Cuộc sống ‘lầy lội’, bệnh tật của một phụ nữ nghiện rượu
Sức khỏe yếu và nghiện rượu khiến cô Jessica Landon không đủ sức đi đứng bình thường. Suốt 1 tháng, cô gần như nằm liệt một chỗ.
Cô Jessica Landon uống rượu nhiều đến mức khiến nồng độ a xít trong nước tiểu quá cao, ăn mòn da ở hông và xương cụt – Ảnh minh họa: Shutterstock
Uống quá nhiều rượu khiến nồng độ a xít trong nước tiểu cô Landon cao đến mức ăn mòn da, gây nhiễm trùng.
Cô Landon (37 tuổi) lớn lên ở thành phố Rancho Cucamonga, bang California, Mỹ. Năm 19 tuổi, cô chuyển đến Los Angeles với mơ ước trở thành người mẫu và diễn viên, theo Daily Mail.
Kể từ đó, cuộc sống của cô gái trẻ gắn liền với những ly rượu và bữa tiệc. Đến năm 26 tuổi, Landon trở thành kẻ nghiện rượu và lúc nào cũng có chai vodka mang bên người.
Mặc dù cô đã cố gắng cai rượu nhiều lần nhưng sau đó lại tái nghiện. Vào năm 2013, cô Landon đang say rượu thì bị vấp và ngã xuống cầu thang. Cú va chạm mạnh vào đầu khiến cô bị xuất huyết não.
Ảnh chụp CT tại bệnh viện cho thấy huyết khối lớn bằng trái bóng chày trong não Landon. Bác sĩ phải dẫn lưu để rút huyết khối ra ngoài. Tuy nhiên, điều trước tiên làm là phải cai rượu cho bệnh nhân. Uống rượu quá nhiều khiến máu cô loãng đến mức sẽ không an toàn nếu phẫu thuật lúc đó
Sau thời gian phẫu thuật và điều trị, cô Landon dần phục hồi. Hai tháng sau, cô tái nghiện và lần này thậm chí uống còn nhiều hơn.
Sức khỏe Landon bị suy kiệt, cơ thể ốm yếu và gầy gò. Cô Landon không thể đi đứng bình thường. Tình trạng sức khỏe suy yếu và những cơn say liên tục khiến Landon gần như nằm liệt giường, nhiều lần cô đi tiểu và đại tiện ngay tại chỗ mình nằm. Việc này kéo dài đến hơn một tháng, theo Daily Mail.
Video đang HOT
Cô Landon uống nhiều đến mức khiến nồng độ a xít trong nước tiểu quá cao, ăn mòn da ở hông và xương cụt. Hậu quả dẫn đến nhiễm trùng da do tụ cầu khuẩn vàng.
“Tôi biết mình đang chết dần và trở nên tuyệt vọng”, Landon kể lại. Cô đã gọi điện đến người bạn cũ và cầu xin sự giúp đỡ. Người này đã đến gặp Landon vào sáng hôm sau và đưa xe cấp cứu đến.
Tại bệnh viện, nồng độ cồn trong máu Landon cao ngất ngưỡng. Các cơ quan nội tạng đều bị suy yếu. Trong lượng cơ thể Landon lúc đó chỉ nặng 35 kg.
Cô phải nằm viện suốt 1 tháng để điều trị nhiễm trùng da và hồi phục sức khỏe, sau đó trải qua vật lý trị liệu để tập đi lại bình thường. Sau đó, cô Landon trở về nhà sống với bố mẹ ruột.
Hiện tại, cô đã lên được 47 kg và dự kiến sẽ sinh đứa con đầu lòng với chồng là Matthew vào tháng 12.2019, theo Daily Mail.
Theo Thanh niên
Tác hại của rượu tới hệ thần kinh
Từ xưa đến nay, rượu là thức uống không thể thiếu được trong mỗi buổi tiệc và mời rượu là một "nét văn hóa" khi tụ tập chốn đông người. Tuy nhiên khi con người tiêu thụ quá nhiều rượu sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến sức khoẻ, nhất là hệ thần kinh.
Loạn thần do nghiện rượu
Theo số liệu tổng hợp của Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, trung bình mỗi tháng, bệnh viện tiếp nhận 20 trường hợp bệnh nhân đến khám và điều trị chứng loạn thần do rượu. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2019, đã có 90 trường hợp bệnh nhân loạn thần do rượu đến bệnh viện khám và điều trị. Tất cả những bệnh nhân này đều có chung tiền sử nghiện rượu, nhập viện trong tình trạng rối loạn cảm giác, hoang tưởng, ảo giác, lên cơn co giật, tâm lý hành vi bất thường, rối loạn nhận thức.
Tương tự, theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhân bị nghiện rượu bia dẫn tới loạn thần phải nhập viện điều trị ngày càng tăng lên. Cụ thể, năm 2017 là 624 bệnh nhân, năm 2018 là 682 bệnh nhân và 5 tháng đầu năm 2019 có 318 bệnh nhân bị loạn thần do nghiện rượu bia phải nhập viện. Độ tuổi của người rối loạn tâm thần do hành vi sử dụng rượu thấp nhất là 26 tuổi và cao nhất là 97 tuổi, trong đó nhóm tuổi từ 20 - 30 tuổi chiếm 1,89%, tuổi 31 - 40 chiếm 19,5%, tuổi 41 - 50 chiếm 36,78%, tuổi từ 51 - 60 chiếm 28,3%, tuổi 61 - 70 chiếm 12,89%, từ 71 tuổi trở lên chiếm 0.94%. Và có tới 99,37% bệnh nhân loạn thần do uống rượu bia phải nhập viện Tâm Thần Thanh Hóa điều trị trong những năm qua là nam giới.
Trước đó, vào những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi 2019, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An đã tích cực điều trị cho hàng chục trường hợp bệnh nhân bị rối loạn tâm thần, ngộ độc do sử dụng nhiều rượu, bia trong dịp Tết Nguyên đán. Trong dịp Tết Nguyên đán 2019, tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An số lượng bệnh nhân rối loạn tâm thần do uống nhiều rượu và ngộ độc rượu tăng gần gấp hai lần so với dịp Tết năm 2018.
Theo thống kê, từ ngày 28 đến ngày mùng 6 Tết, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An đã khám và điều trị cho 150 lượt bệnh nhân, trong đó có gần 90 trường hợp bệnh nhân rối loạn tâm thần do uống nhiều rượu và ngộ độc rượu, bia. Bác sỹ Nguyễn Thị Minh Châu, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viên Tâm thần Nghệ An, cho biết, trong quá trình 9 ngày nghỉ Tết, số lượng bệnh nhân vào điều trị tại khoa rất đông, ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện, có ngày tới 20 bệnh nhân. Không chỉ có những người cao tuổi rối loạn tâm thần do sử dụng bia, rượu quá mức mà tình trạng này còn xảy ra đối với các thanh niên tuổi còn rất trẻ.
Uống rượu - con đường dẫn đến các bệnh về thần kinh
Lạm dụng rượu có thể gây ra nhiều tác động trực tiếp và cả gián tiếp đến não bộ và hệ thần kinh. Là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh về thần kinh đối với người sử dụng.
Wernicke-Korsakoff (WKS) là một căn bệnh thường gặp ở những người nghiện rượu. WKS gây tổn thương não bộ do sự thiếu hụt vitamin B1. Hội chứng này được phân thành 2 dạng là bệnh não Wernicke và rối loạn tâm thần Korsakoff. Bệnh não Wernicke gây ra các triệu chứng như lú lẫn, giảm phối hợp vận động các cơ, liệt mặt. Rối loạn tâm thần Korsakoff là một hội chứng mãn tính (thường tiến triển từ bệnh não Wernicke nếu không được điều trị) thường gây ra mất trí nhớ, hay quên, giảm phối hợp vận động, đi lại khó khăn.
Bên cạnh đó, chứng nghiện rượu mãn tính thường dẫn đến biến đổi nhân cách, sa sút tâm thần. Người bệnh trở nên ích kỷ hung dữ ác độc, đánh đập hành hạ vợ con. Suy đồi đạo đức, quan hệ tình dục bừa bãi, thiếu bảo vệ, dễ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như giang mai, lậu mủ và hiện nay là SIDA nên dễ truyền bệnh cho người thân. Sống thiếu trách nhiệm với gia đình tiêu xài phung phí, thờ ơ với công việc, năng suất làm việc giảm sút hay vi phạm pháp luật.
Việc lạm dụng quá nhiều rượu sẽ khiến con người mắc bệnh thoái hóa tiểu não. Đây là bệnh do các tế bào nơ ron ở tiểu não bị hủy hoại và chết do tác động của rượu. Tiểu não là một phần của não bộ kiểm soát chức năng phối hợp vận động và giữ thăng bằng. Các triệu chứng bao gồm đi không vững, run rẩy, chuyển động giật của cánh tay và chân, rung giật nhãn cầu,....
Tương tự, hội chứng cai rượu cấp tính cũng là bệnh xảy ra khi một người đang tiêu thụ quá nhiều rượu trong một khoảng thời gian dài bỗng dưng ngừng uống rượu đột ngột. Các triệu chứng có thể xuất hiện chỉ trong vòng 5 giờ sau lần uống cuối cùng và có thể kéo dài tới hàng tuần lễ như: lo lắng, chán nản, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng, run, gặp ác mộng, đau đầu, vã mồ hôi,... Hậu quả nghiêm trọng nhất là chứng cuồng sảng rượu cấp (delirium tremens), có thể gây lú lẫn, thay đổi tâm trạng đột ngột, ảo giác, sốt, tăng thân nhiệt và co giật.
Ngoài ra, rượu cũng có tác động tiêu cực đến các bó cơ gây ra bệnh cơ. Tiêu thụ quá nhiều rượu trong một khoảng thời gian dài cũng có thể gây suy yếu cơ. Căn bệnh này có thể cấp tính và mãn tính, các triệu chứng bao gồm: yếu cơ, teo cơ, đau cơ, cứng cơ, co rút cơ.
Đặc biệt, với phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai, việc sử dụng quá nhiều rượu sẽ khiến thai nhi mắc hội chứng ngộ độc rượu. Hội chứng ngộ độc rượu ở thai nhi là một thuật ngữ được dùng để miêu tả một loạt các vấn đề ảnh hưởng đến các em bé mà nguyên nhân do mẹ uống rượu trong lúc mang thai. Những rối loạn này có biểu hiện từ nhẹ đến nghiêm trọng và có thể gây ra những dị tật về thể chất cũng như trí tuệ và hành vi cho trẻ sơ sinh. Những vấn đề này có thể khởi phát ở bất cứ thời điểm nào trong thời kỳ thơ ấu. Không có giới hạn về lượng rượu tiêu thụ nào được coi là an toàn cho phụ nữ mang thai.
Các chuyên gia cho biết, khi chất cồn vào cơ thể, nếu vượt quá mức cho phép dù chỉ rất ít cũng sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe thể chất và tâm thần. Cồn tác động rất lớn đến bộ não, ngay cả khi chỉ cần uống một lượng với nồng độ khoảng 0,25% trong máu, tương đương với 0,3 lít bia hoặc 100ml rượu vang.
Cồn gây tác động rất lớn đến hệ thống thần kinh mà đặc biệt là lên não, làm cho góc nhìn bị thu hẹp lại và thời gian phản ứng chậm đi. Do vậy, người uống rượu, bia bị hạn chế rất lớn trong việc điều khiển các loại phương tiện giao thông và rất dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Nếu uống 50g cồn hằng ngày sẽ để lại tác hại vĩnh viễn, với khoảng 100.000 tế bào não sẽ bị giết chết khi uống một ly bia. Trong một cơn say rượu, con số tế bào não chết đi có thể lên đến 10.000.000.
Theo chia sẻ của Bác sỹ Huỳnh Xuân Thiện, Trưởng phòng Tổ chức Bệnh viện Tâm Thần, để điều trị nghiện rượu mãn tính cần có sự hợp tác giữa người bệnh và thầy thuốc, với sự hỗ trợ của gia đình và xã hội. Việc điều trị ngoại trú là căn bản ở phòng khám tâm thần địa phương với đội ngũ chuyên khoa, đặc biệt là những nơi có bệnh viện ban ngày thì hiệu quả cao hơn nhiều.
Giai đoạn nặng cấp tính có nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh cần thiết phải được cấp cứu tại bệnh viện có đầy đủ phương tiện với sự hỗ trợ chuyên khoa tâm thần nếu có rối loạn tâm thần kèm theo. Mọi trường hợp cấp cứu tâm thần như có hành vi tự sát, hành vi nguy hiểm khác như giết người, đốt nhà buộc phải nhập bệnh viện chuyên khoa tâm thần để điều trị. Song song là việc điều chỉnh các rối loạn, các bệnh lý khác do chúng nghiện rượu gây ra.
Việc ngưng rượu hoàn toàn trong giai đoạn cấp tính là điều bắt buộc. Trong giai đoạn điều trị ngoại trú, việc bỏ rượu là cực kì khó khăn đòi hỏi nhiều nỗ lực của cá nhân người nghiện rượu. Sự động viên, nâng đỡ, an ủi, tạo việc làm của gia đình và xã hội sẽ tạo điều kiện cho người nghiện rượu vượt qua chính mình tái hòa nhập cộng đồng. Việc lập các tổ chức, các hội, các nhóm giúp đỡ người nghiện rượu (giống như nhóm đồng đẳng, hội bạn giúp bạn trong điều trị hậu cai nghiện ma tuý) là điều cần nhanh chóng thực hiện...
Tuấn Anh
Theo baophapluat
Hàng triệu người Việt nghiện 'món' gây xơ gan, chảy máu dạ dày Thống kê trung bình mỗi năm tại khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai điều trị cho khoảng 3.000 bệnh nhân nội trú bị xơ gan, viêm tụy do rượu. Ảnh minh hoạ: Internet Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, rượu bia gây ra nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, phình mạch chủ, bệnh đường miệng, sơ gan,...