Cuộc sống khốn khổ và bị xiềng xích của voi trong vườn thú Thái Lan
Bị xích, bị đánh đập, bị bỏ đói và sống trong điều kiện chật hẹp để mua vui cho du khách là hoàn cảnh thường thấy của những con voi trong các vườn thú Thái Lan.
Thế giới của Kluay Hom là bê tông và xiềng xích. Nó đứng trên đống chất thải của chính mình, chân bị còng, mắt đục ngầu và đầu thì cúi. Đung đưa về trước rồi về sau, Hom chuyển động như một con lắc, mắc kẹt trong một vòng lặp mãi mãi không có đường ra.
Ánh nắng tràn vào chuồng của Hom, hôm nay là một ngày đẹp trời, nhưng mặc dù mới 8 hoặc 9 tuổi, nó không hề có sức sống của một chú voi non. Đôi chân của nó chậm chạp.
Trong những cái chuồng liền kề, 4 con voi đung đưa qua lại, triệu chứng điển hình của stress ở động vật bị giam cầm. Chúng là những ngôi sao của Trang trại cá sấu kiêm Sở thú Samutprakan. Nhưng khi không phải diễn xiếc trước mặt khách tham quan, chẳng ai biết đến cuộc sống này của chúng.
Kluay Hom bên trong chuồng của mình, với chân trái bị xích, ở vườn thú Samutprakan, phía nam Bangkok. Ảnh: Channel NewsAsia.
“Chúng đáng được tôn trọng”
Sở thú Samutprakan, nằm ngay phía nam Bangkok, là ví dụ điển hình cho văn hóa đối xử với động vật cực kỳ lạc hậu và tàn nhẫn ở Thái Lan.
Ở nơi đây, tinh tinh phải ngồi trong chuồng, mặc quần áo con người và đeo bỉm. Những con hổ đau đớn đi vòng quanh cái chuồng của nó, trong khi cổ vẫn bị xích. Khách đến tham quan sẽ được ngắm nhìn những con cá sấu, nhưng cũng có thể ăn một bát súp cá sấu ngay nhà hàng bên cạnh.
Những tấm biển bằng gỗ có dòng chữ: “Xin hãy đối xử tốt với động vật”.
Video đang HOT
Nhưng tuyệt vọng nhất có lẽ là những con voi. Giữa trưa nắng và nhiệt độ lên tới 40 độ C, 4 con voi của vườn thú phải mặc trang phục, đội tấm vải đỏ lên đầu và chuẩn bị biểu diễn. Khi nhạc của ca khúc Gangnam Style bật lên, chúng sẽ phải thực hiện một loạt động tác như đứng bằng 2 chân sau, ném phi tiêu vào bóng bay, đá bóng và vẽ bằng vòi của mình.
Chúng phải diễn 7 show như vậy mỗi ngày. Kluay Hom đang bị thương ở chân nên được nghỉ.
Những người nuôi dạy voi, được gọi là mahout (quản tượng), luôn ở gần chúng và gây sức ép để những con voi biểu diễn theo hiệu lệnh. Nếu chúng lơ là, quản tượng sẽ dùng đinh sắt để chọc vào người chúng.
Những gì diễn ra ở vườn thú Samutprakan cũng thường thấy ở những vườn thú khác trên khắp Thái Lan. Mặc dù đã có những chiến dịch truyền thông rộng rãi để chấm dứt các hoạt động mua vui tàn nhẫn này, nhiều nhà hoạt động cho rằng tình trạng đó đang diễn ra phổ biến hơn bao giờ hết.
“Là một người Thái, tôi luôn nghĩ rằng con voi là biểu tượng của đất nước và chúng đáng được sống với sự tôn trọng”, bà Sangdeaun Chailert, nhà sáng lập Công viên Voi Tự nhiên và là nhà hoạt động bản vệ động vật hàng đầu ở Thái Lan, cho biết.
Những con voi phải biểu diễn nhiều show ngoài trời trong thời tiết nắng nóng. Ảnh: Channel NewsAsia.
“Con người luôn nghĩ rằng chúng ta hơn các loài khác. Chúng ta luôn nghĩ rằng các loài động vật khác sinh ra trên hành tinh này là để phục vụ chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta là người thông minh”, Chailert nói.
Ước tính có khoảng 4.400 con voi nhà đang được nuôi nhốt ở Thái Lan. Hơn một nửa trong số này làm việc trong ngành du lịch, và con số vẫn đang tăng lên. Trong quãng thời gian 5 năm, số lượng voi phục vụ du lịch đã tăng lên 30%, theo một báo cáo năm 2017.
“Không có gì sai ở đây”
Voi bắt đầu phải đi diễn xiếc nhiều hơn vào năm 1989, sau khi chính phủ Thái Lan ban hành lệnh cấm chặt phá rừng. Trước đó, chúng được sử dụng để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.
Việc sử dụng voi để phục vụ du lịch chưa bao giờ được quản lý chặt chẽ, và các doanh nghiệp thường vận hành ngành kinh doanh này mà không có sự kiểm soát chính thức nào trong hàng thập kỷ. Các tiêu chuẩn về hành vi ngược đãi thú vật mới chỉ được đưa vào luật từ năm 2014, nhưng thậm chí các cơ quan chức năng cũng thừa nhận luật còn mơ hồ và khó thực thi.
“Luật pháp chưa hoàn chỉnh. Nó được xem xét trong từng trường hợp riêng lẻ, và chúng tập trung vào từng con voi – nếu nó khỏe mạnh về thể chất, về tinh thần hoặc bị stress. Nhưng nếu sự tàn bạo là rõ ràng, như nếu có ai đó bắn voi hoặc làm bị thương con voi, chúng tôi có thể xử lý ngay”, ông Somchuan Ratanamungklanon, Phó giám đốc Cục chăn nuôi Thái Lan, cho biết.
Nỗi thất vọng đã gia tăng trong cộng đồng các nhà hoạt động bảo vệ động vật, khi những nỗ lực cứu voi hoặc kêu gọi đóng cửa các cơ sở có điều kiện nuôi nhốt tồi tệ, trở nên vô ích khi phải đối mặt với các quy định chồng chéo và sự thực thi một cách hạn chế.
Đối mặt với các quy định chồng chéo và việc thực thi luật hạn chế, nhiều cá thể voi tiếp tục phải sống trong điều kiện tồi tệ ở những sở thú Thái Lan. Ảnh: Channel NewsAsia.
Chailert cho biết bà và nhiều người khác đã biết về tình trạng của Kluay Hom trong nhiều năm, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa can thiệp.
“Có rất nhiều nhà hoạt động bảo vệ quyền động vật cố gắng để giúp đỡ Kluay Hom. Rất nhiều đơn thư khiếu nại, nhưng điều đó vẫn tiếp tục trong nhiều năm. Chính phủ cử người đến kiểm tra, Cục Động vật Hoang dã, bác sĩ thú ý, họ tới đó với một nụ cười lớn và nói rằng ‘không có gì sai cả’”, bà Chailert chia sẻ.
Bộ trưởng Môi trường mới vừa nhậm chức, ông Varawut Silpa-archa, khiến giới hoạt động bảo vệ động vật cảm thấy tích cực khi cam kết sẽ cải thiện tình trạng này.
“Chúng ta cần phải coi chúng là biểu tượng của đất nước. Tất cả sự hành hạ, huấn luyện, những rạp xiếc và những thứ khác, cần phải dừng lại và tôi chắc chắn đó sẽ là việc đầu tiên trong chương trình nghị sự của tôi”, ông Silpa-archa nói.
“Bạn không được hành hạ động vật. Bạn không yêu cầu chúng làm những thứ điên rồ chỉ để giải trí”, vị bộ trưởng cho biết.
Theo Zing.vn/Channel NewsAsia
Tóm sống rắn hổ mang chúa "khủng", cần 6 người khiêng mới đủ
Con hổ mang chúa to đến nỗi có thể nuốt chửng một con kỳ đà nước dài 1,5 m và nặng khoảng 20kg.
Một người phụ nữ sống tại Krabi, Thái Lan vừa có một phen hoảng hồn khi vừa về đến cửa đã phát hiện ra một con rắn hổ mang chúa "siêu to khổng lồ" "ghé thăm" nhà mình.
Anantaya Phonbamrungwong về đến nhà thì nghe thấy tiếng chó sủa dữ dội. Thấy lạ, chị bèn đi kiểm tra quanh nhà và phát hiện một con rắn hổ mang chúa dài đến 5m đang "chén" một con kỳ đà nước lớn ngay trong nhà mình.
Hoảng sợ, chị liền gọi cho Krabi Phitak Pracha - một tổ chức cứu trợ động vật để đưa sinh vật nguy hiểm ngày trở lại nơi cư trú tự nhiên. Tổ chức này cử nhiều tình nguyện viên đến để thu phục con rắn, tuy nhiên, còn kỳ đà xấu số kia có lẽ sẽ không thể được cứu sống.
Chị mô tả, con rắn lúc ấy vẫn chưa nuốt xong con kỳ đà, đuôi của con vật xấu số vẫn còn trôi hết vào miệng của con rắn. Một con kỳ đà nước có chiều dài trung bình khoảng 1,5m và trọng lượng có thể lên tới 25kg, ấy vậy mà nó nằm gọn gàng trong họng con rắn chúa kia.
Con rắn không mấy hung tợn và tốc độ cũng không quá nhanh (có lẽ do đã no) nên sau một hồi xoay sở, các tình nguyện viên cuối cùng cũng bắt được nó. Sinh vật bò sát dài những 5m này phải cần tận 6 người mới có thể khiêng nó đi và trả về với tự nhiên.
Theo Hồng Ngọc (Saostar)
Thương chiến Mỹ-Trung: Thái Lan giảm 50% thuế, hút nhà đầu tư ngoại Thái Lan đang tìm cách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài sau thời gian chỉ số tăng trưởng giảm mạnh. Các quan chức kinh tế Thái Lan lên kế hoạch cho "gói tái định cư" để thu hút các công ty nước ngoài chuyển nhà máy sang nước này trong căng thẳng thương mại toàn cầu. (Ảnh minh họa: Business Times)...