Cuộc sống của sinh viên quốc tế ở vùng dịch corona
Sushant Shrestha, người Nepal, sinh viên Đại học Đồng Tế chia sẻ những gì anh trải qua khi ở lại Trung Quốc lúc dịch nCoV bùng phát.
Vào tháng 1, mạng xã hội và báo chí bắt đầu lan truyền thông tin dịch viêm phổi do chủng mới của virus corona là tình trạng khẩn cấp, ngày càng có nhiều người nhiễm virus. Điều này đến chỉ một vài ngày trước Tết Nguyên đán khiến những sinh viên quốc tế như tôi thêm sợ hãi, tự hỏi liệu chúng tôi có thực sự an toàn.
Chúng tôi đã nghe tin tức về “một loại virus bí ẩn mới đằng sau bệnh viêm phổi ở Vũ Hán” hồi đầu tháng 1 nhưng chưa bao giờ dự đoán trong 10-15 ngày nữa điều này sẽ trở thành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.
Là sinh viên quốc tế tại Đại học Đồng Tế ở Thượng Hải, đó là trải nghiệm kỳ lạ. Dưới đây là những thay đổi trong cuộc sống của chúng tôi kể từ khi dịch corona bùng phát.
Học kỳ mùa xuân bị hoãn
Tại Đại học Đồng Tế cũng như các trường khác ở Thượng Hải, nhà trường quyết định hoãn việc học cho đến khi có thông báo mới. Đây là biện pháp chủ động trong bối cảnh số ca nhiễm nCoV ngày càng tăng. Hầu hết sinh viên Trung Quốc vẫn ở nhà vì thời điểm dịch bùng phát trùng với kỳ nghỉ đông.
Giảng viên đã khuyên sinh viên đừng vội quay lại cho đến khi có thông báo mới. Các trường đại học sẽ đóng cửa ít nhất là đến ngày 17/2.
Hầu hết sinh viên ở trong ký túc xá quốc tế là sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung. Chúng tôi liên tục được thông báo trong các nhóm WeChat của lớp. Các giảng viên cung cấp tài liệu để tự học trong khi một số môn được học trực tuyến. Thầy cô nỗ lực tối đa để đảm bảo chúng tôi không bị căng thẳng về việc học.
Một góc Đại học Đồng Tế, nơi Sushant theo học. Ảnh: Shutterstock
Video đang HOT
Trường thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, người ngoài không được phép vào trường. Việc kiểm soát này được thắt chặt hơn bao giờ hết kể từ đầu tháng 2. Để đảm bảo 708 sinh viên vẫn còn ở trường được an toàn, bất kỳ ai vào trường đều được yêu cầu kiểm tra thân nhiệt.
Ngoài ra, chúng tôi cũng được yêu cầu điền vào biểu mẫu trực tuyến hàng ngày để xác nhận vị trí, nhiệt độ cơ thể và tình trạng sức khỏe.
Các biện pháp sau đây đã được áp dụng:
- Khẩu trang y tế được phân phát cho mọi sinh viên và chúng tôi được yêu cầu không rời khỏi ký túc xá trừ khi thật cần thiết.
- Căng tin của trường mở cửa với nhiều thực phẩm, nước uống.
- Bất cứ ai không ở ký túc xá từ ngày 21 đến 30/1 đều được yêu cầu cách ly.
Những tư vấn và trợ giúp khác
Chính phủ Trung Quốc đã thiết lập một nền tảng trực tuyến để chúng tôi có thể liên hệ với các bác sĩ trong trường hợp gặp vấn đề tâm lý hoặc khi cảm thấy đang gặp bất kỳ triệu chứng nào do virus corona gây ra.
Đại sứ quán từ một số quốc gia đã tạo các nhóm WeChat để thông báo cho mọi người về việc sơ tán và những sự giúp đỡ cần thiết khác.
Những nơi như ga tàu điện ngầm đã được trang bị máy kiểm tra thân nhiệt.
Khuôn viên trường học
Nói một cách trung thực, trường đại học trông giống như một khu vực hoang vắng. Mặc dù chúng tôi không bị hạn chế đi trong sân trường, mọi người đều sợ hãi và không dám ra khỏi phòng. Dường như tất cả chỉ ở trong phòng, trò chuyện với bạn bè, chơi nhạc, nấu ăn hoặc xem phim. Cá nhân tôi đã giữ cho mình bận rộn bằng cách gặp bạn bè, chơi games và viết lách một chút.
Sinh viên quốc tế cảm thấy thế nào?
Điều này thay đổi rất nhiều tuỳ thuộc vào quốc tịch, cá nhân và quan trọng nhất là vị trí. Nhiều bạn bè của tôi phân vân không biết có nên về nhà hay không.
Nhiều người trong số chúng tôi lo sợ. Một số cảm giác giống như bị tù nhưng một số lại tận hưởng cuộc sống một mình.
Nói tóm lại, các nhà chức trách đang làm hết sức mình để giúp đỡ trong khi chúng tôi chủ yếu bị bó hẹp trong trường đại học. Mọi thứ bên ngoài trông vắng vẻ, từ các thành phố lớn đến đường phố.
Tôi hy vọng Trung Quốc sẽ sớm vượt qua thời điểm khó khăn này và muốn cảm ơn tất cả người hùng đã làm việc không ngừng nghỉ trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Dương Tâm
Theo THE/VNE
Vũ Hán bị cách ly khiến nội bất xuất ngoại bất nhập, hai mẹ con bị chia cắt ở 2 đất nước không rõ ngày nào được đoàn tụ
Người mẹ bất lực phải để con gái 9 tuổi ở lại giữa "ổ dịch" Vũ Hán vì không tìm được cách giúp con rời đi.
Selina, một công dân Úc nhập tịch, đã đưa con gái Theresa của mình về thăm ông bà ở Vũ Hán vào dịp Giáng sinh năm ngoái. Đầu tháng 1, do công việc nên Selina đã trở về Úc một mình và để con gái ở lại Vũ Hán với ông bà.
Ngay sau đó, đại dịch viêm phổi do virus corona gây ra bùng phát tại Vũ Hán đã khiến thành phố này bị phong tỏa, nội bất xuất ngoại bất nhập. Việc đưa con gái Theresa trở lại Úc là một việc khó khăn khiến cho hai mẹ con bị chia cắt và không biết đến ngày nào mới được gặp lại.
Cuối tháng 1 vừa rồi, Chính phủ Úc đã bắt đầu lệnh sơ tán công dân tại Vũ Hán, tuy nhiên, Theresa không được phép lên máy bay vì cô bé không có người giám hộ hợp pháp. Ông bà của Theresa không được lên máy bay sơ tán vì chuyến bay này chỉ phục vụ công dân Úc và vợ chồng, con cái họ.
Selina nói với SCMP rằng: "Làm thế nào mà họ lại có thể cô lập một đứa trẻ. Không phải điều đầu tiên quan trọng nhất là để một đứa trẻ được rời khỏi khu vực này hay sao?"
Người mẹ sau đó đã gọi 4 lần tới Dịch vụ Lãnh sự của Bộ Ngoại giao và thương mại và 2 lần tới Bộ phận kiểm soát biên giới của Úc nhưng chỉ nhận được câu trả lời rằng: "Chúng tôi không thể làm được gì."
Selina sau đó đã gửi đơn để xin được bay từ Úc sang Vũ Hán đón con nhưng bị từ chối dù cô đã đề nghị trả tiền cho chuyến bay. Selina nói: "Tôi nói với họ rằng tôi chỉ ngồi trong máy bay chờ con gái tôi lên, tôi sẽ không rời khỏi máy bay nhưng họ đều từ chối. Họ nói họ không được trang bị cơ sở y tế cho tôi hoặc cho tình huống này."
Chuyến bay cuối cùng đã rời Vũ Hán vào sáng thứ Hai vừa qua và bay đến căn cứ RAAF Learmonth của Exmouth, Tây Úc với 241 hành khách. Những người này được chuyển đến Đảo Giáng sinh để cách ly trong 2 tuần. Có 600 người Úc đã đăng kí ở lại tỉnh Hồ Bắc.
Selina cho biết cô thậm chí sẵn sàng ở trên đảo cách ly cùng với con gái mình nếu cô bé được ra khỏi Vũ Hán. Cô nói: "Tôi không biết khi nào thì con bé mới được trở về. Con bé cần được đi học, cần được chăm sóc và bảo vệ."
Một chuyên gia tư vấn đường dây nóng của Smartraveller đã nói với Selina hôm thứ Ba vừa qua rằng hãy đợi cho đến khi chính phủ Trung Quốc gỡ bỏ lệnh phong tỏa Vũ Hán.
Theo SCMP/nhipsongviet
Thủ tướng Hun Sen không thể đến Vũ Hán do Trung Quốc bận rộn dập dịch Bộ Ngoại giao Campuchia thông báo do Trung Quốc quá bận rộn với công tác dập dịch viêm phổi do chủng mới của vi rút Corona gây ra nên không thể sắp xếp đưa Thủ tướng Hun Sen đến thăm sinh viên Campuchia ở tâm dịch Vũ Hán. Thủ tướng Hun Sen không thể đến thăm Vũ Hán do phía Trung Quốc đang...