Cuộc sống khắc nghiệt ở Norilsk, nơi tách biệt với thế giới: Không chỉ có khí hậu lạnh giá mà còn là nơi ô nhiễm nhất hành tinh
Norilsk là một thành phố biệt lập với thế giới, bị hạn chế khách du lịch và được xây dựng trên tàn tích của một trại lao động.
Thành phố Norilsk của Siberia là một thành phố nằm ở cực Bắc thuộc Nga. Nằm cách vòng cực Bắc khoảng 320km, thành phố này không chỉ là nơi có khí hậu lạnh giá mà còn là nơi ô nhiễm nhất nước Nga. Đó là một nơi biệt lập, bị hạn chế khách du lịch và được xây dựng trên tàn tích của một trại lao động.
Thế nhưng, vẫn có 177.000 người chọn sống tại thành phố này. Điều đó khiến Norilsk trở thành thành phố lớn nhất tại cực Bắc.
Tại đây, nhiệt độ trung bình hàng năm vào khoảng -10 độ C. Mức thấp nhất trong kỉ lục của thành phố này là -53 độ C. Vào mùa đông, nhiều người không thể đứng đợi ở trạm xe buýt vì sợ sẽ bị đóng băng đến chết.
Khoảng 3 tháng trong một năm, Mặt trời gần như không xuất hiện khiến thành phố này chìm trong bóng đêm. Nhưng vào khoảng tháng 6, tháng 7, Mặt trời lại xuất hiện 24/7 khiến thành phố này lúc nào cũng sáng rõ như ban ngày.
Thành phố với những mỏ kim loại giá trị nhất thế giới
Bất chấp khí hậu khắc nghiệt, nằm sâu dưới những lớp đất bị chôn vùi bởi tuyết, Norilsk chứa đựng rất nhiều quặng kim loại quý hiếm. Đó là những mỏ kim loại giá trị nhất thế giới. Norilsk cũng là một trong những nhà sản xuất lớn nhất của niken và paladi. Paladi là một loại hợp chất được sử dụng trong điện tử và là khoáng sản có giá trị lớn, khoảng 35 triệu đồng/1 ounce (28g).
Thành phố này được thành lập chính thức vào năm 1935 dưới thời nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin. Khoảng từ năm 1935 – 1953, ước tính có khoảng 650.000 tù nhân được lưu đày đến đây để khai thác các quặng kim loại nằm dưới lớp băng vĩnh cửu. Các tù nhân thời đó làm việc 14 giờ mỗi ngày mà không được trang bị những thiết bị an toàn lao động.
Một tù nhân còn sống sót đã kể lại rằng: “Đó là một công việc nặng nhọc. Chúng tôi không có ngày nghỉ, trừ khi nhiệt độ xuống tới khoảng -50 độ C.”
Nhiều tù nhân đã chết vì đói, lạnh, nhiễm độc kim loại và kiệt sức. Có một số người tuyệt vọng đến mức đã tự sát để không phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt này nữa.
Có khoảng 250.000 tù nhân đã qua đời. Hệ thống nhà tù tại đây hiện đã bị đóng cửa và mọi công dân nước ngoài đều không được phép đến thăm khu vực này.
Cuộc sống thường ngày tại “Nơi tận cùng thế giới”
Vào mùa đông, hầu hết các hoạt động trong thành phố này đều diễn ra ở trong nhà. Những người sống tại Norilsk thường coi thành phố của họ là một “hòn đảo” và phần còn lại của Nga là “đại lục”. Phải đến tận năm 2017, thành phố này mới có mạng internet.
Vào mùa hè, cuộc sống ở thành phố này dễ thở hơn một chút. Tuy nhiên, lớp băng tan cũng không khiến Norilsk có một mùa hè đích thực.
Công dân tại Norilsk thường là hậu duệ của những tù nhân từng bị lưu đày và lao động khổ sai. Họ vẫn sống tại đây vì khó có thể rời thành phố và tìm một công việc khác. Một số người tìm đến đây định cư với hi vọng có một mức lương cao như mong ước.
Một số người dân địa phương có cơ hội rời khỏi Norilsk thường không muốn quay trở lại. Một cư dân 30 tuổi đã được tờ The New York Times hỏi rằng ông cảm thấy thế nào đi thăm các vùng khác của nước Nga và nhận được câu trả lời rằng: “Tôi thực sự không muốn quay lại Norilsk và sẵn sàng cho đi bất cứ thứ gì để không phải trở về.”
Bên cạnh đó, vẫn có những cư dân của Norilsk tự hào về khả năng phát triển mạnh ở một nơi khắc nghiệt như vậy.
Norilsk nằm cách biệt với nước Nga. Để đến được đây, người ta phải đi tàu thủy hoặc máy bay trong nhiều giờ. Vì dường như sống ở nơi “tận cùng của thế giới”, người dân ở đây dành phần lớn thời gian trong không gian kín tại nơi làm việc, ở nhà trong căn hộ của họ, hoặc trong các trung tâm giải trí và trung tâm mua sắm địa phương.
Thành phố ô nhiễm nhất nước Nga
Hoạt động khai thác kim loại đã khiến cho môi trường trở nên ô nhiễm nặng nề. Do hàm lượng lưu huỳnh dioxit được tạo ra trong quá trình nấu chảy có nồng độ cao trong không khí, Norilsk không chỉ là thành phố ô nhiễm nhất nước Nga mà còn là một trong 10 thành phố ô nhiễm nhất hành tinh.
Vào mùa hè, không khí ô nhiễm càng khiến cho thành phố này trở nên khó thở vì khí độc
Khí thải khai thác đã giết chết các thảm thực vật. Năm 2016, sự cố tràn từ các nhà máy niken đã biến sông Daldykan gần đó thành màu đỏ như máu. Cái chết do bệnh hô hấp ở đây cũng cao hơn so với những nơi khác. Bên cạnh đó là các bệnh về ung thư và tâm lý của cư dân tại đây.
Ngay sau đó, thành phố này cũng đã có những động thái để làm giảm lượng khí thải ô nhiễm. Năm 2016, công ty Norilsk Nickel đã đóng cửa lò luyện cũ từ năm 1942, nơi thải ra lượng khí độc lớn nhất. Điều này đã có những tác động tích cực khi đến năm 2019, lượng khí thải sulfur dioxide đã giảm gần 200.000 tấn.
Dù vậy, Norilsk vẫn là nơi sản sinh ra lượng khí độc lớn nhất thế giới. Norilsk hiện đang chi khoảng 3,5 tỷ đô la để giúp hiện đại hóa mỏ và làm sạch khí thải.
Theo toquoc.vn/allthatsinteresting, meduza
Giải mã bí ẩn rừng lim cổ thụ được thần trăn bảo vệ
Là niềm tự hào của người dân xã Hậu Thành (Yên Thành, Nghệ An), rừng lim nguyên sinh núi Tháp Lĩnh có cả nghìn cây cổ thụ 2 đến 3 người ôm không xuể.
Huyện đồng bằng Yên Thành được xem là "bờ xôi ruộng mật", vựa lúa lớn nhất Nghệ An nhưng vẫn tồn tại rừng lim nguyên sinh, có tuổi đời hàng trăm năm tại xã Hậu Thành.
Rừng lim Tháp Lĩnh có diện tích gần 20ha, nổi lên giữa những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Trong rừng có hàng nghìn cây lim, đường kính từ 30cm trở lên, được người dân xem như chốn "cấm sơn", không ai được xâm phạm.
Những bậc cao niên trong làng cũng không biết cánh rừng có từ bao giờ, chỉ biết khi sinh ra rừng đã ở đó. Trải qua nhiều thế hệ, khu rừng vẫn giữ nguyên nét hoang sơ, huyền bí, u tịch.
Một góc rừng lim nguyên sinh Tháp Lĩnh ở xã Hậu Thành
Đường vào rừng và đền Cả được lát bê tông, bên ngoài có hàng rào bảo vệ
Men theo đường mòn dẫn lên núi, càng vào sâu lại càng có nhiều cây lim cổ thụ hiện ra. Thân và gốc lim nổi u sần, gồ ghề, bám nhiều rêu mốc, cành cây buông tán rộng cả một vùng.
Là người trông coi bảo vệ rừng Tháp Lĩnh, ông Lại Văn Ngân (SN 1961, trú tại xã Hậu Thành) cho biết, lim ở đây chủ yếu là lim xanh và lim sâu róm.
Những cây lim đường kính hơn 1m, 2 đến 3 người ôm nhiều vô kể. Ngoài cây lim, rừng còn có nhiều cây gỗ quý như trai, gụ, trắc, hương... Đây cũng là nơi cư ngụ của nhiều loài động vật như chim, kỳ nhông, chồn, sóc...
"Tôi làm công việc bảo vệ rừng Tháp Lĩnh hàng chục năm nay. Dù người dân địa phương rất có ý thức bảo vệ nhưng ngày nào tôi cũng dạo mấy vòng xem rừng mới yên tâm.
Phải mất hàng trăm năm khu rừng này mới phát triển, cho ra những cây gỗ quý như ngày nay, chúng ta phải bảo vệ cho con, cháu, cho xóm làng", ông Ngân tâm sự.
Đền Cả nằm nép mình dưới chân núi Tháp Lĩnh
Lối mòn trong khu rừng lim quý
Đất lành chim đậu
Nằm nép dưới chân núi Tháp Lĩnh là ngôi đền Cả linh thiêng. Đền thờ thần khai khẩn và các vị công thần có công với đất nước.
Ông Mai Công Định (SN 1942, trú xã Hậu Thành) - người trông coi đền Cả kể lại, vào thời nhà Lê, trong một lần đi qua xã Hậu Thành, đức thánh Nguyễn Hữu Chỉ (quê Thanh Hóa) nhìn thấy núi Tháp Lĩnh phong cảnh hữu tình, là vùng đất lành chim đậu nên đã đưa con cháu đến khai hoang, chiêu dân lập làng.
Ông Mai Huy Định kể về lịch sử đền Cả và rừng lim Tháp Lĩnh
"Để tưởng nhớ công ơn của đức thánh Nguyễn Hữu Chỉ, 5 người dân đã dựng đền Cả dưới chân núi Tháp Lĩnh, gần mộ của ông để hương khói thờ phụng.
Ngày rằm, mồng một, người dân địa phương lại đến thắp hương để tưởng nhớ đến ngài. Vào các dịp lễ, Tết, con cháu hồi hương không quên tới đây gieo quẻ, cầu phúc, cầu an", ông Định nói thêm.
Qua nhiều thế hệ, đền Cả về sau còn thờ thần trăn và các vị công thần có công với đất nước. Theo quan niệm của người dân, thần trăn rất linh liêng, ngài cai quản, bảo vệ rừng lim Tháp Lĩnh. Nếu có kẻ xấu vào phá hoại, chặt phá cây đều bị thần trừng phạt.
Ông Định cho rằng, câu chuyện về thần trăn chỉ là người dân hư cấu để khuyên răn mọi người không được làm tổn hại rừng. Nhờ đó mà từ trẻ con đến người già ở xã Hậu Thành ai cũng có ý thức bảo vệ rừng.
Chặt 1 cây trồng lại 10 cây
Theo ông Định, trước đây, dân làng Đức Hậu (tên gọi cũ của xã Hậu Thành) từng quy định việc bảo vệ rừng Tháp Lĩnh trong hương ước của làng. Theo đó, nếu ai chặt một cây ở rừng thì sẽ bị phạt nặng, buộc phải trồng lại 10 cây khác.
Khu rừng có thảm thực vật phong phú
Trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, bom đạn cày xới mảnh đất Hậu Thành, nhưng cứ một cây lim ngã xuống, dân làng lại cùng nhau trồng lại. Nhờ đó, núi Tháp Lĩnh ngày nay vẫn giữ được vẻ tươi tốt.
Chủ tịch UBND xã Hậu Thành Phạm Văn Luyến cho biết, năm 2001, nhân dân trong xã tổ chức thu gom, nhặt những hạt cây lim xanh rụng xuống để ươm bầu, được trên 500 cây con; đồng thời, làm cỏ, cắt tỉa cành trên 200 gốc lim, gụ, trai có tuổi đời lâu năm.
Ngoài ra, để tránh trâu bò cũng như người ngoài vào xâm hại, xã Hậu Thành xây tường rào hàng km chạy vòng quanh núi để bảo vệ, tu bổ 2 con đường chạy dọc sườn núi và lên đỉnh núi cao gần 150m.
Lim ở núi Tháp Lĩnh chủ yếu là lim xanh và lim sâu róm
Nhiều cây lim cổ thụ có thân to 2 đến 3 người ôm
Theo ông Luyến, hiện vẫn chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể nào về rừng lim Tháp Lĩnh, cũng như xác định độ tuổi những cây cổ thụ.
Năm 2017, rừng Tháp Lĩnh được bàn giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thành quản lý về mặt hành chính. Tuy nhiên, đến nay UBND xã Hậu Thành vẫn trích ngân sách mỗi tháng 2 triệu đồng cho 2 người bảo vệ núi Tháp Lĩnh và đền Cả.
"Đền Cả đã được quy hoạch 0,3ha để tu bổ, xếp hạng di tích nhưng do đền nằm trong đất rừng đặc dụng nên chưa thực hiện được. Đối với người dân xã Hậu Thành, rừng lim Tháp Lĩnh không chỉ là "lá phổi xanh" mà còn là một di sản thiên nhiên quý giá. Tôi mong muốn cấp trên quan tâm hơn nữa, có đề án nghiên cứu, bảo vệ để rừng ngày càng xanh tươi, trù phú", ông Luyến nói thêm.
Không chỉ ông Luyến, ông Định mà ở Hậu Thành ai cũng có tình yêu và trân quý rừng lim cổ thụ này. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng rừng lim vẫn trường tồn, minh chứng cho sức sống kỳ diệu, gắn kết bền chặt của người dân.
Theo Vietnamnet
Cận cảnh hình ảnh hiếm về rắn cầu vồng tái xuất tại Mỹ sau 50 năm Một con rắn cầu vồng siêu hiếm xuất hiện ở Florida, Mỹ. Đây là lần đầu tiên người ta trông thấy nó kể từ năm 1969 Rắn cầu vồng xuất hiện ở Florida, Mỹ Theo tờ CNN, người dân địa phương phát hiện một cá thể rắn cầu vồng bên trong vườn quốc gia Ocala, quận Marion, Florida. Các cán bộ bảo vệ...