với khách vào một ngày cuối năm, cựu nữ đô vật một thời danh tiếng Lê Thị Huệ (xã Quảng Châu, Sầm Sơn, Thanh Hóa) không giấu được niềm vui khi cuộc sống mới đã mỉm cười với chị.
Cựu VĐV Lê Thị Huệ cùng mẹ chuẩn bị đồ làm bánh tết cổ truyền tại quê nhà – Ảnh: Hà Đồng
Bên cửa hàng tạp hóa nơi quê nhà, Huệ đã đứng dậy, vươn lên hòa nhập với cuộc sống sau quãng thời gian dài tăm tối của cuộc đời.
Cái tết vui nhất sau bi kịch
Cách đây 13 năm, Lê Thị Huệ khi ấy đang là niềm hi vọng vàng của vật Việt Nam trước thềm SEA Games 2003 với hai lần liên tiếp vô địch quốc gia ở hạng cân 55kg. Nhưng rồi một bi kịch xảy đến đã tước đi tất cả của chị. Trong một buổi tập luyện trước thềm SEA Games, Huệ bị ngã dẫn đến bất tỉnh.
Sau khi tỉnh dậy và trải qua cuộc phẫu thuật, nư đô vật 24 tuổi khi đó bàng hoàng nghe tin dữ: chị bị chấn thương đốt sống cổ, liệt cả tứ chi và cả đời sẽ phải ngồi xe lăn. Sự nghiệp thể thao như vậy là chấm hết. Quan trọng hơn, cuộc đời Huệ sau đó gắn liền với giường bệnh, với những đợt điều trị, phẫu thuật, châm cứu… Trong một lần tâm sự sau này, chị cho biết từng nghĩ đến việc tự tử…
Nhưng rồi sau 13 năm, tất cả rồi cũng qua đi, cô võ sĩ mạnh mẽ ngày nào nay đã tìm lại được nụ cười.
Khi chúng tôi đến thăm gia đình Lê Thị Huệ cũng là lúc chị và mẹ già đang chuẩn bị lá chuối, gạo nếp để làm vài món bánh đón tết cổ truyền. Đôi tay của Huệ còn hơi run khi cầm con dao rọc từng tấm lá chuối. Bước đi của Huệ còn phải nhờ đến tay nạng, nhưng ánh mắt, nụ cười đầy tự tin của Huệ khi kể về ngày tết cổ truyền ở quê rất vui làm xóa tan đi cái lạnh giá những ngày cuối năm.
Video đang HOT
Bà Lường Thị Hường (74 tuổi, mẹ của cựu VĐV Lê Thị Huệ) cho biết từ ngày ra bán hàng tạp hóa với chị gái, Huệ vui, khỏe hơn nhiều. Huệ tự tin hòa nhập với cuộc sống, tự luyện tập để có thể di chuyển trong quầy tạp hóa phục vụ khách mua hàng mà không cần người trợ giúp. Nhiều hôm nhìn Huệ tập đi, bị ngã liên tục, mẹ già ứa nước mắt, đau quặn lòng. Nhưng Huệ nói tự đứng dậy khi bị ngã để có thêm nghị lực. Suốt năm ngoái, Huệ đã tự tập hàng nghìn bước đi và đạt được kết quả khả quan. Hi vọng trong tương lai, Huệ có thể bỏ chiếc nạng, xe lăn, bước đi vững chắc trên đôi chân của mình. Khác hẳn với trước kia, Huệ chỉ quanh quẩn trong căn nhà ở tít ngõ sâu với mẹ già trong nỗi buồn cô quạnh.
“Chưa năm nào thấy Huệ lại sốt sắng lo mua sắm, chuẩn bị các đồ dùng, thực phẩm ngày xuân như tết năm nay. Hai mẹ con đã có nhiều năm cùng nhau đón tết cổ truyền nơi quê nhà. Nhưng có lẽ tết năm nay sẽ là cái tết vui nhất kể từ khi Huệ bị tai nạn, giã từ sự nghiệp VĐV thể thao cho đến nay” – bà Hường tâm sự.
Hằng ngày cựu VĐV Lê Thị Huệ mưu sinh bên tiệm tạp hóa tại quê nhà – Ảnh: Hà Đồng
Hạnh phúc vì đã giúp được mẹ già
Sau khi cùng mẹ lau xong bó lá chuối để gói bánh, chị Huệ lại nhanh chóng điều khiển chiếc xe lăn chạy bằng điện do một nhà hảo tâm giấu tên trao tặng năm 2013, để ra tiệm tạp hóa nơi đầu thôn Châu Chính phụ giúp chị gái bán hàng buổi chiều. Bà con nông dân địa phương sau giờ làm đồng về rẽ vào tiệm tạp hóa của chị em Huệ mua xà phòng, chai nước rửa bát, thùng mì gói, quà tết khiến Huệ bận bịu.
Đôi chân của nữ VĐV này đã có thể di chuyển quanh tiệm tạp hóa để lấy hàng cho khách, dù còn phải nhờ chiếc nạng. Còn đôi tay của Huệ đã bấm được máy tính cầm tay để tính tiền cho khách, chứ không cứng đơ, vô dụng như trước kia nữa. Với một người hơn 10 năm qua chỉ biết nhận sự trợ giúp, lòng hảo tâm từ bà con lối xóm, nay không có gì vui hơn việc đã có thể làm lụng trở lại, phần nào giúp đỡ được mẹ già.
Kể về cuộc đời của mình, chị Huệ không muốn nhắc lại những chuyện buồn trước kia nữa. Tất cả những biến cố sự nghiệp VĐV của mình, chị muốn gác lại trong quá khứ, để mở ra một tương lai tốt đẹp hơn. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, chị Huệ luôn nói lời cảm ơn người mẹ già và chị gái của mình đã cùng đi với chị trên con đường đầy chông gai, vất vả nâng đỡ chị đứng dậy. Bên cạnh đó, chị Huệ cũng gửi lời cảm ơn các nhà hảo tâm, mạnh thường quân… đã quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ tình cảm, vật chất để chị đứng vững và bắt đầu bước đi trong cuộc sống mới hôm nay.
Chị Huệ cho biết: “Hiện nay, mức trợ cấp của Nhà nước dành cho tôi và người chăm sóc tôi là 2,6 triệu đồng/tháng. Hằng năm, vào dịp ngày thành lập ngành TDTT, ngày tết cổ truyền của dân tộc, ngành TDTT tỉnh Thanh Hóa cũng đến thăm hỏi, tặng quà cho tôi. Đây là nguồn an ủi, động viên lớn đối với tôi”.
Chia tay cựu VĐV Lê Thị Huệ, chúng tôi thầm ước lần sau khi gặp lại, sẽ được nhìn thấy chị đi lại nhanh nhẹn trên chính đôi chân của mình.
Lê Thị Huệ sinh năm 1979 tại thôn Châu Chính, xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương (trước kia), nay là thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa. Năm 18 tuổi, Huệ tham gia đội tuyển judo của Trường Năng khiếu TDTT tỉnh Thanh Hóa. Năm 1999 và 2000, Huệ đoạt 1 huy chương bạc, 2 huy chương đồng tại Giải vô địch trẻ judo toàn quốc. Năm 2001, VĐV Lê Thị Huệ chuyển sang bộ môn vật nữ, đoạt huy chương vàng Giải vô địch vật nữ toàn quốc. Năm 2002, Huệ được gọi vào đội tuyển quốc gia môn vật nư trươc khi phai giai nghê môt năm sau đo vi chân thương năng.
Theo Tuổi Trẻ
Trần Thanh Ngời: Cái chết thương tâm và nỗi ám ảnh của người thầy
Cùng trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 22, tuyển thủ Đỗ Xuân Tâm ngã khụy xuống đường đua rồi ra đi mãi mãi, còn tuyển thủ judo Trần Thanh Ngời trải qua 95 ngày nằm viện, trước khi nhắm mắt, để lại nỗi tiếc thương và cả sự ám ảnh...
Tai nạn trên sàn tập
Trong các kỳ SEA Games, judo luôn là một trong những mỏ vàng của thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, để có được vị thế dẫn đầu khu vực, các võ sĩ Việt Nam đã đổ biết bao mồ hôi, máu và cả tính mạng. Đến giờ, những người thầy, đồng đội của Trần Thanh Ngời vẫn không thể quên cái ngày anh ngã xuống trên sàn tập và gần 100 ngày chiến đấu với tử thần trên giường bệnh. Nhưng anh vẫn ra đi, đi nhanh như những thế đòn của môn võ mà Thanh Ngời đã nhiều lần mang vinh quang về cho tổ quốc.
Một buổi tập bình thường như bao buổi tập khác chuẩn bị cho SEA Games 22 được tổ chức trên sân nhà Việt Nam, các võ sĩ của đội tuyển judo mướt mồ hôi với các miếng đánh, quật, hất. Thanh Ngời sau khi giành HCV hạng 55 cân tại giải quốc tế TP.HCM năm 2002, trở thành niềm hy vọng vàng của judo Việt Nam tại SEA Games 1 năm sau đó. Ngời không phải là võ sĩ có thể hình tốt, nhưng anh thường chọn những đối thủ to hơn mình để tập luyện.
Trần Thanh Ngời nằm viện 95 ngày trước khi ra đi mãi mãi.
Buổi tập hôm đó, Ngời xin tập với một võ sĩ nặng hơn mình 20kg. Anh muốn thử sức với các đối thủ mạnh, để vượt qua mọi giới hạn trong thi đấu. Thế nhưng, ai ngờ rằng đó lại là lần cuối cùng Ngời đứng trên sàn tập. Anh gặp phải một tai nạn rất nặng phải nhập viện cấp cứu.
Chẳng là sau khi Ngời vào đòn hông sode sturi komi goshi, anh bị vuột tay áo nắm, khiến đầu cắm thẳng xuống nệm. HLV Lê Thanh Vĩnh và các đồng đội hét lên thất thanh, nhưng chẳng ai kịp ra đỡ được cho Ngời khi anh tiếp đất. Ngời được đi cấp cứu trong tình trạng đốt xương cổ bị lệch, tủy sống bị tổn thương nghiêm trọng. Trước khi hôn mê trên giường bệnh, anh vẫn kịp nói với thầy rằng đó là lỗi của mình, mọi người tiếp tục tập luyện để chuẩn bị cho giải đấu.
Nỗi ám ảnh của người ở lại
Các bác sĩ bệnh viện Xanh Pôn đã làm tất cả để cứu sống Thanh Ngời. Kíp mổ do bác sĩ Nguyễn Thái Sơn, Phó giám đốc bệnh viện Xanh Pôn, trực tiếp phụ trách đã tiến hành phẫu thuật xem xét thực trạng chấn thương đốt sống cổ cho anh.
Ca mổ thành công, các bác sĩ đã giải phóng nhanh ống tủy chèn do trật đốt sống cổ số 4 và 5, nối xương gãy, bắt vít cố định. Rất may là ống tủy của Thanh Ngời chưa đứt hẳn nên có khả năng phục hồi tốt, nhất là trong điều kiện bệnh nhân còn trẻ và thể trạng tốt.
Tưởng như sức khỏe của Ngời tiến triển tốt, nhưng vào một buổi sáng ngày 16/6/2003, anh kêu mệt, rồi sau đó mãi mãi ra đi dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa.
95 ngày Thanh Ngời nằm trên giường bệnh, là những ngày anh chiến đấu với số phận của mình. Ngời phải tiêm rất nhiều thuốc, phải thở máy và nằm cố định. Các đồng đội của anh, cũng đã kêu gọi một cuộc ủng hộ tiền để đưa Ngời ra nước ngoài chữa trị. Dù bận tập luyện, nhưng tất cả vẫn chia nhau tới bệnh viện chăm sóc cho Thanh Ngời.
Ngời ra đi bất ngờ khi mà tất cả đều hy vọng anh sẽ qua khỏi, đã tạo nên cú sốc, nỗi ám ảnh. HLV Lê Thanh Vĩnh vì quá thương tiếc cậu học trò xấu số, đã mất ngủ nhiều đêm, rồi ông nộp đơn xin rút lui khỏi đội tuyển Judo. Đến giờ, ông Vĩnh vẫn không thể quên được cú ngã của Ngời, không thể quên được những ngày anh nằm trên giường bệnh và lúc nhắm mắt.
Người đấu tập với Thanh Ngời hồi đó, giờ là HLV trưởng đội tuyển judo -Lê Duy Hải, cũng ám ảnh không kém.
SEA Games 22, judo Việt Nam lên ngôi số 1 Đông Nam Á với 6 HCV. Trên bục nhận huy chương, cả thầy và trò đội tuyển judo đều òa khóc. Họ dành những tấm huy tặng cho Thanh Ngời - người đáng lẽ cũng phải đứng ở đó để hát quốc ca và hưởng niềm vinh quang chiến thắng.
Theo Vietnamnet
Số phận đầy nước mắt sau ánh hào quang của những VĐV Việt Nam Những cuộc tranh tài, những tấm huy chương, những lời tung hô, tán tụng... nhưng đằng sau ánh hào quang ấy trên sàn đấu thể thao là nỗi đau về sự nghiệt ngã của số phận con người. Vũ Bích Hường từng hình ảnh mang tính biểu tượng của thể thao Việt Nam một thời gian dài 1. "Tượng đài điền kinh" Vũ...