Cuộc sống hiện tại của diễn viên Quang Thái – trùm tình báo Tư Chung trong ‘Biệt động Sài Gòn’
‘Nghệ sĩ Quang Thái yếu đi nhiều. Tình cảnh rất thương’ – NSND Anh Tú, Quyền Giám đốc nhà hát Kịch Việt Nam cho biết.
“ Biệt động Sài Gòn” là phim đầu tiên và gần như duy nhất làm về “biệt động thành” – một lực lượng đấu tranh rất đặc thù, gần như chỉ có ở đô thị Sài Gòn từ sau những năm 1961 cho đến thời điểm 30/4/1975.
Nhắc đến bộ phim đình đám một thời này không thể không nói đến vai trùm tình báo Tư Chung do diễn viên Quang Thái thủ vai. Quang Thái vốn là nghệ sĩ sân khấu kịch nói nổi tiếng ở Hà Nội trong thập niên 1970-1980, rẽ ngang sang đóng phim truyện. Khi vào vai Tư Chung – trùm tình báo trong “Biệt động Sài Gòn” ông đã 45 tuổi.
Diễn viên Quang Thái – người vào vai Tư Chung trong phim “Biệt động Sài Gòn” nay đã ngoài 80 tuổi, không còn minh mẫn
Theo một bài báo cách đây 4 năm, diễn viên Quang Thái ở tuổi 78 đã không còn khỏe sau vài lần bị tai biến dẫn đến mất trí nhớ, đi lại khó khăn. Trong bài báo đó, chi tiết khá xúc động được nhắc đến là người nghệ sĩ 78 tuổi vẫn nhớ nguyên vẹn cái tên “Biệt động Sài Gòn”, nhớ “Ni cô Huyền Trang” nhưng lại không nhớ người có tên Quang Thái. Lắm khi ông còn hỏi vợ: “Em đi tìm bà xã về cho anh đi”.
Được biết, thời điểm ấy, nghệ sĩ Quang Thái sống với người vợ thứ 3. Họ bén duyên nhau cũng từ sau phim “Biệt động Sài Gòn”. Lúc ấy, vợ ông – bà Nguyễn Thị Thanh Vang là giáo viên, 30 tuổi, chưa từng lập gia đình. Còn diễn viên Quang Thái đã 48 tuổi, 2 đời vợ và 4 người con.
Cuối cùng vì thương hoàn cảnh của nam diễn viên Quang Thái và yêu cái sự chân thành, giản dị của ông mà bà đồng ý về chung một nhà. Sống với nhau đã 30 năm, hai người không có con chung và những năm gần đây, diễn viên Quang Thái bị tai biến, mất trí nhớ và di chuyển khó khăn. Tuy nhiên, bà Thanh Vang nhất định không thuê giúp việc vì nghĩ “chả ai bằng mình”.
Một số hình ảnh về diễn viên Quang Thái thời điểm năm 2014 và vợ ông – bà Thanh Vang
Bà từng chia sẻ: “Phải biết việc biết tính mới làm được. Ông ấy sống đơn giản nhưng rất trọng lễ nghĩa. Thế nên con cái của hai bà vợ trước không có chuyện “ông nọ bà kia”, đều tự lập và ngoan ngoãn. Giờ mất trí nhớ nhưng đi về quên chưa chào là ông ấy nhắc. Ăn cơm không mời là giận lắm. Riêng chuyện đi vệ sinh, ông ấy sử dụng tiếng Pháp để “nói giảm nói tránh”, cứ dùng như bình thường là ông ấy bảo “em nói bậy bạ gì thế”. Ngày nào cũng phải dùng thuốc để duy trì nhưng nói đến bệnh tật là lại khóc”.
Đó là những câu chuyện, chia sẻ cách đây đã 4 năm. Hiện tại, nghệ sĩ Quang Thái đã ngoài 80 tuổi, vẫn đau ốm liên miên và không thể đi lại được. Theo NSND Anh Tú – Quyền Giám đốc nhà hát Kịch Việt Nam, nghệ sĩ Quang Thái ốm nặng nhiều năm nay. Hàng năm, đại diện nhà hát tới thăm hỏi vào tháng 9.
“Nghệ sĩ Quang Thái yếu đi nhiều. Tình cảnh rất thương. Hàng năm, chúng tôi tới thăm hỏi, động viên các nghệ sĩ, diễn viên, công nhân viên của nhà hát về hưu, tuổi cao sức yếu trong đó có nghệ sĩ Quang Thái” – NSND Anh Tú cho hay.
Diễn viên Quang Thái vào vai trùm tình báo Tư Chung trong phim “Biệt động Sài Gòn” năm ông 45 tuổi
Trả lại tên cho em – Biệt động Sài Gòn
Mr Ngao
Theo nld.com.vn
Ngắm nhan sắc mỹ miều của người đẹp màn ảnh một thời: Ni cô Huyền Trang
Vai diễn ni cô Huyền Trang trong "Biệt động Sài Gòn" của NSƯT Thanh Loan đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả bởi nhan sắc diễm lệ cùng lối diễn chân phương.
Năm 1986, một cơn sốt điện ảnh chưa từng có đổ bộ các rạp khi 4 tập phim 'Biệt động Sài Gòn' được công chiếu. Tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Long Vân, với sự tham gia diễn xuất của các diễn viên Thanh Loan, Hà Xuyên, Thương Tín, Thúy An... đã xô đổ mọi kỷ lục người xem khi đó.
"Biệt động Sài Gòn" đã trở thành bệ phóng tên tuổi cho các diễn viên dù chính hay phụ xuất hiện trong phim. Rất nhiều năm sau đó, mỗi dịp 30/4, 'Biệt động Sài Gòn' được chiếu lại trên nhiều kênh truyền hình. Chính vì vậy dù phim đã ra mắt hơn 30 năm, nhưng những nhân vật như ni cô Huyền Trang, Tư Chung, Sáu Tâm... chưa bao giờ xa lạ với khán giả yêu điện ảnh.
Ấn tượng nhất là vai diễn ni cô Huyền Trang do NSƯT Thanh Loan thủ vai và đây cũng là vai diễn thành công nhất, để đời trong sự nghiệp diễn xuất của bà. Nhiều người vẫn nhớ như in gương mặt đẹp phúc hậu của nữ biệt động che giấu thân phận dưới lớp áo nữ tu - ni cô Huyền Trang. Nhân vật này một thời từng in dấu trong hàng triệu trái tim người xem, như một biểu tượng vĩnh cửu, đại diện cái đẹp thánh thiện, kiên cường của thời chiến.
NSƯT Thanh Loan kể, khi vào vai ni cô Huyền Trang, bà phải xa chồng, gửi con lại cho nhà nội để rong ruổi cùng đoàn làm phim suốt 4 năm ròng. Trong thời gian ấy, bà chỉ thi thoảng được về thăm nhà, chăm con ít ngày rồi lại nhanh chóng trở lại phim trường. Cuộc sống vất vả, điều kiện quay phim thiếu thốn, song cả ê-kip đều dốc lòng, dốc sức để có được tác phẩm để đời như "Biệt động Sài Gòn".
NSƯT Thanh Loan chia sẻ, với các đồng nghiệp trong "Biệt động Sài Gòn", bà ít có điều kiện hội ngộ mọi người. Tuy nhiên, có diễn viên Quang Thái (thủ vai Tư Chung - chồng ni cô Huyền Trang) là cùng ở Hà Nội nên bà có điều kiện gặp hơn: "Cách đây mấy năm, tôi tình cờ gặp anh Quang Thái đi tập thể dục ở hồ Thành Công. Tuy nhiên gần đây, sức khỏe của Quang Thái yếu hơn, anh ấy phải nằm một chỗ vì bệnh tật" - bà trải lòng.
"Vừa rồi, tôi cũng có gặp lại Thương Tín hôm Tín ra mắt cuốn tự truyện Một đời giông bão. Sau bao nhiêu năm, Thương Tín cũng phong trần, sương gió hơn. Sự vất vả của cuộc sống làm anh cũng già và yếu đi nhiều, không còn vẻ lãng tử, đào hoa nữa".
Ở tuổi lục tuần, "ni cô Huyền Trang" vẫn rất trẻ trung yêu đời dù dung nhan mĩ miều ngày nào đã bị thời gian "xâm lấn" ít nhiều
Ở tuổi ngoài 60, NSƯT Thanh Loan vẫn giữ nguyên nét đẹp cổ điển trên gương mặt và sự tươi trẻ trong tinh thần. Sau "Biệt động Sài Gòn", bà chọn cách vắng bóng dần trên màn ảnh với lý do "vì sợ không có vai nào vượt qua được Ni cô Huyền Trang nữa". Điều này với khán giả là một niềm tiếc nuối lớn. Song với Thanh Loan, là một sự "biết đủ". Bà từng tâm sự: "Người phụ nữ có thành công đến bao nhiêu, vinh quang đến bao nhiêu vẫn cần phải giữ lấy ngọn lửa gia đình. Vì thế, tôi lựa chọn trở về với gia đình thay vì tham vọng mà mải mê sự nghiệp".
Chia tay màn ảnh, NSƯT Thanh Loan chuyển sang học đạo diễn và được đề bạt làm Phó Giám đốc Hội Điện ảnh của Bộ Công an. Hiện tại, sau khi nghỉ hưu, bà vẫn tích cực tham gia các hội, đoàn nghề nghiệp. Hiện bà vẫn tới văn phòng làm việc. Với cương vị là Chi hội trưởng Chi hội điện ảnh truyền hình Công an, văn phòng của bà là nơi bạn bè, đồng nghiệp tới chia sẻ về nghề. Bà vẫn đều đặn tự đi xe máy đến nơi làm việc.
Cuộc đời bà là những năm tháng bình yên, hạnh phúc bên người chồng là một GS. TS Toán học. Chồng bà hiện vẫn đều đặn tham gia công tác giảng dạy cao học chuyên ngành Toán - Tin. Các con một trai, một gái đã trưởng thành, lập gia đình, sống quây quần bên bố mẹ tại một khu chung cư cao cấp của Hà Nội. Ngày cuối tuần, NSƯT Thanh Loan dành thời gian chơi với các cháu nội ngoại. Nữ diễn viên cũng tích cực rủ bạn bè đi thiện nguyện, giúp những người khó khăn, với tâm niệm "gieo hạt ngọt được quả ngọt".
Diễn viên Thanh Loan chụp cùng ca sĩ Khánh Ly.
Nhìn lại cuộc đời mình, Thanh Loan cho rằng bà may mắn, đến nay tạm ổn và viên mãn. Đó là nhờ nữ diễn viên chọn cho mình lối sống giản dị, vừa phải, không đòi hỏi quá cao. Trong khi nhiều người thường ấn định hồng nhan là phải truân chuyên, Thanh Loan nói, tất cả là do con người. Đến tận bây giờ, bà vẫn cẩn trọng giữ gìn vẻ đẹp trời cho và hình ảnh của mình, lo ngại cười nhiều khi lên hình có thể làm lộ nếp nhăn, mái tóc chưa kịp nhuộm, dáng ngồi chưa được cân đối. Thanh Loan nói, nhan sắc bố mẹ cho nên mình phải biết ơn, nhưng "đừng làm gì quá kẻo ông trời bắt tội".
Theo Lam Khánh (Gia đình Việt Nam)
Nhan sắc diễm lệ của ni cô Huyền Trang 'Biệt động Sài Gòn' sau gần 4 thập niên giờ ra sao? Vai diễn ni cô Huyền Trang trong "Biệt động Sài Gòn" của NSƯT Thanh Loan đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả bởi nhan sắc diễm lệ cùng lối diễn chân phương. Năm 1986, một cơn sốt điện ảnh chưa từng có đổ bộ các rạp khi 4 tập phim 'Biệt động Sài Gòn' được công chiếu. Tác phẩm...